Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Luật Khoa tạp chí lược dịch từ bài viết When the U.S. government tried to fight Communism with Buddhism của nhà báo tự do Joe Freeman đăng trên Tạp chí Politico ngày 10/9/2017.
***
Phật giáo Myanmar (Miến Điện) một lần nữa trở thành tâm điểm của các trang tin quốc tế khi hàng loạt tin tức về những vụ đàn áp đẫm máu người Hồi giáo thiểu số Rohingya đều đặn được đăng tải trong những ngày vừa qua.
Thế nhưng, chúng ta cần nhớ rằng, yếu tố tôn giáo vốn luôn là một nguyên tố mang nhiều tính biến động trong lịch sử chính trị Đông Nam Á.
Tuy tầm ảnh hưởng của chủ thuyết dân tộc chủ nghĩa Phật giáo (Buddhist nationalism) ở Myanmar đang được cơ cấu thành một hiện tượng gì đó hoàn toàn mới mẻ ngay lúc này, nhưng thực chất, Phật giáo vốn đứng đằng sau rất nhiều sự kiện ở tại những thời điểm càng biến động và hỗn loạn hơn trước đây trong khu vực.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Đông Nam Á là điểm nóng của sự giao tranh giữa những tư tưởng và tầm nhìn đối nghịch nhau. Mà Phật giáo, đã từng là tâm điểm của tất cả.
Chuyến công du của Richard Nixon năm 1953 và những định hướng của Hoa Kỳ về tôn giáo ở Đông Nam Á
Năm 1953, một vài tháng sau khi Tổng thống Dwight D. Eisenhower nhậm chức, Phó Tổng thống Richard M. Nixon đã cùng vợ, bà Pat, trải qua một chuyến công du đầy bão táp ở Châu Á. Họ đã dừng chân tại Burma (ND: Kể từ năm 1989, Burma mới chính thức đổi tên thành Myanmar.), Cambodia, Laos, và Việt Nam.
Người Pháp đã mang Nixon đến những tuyến đầu của Cuộc chiến Đông Dương lần thứ Nhất (First Indochina war), để tận mắt chứng kiến cuộc đối đầu quật cường của những người Việt Minh.
Tuy rất có ấn tượng với những gì ông ta nhìn thấy, nhưng Nixon vẫn cảm thấy khá lấn cấn. Ông không thích cái kiểu gia trưởng của người Pháp – là đồng minh nhận được sự ủng hộ của người Mỹ trong cuộc chiến này để chống lại quân cộng sản – trong việc họ đối xử với quân đội của Quốc gia Việt Nam, một đồng minh khác của Hoa Kỳ.
Vì người Pháp đã kết luận rằng, người Việt Quốc gia đã thất bại trong việc tìm kiếm một đại tự sự có đủ sức quyến rũ và có thể đáp trả lại ngọn cờ giải phóng dân tộc đang rất được lòng dân của phe bên kia.
Nixon gặp gỡ Quân đội của Quốc gia Việt Nam trong chuyến công du Đông Nam Á 1953. Ảnh: country-data.com
Chuyến công du đó là một kinh nghiệm mang ý nghĩa định hướng đối với Nixon. Một năm sau đó, trong một lá thư gửi đến Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Walter Bedell Smith, Nixon đã viết, “Như ngài đã biết, tôi vẫn luôn mang trong mình một mối quan tâm sâu sắc đến những người dân Đông Nam Á. Vì khác hẳn với giai cấp lãnh đạo, lý tưởng và tâm nguyện của những người dân nơi ấy thật ra rất gần gũi và tương đồng với chúng ta.”
Sự thương cảm của Nixon mang dáng vẻ khá buồn cười vài năm sau đó, khi chính ông ta đã ra lệnh dội bom xuống Cambodia trong cương vị tổng thống Mỹ.
Thế nhưng, những gì Nixon viết vẫn có lý lẽ riêng của nó. Trong cùng một bức thư, Nixon đã có thêm một đoạn về phương pháp giải quyết vấn đề cho thế tiến thoái lưỡng nan của người Pháp ở Đông Nam Á. Ông viết, “Tôi tin rằng đề nghị của mình sẽ giúp ích cho việc tìm kiếm một phương pháp mang đến sự thấu hiểu chung”.
