Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Sau khi Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, nhiều ý kiến cho rằng không nên truy cứu trách nhiệm hình sự của người dân Đồng Tâm.
Có ba luận điểm chính được đưa ra để bảo vệ cho quan điểm này.
Thứ nhất, ông Nguyễn Đức Chung là người đứng đầu chính quyền Hà Nội nên ông có đủ tư cách để đưa ra và thực thi bản cam kết mà ông đã ký.
Thứ hai, nguồn gốc xung đột đến từ chính quyền, chính quyền đã hành xử một cách bất công và xâm phạm đến các quyền cơ bản của người dân, vì vậy hành động phản kháng của người dân là hoàn toàn chính đáng.
Và thứ ba, việc thực hiện bản cam kết của ông Chung sẽ giúp đảm bảo các quyền lợi của người dân, ngăn chặn hành vi tùy tiện của chính quyền, và điều ấy sẽ giúp củng cố tinh thần pháp quyền thực chất.
Tuy nhiên, quan điểm này gặp không ít ý kiến phản đối, cũng với ba luận điểm.
Thứ nhất, ông Chung không có thẩm quyền để đưa ra cam kết về việc truy tố, vì ông chỉ là người đứng đầu cơ quan hành pháp, không có thẩm quyền quyết định một vấn đề thuộc về cơ quan tư pháp.
Thứ hai, chỉ thông qua quá trình điều tra mới có thể biết được ai đúng ai sai, từ đó đưa ra phán xét cuối cùng.
Và thứ ba, nếu chúng ta ủng hộ cho việc tuân thủ cam kết ở trên, có nghĩa là đang ủng hộ cho việc lạm quyền, điều này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu và có thể dẫn tới những hành vi lạm quyền trong tương lai của cơ quan hành pháp. Do đó, theo quan điểm này, nếu mỗi chúng ta muốn được sống trong một nền pháp quyền lành mạnh thì cần phải ủng hộ việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dân Đồng Tâm.
Liệu có nên ủng hộ Chủ tịch Chung thực hiện lời ông đã hứa? Ảnh: Zing.
Montesquieu nói gì?
Tuy nhiên, những người ủng hộ cho quan điểm thứ hai cần phải hiểu rằng, công lý chỉ có thể đạt được khi có một cơ quan điều tra và tư pháp độc lập. Vấn đề mà chúng ta cần giải quyết chính là làm sao để có được những cơ quan như thế.
Đây cũng chính là câu hỏi mà người dân các nước phương Tây đã đặt ra cho mình khi phải chịu những bất công dưới chính quyền quân chủ chuyên chế ở thế kỷ 17 và 18. Họ đã làm gì để đạt được một xã hội công bình? Và làm thế nào để có được một nền pháp quyền chính đáng? Chúng ta hãy tìm hiểu lý thuyết của Montesquieu, một nhà tư tưởng chính trị lừng danh người Pháp, người đã đề ra thuyết “tam quyền phân lập” làm nền tảng cho xã hội pháp quyền.
Theo Montesquieu, kinh nghiệm lịch sử đã chỉ rõ rằng những kẻ cầm quyền dễ lạm dụng quyền hành và thường có âm mưu sử dụng quyền lực chính trị một cách tối đa để phục vụ cho quyền lợi riêng tư. Nhằm tránh tình trạng này, ông cho rằng quyền lực chính trị phải bị kiểm soát. Và để như vậy, hệ thống chính trị của quốc gia nên phân chia quyền lực cho một số nhánh để các nhánh này kiểm soát lẫn nhau, nhờ đó không một nhánh nào có thể tập trung quá nhiều quyền hành vào trong tay để rồi dẫn tới cảnh độc tài chính trị.
Montesquieu quan niệm rằng mọi chính thể đều cần có ba nhánh: nhánh lập pháp để đưa ra luật lệ, nhánh hành pháp để quản trị quốc gia và đối ngoại, và nhánh tư pháp nhằm phụ trách hình sự và phân giải các vụ tranh chấp.
