Hạ viện Anh thông qua luật đóng băng tài sản người vi phạm nhân quyền trên thế giới

Hạ viện Anh thông qua luật đóng băng tài sản người vi phạm nhân quyền trên thế giới
Anh quốc có đủ sức mạnh kinh tế, chính trị để luôn có thể ‘chính trực’? Đặc biệt sau Brexit? (Ảnh: thenational.ae)

Sau Mỹ và Estonia, Anh có thể sớm trở thành nước thứ ba có luật đóng băng tài sản tại Anh của những người vi phạm nhân quyền ở bất kỳ đâu trên thế giới. 

Sau khoảng 5 tiếng đồng hồ tranh luận, ngày 21/2, Hạ viện Anh đã thông qua Dự luật Tài chính Hình sự (Criminal Finances Bill). Dự luật này có mục đích thắt chặt các quy định về chống nạn rửa tiền và ngăn chặn tài chính dành cho tội phạm và các tổ chức khủng bố tại Anh.

Những nội dung quan trọng của đạo luật này xuất phát từ vụ việc Sergey Magnitsky, một luật sư chống tham nhũng tại Nga, bị chính quyền Nga tống giam, ngược đãi, và bỏ mặc cho chết trong nhà tù năm 2009.

Dự luật này cần phải được Thượng viện Anh phê chuẩn nữa thì mới có hiệu lực.

Nước Anh không quên Magnitsky

Thứ trưởng Bộ Nội Vụ phụ trách an ninh nội địa Ben Wallace, người đại diện chính phủ Anh trong phiên tranh luận hôm qua, xác nhận rằng chính phủ Anh “đặc biệt quan ngại” với cái chết của luật sư Sergey Magnitsky. Theo ông Wallace, chính phủ Anh có cam kết luôn luôn phát huy và củng cố việc bảo vệ các quyền con người được thừa nhận trên toàn cầu (universal rights).

Đám tang của Sergey Magnitsky tại Nga năm 2009. Ảnh: Reuters.

Vị thứ trưởng này cũng nhắc đến Đạo luật Magnitsky được chính phủ Obama thông qua tại Mỹ năm ngoái. Ông xem đạo luật này đưa ra một tín hiệu quan trọng rằng mọi hành vi vi phạm nhân quyền đều phải gánh chịu hậu quả.

Tuy nhiên, ông Wallace nhấn mạnh rằng hệ thống luật pháp Anh quốc là một hệ thống riêng biệt, và cách mà hệ thống đó góp phần bảo vệ nhân quyền trên thế giới cũng sẽ khác.

Hạ nghị sỹ Dominic Raab, một cựu thứ trưởng thuộc đảng Bảo thủ, đề xuất một sửa đổi bổ sung mang tên Bổ sung Magnitsky để vinh danh vị luật sư dũng cảm.

Ông Raab nhấn mạnh bất công mà luật sư Magnitsky đã phải gánh chịu, bao gồm cả việc bị chính quyền Nga kết án tội lừa đảo sau khi chết.

Ông chỉ ra rằng, liên quan trực tiếp đến cái chết của Magnitsky, đã có hàng chục triệu bảng Anh tiền biển thủ, tham nhũng trong nhiều năm được tuồn từ Nga vào Anh quốc để ‘rửa’ trong khi các cơ quan nhà nước Anh vẫn bị động, chưa làm gì nhiều để ngăn chặn các dòng tiền bẩn này.

“Không có ai mong muốn Anh quốc trở thành một trung tâm cạnh tranh toàn cầu thu hút đầu tư và đón chào nhân tài quốc tế nhiều hơn tôi đây. Nhưng tôi cũng muốn chúng ta được thế giới biết đến vì sự chính trực của mình, vì sự trung thành của chúng ta với pháp quyền (rule of law) và sự tuân thủ triệt để ngay cả những nguyên tắc đạo đức cơ bản nhất của chúng ta.” – hạ nghị sỹ Raab chia sẻ.

Hạ nghị sỹ Dominic Raab (Ảnh: Richard Gardner/REX/Shutterstock)

Hạ nghị sỹ Jonathan Djanogly của đảng Bảo thủ, một cựu luật sư, thì tưởng tượng đặt mình vào vị trí của luật sư Magnitsky.