Đề nghị mà Nixon nhắc đến có nguồn gốc từ một nhóm khá bí ẩn với tên gọi Quỹ Hành động Tôn giáo (Foundation for Religious Action – FFRA). FFRA kêu gọi thành lập một “Sự phản công Tín ngưỡng ở Đông Nam Á” (Spiritual Counteroffensive in Southeast Asia).
Kế hoạch này bao gồm việc chính phủ Mỹ sẽ bỏ tiền vào những tu viện Phật giáo với hy vọng rằng, niềm tin tôn giáo sẽ chiến thắng sức mạnh của thế lực thù địch vô thần đến từ Liên Xô, Trung Quốc, cũng như chủ nghĩa cộng sản toàn cầu. Họ – người Mỹ – sẽ dựng nên một Bức màn Cà sa (Saffron Curtain).
Hoa Kỳ nhận thức được sức mạnh của chiếc cà sa tại Đông Nam Á. Ảnh: ferrebeekeeper.wordpress
“Những vị tăng sư của Chiến tranh Lạnh: Phật giáo và Chiến lược bí mật của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á”
Các quan chức Mỹ vốn đã bị Phật giáo hấp dẫn trong nhiều năm. Trong bóng mờ của Cuộc Thế chiến thứ Hai cùng với việc người Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ năm 1954, Hoa Kỳ ngộ ra rằng, chỉ dùng vũ lực vốn không đủ thích đáng để chống lại sự lan tỏa của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á. Họ cần thu phục nhân tâm, nói cách khác, họ cần có được sự ủng hộ của đền đài và chùa miếu tại đây.
Đó cũng chính là câu chuyện mà Eugene Ford sẽ kể trong cuốn sách sắp phát hành, Những vị tăng sư của Chiến tranh Lạnh: Phật giáo và Chiến lược bí mật của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á (Cold War Monks: Buddhism and America’s Secret Strategy in Southeast Asia).
Một câu chuyện về nỗi đam mê ngắn ngủi của nước Mỹ đối với Phật giáo như là một thế lực chính trị. Một câu chuyện về những nỗ lực âm thầm của Hoa Kỳ nhằm gia tăng vị thế của các tu viện Phật giáo trong khu vực này, vào một thời điểm mà các tư tưởng và ý thức hệ có thể xoay chuyển hàng triệu con người.
“Tôn giáo là một đòn bẩy mà người Mỹ có thể dùng để tạo ra ảnh hưởng qua việc sử dụng sức mạnh tâm lý và phi quân sự”, Ford đã viết như thế. “Đặc biệt bằng cách nhấn mạnh với các cộng đồng tại đó về một mối đe dọa có thể đến từ những người cộng sản đối với các tu viện tôn giáo.” Và người dân rồi cũng biết, những mối đe dọa đó là có thật.
Người Mỹ tin rằng tôn giáo sẽ giúp chiến thắng chủ nghĩa “vô thần” của người cộng sản
Đắm chìm trong những bộ phim hành động và gián điệp chia rẽ hai cực Đông và Tây, chúng ta thường bỏ quên những lời hùng biện về tôn giáo mang hơi hướm của các cuộc thánh chiến trong thời kỳ đó của người Mỹ.
Năm 1950, Thuợng nghị sĩ Mỹ Edward Martin đã phát biểu rằng, Hoa Kỳ cần phải chiến đấu “với một quả bom nguyên tử trong tay này và một cây thánh giá trong tay kia”. Chủ nghĩa cộng sản là “vô thần”. Tôn giáo, vì thế là một vũ khí mạnh mẽ để chống lại nó. Trong câu chữ của một đại diện cho cơ quan nhà nước Hoa Kỳ, niềm tin tôn giáo là một phương tiện mang tính chủ lực trong Chiến tranh Lạnh.
Thế nên, nỗ lực dùng tôn giáo để chống lại chủ nghĩa cộng sản không chỉ giới hạn trong Phật Giáo. Từ năm 1946, Tổng thống Harry S. Truman đã kêu gọi tất cả các tín ngưỡng hãy cùng nhau hồi sinh niềm tin tôn giáo và tâm linh tại Mỹ.
Hoa Kỳ cũng đồng thời đẩy mạnh niềm tin tôn giáo tại Mỹ bằng việc thêm từ “dưới Thượng đế” vào Lời tuyên thệ Trung thành (Pledge of Allegiance). Ảnh: Google Sites.
