Ân xá Quốc tế: Chính quyền Việt Nam Cộng hoà tra tấn và bỏ tù giới bất đồng chính kiến miền Nam

Ân xá Quốc tế: Chính quyền Việt Nam Cộng hoà tra tấn và bỏ tù giới bất đồng chính kiến miền Nam
Một cuộc biểu tình chống tham nhũng năm 1970 tại Sài Gòn. Ảnh: Báo Trẻ Online.

Trong một báo cáo đặc biệt năm 1973, tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đặc biệt lo ngại về việc chính quyền Việt Nam Cộng hoà đàn áp giới bất đồng chính kiến tại miền Nam, trong đó có việc lạm dụng các điều luật mơ hồ để bắt giữ tuỳ tiện, tra tấn, và xét xử bằng toà án binh.

Theo Ân xá Quốc tế, vào thời điểm ấy họ không thể tiếp cận được thông tin về tình hình giam giữ tù binh ở miền Bắc. Vì vậy, họ không thể đưa ra một bản báo cáo nào.

Vào thời điểm năm 1973, có hai chính quyền song song tồn tại ở miền Nam: chính quyền Việt Nam Cộng hoà (VNCH) kiểm soát phần lớn lãnh thổ, được phe tư bản chủ nghĩa công nhận; và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam (CPCM) được miền Bắc và phe xã hội chủ nghĩa công nhận.

Không chỉ có quân nhân bị bắt làm tù binh chiến tranh, các bên còn bắt bớ và giam giữ dân thường. Những người dân bị các phe giam giữ đều được Ân xá Quốc tế xem là tù nhân chính trị, vì đa phần trong số đó bị giam giữ vì lý do bất đồng chính kiến.

Nhiều người bị VNCH giam giữ vốn không phải đảng viên đảng Cộng sản hoặc không liên quan đến CPCM và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (Mặt Trận)  

Tổ chức Ân xá Quốc tế đánh giá có 4 loại tù thường phạm trong các trại giam thuộc chính quyền VNCH vào năm 1973.

Trong đó, ngoại trừ tù hình sự, thì 3 loại còn lại lần lượt là:

  • (1) Những người nằm trong cơ cấu tổ chức của Mặt trận.
  • (2) Những người bị nghi ngờ là có liên quan đến Mặt trận – bao gồm cả nông dân, thương gia, người già, trẻ em và tất cả những thường dân nào bị cho là có dính líu đến Mặt trận.
  • (3) Những người bất đồng chính kiến khác tại miền Nam.

Theo Ân xá Quốc tế thì cả 3 loại tù thường phạm nêu trên đều là tù nhân chính trị.

Báo cáo cho rằng những người nằm trong loại tù nhân chính trị thứ (3) ở trên là những người không phải là đảng viên đảng Cộng sản hay có liên quan gì đến Mặt trận. Họ chẳng qua chỉ là những người có chính kiến đối lập với VNCH.

Sinh viên biểu tình yêu cầu chính quyền VNCH tuân thủ Hiến pháp. Ảnh: Chưa rõ nguồn.

Tuy nhiên, những ví dụ về người bất đồng chính kiến phi cộng sản tại miền Nam được Ân xá Quốc tế đưa ra trong bản báo cáo năm 1973 lại là các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Long, Trần Hữu Khuê, và bà Ngô Bá Thành.

Sau 30/4/1975, những người này đều công khai cả quá trình hoạt động trong Mặt trận lẫn lý lịch có liên quan đến đảng Cộng sản của mình.

Chính những người này, cũng như nhà nước Việt Nam hiện nay, đều công nhận rằng họ, tức lực lượng thứ 3, đã góp phần vào chiến thắng của Mặt trận và của miền Bắc trong chiến tranh Việt Nam. Điều này có phần mâu thuẫn với những gì họ đã trao đổi với Ân xá Quốc tế trước năm 1975.

Cả hai phe VNCH và Mặt trận-CPCM đều giam giữ một số lượng tù nhân lớn hơn con số mà họ công bố

Theo Ân xá Quốc tế, cả hai phe của miền Nam vẫn giam giữ một số lượng rất lớn tù nhân mặc dù thời gian trao đổi tù binh của Hiệp định Paris 1973 đã qua.

Các thống kê từ báo chí và các tổ chức dân sự độc lập quốc tế cho thấy có hơn 200.000 người bị giam giữ trong các trại tù của chính phủ VNCH, nằm trong 3 nhóm tù nhân chính trị nói trên. Trong khi đó, con số chính thức từ VNCH là trên dưới 37.000 người.

Ân xá Quốc tế cho rằng căn cứ theo các điều khoản của Hiệp định Paris 1973, những người bất đồng chính kiến như Huỳnh Tấn Mẫm, luật sư Nguyễn Long cần được trả tự do ngay lập tức.

Thế nhưng, VNCH đưa ra lý do là những người này không phải là tù nhân chính trị mà là những tội phạm hình sự đang thi hành án và vẫn phải tiếp tục giam giữ họ.