Djanogly bảo rằng ông nghĩ mình cũng sẽ làm điều Magnitsky đã làm, đứng lên cho lẽ phải. Tuy nhiên, vị hạ nghị sỹ này nhận ra rằng mình đang ‘nói dễ hơn làm’, vì khi chọn việc đứng lên, Magnitsky đã phải chọn việc chống lại cả một hệ thống tham nhũng cấu kết với nhau tại Nga: chính trị gia, quan chức nhà nước, thẩm phán, cảnh sát v.v.

“Làm sao mà Putin và băng đảng của ông ta có thể thoát tội như thế? Ít ra dưới thời cộng sản, [ở Nga] còn có một niềm tin, một hệ tư tưởng, một lý do để tồn tại, cho dù có là lầm lạc. Còn bây giờ, ở đó chẳng có một niềm tin nào, ngoài một thứ: tiền bạc” – hạ nghị sỹ Djanogly nói.

Djanogly tranh luận rằng số phận thảm thương của Magnitsky càng làm quan trọng thêm việc phải có những chế tài hữu hiệu để ‘đánh’ những cá nhân, quan chức tham nhũng, đàn áp vi phạm nhân quyền tại nơi mà họ đau nhất: túi tiền.

Trong một ngày hiếm hoi tại Hạ viện Anh, hầu như mọi đảng phái đều đồng lòng ủng hộ việc phải làm cho những người vi phạm nhân quyền không thể nào tiếp tục ung dung ‘rửa’ tiền, tiêu tiền tại Anh nữa. Tuy nhiên, câu hỏi ‘làm thế nào?’ lại vẫn gây ra tranh luận nóng bỏng.

‘Luật Magnitsky’ phiên bản cứng hay ‘Luật Magnitsky’ phiên bản mềm?

Bất đồng chính tại Hạ viên Anh hôm qua về các sửa đổi bổ sung mang tinh thần Magnitsky nằm ở mức độ mạnh mẽ của luật.

Phiên bản ‘Luật Magnitsky’ cứng chính là Bổ sung Magnitsky – số hiệu NC1 do hạ nghị sỹ Dominic Raab đề xuất.

Phiên bản này tận dụng mạnh mẽ hệ thống tòa án Anh: bất kỳ cá nhân nào, tổ chức phi chính phủ nào cũng có thể đâm đơn lên Cao đẳng Pháp viện Anh (High Court) để tố giác các cá nhân vi phạm nhân quyền đang có tài sản tại Anh. Tòa sẽ xem xét bằng chứng và quyết định xem có đúng là cá nhân đó vi phạm nhân quyền và đang có tài sản tại Anh hay không. Nếu đúng, tòa sẽ ra lệnh đóng băng tài sản của cá nhân đó.

Thứ trưởng Wallace của chính phủ Anh cương quyết phản đối một mức độ luật mạnh mẽ như thế. Ông cho rằng không thể biến hệ thống tòa án Anh thành một ‘cái chợ kiện tụng’, cho phép bất kỳ ai khinh ghét các cựu quan chức tham nhũng, vi phạm nhân quyền cũng có thể nộp đơn lên tòa bất kể có bằng chứng đủ mạnh hay không.

Theo ông Wallace, nếu làm thế, hệ thống tòa án Anh có thể phải tiêu phí thời gian, công sức một cách vô ích nhằm vào các mục đích bài bác, bôi nhọ quan chức, thay vì thực sự phục vụ công lý (bởi vì, ngay cả khi không có bằng chứng đủ mạnh để xin được lệnh tòa, do tính chất công khai của hệ thống tòa án Anh, việc một cựu quan chức nước ngoài bị lôi ra tòa án đã tự nó có thể xem là một màn PR đình đám đủ khả năng lôi kéo báo đài quốc tế).

Thứ trưởng an ninh quốc gia Ben Wallace (Ảnh: flickr.com/photos/number10gov/)

Đáp lại đề xuất của hạ nghị sỹ Raab, chính phủ Anh đề xuất một phiên bản ‘Luật Magnitsky’ mềm (số hiệu NC7) gần giống với nguyên bản Đạo luật Magnitsky Hoa Kỳ ở khía cạnh chế tài tài chính: việc điều tra, xem xét chứng cứ và quyết định có nộp đơn lên tòa án tại Anh để xin lệnh đóng băng tài sản các cá nhân vi phạm nhân quyền hay không phải do các cơ quan nhà nước Anh phụ trách.

