‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Khi tham gia bào chữa, kêu oan cho tử tù Hàn Đức Long, tôi đã được chứng kiến nhiều nỗi đau. Đó là nỗi đau của cặp vợ chồng trẻ bị mất đi đứa con thơ, hay đó là nỗi đau của người vợ trẻ bị lấy đi mất người chồng và chịu muôn phần cay đắng tủi nhục.
Tôi còn thấy tấm lòng và sự hy sinh của người vợ dành cho người chồng đang dính vòng lao lý, không chỉ trong vụ án này mà còn nhiều vụ án khác.
Những người vợ này mặc dù đã bị các cơ quan tư pháp giở thủ đoạn làm mất niềm tin vào sự vô tội của chồng mình, như việc họ được cho nghe những đoạn ghi âm tiếng nói của chồng nhận tội, hay như họ đã nhận được những bức thư do chồng viết gửi về nhận tội. Nhưng các bà vợ đã không tin là chồng mình có tội.
Ông Hàn Đức Long và vợ, bà Nguyễn Thị Mai, trong cái Tết đầu tiên sau khi được trả tự do. Ảnh: VietNamNet.Ở nông thôn, hiểu biết hạn chế, nhưng tấm lòng vì chồng đã giúp họ vượt qua những thách thức trở ngại, họ tìm đến những người có thể giúp đỡ và khi nhìn vào họ thì thật không khỏi xót thương. Đó cũng là một cơ sở tạo niềm tin cho luật sư kêu oan.
Người chồng theo đó như là phần vốn liếng ít ỏi của chuyến đi buôn cuộc đời của những người phụ nữ, đó giống như là phần nhựa sống của một cái cây, mà nếu thiếu đi thì cái cây sẽ khô héo và cuộc đời mất đi ý nghĩa.
Trước đây trong nền văn học có hình ảnh chị Dậu và câu nói “Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem” đã từng được xem như một sự quật cường của người phụ nữ phát tiết ra cũng bởi tấm lòng thương chồng.
Ngày nay, tấm lòng vì chồng có thể được nhìn thấy qua hình ảnh những người phụ nữ đã đeo đuổi cả chục năm trời kêu oan giành giật lại người chồng, mà xét cho đến cùng thì nếu muốn tìm một biểu trưng cho tấm lòng người vợ hết lòng vì chồng thì tốt lắm cũng chỉ làm được như đến họ mà thôi.
***
Đứng trước những nỗi đau tận cùng như vậy và thấy được đầy rẫy những bất cập của nền tư pháp hình sự, nếu có lương tâm thì tôi hay bất kỳ người nào đều sẽ bị thôi thúc hành động và dễ trở thành một người mang khát vọng cải cách xã hội.
Theo đó, tôi dần xác định ra rằng, minh oan cho tử tù Hàn Đức Long là một mục tiêu lớn nhưng đó không phải là tất cả. Xa hơn nữa và lớn hơn là mục tiêu thúc đẩy xây dựng một nền tư pháp Việt Nam công minh, tiến bộ, kiến tạo môi trường pháp lý an toàn cho các quyền công dân.
Hai mục tiêu này song hành, bổ trợ cho nhau. Vụ án oan giúp nhìn ra các vấn đề của nền tư pháp, và khi chỉ ra luận giải qua các bài báo thì lại khiến các cơ quan ban ngành tư pháp quan tâm, chú ý đến vụ án Hàn Đức Long.
Tôi đã từng muốn các cơ quan, ban ngành tư pháp xem vụ án Hàn Đức Long là một điển hình, muốn họ minh oan cho ông Long và viện dẫn vụ án này như một dẫn chứng cho những sửa đổi cải cách pháp luật, vì ẩn giấu đằng sau vụ án oan này là tất cả những vấn đề nổi cộm nhất của nền tư pháp hình sự.
Đó là vấn đề bức cung, nhục hình; là sự thiếu vắng vai trò của luật sư bào chữa lúc ban đầu; là vì không có ghi âm, ghi hình khi hỏi cung nên lúc bị can nhận tội đã thiếu cơ sở để ghi nhận lại; là tình trạng án xử được duyệt từ trước mà không căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa .v.v.
Nhưng các cơ quan ban ngành đã không làm theo và dường như họ đã có kế hoạch của họ. Đó là trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn.
Hai vụ án Hàn Đức Long và Nguyễn Thanh Chấn có nhiều điểm trùng hợp kỳ lạ. Ảnh: Vitalk.Tháng 11/2013, trên diễn đàn báo chí nổ ra vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn cũng ở Bắc Giang với hàng nghìn bài báo viết về vụ án này. Sau mười năm đi tù, nhờ người vợ và gia đình nỗ lực tìm cách cứu giúp, hung thủ thật sự đã bị bắt và ông Chấn được minh oan.
Vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn đã được coi như một điển hình và là vụ án hình sự nổi bật nhất lúc bấy giờ. Các khía cạnh, tình tiết của vụ án đã được khai thác, sử dụng để phân tích, viện dẫn khi các cơ quan ban ngành thảo luận về chính sách, ví như việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành Tạm giữ, Tạm giam và Luật Điều tra Hình sự.
Vụ án của ông Hàn Đức Long khi đó cũng đã được báo chí phản ánh và các ban ngành nhắc đến song ít hơn. Thay vì phải trông đợi vào các cơ quan ban ngành, tự bản thân tôi xúc tiến việc truyền tải thông tin vụ án này tới cộng đồng, ban ngành thông qua các hoạt động viết báo và mạng xã hội.
Tôi đã viết hàng chục bài báo có nhắc đến vụ án Hàn Đức Long như các bài “Phá án bằng bức cung nhục hình?”, “Yếu kém trong hoạt động điều tra”, “Pháp luật lệch lạc dẫn đến án oan”…
Tôi cũng không bỏ qua vụ án Nguyễn Thanh Chấn như một cơ sở để kêu oan. Tôi đã đọc hàng loạt những bài báo viết về vụ Nguyễn Thanh Chấn thì thấy hóa ra hai vụ án này có rất nhiều điểm giống nhau.
Vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn xảy ra năm 2003, còn vụ ông Hàn Đức Long xảy ra năm 2005, cách nhau hai năm. Do cùng là trọng án giết người hiếp dâm xảy ra ở tỉnh Bắc Giang nên việc điều tra, truy tố và xét xử cùng được thực hiện bởi một số cơ quan, cán bộ tư pháp tỉnh này.
Đặc biệt hơn, vụ án được giải quyết bởi cùng một số cán bộ tư pháp, cùng điều tra viên, cùng kiểm sát viên, cùng thẩm phán, lối làm án và viết án giống nhau. Ví như trước khi hiếp dâm bị cáo đều nói với nạn nhân là “cho xin một cái”, cả hai vụ đều mô tả tình tiết gây án tình cờ khi đi qua nhà nạn nhân .v.v. và nhiều điểm chung khác.
Những điểm chung này giúp tôi củng cố quan điểm nhận định kêu oan. Ngoài ra, chúng có tính hấp dẫn nên tôi đã gửi các cơ quan báo chí đưa tin và tự bản thân nhắc lại nhiều lần trong các hoạt động kêu oan của mình.
***
Cùng khoảng thời gian kêu oan cho tử tù Hàn Đức Long thì Đảng Cộng sản Việt Nam tái lập lại Ban Nội chính Trung ương, một cơ quan lớn có ảnh hưởng tới các cơ quan tư pháp bao gồm cơ quan điều tra, truy tố và xét xử.
Nắm được thông tin, tôi đã gửi đơn kêu oan tới Ban Nội chính với ý kiến rằng: Chúng tôi nhận thức rằng Ban Nội chính Trung ương có thẩm quyền và trách nhiệm xem xét lại vụ án oan sai Hàn Đức Long vì vụ án này có liên quan đến hoạt động của các cơ quan thuộc khối nội chính (gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án), và liên quan đến sửa đổi một số quy định của bộ luật tố tụng hình sự thuộc công tác xây dựng pháp luật thuộc mảng vấn đề thẩm quyền của Ban.
Ngày 4/5/2013, Ban Nội chính trả lời cho biết đã chuyển đơn kêu oan đến ông Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật. Sau đó người bên Ban Nội chính liên hệ mời tôi đến đề nghị cung cấp hồ sơ vụ án và trình bày một số vấn đề liên quan.
Trân trọng sự quan tâm của Ban Nội chính Trung ương, khi đó là cơ quan duy nhất hồi đáp lại những văn bản luật sư gửi đi, tôi soạn văn bản tổng hợp lại các ý kiến nhận định kêu oan, nhằm giúp họ nắm bắt các thông tin, diễn biến về vụ án qua đó ngõ hầu có hy vọng sáng sủa hơn cho số phận của tử tù.
(Còn nữa)
Về tác giả:
Luật sư Ngô Ngọc Trai là Giám đốc Công ty luật TNHH Công Chính có trụ sở tại Hà Nội. Ông là luật sư của tử tù Hàn Đức Long trong hơn 5 năm, trước khi ông Long được trả tự do vào ngày 20/12/2016 sau bốn lần bị tuyên án tử hình. Ông cũng đồng thời là cây viết bình luận về các vấn đề tư pháp hình sự.