Sử gia Dianne Kirby đã ghi nhận rằng, hai từ “dưới Thượng Đế” (under God) được thêm vào Lời Tuyên thệ Trung thành (Pledge of Allegiance) ở Hoa Kỳ vào năm 1954, và “cả một vòng phòng ngự của những tuyên truyền chống chủ nghĩa cộng sản, chống Sô Viết đã thống lĩnh hầu hết tư tưởng của các nhà lãnh đạo tôn giáo Thiên Chúa giáo, cũng như các cộng đồng giáo dân của họ”.
Con số những người tham gia các buổi lễ ở các giáo đường tăng vọt. Chính phủ Truman thiết lập một mối quan hệ thân cận với Tòa thánh Vatican để có thể chia sẻ thông tin tình báo về các hoạt động của người cộng sản tại Châu Âu. Eugene Ford cũng nhắc đến một kế hoạch – tuy không đủ tính thuyết phục – nhưng mang đầy vẻ quyến rũ về một mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các tổ chức Hồi giáo ở nước ngoài.
Yếu tố thời điểm đã củng cố thêm niềm tin của Hoa Kỳ vào việc sử dụng Phật giáo để tuyên truyền giảng dạy chống lại thuyết cộng sản ở Đông Nam Á
Riêng với Phật Giáo, thì thời kỳ nước Mỹ bắt đầu bị mê hoặc với việc sử dụng tôn giáo làm vũ khí chống lại chủ nghĩa cộng sản trong Chiến tranh Lạnh, cũng ngẫu nhiên trùng khớp với dịp các Phật tử tưng bừng kỷ niệm 2.500 năm ngày mất của Phật tổ và lần hội nghị đầu tiên những đệ tử của Đức Phật tổ chức để cùng tìm hiểu về những lời Phật dạy.
Trong giữa thập niên 1950, một làn sóng mới muốn tìm hiểu về Phật giáo đã diễn ra, và kết quả là Tổ chức Liên hữu Phật giáo Thế giới (World Fellowship of Buddhists – WFB) đã được thành lập. Ngày 25/5/1950, WFB tổ chức hội nghị lần thứ nhất tại Ceylon, nay là Sri Lanka.
Đại hội Kỳ 1 của Tổ chức Liên hữu Phật giáo Thế giới (WFB) tại Sri Lanka năm 1950. Ảnh: mea.gov.in
“Bỏ mặc là tốt hay xấu, thì một tổ chức tôn giáo-chính trị với mạng lưới liên kết toàn cầu với sức ảnh hưởng rộng lớn đến đại bộ phận người dân Đông Nam Á, đã được ra đời.” Một quan chức Hoa Kỳ đã ghi nhận về hội nghị WFB như thế.
Các chính phủ Đông Nam Á cũng hiểu rất rõ sức ảnh hưởng của Phật giáo. Họ cũng lo sợ về việc những giá trị truyền thống Phật giáo sẽ bị băng hoại khi chủ nghĩa cộng sản bắt đầu trở nên được ưa chuộng.
Một bản ký lục của cơ quan tình báo CIA năm 1951 đã xác định xu hướng này tại Burma, cũng như các nơi khác ở Đông Nam Á, khi những lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản bắt đầu được người dân chú ý đến.
“Nếu người cộng sản làm chủ được tình hình Burma, thì đó sẽ là một nước cờ mang tính chiến lược đầy thuận lợi cho Cộng sản Trung Quốc và Liên Xô. Điều này sẽ thọc một mũi chia rẽ giữa hai khu vực, Ấn Độ – Pakistan và Đông Nam Á, giúp cho việc chủ nghĩa Cộng sản tiến sâu vào Đông Dương và những quốc gia khác ở phía Nam và Đông Nam Châu Á. Để họ có thể – bằng một đòn tâm lý chiến – tuyên bố rằng Chủ nghĩa Cộng sản ở Châu Á là chân lý không gì có thể ngăn cản nổi”, bản ký lục này đã nhận định như thế.
Cảnh giác với chiến thắng của Mao Zedong (Mao Trạch Đông) ở Trung Quốc và nhận thấy tình hình có vẻ ngày càng bất lợi khi các đoàn quân Quốc dân đảng (Kuamintang) liên tục trốn chạy qua biên giới, một số các nhà lãnh đạo Đông Nam Á quyết định sẽ tự mình hành động.
