Sau gần ba năm bị nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo cưỡng hiếp, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Văn nghệ Lương Ngọc An được điều động giữ chức phó tổng biên tập tạp chí Nhà văn và Cuộc sống.
Giới thiệu một số góc nhìn phản biện của các nhà luật học nữ quyền (feminist legal studies) và một nhánh nghiên cứu mới trong luật học là đa nguyên pháp luật (legal pluralism) về luật pháp và quy trình tố tụng hình sự về tội hiếp dâm.
Ông Moon Jae-in – một cựu luật sư nhân quyền ở Busan – chính thức trở thành Tổng thống thứ 19 của Đại Hàn Dân Quốc kể từ ngày 10/5/2017.
Theo Cơ quan Bầu cử Quốc gia Hàn Quốc, ông Moon giành được 41.08 phần trăm trong tổng số hơn 32,8 triệu cử tri đi bỏ phiếu. Đây là cuộc bầu cử bất thường đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc và tổng thống mới tiếp quản chính phủ mà không có quá trình chuyển tiếp như thường lệ. Ông Moon tuyên thệ nhậm chức ngay sau ngày bầu cử.
Phát biểu trong lễ ăn mừng, ông nói: “Đây là một chiến thắng tuyệt vời của một dân tộc tuyệt vời. Tôi sẽ dồn hết sức lực để xây dựng một đất nước mới”.
Thắng lợi của ông Moon Jae-in kết thúc gần 10 năm cầm quyền của các nhà lãnh đạo phe bảo thủ.
Ông Moon có xuất thân nghèo khó, trưởng thành trong phong trào sinh viên chống chế độ độc tài Park Chung Hee. Ông được biết đến là một luật sư nhân quyền nhiều hơn là một chính trị gia. Ông được tiếng là trong sạch, không mang tính cách độc đoán, không bị cáo buộc mua quan bán chức và quan hệ mờ ám với các doanh nghiệp như thường thấy ở các chính khách Hàn Quốc.
Moon Jae-in (bìa trái) chụp ở trường đại học cạnh người vợ hiện tại của mình, bà Kim Jung-sook. Ảnh: The Hankyoreh.
Năm 1950, bố mẹ ông Moon chạy nạn cộng sản từ miền Bắc vào miền Nam. Ba năm sau, Moon Jae-in được sinh ra trong trại tị nạn. Ông là anh cả trong một gia đình nghèo có 5 anh, chị em.
Moon từng phải bỏ học vì không đủ tiền đóng học phí và đôi khi phải ăn cháo ngô thay cơm. “Nghèo đói đã ám ảnh tuổi thơ của tôi”, ông nói. “Nhưng cũng có những lợi ích: tôi độc lập, trưởng thành hơn so với bạn đồng trang lứa, tội nhận ra tiền không phải là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời”.
Moon tốt nghiệp trung học tại Busan, rồi theo học ngành luật tại Đại học Kyeong Hee (Seoul).
Moon Jae-in (bìa phải) khi đi nghĩa vụ quân sự. Ảnh: The Hankyoreh.
Tuy nhiên, Moon Jae-in không “ngoan” như các sinh viên khác. Chàng trai này đã lãnh đạo các cuộc biểu tình chống chế độ độc tài Park Chung Hee. Lúc này Tổng thống Park sửa đổi hiến pháp để tăng nhiệm kỳ của mình và đàn áp dữ dội phong trào sinh viên. Năm 1975, Moon bị bắt và bị trục xuất khỏi trường đại học.
Sau cuộc đàn áp, Moon bị ép đi nghĩa vụ quân sự. Năm 1980, ông hết nghĩa vụ quân sự và trở lại trường.
Đúng lúc này, lệnh thiết quân luật được ban hành sau khi Tổng thống Park bị ám sát. Moon một lần nữa bị bắt do chống lệnh thiết quân luật. Tuy nhiên, ông được trả tự do sau khi thi đậu kỳ thi sát hạch vào luật sư đoàn (bar exam) trong thời gian bị giam.
Moon Jae-in (trái) và Roh Moo-hyun năm 1988. Ảnh: The Hankyoreh.
Moon muốn trở thành một thẩm phán sau khi tốt nghiệp Học viện Nghiên cứu và Đào tạo Tư pháp. Tuy nhiên, điều này không được chấp thuận do Moon từng có “tì vết” tham gia lãnh đạo phong trào sinh viên.
Cũng thời điểm này, Moon gặp luật sư Roh Moo-hyun, người sau này trở thành Tổng thống Hàn Quốc từ 2003 đến 2008. Hai người cùng nhau mở văn phòng luật trợ giúp pháp lý liên quan đến người lao động và nhân quyền ở Busan.