Nếu tất cả quyền hành của ba nhánh này bị tập trung vào tay của một cá nhân hay một nhóm lãnh đạo đảng phái, thì quyền tự do của nhân dân sẽ bị tiêu diệt, bởi xu hướng độc tài lãnh đạo sẽ có cơ hội phát triển nếu không bị kiềm tỏa bởi một quyền lực chính trị đối nghịch. Như Montesquieu đã khẳng định rằng “hãy xem: nếu cơ quan cầm quyền vừa là kẻ thi hành luật vừa tự mình là kẻ lập pháp, thì họ có thể tàn phá quốc gia bằng những ý chí sai lầm. Nếu họ còn nắm luôn cả quyền xét xử nữa thì họ có thể đè nát mỗi công dân theo ý muốn của mình.”*
Lý thuyết phân quyền này đã được các nhà lập hiến Mỹ sử dụng làm nền tảng quan trọng cho bản Hiến pháp Mỹ năm 1787. Và bản hiến pháp dân chủ lâu đời thứ hai trên thế giới – Hiến pháp Ba Lan 1791 – cũng áp dụng chính nguyên tắc này của Montesquieu: “Mọi quyền lực trong xã hội phải xuất phát từ ý chí của nhân dân. Do đó, để cho sự toàn vẹn của các bang, quyền tự do dân sự, và trật tự xã hội luôn trong trạng thái cân bằng, thì chính quyền Ba Lan phải, và luôn phải theo ý chí của luật này, bao gồm ba thiết chế, ấy là: cơ quan lập pháp trong tay hội đồng các đẳng cấp, cơ quan hành pháp tối cao trong tay Vua và các quan, và một cơ quan tư pháp có quyền tài phán…”**
Mô hình tam quyền phân lập của Montesquieu đã được hiện thực hoá tại Mỹ không lâu sau khi ông qua đời. Ảnh: PBS.org.
Những câu hỏi còn bỏ ngỏ
Như vậy, chỉ trong một nền chính trị phân quyền đối trọng rõ ràng, cùng với sự độc lập của tư pháp, sự tự do của truyền thông đại chúng, thì chúng ta mới tin tưởng rằng việc tuân theo thủ tục pháp lý sẽ đảm bảo về mặt pháp quyền.
Vậy còn tại Việt Nam thì sao? Sự phân quyền chỉ là về hình thức, các nhánh chính quyền không độc lập, tất cả quyền tối cao vẫn nằm trong tay đảng Cộng sản. Trong một nền “pháp quyền” như vậy, làm sao công lý có thể được thực thi?
Và những người kêu gọi truy tố người dân Đồng Tâm, xin hãy trả lời xem liệu chúng ta có thể nào tin tưởng vào cơ quan điều tra, tin tưởng vào sự công chính của nhánh tư pháp, khi mà chúng ta đang sống trong một nền chính trị như thế? Như chính Montesquieu đã phải thốt lên rằng “kinh nghiệm muôn thuở đã tỏ rõ rằng bất cứ ai sở hữu quyền lực sẽ luôn luôn có khuynh hướng lạm dụng quyền lực ấy”.*
Và rốt cuộc, trong vụ xung đột lần này giữa người dân và chính quyền, liệu có công bằng khi chính quyền vừa là người điều tra, vừa là người phân xử, còn người dân chỉ có thể chờ đợi mà nghe phán quyết của chính quyền? Đó là những câu hỏi xin được để mở dành cho bạn đọc.
Giải pháp nào cho người dân?
Hết lần này đến lần khác, niềm tin vào công lý của người dân Đồng Tâm bị chao đảo. Chính quyền đã không giải quyết thỏa đáng vấn đề tranh chấp đất đai của họ trong suốt 5 năm, đã bắt bớ người đại diện của họ, và tuy đưa ra một cam kết về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự từ chính người đứng đầu chính quyền Hà Nội song giờ đây chính quyền lại bắt đầu khởi tố vụ án, thứ rất có thể dẫn tới việc khởi tố bị can đối với người dân Đồng Tâm.
Có thể nghĩ rằng, cũng như bao nhiêu người dân khác, những người dân Đồng Tâm chỉ muốn yên ổn, muốn tin vào chính quyền. Song từ tất cả kinh nghiệm vừa qua của họ, thì sẽ thật ngây thơ khi tin rằng việc khởi tố “để đảm bảo nền pháp quyền” – như nhiều người đang kêu gọi – sẽ mang đến công lý cho người dân.
Từ viễn cảnh rất đáng hoài nghi này, ta thấy rằng trong điều kiện Việt Nam, và cụ thể là trong trường hợp ở Đồng Tâm, giải pháp ủng hộ thực thi bản cam kết của ông Chung là phù hợp nhất. Dù giải pháp này không tuân theo thủ tục pháp lý, nhưng lại cho thấy sự tôn trọng của chính quyền đối với các quyền của người dân, và nó tỏ ra hợp lý hơn là khi bác bỏ cam kết của ông Chung, tiến hành truy tố người dân trong một môi trường chính trị hết sức nhập nhằng.
Tuy nhiên, về căn bản thì đây vẫn là giải pháp tạm thời, thậm chí là vẫn rất cần được thảo luận thêm. Để đảm bảo một nền pháp quyền thực sự, chúng ta cần phải củng cố nó cả về mặt hình thức lẫn thực chất. Và muốn đạt được điều ấy, chỉ có con đường cải cách thể chế – một giải pháp mà sớm muộn Việt Nam cũng phải thực thi dù có trì hoãn thế nào.
Chú thích
(*) Charles de Secondat – Baron de Montesquieu, 1748, The Spirit of Laws, quyển XI, chương 6.
(**) Hiến pháp Ba Lan 1791, điều V.