Mọi tố cáo, bằng chứng về các cá nhân vi phạm nhân quyền có tài sản ở Anh phải được gửi cho một nhà chức trách, như Sở Tội phạm Quốc gia (National Crime Agency), hay Cục Điều tra Gian lận Nghiêm trọng (Serious Fraud Office).

Việc điều tra của các cơ quan nhà nước Anh như thế sẽ nằm trong phạm vi bí mật, thay vì công khai. Đồng thời, theo một số hạ nghị sỹ, lựa chọn này làm dấy lên lo ngại rằng việc điều tra sẽ phải chịu ảnh hưởng của các áp lực chính trị từ bên trong chính phủ (áp lực ngoại giao, kinh tế có thể khiến việc điều tra một số quan chức, cựu quan chức nước ngoài trở nên ‘nhạy cảm’, ‘không có lợi về mặt chính trị’).

Mặt khác, do phạm vi của sửa đổi bổ sung luật lần này chỉ liên quan đến các vấn đề tài chính tội phạm, các thay đổi của phiên bản ‘Luật Magnitsky’ trong Dự luật Tài chính Hình sự sẽ không có khả năng áp đặt một chế tài phi tài chính lên các tội phạm vi phạm nhân quyền (ví dụ: cấm quá cảnh, nhập cảnh)

Sau khi bị ‘nướng’ thêm bởi một loạt câu hỏi từ các hạ nghị sỹ, Thứ trưởng Wallace phải đưa ra một số bảo đảm rằng các cơ quan chức trách Anh sẽ tận dụng tối đa luật mới này để tích cực điều tra, ra sức ngăn chặn các tài sản và dòng tiền bẩn tại Anh phục vụ những người vi phạm nhân quyền, đồng thời các bộ ngành có trách nhiệm sẽ phải báo cáo hiệu quả công việc rõ ràng bằng thống kê cụ thể và công khai.

Sau khi lắng nghe trình bày của Thứ trưởng Wallace, hạ nghị sỹ Dominic Raab thể hiện sự biết ơn với các bảo đảm của chính phủ và tuyên bố xin rút lại Bổ sung Magnitsky của mình.

Theo đó, phiên bản ‘Luật Magnitsky’ của chính phủ Anh trở thành phiên bản được đưa vào Dự luật Tài chính Hình sự và được Hạ viện thống nhất thông qua.

Anh quốc có đủ sức mạnh kinh tế, chính trị để luôn có thể ‘chính trực’? Đặc biệt sau Brexit? (Ảnh: thenational.ae)

Tương lai của ‘Luật Magnitsky’ tại Anh và trên thế giới

Dự luật Tài chính Hình sự bây giờ sẽ được đưa lên Thượng viện Anh để viện này xem xét và bỏ phiếu.

Phiên bản ‘Luật Magnitsky’ đã nhận được đồng thuận sâu sắc tại Hạ viện nên nhiều khả năng sẽ được các thượng nghị sỹ giữ nguyên (tuy nhiên không loại trừ khả năng các thượng nghị sỹ có cùng quan điểm với hạ nghị sỹ Dominic Raab và nhiều thành viên hạ viện khác trong việc phải có chế tài mạnh mẽ, công khai hơn nữa chống lại những người vi phạm nhân quyền).

Nếu Dự luật Tài chính Hình sự được Nghị viện Anh chính thức thông qua, Anh quốc sẽ là nước thứ ba trên thế giới có luật trừng phạt (dù chỉ là tương đối về mặt tài chính, tài sản) những người vi phạm nhân quyền quốc tế (sau Mỹ và Estonia).

Trong khối EU và tại Canada đều đã có một số lời kêu gọi xây dựng và ban hành ‘Luật Magnitsky’ tuy nhiên chưa có dấu hiệu điều này sẽ trở thành sự thật trong tương lai gần. Các nhóm hoạt động nhân quyền và các tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền, chống tham nhũng vẫn đang vận động mạnh mẽ cho việc áp dụng các chế tài quốc tế theo tinh thần Magnitsky.

Ít ra cho tới lúc này, những người vi phạm nhân quyền sẽ phải lo lắng hơn về triển vọng tuồn tiền của tới một trọng điểm tài chính quốc tế là Anh quốc.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.