‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Tháng 9. Trời đã vào thu nhưng vẫn nắng gắt. Rời phiên tòa vào lúc giữa trưa, xe đưa chúng tôi chạy về Bắc Ninh và rẽ vào một quán cơm. Chúng tôi mỗi người uống một cốc bia cho mát rồi ăn cơm luôn để về Hà Nội. Chẳng có tâm trạng nào mà nhậu nhẹt. Ai cũng không vui vì kết quả phiên tòa không được như ý muốn mặc dù cũng đã có dự liệu từ trước.
Sau hôm về Hà Nội, một anh luật sư đồng nghiệp gọi tôi ra quán café nói chuyện. Anh nói rằng luật sư mình hành nghề nhiều cái ngang trái, nói đúng nhưng chẳng được lắng nghe, muốn đạt được thì phải chạy vạy xin xỏ, nhiều khi làm miễn phí nhưng các cơ quan họ không làm không công. Tôi im lặng lắng nghe mà chẳng biết nói gì.
Sau đó thì hồ sơ vụ Hàn Đức Long cũng được xếp lên giá. Thông thường, sau phiên tòa sơ thẩm mọi việc sẽ kết thúc cho đến khi khách hàng tiếp tục nhờ luật sư ở phiên phúc thẩm. Tôi tập trung vào giải quyết các vụ án khác, coi như đã hoàn tất một vụ án lớn của công ty mà hầu như mọi luật sư và nhân viên văn phòng đều quan tâm.
Vào một ngày sau đó thì bà Nguyễn Thị Mai và ông Hàn Đức Minh đến công ty làm việc. Hôm đó tôi phải đi công tác ở tỉnh nên không có mặt. Khỏi phải nói là bà Mai đã hy vọng nhiều và thất vọng nhiều, nhưng đó là điều dễ hiểu trong bối cảnh của nền tư pháp Việt Nam, chứ nếu mà ông Long được minh oan trả tự do tại phiên tòa thì lại là điều nằm mơ mới thấy.
Mặc dù luật sư đã cố gắng nhưng kết quả không đạt được và công ty dừng việc bào chữa cho ông Hàn Đức Long. Việc bào chữa cho ông Long ở phiên phúc thẩm sau đó do luật sư Phạm Văn Cương thực hiện. Luật sư Cương cũng là người cộng tác tại công ty luật cùng chúng tôi trước đó rồi tách ra mở văn phòng riêng. Luật sư Cương nguyên là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, tuy đã về hưu nhưng sức khỏe còn tốt và ông luôn tỏ ra là người nhanh nhẹn, sắc sảo trong công việc.
Khi tôi theo học ngành luật và hành nghề luật sư, gia đình không có ai làm trong lĩnh vực tư pháp và chẳng ai có thể đưa ra lời khuyên chuyên môn nào cho tôi. Tự bươn chải giúp tôi cứng cỏi, nhưng khí chất cứng cỏi nhiều khi cũng gây khó khăn cho các mối quan hệ.
Khi hành nghề, tôi dành mối quan tâm và lên tiếng trước các vấn đề của nền tư pháp. Ngay trong nghề luật sư cũng còn tồn tại nhiều những yếu kém ngang trái khiến cho người luật sư có vị trí thấp trong xã hội và luôn bị các cơ quan hành chính tư pháp gây khó dễ. Có điều, những mối bận tâm của tôi lại là điều các đồng nghiệp làm việc cùng không mong muốn.
