Thư cuối tuần - 14/9/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình, người dân Đồng Tâm đã phải phản kháng. Song đâu đâu ta cũng thấy những lời chê trách họ, và ai ai cũng nhìn nhận họ như những tội nhân lầm lỡ.
Từ một dư luận như vậy, khiến chúng ta phải hoài nghi rằng liệu mình đang sống trong một nền chuyên chế hay một nền cộng hòa.
Nhắc lại hai khái niệm
Trong một nền chuyên chế, giới cai trị nắm quyền tuyệt đối, còn người dân chẳng nắm trong tay chút quyền lực nào. Ở đó con người chỉ là thần dân chứ không phải là công dân, việc của anh ta là phải tuân phục kẻ cai trị. Khi anh ta bị dồn đến đường cùng để rồi phải phản kháng, thì anh ta vẫn bị coi là kẻ có tội, bởi tự cái việc phản kháng đã là một tội. Nếu anh ta có được tha thứ, thì đó không phải là do anh ta đã hành động đúng, mà là do sự khoan dung độ lượng của bậc cai trị bề trên.
Trái lại, nền cộng hòa là kiểu chính thể mà ở đó người dân cai trị một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện. Chính quyền được tạo lập nhằm mục đích bảo vệ các quyền và sự tự do của người dân, và quyền lực của nó bị giới hạn trong mục đích ấy. Trong một nền cộng hòa, không có sự phân biệt giữa kẻ cai trị và thần dân, mà tất cả đều là công dân: không một ai đứng trên luật pháp, chỉ có luật pháp mới có địa vị tối cao. Khi xảy ra xung đột giữa người dân với nhau, hay giữa người dân với chính quyền, thì tất cả đều được xét xử công bằng để đảm bảo công lý được thực thi.
Công lý, sự tự do, tinh thần công – ấy chính là ba giá trị cốt lõi của nền cộng hòa.
Tinh thần Đồng Tâm, tinh thần cộng hòa
Giờ đây, trong mắt chính quyền và một bộ phận không nhỏ người dân, thì những người Đồng Tâm mang dáng dấp của những con người khờ dại đang phạm sai lầm. Có vẻ những người này tin rằng dân chúng cần được dạy dỗ và cần được đối xử khoan hồng độ lượng.
Song chúng ta hãy nhìn lại những gì đã diễn ra ở Đồng Tâm.
Ban đầu, người dân Đồng Tâm đã tôn trọng pháp luật. Trong suốt những năm qua, họ cần mẫn đấu tranh theo pháp luật, dựa trên các thủ tục pháp quyền. Họ kiên trì làm đơn khiếu nại nộp lên các ban ngành huyện và thành phố, và nhẫn nại chờ đợi phản hồi từ phía chính quyền.
Và rồi, họ đã đấu tranh vì công lý khi pháp luật không đủ khả năng bảo vệ họ. Những phản ứng của người dân Đồng Tâm trước chính quyền không đơn thuần là vì những lợi ích cụ thể của họ, mà còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn và lớn lao hơn, đó là để bảo vệ công lý và bảo vệ các giá trị cộng hòa. Chắc chắn rằng, nơi nào mà con người còn tin là mình đang đấu tranh vì sự công bình, thì nơi đó còn có hy vọng về công lý – bất kể công lý có thuộc về họ hay không.
Và họ đã khước từ bạo lực. Người dân Đồng Tâm ý thức rõ về việc làm của mình, họ đã đối xử tử tế với những người của phía chính quyền mà họ tạm giữ, trong khi những người đại diện của họ đang bị cơ quan chính quyền bắt bớ. Họ đã mở rộng cửa cho chính quyền đến đối thoại.
Rõ ràng người dân Đồng Tâm hiểu thế nào là công lý và thế nào là hành vi đúng mực. Đó là một cảm thức chính trị rất đáng được nêu cao. Ấy vậy mà chúng ta lại không xiển dương tinh thần đó của người dân Đồng Tâm. Ấy vậy mà chúng ta lại coi họ như những người khờ dại.
Bất kể người Đồng Tâm có biết thế nào là các giá trị cộng hòa hay không, thì họ vẫn đang sống và đấu tranh với tinh thần ấy. Hãy thử hỏi khi các quyền và tự do của người dân bị xâm phạm mà người dân lại làm ngơ, thì xã hội sẽ đi về đâu? Khi các giá trị như công lý, tự do, và các quyền không còn được bảo vệ, thì chắc chắn con người sẽ trở nên suy đồi. Lúc ấy các cá nhân không còn là công dân nữa, mà họ trở thành thần dân, và quốc gia cũng không còn là một nền cộng hòa nữa, mà nó trở thành một nền chuyên chế.