Trong thời kỳ đầu của thập niên 1950, các quan chức Thailand đã tuyển mộ các vị sư ở các vùng nông thôn để tiến hành “giảng dạy người dân phải tôn trọng cha mẹ, nhà Vua, và chính phủ, cũng như làm rõ sự khác biệt giữa chủ thuyết cộng sản và Phật giáo”.
Một trong những sự kiện nổi bật là phát biểu năm 1950 của Thủ tướng Burma, U Nu, sau khi nước này dành được độc lập. Ông U Nu, một Phật tử sùng đạo đã nói, tất cả những tư tưởng của Karl Marx “vốn dĩ không bằng một phần mười hạt bụi nằm dưới chân Đức Phật của chúng ta”.
Thủ tướng U Nu tại lễ Phật Đản năm 1961. Ảnh: howlingpixel.com
Và vì thế, yếu tố thời điểm trở nên hết sức thuận lợi cho Hoa Kỳ thâm nhập. Vào lúc mà Nixon gửi lá thư của mình đến Walter Bedell Smith thì các nhân viên tình báo CIA đã rất bận rộn với những hoạt động cùng những nhóm Phật tử khắp cả khu vực.
Hoạt động của CIA ở những nước Đông Nam Á có truyền thống lâu đời với Phật Giáo, bắt đầu từ Burma
Cơ quan CIA đã thu thập tình báo tại những tu viện của các vị tu hành gốc Việt ở Bangkok từ những năm 1948, với mục đích theo dõi những hoạt động của các đường dây ngầm của người cộng sản.
Nhưng CIA không thể hoạt động công khai, và vì thế họ phải sử dụng các tổ chức tư nhân để làm việc cho mình. CIA tiến hành tài trợ phía sau Ủy ban Vì một Châu Á Tự do (Committee for a Free Asia) vừa mới được thành lập – sau năm 1954 họ được biết đến với tên gọi Quỹ Châu Á (Asia Foundation).
CIA đã thông qua Ủy ban Quốc gia Vì một Châu Âu tự do (National Committee for a Free Europe), là tổ chức quản lý Đài Âu Châu Tự do (Radio Free Europe) vào thời điểm đó, để tiến hành.
CIA tiếp tục việc tài trợ ngầm cho đến khi họ chấm dứt các mối quan hệ với Quỹ Châu Á, sau khi các hoạt động của họ và các tổ chức này bắt đầu bị phanh phui trong những năm cuối thập niên 1960.
Báo chí phanh phui quan hệ giữa CIA và Quỹ Châu Á. Ảnh: New York Times.
Người Mỹ bắt đầu xuất hiện tại Burma, nơi mà Eugene Ford đã miêu tả là một phòng thí nghiệm cho những hoạt động ngầm núp bóng Phật giáo của CIA (Thủ tướng U Nu của Burma, như chúng ta thấy ở trên, là một tín đồ Phật giáo hết sức sùng đạo).
Năm 1952, Ủy ban Vì một Châu Á Tự do đến Burma và bắt đầu tài trợ cho Đại hội Phật tử kỳ 1954-1956. Đại hội này được xem là kỳ thứ sáu, kể từ lần đầu tiên được tiến hành vào hai thiên niên kỷ rưỡi trước, ngay sau khi Đức Phật qua đời.
Thủ tướng U Nu đã yêu cầu Hoa Kỳ giúp đỡ để Burma có thể tổ chức đại hội có tên gọi là Synod lần thứ sáu này. Các giai đoạn chuẩn bị cho kỳ đại hội Synod có thể khiến chính phủ Burma phải tiêu tốn sáu triệu Mỹ kim, vì họ cần tái dựng lại khung cảnh của kỳ đại hội đầu tiên bằng việc xây dựng một hang động. Hang động này vẫn còn tồn tại ở Yangon, thủ đô của Burma hiện nay, và là một địa điểm du lịch nổi tiếng ngay bên cạnh một trường đại học Phật giáo.
Hang động Mahapasana Cave (nơi tổ chức Đại hội Synod lần thứ 6 được Hoa Kỳ hỗ trợ tài chính) ngày nay tại thủ đô Yangon, Myanmar. Ảnh: besttourmyanmar.com
Đến năm 1962, Ủy ban Vì một Châu Á Tự do và tổ chức kế nhiệm, Quỹ Châu Á, đã đóng góp hơn 300.000 đô la cho các thiết bị in ấn và trợ giúp về kỹ thuật để giúp cho Nhà in Buddha Sasana của Burma trở thành nhà in Phật giáo “lớn nhất và tối tân nhất” trên toàn thế giới.
