Lý Hiển Long: Một đảng cầm quyền không có nghĩa chính trị Singapore không cởi mở

Lý Hiển Long: Một đảng cầm quyền không có nghĩa chính trị Singapore không cởi mở

Thủ tướng Lý Hiển Long vừa lên tiếng bác bỏ khẳng định của một phóng viên BBC rằng Singapore không phải là một nền dân chủ thành công.

Người dẫn chương trình HARDTalk của đài BBC Stephen Sackur (trái) cùng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: Today Online.

Lý do phóng viên này đưa ra là Singapore bị thống trị bởi cùng một đảng cầm quyền kể từ khi độc lập và thiếu vắng một chính đảng đối lập mạnh mẽ.

“Chỉ vì những cử tri đã bỏ phiếu cho tôi và đảng của tôi, điều đó không có nghĩa là Singapore không cởi mở [về chính trị]”, Thủ tướng Lý nói trong chương trình HardTalk của đài BBC phát sóng vào hôm 1/3 vừa qua.

“Đó là một nền chính trị cởi mở. Mọi người không bị hạn chế trong việc thành lập đảng phái, vận động tranh cử hay xuất bản cương lĩnh”.

Đối với luận điểm của ông Sackur là chỉ có một vài nghị sĩ đảng đối lập trong Quốc hội, Thủ tướng Lý Hiển Long chỉ ra rằng có 6 nghị sĩ được bầu và 3 nghị sĩ được chỉ định không thuộc đảng Nhân dân Hành động (People’s Action Party – PAP). Ông cũng nói rằng con số này sẽ được tăng lên 12.

Khi được hỏi ông có bình luận gì về những tuyên bố của các nhóm nhân quyền rằng ông đang “kiểm soát tuyệt đối về chính trị và đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến”, Thủ tướng Lý đáp: “Nếu Singapore là một nơi đau khổ như thế, cậu sẽ không đang phỏng vấn tôi bây giờ đâu. Cậu sẽ xuống đường làm một cuộc phỏng vấn ngẫu hứng (vox pops), và tất cả mọi người sẽ nói những điều khủng khiếp về chính phủ. Một số người trong đó có lẽ sẽ di cư.”

“Nhưng sự thật là, người Singapore cảm thấy hạnh phúc, họ đã chọn chính phủ này. Chúng tôi đang điều hành đất nước và người dân với tất cả khả năng của mình. Nếu chúng tôi cho phép, sẽ có hàng triệu người muốn đến đây”.

Trong suốt cuộc phỏng vấn, người dẫn chương trình Sackur cũng nêu bật mối liên hệ giữa các thỏa thuận thương mại với nhân quyền, một vấn đề gần đây đang gây tranh cãi trong Nghị viện Anh. Ông trích dẫn lập luận của lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do ở Anh, ngài Tim Farron, rằng Anh nên nêu vấn đề tự do ngôn luận và tự do báo chí trong bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào với Singapore.

“Tôi không thấy bạn bị hạn chế gì khi đặt câu hỏi cho tôi,” ông Lý Hiển Long nói trong câu trả lời của mình.

“Tôi không dám bảo Hội đồng Báo chí của các bạn nên hoạt động như thế nào. Tại sao bạn lại dám nói với tôi rằng đất nước tôi nên vận hành ra sao?”

Ông nói thêm rằng Singapore là một trong những quốc gia có thể truy cập Internet nhanh nhất trên thế giới và không có bức tường lửa nào.

Nhấn mạnh đến việc ông sẽ phản ứng như thế nào nếu Anh đòi hỏi các thỏa thuận thương mại phải luôn đi kèm với những đảm bảo về nhân quyền và tự do báo chí, Thủ tướng Lý cười và đáp: “Tôi sẽ có phản ứng chừng nào tôi nhìn thấy nó.”

Blogger 18 tuổi Amos Yee bị toà án Singapore bỏ tù hai lần, mỗi lần 4 – 6 tuần, vào năm 2015 vì đăng video và bình luận đả kích cố Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng như một số tổ chức tôn giáo. Hiện anh đang tị nạn chính trị tại Mỹ. Ảnh: CNN.

Tuy nhiên, Thủ tướng Singapore cũng nói thêm rằng trong khi nước Mỹ thúc đẩy các tôn chỉ đạo đức, [nền dân chủ, tự do ngôn luận, nữ quyền, quyền của người đồng tính hay thậm chí là quyền của những người chuyển giới],nước này lại không áp dụng những lý tưởng đó trên toàn thế giới.

“Vâng, họ làm điều đó khi cái giá phải trả là thấp. Bạn hãy nhìn vào một số nước sản xuất dầu mỏ quan trọng nhất thế giới (ám chỉ Arab Saudi – đồng minh quan trọng của Mỹ, một nước vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, và một số nước khác – ND). Họ có tuân thủ những nguyên lý đó không? Họ có bị Mỹ gây sức ép không? Bạn phải lo làm ăn kinh doanh thôi”.

Thủ tướng Lý Hiển Long nói thêm rằng, trong thế giới đa dạng này, không ai nắm độc quyền về đạo đức hay trí tuệ.

“Trừ khi chúng ta có thể chấp nhận điều đó và chúng ta cùng nhau trở nên thịnh vượng và hợp tác với nhau, chấp nhận sự khác biệt giữa chúng ta – sự khác biệt về giá trị, sự khác biệt trong quan điểm, sự khác biệt thậm chí ngay cả trong những điều chúng ta nhìn thấy về mục đích của cuộc sống – nếu không, mọi thứ trở nên rất khó khăn.”

Theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới, năm 2016, chỉ số tự do báo chí của Singapore đã giảm hơn 7 điểm so với năm 2015 và xếp thứ 154/180, kém hơn cả Miến Điện (143) và nước láng giếng Malaysia (146).

Trong khi đó, Báo cáo Thế giới mới nhất của Human Rights Watch cũng đánh giá Singapore có một môi trường chính trị ngột ngạt, nơi chính quyền kiểm soát gắt gao quyền tự do biểu đạt, hội họp và lập hội của người dân. Chính phủ nước này thường bỏ tù hoặc phạt tiền những người chỉ trích chính quyền bằng những điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức, chủng tộc và tôn giáo.

Đổi lại, Singapore lại được đánh giá rất cao về hiệu quả quản trị nhà nước, với chỉ số minh bạch đạt 84/100 điểm, đứng thứ 7/176 quốc gia theo xếp hạng năm 2016 của tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Dịch và tổng hợp từ:

One-party rule doesn’t mean Singapore is closed: PM Lee (Today Online)
Singapore Profile (Reporters Without Borders)
Singapore Profile (Transparency International)
Singapore Profile (Human Rights Watch)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.