Sư Thích Minh Đạo rời Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chính quyền tiếp tục ngăn chặn Pháp Luân Công
Bản tin tôn giáo tháng 8/2024 có một số thông tin đáng chú ý sau.
Malala là một cô gái 9X người Pakistan nhận được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2014 vì đấu tranh cho quyền được đi học của phụ nữ và trẻ em gái ở vùng đất Hồi giáo cực đoan do Taliban thống trị.
Malala nhận giải Nobel Hoà Bình năm 2014. Ảnh: CTVNews.Malala Yousafzai sinh ngày 12 tháng 7 năm 1997 tại thành phố Mingora, Swat Valley (nay được biết đến là tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan). Là chị cả trong gia đình có 5 người, ngoài bố Tor Pekai Yousafzai và mẹ Ziauddin, Malala còn có thêm hai người em trai. Từ khi còn nhỏ, Malala đã rất ham học hỏi. Cha cô điều hành một trường học trong thành phố và nhờ vậy, Malala được lớn lên trong môi trường giáo dục tri thức từ khá sớm.
Quê hương của Malala, Swat Valley là một nơi rất yên bình với cảnh quan tươi đẹp và cũng là một điểm sáng về giáo dục ở vùng Tây Bắc Pakistan, vốn được xem là kém phát triển nhất đất nước.
Năm 2007, tình hình ở Swat Valley nhanh chóng thay đổi và đảo lộn cuộc sống của gia đình Malala lẫn cộng đồng cư dân ở đây. Taliban bắt đầu kiểm soát Swat Valley và trở thành lực lượng chính trị – xã hội chủ đạo ở miền Bắc Pakistan. Nữ sinh bị cấm đến trường, còn các hoạt động văn hóa như nhảy múa và xem TV cũng trở thành điều cấm kỵ. Các cuộc tấn công liều chết lan rộng, tổ chức hồi giáo cực đoan này đã biến việc phản đối giáo dục cho nữ giới thành một nền tảng cho chiến dịch khủng bố của họ. Đến cuối năm 2008, Taliban đã phá hủy khoảng 400 trường học.
Cô bé 11 tuổi không cam chịu bị tước quyền đi học
Vào thời điểm đó, Malala 11 tuổi. Và cô bé nhận thức rất rõ ràng điều gì đang xảy ra.
“Mọi người không nhất thiết phải biết những điều này vào năm 10, 11 tuổi nhưng chúng tôi đã chứng kiến khủng bố và cực đoan, vì thế chúng tôi phải nhận thức được.”
Malala biết cuộc sống của cô đang bị đe dọa. Khi một nhà báo của BBC hỏi cha cô về một người trẻ có mong muốn chia sẻ quan điểm về cuộc sống dưới chế độ Taliban, ông đã giới thiệu cô bé. Kết quả là “Nhật ký của một nữ sinh Pakistan” đã ra đời. Đây là một trang blog viết cho BBC, nơi Malala ghi chép lại hy vọng được đến trường cuộc mình và nỗi sợ hãi về một tương lai tăm tối sẽ ập xuống Swat.
“Tôi muốn lên tiếng vì quyền lợi của mình, tôi không muốn tương lai mình bị nhốt trong 4 bức tường chỉ để làm việc bếp núc và sinh đẻ. Tôi không muốn sống theo cách đó.”
Blog được ẩn danh, tuy nhiên Malala không hề ngần ngại khi nói về quyền được đi học trước công chúng, và cô đã làm điều đó vào năm 2009, khi một kênh truyền hình Pakistan về phỏng vấn cô tại Swat.
Trở thành mục tiêu của Taliban
Tháng 5 năm 2009, chiến tranh với Taliban nhanh chóng nổ ra. Malala bị buộc phải rời khỏi quê nhà để tìm đến những nơi an toàn hơn cách đó hàng ngàn cây số.
Khi trở lại sau nhiều tuần xa Swat, Malala tiếp tục chiến dịch cộng đồng của mình vì quyền được đi học trên các phương tiện truyền thông. Tiếng nói của cô ngày một có trọng lượng hơn và trong suốt ba năm sau đó, cô và cha mình đã nổi tiếng khắp Pakistan vì những nỗ lực của họ để nữ sinh Pakistan được tiếp cận giáo dục.