Quỹ Châu Á cùng lúc đó đã mở rộng hoạt động của họ đến các nước láng giềng, bao gồm Thailand, Cambodia, và Laos. Điều này đã giúp cho chính quyền Washington có được một diễn đàn trong khu vực và một mạng lưới của riêng mình trong cộng đồng Phật tử toàn thế giới.
Ngoài Burma, Hoa Kỳ cũng sử dụng cùng một phương pháp thầm lặng như thế ở các nước khác trong khu vực, bằng việc trợ cấp cho các chương trình giáo dục Phật giáo và các nhóm phát triển, phát tán các tài liệu tuyên truyền chống chủ nghĩa cộng sản, có mặt tại các hội thảo Phật giáo và tài trợ các chuyến viếng thăm những danh lam thắng cảnh Hoa Kỳ – như tòa nhà Empire State – của các thành viên cao cấp Sangha, các tăng lữ.
Ý đồ của Mỹ, theo cách nói của một quan chức, là làm thế nào để “có thể khiến cho mọi người có được một cái nhìn chung về một nguy cơ trên bình diện rộng, đến từ những bất cập giữa chủ thuyết cộng sản và quyền tự do tôn giáo của mọi tín ngưỡng.”
Các quan chức Hoa Kỳ đương nhiên phải tự cảnh giác, là việc họ làm có thể bị người khác xem là hành vi lợi dụng Phật giáo.
Một bản dự thảo chính sách về tôn giáo năm 1957 đã giải thích rằng, “tất cả những việc chúng ta làm không nên tỏ vẻ với các lãnh đạo Phật giáo đó là một ‘chương trình’ gì đó của chính phủ Mỹ, mà nên là những cử chỉ thân thiện để bày tỏ sự giúp đỡ lẫn nhau giữa người Phật tử và các nhóm tôn giáo Hoa Kỳ”.
Tuy nhiên, các quan chức Hoa Kỳ vẫn nhấn mạnh, tình hình đã rất nguy cấp vì Cộng sản Trung Quốc cũng đang rất bận rộn mở rộng quan hệ với những nhóm tôn giáo, ngay tại các buổi hội thảo và gặp mặt mà người Mỹ đã tham gia.
Năm 1956, các chuyên gia của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn đi xa hơn một bước và thành lập “Ủy ban Phật giáo”. Mặt khác, các quan chức Hoa Kỳ cũng bắt đầu học hiểu được rằng, Phật giáo không phải là một tôn giáo nguyên nhất, mà ngược lại, có rất nhiều hệ phái.
Lịch sử của các cuộc phân tranh trong khu vực Đông Nam Á và sự phức tạp của các hệ phái Phật giáo cản trở hoạt động của CIA
Và cho dù là ở những quốc gia láng giềng có cùng tôn giáo và một số tập quán khá tương đồng như Thailand và Burma đi nữa, thì những quốc gia đó cũng có lịch sử và quá khứ mang đầy các sự kiện đầy bi thảm bởi các cuộc chiến giữa họ từ hàng trăm năm trước.
Sự có mặt của các phiến quân ở các vùng biên giới những quốc gia ở Đông Nam Á như Thailand-Burma vốn chưa bao giờ chấm dứt. Ảnh: Burma Times.
Còn đối với Laos, một bản điều tra dân số được thực hiện vào năm 1958 đã cho thấy, chỉ phân nửa dân số Laos là theo Phật giáo. Và như thế, những kế hoạch dùng việc giảng dạy Phật giáo để có thể mang ảnh hưởng đến số đông quần chúng có vẻ là một việc làm vô ích đối với nhiều người.
Nhìn lại những nỗ lực thiết lập quan hệ với các lãnh đạo Phật giáo của Hoa Kỳ, thì chúng có phần mềm mỏng hơn nếu mang so sánh với sự can thiệp quân sự của Mỹ tại Đông Nam Á và các quốc gia khác trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Hình ảnh của người Mỹ ở đây hoàn toàn không giống với kiểu “người Mỹ xấu xí” chạy loanh quanh ở những nơi mà anh ta không thuộc về, mà cũng chẳng hiểu rõ chúng.