Người biểu tình trong Phong trào dân chủ tháng Sáu tại Busan năm 1987. Ảnh: The Hankyoreh.
Năm 1987, Phong trào Dân chủ tháng Sáu (June Democracy Movement) bùng nổ. Đây là cuộc nổi dậy đòi bầu cử tổng thống trực tiếp và thúc đẩy cải cách chuyển đổi dân chủ ở Hàn Quốc. Roh là người lãnh đạo còn Moon là thành viên cấp cao của phong trào đầu tiên ở Busan.
Năm 1988, Roh trở thành nghị sĩ Quốc hội. Roh thuyết phục Moon dấn thân vào chính trị nhưng bất thành.
Moon Jae-in được bổ nhiệm làm Thư ký Cấp cao về Các vấn đề Dân sự năm 2005 (Senior Presidential Secretary for Civil Affairs). Ảnh: Joogang Daily.
Mãi đến năm 2002, người ta mới thấy Moon Jae-in xuất hiện trên sân khấu vận động cho Roh chạy đua vào ghế tổng thống. Lúc này Roh là đại diện của đảng Dân chủ Thiên niên kỷ (Millennium Democratic Party), tiền thân của đảng Dân chủ ngày nay.
Sau khi Roh trúng cử tổng thống, Moon trở thành thư ký cao cấp và Chánh văn phòng Tổng thống năm 2007.
Moon không những là một thuộc cấp mà còn là người bạn thân cận nhất của Roh. Moon sát cánh với Roh trong những lúc khó khăn nhất. Năm 2004, Moon trở thành luật sư khi Tổng thống Roh phải ra Tòa án Bảo hiến do bị cáo buộc liên quan đến vi phạm luật bầu cử. Moon cũng là luật sư của Roh trước các cáo buộc về tham nhũng.
Moon Jae-in (bên trái) tiễn đưa linh cữu cố Tổng thống Roh Moo-huyn về nơi an nghỉ ngày 29/05/2009. Ảnh: AP.
Trong thời gian ở Nhà Xanh, Roh thúc giục Moon ứng cử vào Quốc hội nhưng Moon luôn khước từ chính trị và không thuộc về một đảng phái nào.
Nhưng một sự kiện đã làm Moon thay đổi. Ngày 23/5/2009, sau khi về hưu, cựu Tổng thống Roh Moo-huyn gieo mình xuống vách đá tự tử do dính líu đến tham nhũng.
Moon viết trong hồi ký: “Anh có thể thoát khỏi định mệnh của mình, nhưng công việc anh để lại làm cho tôi không có sự lựa chọn nào”. Cái chết của Roh đã thuyết phục Moon tham gia chính trường.
Moon Jae-in trở thành nghị sĩ vào tháng 4 năm 2012. Ảnh: Yonhap.
Cuối năm 2011, ông Moon khởi động đảng Dân chủ Thống nhất (Democratic United Party). Đến tháng 4 năm 2012, ông trở thành nghị sĩ Quốc hội và ứng cử tổng thống cuối năm 2012 ở tuổi 59.
Moon đã đưa lãnh đạo đảng Dân chủ Thống nhất chiến thắng trong kỳ bầu cử Quốc hội và chiếm nhiều ghế nhất ở cơ quan lập pháp này.
Cử tri xem ông Moon là ứng cử viên cấp tiến và có đủ uy tín để mang lại sự thay đổi. Ông Moon không phải là người có sức hút như một nhà lãnh tụ, nhưng các chuyên gia đánh giá Moon là người khoan dung, có khả năng quản trị và đàm phán.
Moon Jae-in bắt tay người ủng hộ khi trang cử tổng thống tại Incheon, Hàn Quốc ngày 17/12/2012. Ảnh: AP.
Trong kỳ bầu cử năm 2012, ông Moon Jae-in tuyên bố sẽ đẩy lùi nạn tham nhũng, nâng cao phúc lợi, bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ chống lại các tập đoàn khủng lồ. Đồng thời, ông cam kết tăng lương tối thiểu, hạn chế giờ làm để có nhiều việc làm hơn.
Ông Moon cũng muốn khôi phục Chính sách Thái dương (Sunshine Policy) với Triều Tiên. Chính sách này làm giảm áp lực của Triều Tiên lên Hàn Quốc bằng cách khuyến khích hoạt động tương trợ về kinh tế.
Tuy nhiên, ông Moon thua sát sao bà Park Guen Hye – con gái của cố Tổng thống Park Chung Hee với tỷ lệ 48% và 51.6%.
Moon Jae-in cùng với những người biểu tình kêu gọi bà Park Geun-hye từ chức. Ảnh: AP.
