‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Trong những ngày hè oi ả của Hà Nội năm 2011, tôi dành phần lớn thời gian làm việc để nghiên cứu hồ sơ vụ án đặc biệt nghiêm trọng Hàn Đức Long ở Bắc Giang.
Công ty luật Hồng Bách khi đó đặt văn phòng tại một căn nhà mặt phố 7 – 8 tầng ở đường Trần Khát Chân – một con đường rộng lớn của Hà Nội mà cách đó không xa là con sông Kim Ngưu với cái tên mang dấu ấn lịch sử nhưng nay đã nặng mùi ô nhiễm vì nước thải dân sinh.
Công ty bố trí cho tôi ngồi ở tầng trên cùng, nơi thực chất là gian thờ và để đồ của tòa nhà. Nhờ vậy, tôi có được không gian riêng, yên tĩnh và độc lập để nghiên cứu.
Bàn làm việc của tôi là một chiếc bàn gỗ kiểu bàn họp hình elip lớn và nặng với trụ chân vững chãi. Tôi bày bộ hồ sơ ra bàn và từng bước xem từng trang tài liệu hồ sơ, đánh dấu bằng bút màu xanh đỏ, đôi khi đối chiếu nhiều trang tài liệu với nhau.
Nhìn qua khung kính, phía bên kia hành lang là phòng của Giám đốc, luật sư Đào Trung Kiên, và một số nhân viên. Anh Kiên thỉnh thoảng sang trao đổi với tôi về các tình tiết vụ án. Anh có giọng nói nhẹ nhàng và người anh thường tỏa ra mùi nước hoa dễ chịu.
***
Trong sự độc lập và tự do hoàn toàn, anh em luật sư chúng tôi đã có những trao đổi thoải mái về vụ án. Chúng tôi đặt ra câu hỏi liệu Hàn Đức Long có oan thật không? Tự bản thân chúng tôi cũng nghi ngờ. Luật sư Kiên nói và tôi cũng đồng tình rằng kẻ nào gây án vụ này thật là tàn bạo quá. Tôi nói nếu Hàn Đức Long không phải là thủ phạm thì phải tìm mọi cách minh oan cho ông ta. Anh Kiên cũng đồng tình.
Niềm tin rằng ông Long bị oan đương nhiên là cái phải có và đủ mạnh mới có thể khiến tôi đeo đuổi kêu oan trong 6 năm trời mà không hề có thù lao, trong khi bản thân tôi cũng chẳng dư dả gì. Niềm tin đó không đến ngay từ đầu mà nó được xây dựng và củng cố dần theo ngày tháng, cùng với quá trình nghiên cứu làm rõ các vấn đề trong hồ sơ.
Ban đầu tôi cũng thấy nản khi mà tài liệu nào cũng thể hiện Hàn Đức Long nhận tội. Những đơn xin tự thú, biên bản ghi lời khai, thư viết về cho vợ đều thể hiện nội dung nhận tội, rồi các bản kết luận điều tra, cáo trạng, bản án sơ thẩm, phúc thẩm trước đó đều có nội dung tương tự. Trong khi đó, những lời kêu oan chỉ được biết đến từ khi mở phiên tòa sơ thẩm lần đầu và như do một thế lực vô hình chi phối, những lời kêu oan đã không được thể hiện rõ ràng mà chỉ được nhắc đến qua quýt tại những biên bản phiên tòa.
Tôi cố gắng đọc thật kỹ các bản khai ban đầu tươi mới nhất của Hàn Đức Long và những người liên quan, hy vọng tìm ra ở đó những kẽ hở manh mối để tìm ra hung thủ và kêu oan. Nhưng tất cả đều có vẻ chặt chẽ cứ như là đã có một sự sàng lọc kỹ lưỡng rồi vậy, tức là nếu có một lời khai nào đó cho thấy khả năng Hàn Đức Long bị oan thì nó sẽ chẳng thể tồn tại trong hồ sơ vụ án.
Đứng trước một vụ án mà mọi tài liệu hồ sơ đều nhằm chứng minh là bị cáo phạm tội, vậy tại sao luật sư nghiên cứu lại cho rằng bị cáo không phạm tội? Như thế có khác nào bức tranh người ta vẽ mùa hè mình xem lại nói đó là mùa đông? Sao có thể trái ngược như vậy? Luật sư thì không có thẩm quyền điều tra, cũng không đưa ra được tình tiết nào mới, quay đi quay lại vẫn chỉ có hồ sơ cũ, vậy căn cứ vào đâu để nói là oan?