Ân xá Quốc tế chỉ ra, một trong những điều luật Hình sự được chính quyền VNCH sử dụng trong thời gian này nhằm tiếp tục giam giữ những người bất đồng chính kiến, là các điều luật liên quan đến tội gian nhân hiệp đảng (racketeering). Gian nhân hiệp đảng bao gồm các điều luật hình sự được áp dụng đối với một số tội phạm kinh tế mang tính tổ chức.

Ân xá Quốc tế báo cáo rằng chính quyền VNCH đã sửa đổi hồ sơ vụ án của các tù nhân chính trị để tiếp tục giam giữ họ.

Một cuộc biểu tình tại Huế. Ảnh: Đối thoại Online/Đàn Chim Việt.

Báo cáo cũng nhắc đến hồ sơ của cựu Dân biểu VNCH Trần Ngọc Châu, một tiếng nói đối lập phản đối Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu một cách rất mạnh mẽ. Ông Trần Ngọc Châu đã bị chính quyền quy chụp là Cộng sản nằm vùng vì vẫn giữ liên lạc với thân nhân sống tại miền Bắc.

Ông Châu đã bị truất bỏ đặc quyền miễn tố của một nghị sĩ VNCH. Sau đó, một tòa án quân sự đã tuyên án ông với mức án khổ sai 20 năm vào năm 1970.

Tối cao Pháp viện VNCH đã hủy bỏ bản án của ông Châu và tuyên bố là nó vi hiến. Thế nhưng, đến thời điểm mà Ân xá Quốc tế đưa ra báo cáo về tình hình tù nhân chính trị tại miền Nam Việt Nam năm 1973, ông Châu vẫn bị giam giữ.

Chính quyền VNCH lúc đó chỉ chấp nhận trao trả ông Châu cho Mặt trận theo Hiệp định Paris 1973, nhưng ông và gia đình không đồng ý vì ông vốn không phải là người của Mặt trận. Qua hồ sơ của ông Châu, Ân xá Quốc tế tỏ ra lo ngại về việc bắt và giam giữ người bất đồng chính kiến một cách tùy tiện tại miền Nam Việt Nam.

Thực tế chứng minh rằng ông Châu không có liên quan gì đến đảng Cộng sản hay Mặt trận. Sau 30/4/1975, ông Châu bị đi học tập cải tạo 4 năm. Sau đó, ông vượt biên và đến sinh sống tại Hoa Kỳ.

Về phía Mặt trận, họ cũng chỉ thừa nhận là có giam giữ 671 tù nhân của chế độ VNCH. Ngược lại, tài liệu của VNCH thì lại ghi nhận hơn 67.500 cán bộ và thường dân của phe mình bị Mặt trận bắt và giam giữ.

Ngoài ra, VNCH còn cáo buộc Mặt trận đã giải những binh sỹ bị họ bắt được trong các trận chiến trở ngược ra miền Bắc. Tuy Mặt trận luôn phủ nhận, nhưng việc Hà Nội đã từng công bố các binh lính VNCH bị bắt trong trận đánh tại Khe Sanh-Hạ Lào 1971 và thông tin từ những người tù cải tạo sau năm 1975 cho thấy việc áp giải các quân nhân VNCH ra Bắc là có thật.

Hà Nội tổ chức họp báo năm 1972 v/v bắt giữ quân nhân VNCH trong trận đánh ở Hạ Lào.

Tra tấn và xét xử không công bằng

Theo Ân xá Quốc tế, VNCH đã bắt bớ và giam giữ tuỳ tiện những người bất đồng chính kiến ở miền Nam thông qua những điều luật chống Cộng mơ hồ, ví dụ như tội gian nhân hiệp đảng đã kể trên.

Tuy VNCH và Hoa Kỳ đồng ý tuân thủ các công ước quốc tế về việc đối xử tù binh chiến tranh, nhưng các tù nhân chính trị thì không được hưởng quy chế này.

Có những tù nhân chính trị bị liệt vào thành phần “đặc biệt” và họ có thể bị giam giữ cho dù không bị cáo buộc một tội danh gì, và thời gian bị giam cũng không có giới hạn.

Một số họ bị các tòa án quân sự kết án sau những phiên xử chóng vánh không quá 5 phút với những bản án khổ sai nhiều năm.

Phỏng vấn các cựu tù nhân và nhân chứng, báo cáo cho biết trong quá trình bị giam giữ ngay sau khi bị bắt và trước khi bị xét xử, tù nhân chính trị còn bị tra tấn, bức cung, nhục hình tại các nhà giam, đặc biệt là tại Tổng nha Cảnh sát Quốc gia Đô thành Sài Gòn.

Việc quân đội và các cố vấn Hoa Kỳ lấn sân vào việc làm của cảnh sát tại các trại giam càng khiến cho tình hình đối xử với người bị bắt giữ và tù nhân thêm tồi tệ.

Báo cáo cho biết, việc biệt giam, cùm, đánh đập dã man và nhốt tù nhân trong chuồng cọp khiến cho một số tù nhân bị tàn tật vĩnh viễn. Một số tù nhân đã chết trong ngục hoặc trở thành bán thân bất toại.