Những hoạt động của Malala đã giúp cô được đề cử giải thưởng Trẻ em Quốc tế vì Hòa bình vào năm 2011. Cùng năm đó, cô cũng được nhận giải thưởng Thanh niên Quốc gia vì Hòa bình.
Nhưng không phải ai cũng ủng hộ Malala. Chính những cống hiến gây tiếng vang của cô bé đã khiến Taliban “chướng mắt”. Ngày 9 tháng 10 năm 2012, cô bé Malala 15 tuổi đã bị một thành viên Taliban bắn khi đang ngồi xe bus đi học về cùng các bạn,.
Malala bị Taliban bắn 3 phát, trong đó 1 phát trúng vào đầu và 1 phát trúng vào vai cô. Ảnh: Getty/BBC.Malala bị bắn tổng cộng 3 phát đạn, 1 phát ghim vào đầu và 1 phát vào vai. Cô đã bị thương rất nặng và được đưa đến một bệnh viện của quân đội Pakistan cùng ngày. Bốn ngày sau cô được chuyển đến cơ sở chăm sóc đặc biệt ở Birmingham, Anh quốc.
Không chùn bước và tiếp tục cất lên tiếng nói
Sau khi bị bắn, Malala đã hồi phục đáng kinh ngạc và trở lại trường học. Điều này đã khiến cả thế giới thán phục và ủng hộ cô bé ngày càng nhiều hơn.
Vào sinh nhật 16 tuổi của mình, 12 tháng 7 năm 2013, Malala thăm New York và phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp quốc.
Một năm sau đó, cô xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình, một cuốn tự truyện với tiêu đề “Tôi là Malala” (I am Malala).
Ngày 10 tháng 10 năm 2013, Nghị viện châu Âu đã trao cho Malala giải thưởng Sakharov cao quý Vì Tự do Tư tưởng để ghi nhận những nỗ lực của cô.
Năm 2014, thông qua Quỹ Malala, tổ chức mà cô và cha là đồng sáng lập, Malala đã tới Jordan để gặp những người tỵ nạn Syria, tới Kenya để gặp những nữ sinh trẻ, và cuối cùng là Bắc Nigeria vào sinh nhật thứ 17. Tại đây, cô lên tiếng ủng hộ những cô gái bị Boko Haram bắt cóc vào đầu năm đó. Boko Haram là một nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan cũng như Taliban, tìm mọi cách để ngăn cấm nữ sinh đến trường.
Tháng 10 năm 2014, Malala cùng với một nhà hoạt động vì quyền trẻ em người Ấn Độ đã nhận giải Nobel Hòa Bình. Lúc đó, cô 17 tuổi và trở thành người trẻ nhất nhận được giải thưởng cao quý này. Khi nhận giải, cô gái trẻ khẳng định:
“Giải thưởng này không chỉ dành cho riêng tôi. Nó dành cho những đứa trẻ bị quên lãng mong muốn được đi học. Nó dành cho những đứa trẻ đang sợ hãi ao ước hòa bình. Và nó, dành cho những đứa trẻ thấp cổ bé học mong muốn đổi thay.”
Ngày nay, Quỹ Malala trở thành một tổ chức nâng cao năng lực cho các bé gái thông qua giáo dục, giúp các em khai phá tiềm năng và trở thành những thủ lĩnh tự tin, mạnh mẽ tại quốc gia của mình. Tài trợ cho các chương trình giáo dục ở sáu nước và làm việc với những lãnh đạo quốc tế, Quỹ Malala cùng với các đối tác địa phương đầu tư vào những giải pháp sáng tạo, cũng như hỗ trợ mọi trẻ em gái được tiếp cận giáo dục trên toàn cầu.
Malala hiện đang sinh sống tại Birmingham, vương quốc Anh. Cô tích cực ủng hộ giáo dục với vai trò nền tảng xã hội và quyền lợi kinh tế. Thông qua Quỹ Malala và với tiếng nói của mình, Malala Yousafzai tin tưởng vững chắc rằng sức mạnh của giáo dục sẽ giúp trẻ em gái trở thành tác nhân thay đổi trong cộng đồng của họ.
Dạ Lãm, tổng hợp từ:
Malala: The girl who was shot for going to school,Mishal Husain, BBC News, 7/10/2013.