Có một nguyên lý là nếu bị cáo là thủ phạm thì mọi tình tiết, hành vi phạm tội, mọi thao tác diễn biến và chứng cứ của vụ án sẽ có tính logic và phù hợp với nhau, giống như những cạnh răng cưa ăn khớp vào với nhau. Nếu bị cáo không phải là thủ phạm thì việc mô tả diễn biến hành vi phạm tội chắc chắn sẽ có những điểm vô lý, vênh nhau, khập khiễng, khiên cưỡng, gò ép giống như những mảnh răng cưa không ăn khớp.
Cơ quan điều tra có thể đã cố gắng chứng minh cho tính logic, phù hợp của các tình tiết, mài mòn đi những chỗ vênh, nhưng sự thật chỉ có một và không thể nào che giấu đi hết được dấu vết của sự khiên cưỡng. Một luật sư có trình độ và trách nhiệm khi nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ sẽ chỉ ra được những chỗ vô lý mà những người xem qua loa sẽ không nhận ra. Điều này giống như một người nhai kỹ miếng cơm sẽ phát hiện ra hạt sạn, trong khi người không nhai kỹ sẽ nuốt luôn mà không phát hiện ra hạt sạn.
***
Trong vụ Hàn Đức Long, lúc đầu nghiên cứu bộ hồ sơ (vốn chưa đầy đủ), tôi nhận định, các tài liệu lời khai vốn được điều tra viên viết ra nên nó đã được sàng lọc qua ý chí chủ quan và thành kiến suy đoán có tội. Khả năng là chỉ có những lời khai nào phù hợp với nội dung Hàn Đức Long là thủ phạm thì mới được ghi chép lại và lưu giữ vào hồ sơ vụ án.
Quả đúng như vậy. Năm 2010, cơ quan điều tra đã phát hiện ra trong tủ hồ sơ của ông Dương Khương Duy là cán bộ điều tra viên vụ án đã chết trước đó có một số tài liệu liên quan đến vụ án Hàn Đức Long nhưng không được đưa vào hồ sơ. Liên ngành tư pháp đã họp bàn và thống nhất đưa các tài liệu trở lại hồ sơ vụ án, các tài liệu được đánh số bút lục từ 1 đến 49. Đến sau khi kết thúc điều tra, luật sư được quyền sao chụp hồ sơ vụ án thì tôi đã sao chụp toàn bộ hồ sơ vụ án lên đến cả nghìn bút lục tài liệu, trong đó có 49 bút lục mới được tìm ra.
Nội dung của 49 bút lục này cho biết, trước khi hai mẹ con bà cụ hàng xóm tố cáo Hàn Đức Long hiếp dâm thì giữa hai gia đình đã xảy ra xô xát. Hàn Đức Long đã xô đẩy bà cụ, giật cây gậy chống tay của bà cụ và đánh con gái bà là Trương Thị Năm.
Ngoài ra, ông Long còn dùng gạch ném và gây thương tích ở đầu cho người con dâu bà cụ là Nguyễn Thị Chung. Chính quyền xã sau đó đã buộc ông Long bồi thường cho Chung 1,6 triệu đồng nhưng Long mới bồi thường được 1,3 triệu. Chung biết chữ và chính là người viết đơn cho mẹ chồng và chị chồng tố Long hiếp dâm. Đây là manh mối quan trọng giúp mở ra cánh cửa kêu oan cho tử tù Hàn Đức Long.
Tôi tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án và chỉ ra nhiều điểm mâu thuẫn vô lý trong hồ sơ. Tôi đã đọc kỹ đến nỗi đã phát hiện ra cả những chi tiết mà khi trao đổi hay phát biểu tại tòa người ta đã nghĩ là tôi dở hơi.
Trong hồ sơ có một số bản khai của một cậu thiếu niên 16 tuổi. Cậu khai rằng, chiều hôm xảy ra án mạng, cậu đi sang nhà cháu bé nạn nhân lúc chập tối và không thấy ai. Cậu đi sang để trả vỏ chai bia nhựa loại 1,5 lít đã mua từ hôm trước. Khi lấy lời khai có cô giáo của cậu tham dự. Tại một bản khai, cậu ta khai là đi bằng xe đạp, khoảng một tuần sau ghi lại lời khai thì cậu khai đi bằng xe máy. Tôi đặt câu hỏi là tại sao cậu ta thay đổi lời khai, do vô tình hay cố ý, nếu nói dối thì vì sao?