Là một nhân viên làm việc trong một tổ chức bạn phải dung hòa giữa ý chí cá nhân và lợi ích của tổ chức. Thực sự là rất khó để là một công dân có ý thức trách nhiệm và sống theo đúng ý mình. Bạn cần lựa lời để bày tỏ quan điểm cá nhân, nhất là trong bối cảnh các phương tiện truyền thông và mạng xã hội lại phổ biến như hiện nay, khiến cho việc trao đổi, bàn luận trở nên rất dễ dàng
Và rồi như một điều tất yếu phải đến, tôi chia tay công ty mình làm việc vì sự khác biệt về nhận thức làm nghề. Thật khó trách nhau trong những sự việc như vậy vì ai cũng có cái đúng và ai cũng có cái sai. Nguyên nhân xuất phát từ những vấn đề rộng lớn hơn mà bản thân chúng tôi chỉ là những thực thể bé nhỏ tồn tại và hoạt động trong môi trường đó.
Thời gian nghỉ rồi tìm nơi làm việc mới thật là một mối chán chường. Mỗi khi rơi vào giai đoạn đó là cả một sự khủng hoảng, rất lạ là tôi lại rơi vào nhiều lần và rồi cũng lại vượt qua nhanh. Chính cái tính cách độc lập khiến tôi rơi vào tình cảnh đó lại cũng giúp tôi vượt qua khó khăn. Với năng lực làm việc cùng ý thức trách nhiệm, tôi luôn nhanh chóng tìm được nơi làm việc mới.
Khi biết kết quả của phiên tòa phúc thẩm sau đó ông Hàn Đức Long vẫn bị tuyên có tội với mức án tử hình, tôi đã băn khoăn mặc dù không còn vai trò gì trong vụ án. Tôi đã chủ động viết đơn kêu oan cho ông Hàn Đức Long và gửi đi các nơi.
Sau phiên phúc thẩm thì các giấy chứng nhận người bào chữa đều hết giá trị. Bản án khi đó đã có hiệu lực. Căn cứ theo quy định tại Điều 274, Bộ luật Tố tụng Hình sự thì người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi công dân có quyền phát hiện những vi phạm pháp luật trong các bản án và quyết định của Tòa án và thông báo cho những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Dựa vào đó, tôi lấy tư cách một công dân và hơn thế là với tư cách một luật sư từng tham gia bào chữa, làm đơn kêu oan cho tử tù Hàn Đức Long và gửi đến các cơ quan tư pháp trung ương, cũng như gửi đến Chủ tịch nước đề nghị xin ân giảm án tử hình.
Đến cuối năm 2012 và sang đầu năm 2013, tôi thành lập Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự thuộc Đoàn luật sư tỉnh Nam Định (khi đó tôi vẫn là thành viên thuộc Đoàn luật sư Nam Định, mặc dù hoạt động ở Hà Nội). Tôi thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc kêu oan.
Tôi liên hệ lại với gia đình ông Hàn Đức Long và gặp ông Hàn Đức Minh, anh trai ông Long. Ông Minh trước đó là người liên hệ với chúng tôi trong các công việc. Đáng tiếc là ông Minh đã mất hồi tháng 3/2016 khi chưa được chứng kiến ngày ông Long được minh oan trở về.
Trao đổi với luật sư, ông Minh nhiều lần nói căn rơm cắn cỏ nhờ anh cứu giúp. Tôi bảo không cần phải nói thế vì tôi làm bằng lương tâm nghề nghiệp. Tôi chủ động soạn văn bản, ký đóng dấu tổ chức hành nghề luật sư để gửi đi các nơi.
(Còn nữa)
Bạn đọc đã đi qua sáu kỳ trong loạt bài hồi ký của luật sư Ngô Ngọc Trai. Những diễn biến tiếp theo của vụ án lịch sử này sẽ được tác giả và Luật Khoa truyền tải đến bạn đọc sau dịp Tết Nguyên đán 2017.
Về tác giả:
Luật sư Ngô Ngọc Trai là Giám đốc Công ty luật TNHH Công Chính có trụ sở tại Hà Nội. Ông là luật sư của tử tù Hàn Đức Long trong hơn 5 năm, trước khi ông Long được trả tự do vào ngày 20/12/2016 sau bốn lần bị tuyên án tử hình. Ông cũng đồng thời là cây viết bình luận về các vấn đề tư pháp hình sự.