Nhìn ra thế giới
Trong lịch sử nhân loại, có hai nền cộng hòa vĩ đại. Ấy chính là cộng hòa La Mã và cộng hòa Mỹ. Chúng vĩ đại không chỉ vì sự thịnh vượng và bền vững với thời gian, mà trên hết là vì ở đó con người sống như các công dân tự do, được hưởng đầy đủ các quyền và công lý.
Cộng hòa La Mã tồn tại hơn 450 năm trước khi suy thoái thành nền quân chủ. Đây là nền cộng hòa nổi tiếng nhất trong lịch sử, và chính nước Mỹ sau này cũng đã kế thừa các nền tảng cộng hòa mà La Mã cổ xưa để lại.
Nền cộng hoà rộng lớn của La Mã cổ đại. Ảnh: Wikipedia.
Người La Mã đề cao các đức hạnh của con người như sự tự do, công lý, sự tiết độ, và tinh thần công dân trong việc tham gia vào các vấn đề quốc gia. Để bảo vệ các giá trị đó, họ đã tạo ra một thiết chế nhằm ngăn chặn sự tùy tiện của chính quyền. Đó là một dạng thể chế hỗn hợp, trong đó quyền lực được phân chia cho ba bộ phận khác nhau là giới lãnh đạo, viện nguyên lão, và các hội đồng công dân. Ba thực thể này kiểm soát lẫn nhau để tránh việc lạm quyền, nhờ đó duy trì sự ổn định của thể chế và bảo vệ các giá trị của nền cộng hòa. Ý tưởng về phân chia và kiểm soát quyền lực này chính là bài học được truyền lại cho các nhà tư tưởng như Machiavelli, Montesquieu, hay các nhà lập quốc Mỹ như Madison, Jefferson.
La Mã xưa kia được dẫn dắt bởi những con người mang tinh thần cộng hòa vĩ đại như Cicero và Brutus. Họ yêu mến nền cộng hòa tới mức không chấp nhận sự chuyên chế của một người La Mã vĩ đại khác – có lẽ là vĩ đại nhất – là Julius Caesar. Caesar đã bị một nhóm nguyên lão hiệp lực ám sát, bởi ông ta muốn trở thành nhà độc tài suốt đời và chắc chắn điều này sẽ tiêu diệt nền cộng hòa lâu đời của La Mã. Tuy nhiên, những nỗ lực của viện nguyên lão vẫn chưa đủ. Cuối cùng nền cộng hòa La Mã cũng biến mất, và trở thành nền quân chủ khi giới chính khách nước này chỉ khao khát quyền lực, còn các công dân lại thờ ơ với công lý, tự do.
Cộng hòa Mỹ cũng vĩ đại không kém. Những người di cư đến Bắc Mỹ ban đầu đã thiết lập nên các chính quyền nhân dân tự quản. Tuy nhiên lúc ấy họ vẫn nằm dưới sự bảo hộ của Anh. Trước những đối xử bất công của chế độ quân chủ Anh, người Mỹ đã nổi dậy đánh đổ sự bảo hộ này, và thiết lập nên nền cộng hòa Mỹ. Tinh thần cộng hòa ấy được thể hiện rõ trong bản tuyên ngôn độc lập do Thomas Jefferson thảo nên:
“Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Rằng để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ.”
Nước Mỹ không chỉ có những nhà lãnh đạo tài hoa, mà họ còn có những nhà cộng hòa vĩ đại, những người yêu mến tự do trên hết, như George Washington, Thomas Jefferson, James Madison, Alexander Hamilton, và nhóm Brutus. Những người này đã hiện thực hóa tinh thần của bản tuyên ngôn độc lập trên vào trong hiến pháp Mỹ. Đây là bản hiến pháp thành văn lâu đời nhất trên thế giới, trong đó nó định rõ một loạt các cơ chế kiểm soát quyền lực như tam quyền phâp lập, kiểm soát cân bằng, và chủ nghĩa liên bang.
Khó mà tưởng tượng được nước Mỹ sẽ như thế nào nếu Thomas Jefferson khát khao quyền lực hơn là công lý, nếu James Madison tham vọng độc tôn cai trị hơn là tự do. Chính niềm yêu mến các giá trị công lý, tự do, và tinh thần công đã tạo nên một nền tảng cho sự thịnh vượng và bền vững của các nền cộng hòa. Thể chế nào rồi cũng suy tàn khi con người không còn thiết tha gì với những giá trị ấy, như đã từng xảy ra với nền cộng hòa La Mã.
Nếu chúng ta có đang thờ ơ với các giá trị cộng hòa như những công dân cuối cùng của nền cộng hòa La Mã, thì có lẽ cần phải biết ơn người dân Đồng Tâm đang thay ta nỗ lực gìn giữ chúng. Có thể xác quyết một điều rằng họ đã hành động như những công dân cộng hòa thực thụ. Và như thế, họ xứng đáng được tôn vinh.
Nếu bạn muốn viết bài về chủ đề này hay phản biện bài viết này, xin vui lòng gửi bài tới editor@luatkhoa.org.