Cuối tháng 10/2016, vụ bê bối của Tổng thống Park Guen Hye do dính líu đến tham nhũng và người bạn thân của mình làm rúng động Hàn Quốc. Hàng trăm nghìn người đã biểu tình mỗi tuần kêu gọi Park Guen Hye từ chức. Moon Jae-in là người tích cực tham gia trong các cuộc biểu tình.
“Nếu sức mạnh của những ngọn nến đưa chúng ta đi xa thế này. Chúng ta phải sát cánh bên nhau để có một chiến thắng thực sự”, Moon nói sau khi bà Park Guen-hye bị Tòa án Bảo hiến phế truất ngày 10/03/2017.
“Hàn Quốc sẽ thay đổi thông qua thay đổi chế độ”.
Moon Jae-in được đảng Dân chủ đề cử sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nội bộ đảng ngày 03/04/2017. Ảng: Yonhap.
Ngày 03/4/2017, Moon Jae-in giành được 57 phần trăm số phiếu bầu từ 1,4 triệu thành viên của đảng Dân chủ để trở thành ứng viên tổng thống. Moon nói kỳ bầu cử này “là thách thức cuối cùng trong cuộc đời của tôi”. Ông muốn là người “mở ra một kỷ nguyên, một nền chính trị, một thế hệ mới… Tôi chắc chắn giành được chiến thắng”.
Moon nói nếu ông được bầu, ông chắc chắn sẽ làm hồi sinh nền kinh tế, tăng cường an ninh quốc gia, tiêu trừ “tham nhũng, bất công và bất đình đẳng”.
Chính phủ của ông Moon sẽ phải đối diện với nhiều thách thức bao gồm chương trình hạt nhân của Triều Tiên, mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, sự bất ổn chính trị và kinh tế trong nước.
Moon Jae-in vận động trang cử ngày 04/05/2017 tại thành phố Goyang. Ảnh: AP.
Ông Moon cho mình là người được chuẩn bị đầy đủ nhất và sẵn sàng đưa Hàn Quốc vượt qua khó khăn về kinh tế, an ninh và ngoại giao.
Trong chiến dịch bầu cử, ông tuyên bố sẽ tạo ra thêm nhiều việc làm có chất lượng. “Tôi tin rằng tạo ra việc làm có chất lượng sẽ thổi luồng gió mới vào nền kinh tế, giải quyết vấn đề sinh kế, tỷ lệ sinh thấp và mang lại hy vọng cho người trẻ”, Moon nói.
Ông Moon cho rằng từ lâu các công ty và tập đoàn lớn đã chiếm đoạt những lợi ích từ tăng trưởng kinh tế. “Đã đến lúc bước sang một kỷ nguyên mới, nơi mà lợi ích kinh tế được chia sẻ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như người dân”.
Ông Moon hứa sẽ đưa ra dự thảo ngân sách bổ sung 8,8 tỷ USD để thúc đẩy nền kinh tế.
Để làm được điều này ông Moon đề ra giải pháp “bốn bánh xe” thúc đẩy nền kinh tế đi lên: tạo ra việc làm chất lượng; chia sẻ tăng trưởng giữa công ty lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng thu nhập để kích cầu trong nước; đẩy mạnh khởi nghiệp và sáng tạo thông qua cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Kim Jong Un sẽ là thách thức lớn đối với tân Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.
Đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên, ông Moon muốn đàm phán hơn là sử dụng các biện pháp quân sự. “Tôi sẽ không cho phép bất kỳ hình thức khiêu khích vũ trang nào trên bán đảo Triều Tiên. Không gì nguy hiểm hơn để người khác quyết định số phận của chúng ta”, Moon nói trong một báo cáo về chính sách đối phó với Triều Tiên.
Ông nói với hãng tin Ariang: “Tôi sẽ gây áp lực mạnh mẽ để Triều Tiên tự dỡ bỏ chương trình hạt nhân và mang họ đến bàn đàm phán”.
Ông Moon muốn khởi động lại vòng đàm phán sáu bên (Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật, Mỹ, và Nga), cải thiện quan hệ hợp tác với Triều Tiên (Hàn Quốc có thể tiếp cận nguồn nhân công giá rẻ ở miền Bắc), và cuối cùng là thiết lập chính sách hòa bình giữa hai miền.
Trong một cuốn sách xuất bản hồi tháng 1 năm nay, ông Moon nói Hàn Quốc nên học cách nói không với người Mỹ. Chính phủ mới sẽ xem xét lại việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) giai đoạn cuối của Mỹ ở Hàn Quốc. Hệ thống này đang làm Bắc Kinh lo ngại, trong khi Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc.
“Chúng tôi muốn là người cầm lái, nghĩa là tham gia ở thế rất chủ động với Mỹ và Bình Nhưỡng”, ông khẳng định.