Eugene Ford đã kết luận rằng, “Không hề có âm mưu nham hiểm gì trong thái độ chuyên tâm gia tăng năng lực dân sự, và lòng chân thành cũng như kỹ năng chuyên môn sâu của những người Mỹ thực hiện các chương trình này tại các địa phương, và họ hoàn toàn không mang hình ảnh của những kẻ cao ngạo chuyên đi chỏ mũi vào chuyện người khác”.
Mặc dù là như thế, cuộc tình lãng mạn giữa người Mỹ và Phật giáo lại rất ngắn ngủi và cũng không có kết thúc mỹ mãn.
Cho dù Hoa Kỳ đã hỗ trợ về cả quân sự lẫn mặt trận tôn giáo, các chính thể cộng sản vẫn trở thành kẻ nắm quyền tại Việt Nam, Laos, và Cambodia – nơi mà Khmer Đỏ đã tàn sát hàng loạt các tăng lữ thâm niên và bỏ tù những vị khác ở các trại cải tạo sau đó.
Tranh vẽ về thảm sát Cánh đồng chết ở Cambodia sau khi Khmer Đỏ nắm quyền. Ảnh: The Economist.
Tại Burma, sau khi chế độ quân phiệt truất phế Thủ tướng U Nu năm 1962, quân đội Burma quyết định sẽ chiến đấu với quân cộng sản bằng phương pháp “truyền thống” hơn, đó là bằng súng ống.
Với sự hậu thuẫn ngầm của Hoa Kỳ, chính quyền Thailand tự tổ chức các cuộc đàn áp người cộng sản và phe cánh tả bằng một cách hết sức tàn nhẫn, đủ khiến cho những công việc của Quỹ Châu Á trở nên chẳng quan trọng gì nữa.
Lời kết của tác giả
Tôi mang phần lịch sử này ra kể lại hôm nay, vì muốn nhắc nhở tất cả chúng ta về những góc khác của Phật giáo. Sự cuồng nhiệt của Phương Tây đối với các phẩm chất tinh thần đầy bí ẩn của Phật giáo đã che khuất một phần quá khứ đầy chính trị và đôi khi mang cả một chút bạo lực của tôn giáo này.
Chúng ta vốn không nắm rõ được những gì mà các tăng sĩ Phật giáo Thiền tông của Nhật Bản đã cổ súy, để các hoàng đế của đế quốc này tiến vào Trung Quốc như một cuộc thánh chiến.
Chúng ta cũng không bỏ thêm thời gian để suy nghĩ về những vị sư Sri Lanka, những người đã chúc lành cho các quân nhân trước khi ra mặt trận để chiến đấu với phe phiến quân Hổ Tamil (Tamil Tiger).
Để rồi chúng ta cảm thấy bị bất ngờ trước những gì đang xảy ra ngay hôm nay ở Myanmar, khi các vị tăng sư dùng chủ nghĩa dân tộc để thổi bùng lên những cuộc bạo động tôn giáo và ủng hộ việc tàn sát người Hồi giáo.
Bài học ở đây không phải là Phật giáo có những căn tính bạo lực – Phật giáo vốn không hề có. Thế nhưng, cũng như tất cả các tôn giáo khác, thì ngay cả những tôn giáo ôn hòa nhất cũng có thể bị kẻ khác làm biến dạng để sử dụng cho những mục đích chính trị, mà đôi khi là rất tàn ác.
Liệu có phải chính Chiến tranh Lạnh đã tiếp nhiên liệu cho tính chiến đấu của một số những người Phật tử, như nó đã từng bơm năng lượng cho các quân cảm tử (mujahid) ở Afghanistan hay không?
Đó là một câu hỏi mà Eugene Ford đã để lửng trong câu chuyện của mình, và cũng là câu hỏi mà không ai có thể trả lời được. Thế nhưng, những căng thẳng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh chắc chắn đã khiến cho Phật giáo bị chính trị hóa nặng nề hơn.
Một trong những ví dụ về những nhà sư đã bị chính trị hóa mà Eugene Ford kể trong sách của ông là một vị người Thái có tên, Kittivudho.
Kittivudho đã được nhiều người biết đến khi so sánh giết cá với tàn sát người cộng sản:
“Sát sinh loài cá đương nhiên không được kính trọng, nhưng nếu chúng ta bỏ nó vào một cái bát dùng để khất thực của một vị sư, thì việc ta làm lại trở thành vô cùng có đức hạnh”.