Tại phiên tòa, tôi nêu chi tiết cậu thiếu niên này là người duy nhất thừa nhận đã đến nhà cháu bé tối hôm đó và không thấy ai, trong lời khai của cậu lại có chi tiết không rõ ràng, vậy cần nghi ngờ cậu ta. Phía gia đình cháu bé lập tức đứng dậy chửi tôi và nói cậu ta là anh em họ hàng với cháu bé nạn nhân. Họ gây ầm ĩ tại phiên tòa nên tôi dừng lại và phát biểu sang đoạn khác của bản luận cứ đã chuẩn bị trước.
Khi ra về, ngồi trên xe luật sư đồng nghiệp trách tôi là đã không nghiên cứu kỹ để biết được họ là anh em họ hàng với nhau. Tôi bảo là nội dung đó không thể hiện trong hồ sơ, nhưng ngay cả người trong họ hàng thì vẫn phải nghi ngờ.
Việc tôi tìm ra điểm nghi vấn cậu thiếu niên đi xe đạp hay xe máy đến nhà cháu bé là muốn làm rõ tất cả những điểm nghi vấn trong hồ sơ mà tôi phát hiện ra. Đó là những điểm sai hiếm hoi trong bộ hồ sơ đã được sàng lọc kỹ. Chi tiết đó quá nhỏ khiến ngay cả điều tra viên cũng không chú ý đến, chỉ có những người nghiên cứu kỹ mới chỉ ra được.
Tuy nhiên, những nỗ lực của tôi trở nên vô vọng vì thời gian xảy ra đã lâu, cơ quan điều tra không làm rõ được. Về sau này, sau khi bản án bị hủy và yêu cầu điều tra lại, tôi trình bày nghi vấn này bằng văn bản và trao đổi miệng với điều tra viên, nhưng tôi không biết họ có làm gì để làm rõ sự việc hay không, và tới nay vẫn chưa tìm thấy hung thủ thực sự.
***
Không chỉ có thế, tôi phát hiện ra một điểm mâu thuẫn hết sức vô lý tồn tại chình ình ngay trong hồ sơ vụ án mà không hiểu sao các cán bộ tư pháp không nhận ra và bỏ qua, trong khi nếu tính đến chi tiết này thì không thể kết tội ông Long được. Đó là vấn đề về thời điểm chết của cháu bé.
Cơ quan điều tra xác định thời điểm chết dựa vào độ phân hủy lượng thức ăn đã nhuyễn có trong dạ dày nạn nhân. Họ giám định và cho kết luận cháu bé chết trong khoảng thời gian cách bữa ăn cuối cùng từ bốn đến sáu giờ.
Một tài liệu khác lấy lời khai hỏi bố mẹ cháu thì được biết cháu ăn bữa cuối cùng lúc mười hai giờ trưa cùng ngày, từ đó suy ra cháu bé chết trong khoảng thời gian từ bốn đến sáu giờ chiều.
Trong khi đó, cũng theo các tài liệu điều tra khác có trong hồ sơ thì chiều hôm đó, lúc 6 giờ 30 phút, Hàn Đức Long mới đi ra quán xay xát thóc, và trong lúc chờ đợi đến lượt mình thì đi qua nhà cháu bé gây án.
Các thông tin về thời gian này đều là kết quả điều tra nhưng nó đã không được khớp nối lại. Nó chỉ ra rằng thời điểm cháu bé chết đã xảy ra trước khi Hàn Đức Long đi ra quán xay xát thóc. Các cán bộ tư pháp đã cố tình lờ đi điểm bất hợp lý trong nội dung kết quả điều tra của chính họ. Họ cố ý để các mốc thời gian được thể hiện rời rạc trên các tài liệu điều tra khác nhau mà không được khớp nối lại để cho ra kết quả thông tin có ý nghĩa trong việc xác định sự thật của vụ án.
(Còn nữa)
Về tác giả:
Luật sư Ngô Ngọc Trai là Giám đốc Công ty luật TNHH Công Chính có trụ sở tại Hà Nội. Ông là luật sư của tử tù Hàn Đức Long trong hơn 5 năm, trước khi ông Long được trả tự do vào ngày 20/12/2016 sau bốn lần bị tuyên án tử hình. Ông cũng đồng thời là cây viết bình luận về các vấn đề tư pháp hình sự.