Ân xá Quốc tế cũng ghi lại lời kể của những nữ tu dòng Quaker hoạt động thiện nguyện tại Quảng Ngãi về việc chữa trị cho một số tù nhân bị tra tấn tại các trại giam.

Hội Chữ thập đỏ Quốc tế vốn được phép thăm viếng tù nhân chính trị của chế độ VNCH (là điều mà họ không thể làm hiện nay tại Việt Nam), nhưng vì những quy định quá khắt khe của chính quyền VNCH mà họ đã đình chỉ công việc này tại miền Nam vào năm 1972.

Lãnh tụ sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm (giữa) ra tòa ngày 20/4/1970. Ảnh: Báo Đà Nẵng/Đàn Chim Việt.

Lạm dụng Tòa án quân sự cho việc xét xử án chính trị

Các tội liên quan đến chính trị trong luật của chế độ VNCH lúc đó được áp dụng trong một khuôn khổ rất rộng, vì Điều 4 Hiến pháp VNCH 1967 “nghiêm cấm tất cả các hành vi tuyên truyền hoặc thực hành chủ thuyết cộng sản”.

Do đó, rất nhiều điều luật được ra đời dựa trên Điều 4 của Hiến pháp VNCH 1967. Những tội danh như “gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia”, “gây suy sụp tinh thần chiến sỹ quân đội”, tập hợp người gây bất lợi cho an ninh quốc gia, cổ súy chủ thuyết cộng sản, thân cộng, thân cộng-trung lập, v.v. đều là các tội chính trị.

Đa số người bị cáo buộc vi phạm những tội chính trị kể trên đều bị giam giữ vô thời hạn mà không được mang ra xét xử. Một số nhỏ những người bị mang ra xét xử thì đều bị xử ở các tòa án binh. Trong một số trường hợp, ví dụ như các vụ án tuyên xử ngày 11/2/1972 tại tòa án binh lưu động ở Tân Hiệp, luật sư của một số tù nhân chính trị đã không được thông báo về ngày xử cũng như về bản án đã được tuyên.

“Tuy đã có những bản án của tòa án binh và tòa án binh lưu động bị Tối cao Pháp viện VNCH tuyên bố vi hiến, nhưng luật nhà binh vẫn tiếp tục được chính quyền sử dụng trong các vụ án chính trị”, báo cáo cho biết.

Mặt trận có thể phải chịu trách nhiệm về việc thường dân và cán bộ của VNCH mất tích

Chính quyền VNCH đã lập một danh sách gồm 67.500 quân nhân, cán bộ, và thường dân mất tích do phía Mặt trận gây ra trong cuộc chiến Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận thăm Quân giải phóng miền Nam tại miền Đông Nam bộ. Ảnh: xaluan.com.

Còn theo Hội Chữ thập đỏ Quốc tế, Mặt trận có lẽ phải chịu trách nhiệm với 29% trong số 6.000 hồ sơ người bị mất tích trong những vùng giao chiến khốc liệt giữa các bên tại Quảng Trị và Thừa Thiên vào những năm 1972-1973.

Về phần Mặt trận, họ không thừa nhận việc ngược đãi tù nhân VNCH, và Ân xá Quốc tế thì lại có rất ít thông tin về việc đối xử với tù binh cũng như tù nhân chính trị của Mặt trận.

Báo cáo của Ân xá Quốc tế trích dẫn một số thông tin từ phía quân đội Hoa Kỳ và cho biết, những người bị Mặt trận bắt giữ, trước hết sẽ bị xem xét xem có phải thuộc diện “kẻ thù của nhân dân” hay không. Nếu có, họ sẽ bị bắt giữ và đưa sâu hơn vào vùng mà Mặt trận kiểm soát để thẩm vấn và xét xử. Chính phủ VNCH và Hoa Kỳ cho rằng Mặt trận thông thường sẽ xử tử những người mà họ bắt được.

Vì thông tin từ hai phía khác nhau rất xa, Ân xá Quốc tế không thể đưa ra kết luận gì về những cáo buộc từ phía VNCH đối với Mặt trận.

Tuy nhiên, Ân xá Quốc tế cho rằng những cuộc thảm sát tại Huế vào dịp Mậu Thân và tại Mỹ Lai năm 1968 nhắc nhở chúng ta về tính chất tàn bạo của một cuộc chiến, và vì thế, không có hành vi tàn ác nào là không thể xảy ra.

Tài liệu tham khảo:

1954-1975: Quốc tế đã công nhận hai nhà nước Việt Nam như thế nào
Thể chế nào mới thật sự đại diện cho Việt Nam? Câu chuyện vốn không hề ngã ngũ vào thời điểm Hiệp định Geneva được ký kết.
Trại cải tạo sau 30-4-1975: Lục lại một báo cáo của Ân xá Quốc tế năm 1981
Tháng 12/1979, tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã có chuyến làm việc chính thức 10 ngày tại Việt Nam về vấn đề giam giữ các cựu quân nhân, nhân viên và quan chức của chính phủ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) sau ngày 30/4/1975. Họ đã gặp gỡ và làm việc với […]

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.