Pháp quyền XHCN: Không yêu, chớ dại nói lời cay đắng

Pháp quyền XHCN: Không yêu, chớ dại nói lời cay đắng
Ảnh: News Inc.

Ngày 29 tháng 6, 2017, Tòa án Nhân dân Tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt bản án 10 năm tù dành cho blogger Mẹ Nấm – tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – người đã bị bắt và khởi tố tháng 10/2016 với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 BLHS.

Bản cáo trạng ngày 31/5/2017 của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Khánh Hòa được mẹ của bà Quỳnh công bố trên mạng xã hội vào ngày 23/6/2017.

Theo đó, Viện kiểm sát cáo buộc bà Quỳnh vi phạm Điều 88 Bộ luật Hình sự vì đã “sử dụng tài khoản Facebook cá nhân soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết … tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng … nói xấu Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam … gây hoang mang lo lắng và làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam.”

Thế nhưng, khi đọc toàn bộ văn bản của BLHS, chúng ta lại không thể nào tìm thấy ba từ “đảng Cộng sản”, và càng không có điều luật cụ thể nào hình sự hóa tội chống đảng cả.

Liệu điều này có đồng nghĩa với việc người dân Việt Nam có thể chỉ trích, nghi ngờ đảng Cộng sản mà không bị cáo buộc là đã vi phạm pháp luật hay không?

Câu trả lời là không.

Một tội danh điển hình trong mô hình pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Bắt nguồn từ Liên Xô cũ và Trung Quốc, tội “tuyên truyền chống nhà nước” tại Điều 88 BLHS có lịch sử hình thành từ các tội phản cách mạng – counterrevolutionary crimes, mà định nghĩa của các tội phản cách mạng này lại luôn gặp phải chỉ trích từ các nước Tây phương.

Theo giáo sư Xin Ren, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc ở Đại học California (Mỹ), sở dĩ có sự chỉ trích như thế là vì luật pháp của các nước Tây phương đều đặt trọng tâm vào việc một người không thể bị kết tội hình sự chỉ vì tư tưởng của mình, cho dù đó là tư tưởng phạm tội (criminal thoughts) đi chăng nữa.

Ngược lại, định nghĩa về hành vi cấu thành tội hình sự trong những hệ thống luật Âu – Mỹ bắt buộc cần phải có cả hai yếu tố: ý chí phạm tội (mens rea) và hành vi phạm tội (actus reas).

Riêng đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hay chống phá nhà nước, hầu hết các hệ thống pháp luật Âu Mỹ đều không hình sự hóa việc bày tỏ hay thể hiện sự bất mãn của người dân đối với chính quyền hoặc đảng cầm quyền nếu những lời kêu gọi ấy chỉ cổ súy sự thay đổi trong ôn hòa và phi bạo lực (non-violence).

Có thể nói, tại các nhà nước pháp quyền phương Tây, cho dù có thể cố gán ghép tư tưởng của một nhà bất đồng chính kiến là ý chí phạm tội – mens reas – đi chăng nữa, thì việc diễn đạt tư tưởng qua lời nói hay câu chữ để bày tỏ sự bất mãn, nghi ngờ, chán ghét, thậm chí là phản đối nhà nước hoặc đảng cầm quyền đều không phải là hành vi phạm tội – actus reas.

Thậm chí, hình sự hóa việc diễn đạt các tư tưởng của người dân còn bị xem là hành vi đàn áp quyền tự do ngôn luận và tự do diễn đạt.

Chẳng hạn như ở Mỹ, không ai bị bỏ tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước Hoa Kỳ” chỉ vì họ viết ra hay cổ súy những tư tưởng chỉ trích, bài xích, thậm chí là kêu gọi lật đổ sự nắm quyền của đảng Cộng hòa (hiện là phe đa số tại Quốc hội).

Ngược lại, các tội danh tuyên truyền chống nhà nước tại Trung Quốc và Việt Nam thường xuyên được áp dụng đối với những nhà bất đồng chính kiến ôn hòa.

Khôi nguyên giải Nobel Hòa bình năm 2010, giáo sư Trung Quốc Liu Xiaobo đã bị kết án 11 năm tù với tội danh âm mưu lật đổ chính quyền vì những lời kêu gọi dân chủ hoá đất nước.

Tại Việt Nam, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức cũng bị kết án 16 năm tù theo Điều 79 BLHS với cùng một tội danh cho một hành vi khá tương tự như giáo sư Liu, dùng ngòi bút cổ suý dân chủ hóa tại Việt Nam.

Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm). Ảnh: Facebook nhân vật.

Văn hóa pháp lý truyền thống giúp phát triển tư tưởng của pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Giáo sư Xin Ren đã nhận định, việc chính quyền Trung Quốc tiếp tục sử dụng các tội danh phản cách mạng và tuyên truyền chống nhà nước thể hiện sự kế thừa tư tưởng Pháp gia (Fajia – 法家 – Legalist) của đảng Cộng sản.

Và cũng chính tư duy pháp lý từ thời kỳ phong kiến đó đã nuôi dưỡng mô hình pháp quyền xã hội chủ nghĩa, để nó phát triển thuận lợi và lớn mạnh như ngày nay.

Đảng Cộng sản đã dùng đến các phương pháp khá cực đoan để xóa bỏ giai cấp và những gì mà họ cho là tàn dư của thời kỳ phong kiến trên con đường tiến đến xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng, văn hóa pháp lý trải dài hơn 2.000 năm của Nho giáo và tư tưởng Pháp gia lại được họ tiếp tục sử dụng như những trụ cột vững chắc nhất cho nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa Trung Quốc.

Tư tưởng Pháp gia đặt nặng vấn đề trừng phạt (sanctioned-oriented) một cá nhân mà chế độ cầm quyền cho là có tội, hơn là đặt ra các định nghĩa rõ ràng là một người phải có những hành vi gì thì mới bị xem là đã vi phạm pháp luật.

Vì thế, văn hóa pháp lý tại Trung Quốc vốn luôn chấp nhận và dung dưỡng cho các thế lực chính trị thao túng hệ thống pháp lý.

Đây cũng là lý do vì sao đa số giới luật sư, luật gia và thẩm phán đều không bày tỏ thái độ phản đối gì đối với việc nhà nước bỏ tù một công dân có tư tưởng chỉ trích hay nghi ngờ đến quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản.

Về mặt bản chất, các yếu tố cấu thành tội tuyên truyền chống nhà nước vốn không mấy khác những vụ án “văn tự ngục” (wen zi yu文字獄 – literary inquisition) đã xảy ra tràn lan trong các triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Văn tự ngục là các bản án thanh trừng đẫm máu những tác giả của các bài văn hoặc bài thơ bị xem là “bất kính, phạm thượng”, vì đã dám manh nha có tư tưởng bày tỏ sự bất mãn hoặc chỉ trích hoàng đế, cho dù là rất nhỏ.

Vì điểm mấu chốt và quan trọng nhất đối với giai cấp lãnh đạo – cho dù là các hoàng đế ngày trước hay là đảng Cộng sản hiện nay – đó là họ không cho phép người dân thể hiện và cổ súy bất kỳ tư tưởng nào có thể gieo vào lòng công chúng sự nghi ngờ về quyền lãnh đạo tuyệt đối của mình. Mà trên hết, họ không thể để những tư tưởng ấy được lan tràn và phổ biến.

Đừng nói! Ảnh: SCMP.

Các quyền tự do và quyền con người không thể được dùng để chỉ trích đảng

Theo giáo sư Xin Ren, tuy Hiến pháp của Trung Quốc đều có các điều khoản bảo vệ quyền con người của người dân, nhưng khuôn khổ của việc thực hiện các quyền tự do, quyền con người phải nằm trong vòng kiểm soát của nhà nước. Người dân có thể thực hiện tất cả các quyền đó với điều kiện là họ không đả động đến tính chính danh và sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng.

Giáo sư Xin Ren kết luận, trong mô hình pháp quyền xã hội chủ nghĩa Trung Quốc, chúng ta sẽ không nhìn thấy bất kỳ câu chữ nào quy định tội chống đảng. Tuy nhiên, tính chính danh của các chính sách và cương lĩnh của đảng Cộng sản sẽ luôn luôn cần người dân xác nhận bằng sự tin tưởng tuyệt đối của họ vào đảng.

Và vì vậy, pháp quyền xã hội chủ nghĩa sẽ đặt ra một hệ thống luật pháp chỉ có thể được áp dụng theo mô hình từ trên áp xuống (vertical application of the law), và sẽ chặn đứng bất kỳ động thái phản kháng nào từ phía ngưới dân. Hệ thống luật pháp đó sẽ không bao giờ là một sân chơi cho những cá nhân muốn thách thức nó và những điều luật vi hiến mà nó đặt ra.

Bản án của blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngày hôm nay cũng đã giúp chứng minh phần nào kết luận của giáo sư Xin.

Tài liệu tham khảo:

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.