Bác sỹ Truyện có thể kiện Sở TT-TT đòi bồi thường

Bác sỹ Truyện có thể kiện Sở TT-TT đòi bồi thường
Ông Lê Sĩ Minh (phải) trao quyết định thu hồi quyết định xử phạt hành chính trước đó cho bác sĩ Hoàng Công Truyện. Ảnh: Nhật Linh/Tuổi Trẻ.

Vụ xử phạt bác sỹ Hoàng Công Truyện vì “xúc phạm” Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến coi như đã hạ màn. Nhưng mọi chuyện hoàn toàn có thể đi xa hơn thế.

Khi Sở Thông tin – Truyền thông Thừa Thiên – Huế rút quyết định xử phạt bác sỹ Truyện năm triệu đồng và công khai xin lỗi sáng ngày 24/10, họ đã vô tình mở ra cho bác sỹ Truyện một cánh cửa mới: đòi bồi thường danh dự và phí tổn.

Thật trớ trêu, quyết định xử phạt một hành vi bị coi là “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” bà Bộ trưởng, sau cùng lại trở thành thứ rất có thể đã xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bác sỹ Truyện và gây ra những thiệt hại vật chất cho ông.

Tôi không ở địa vị có thể nói thay cho bác sỹ Truyện về việc ông có cảm thấy bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay có thiệt hại tiền bạc gì hay không. Đây là việc mà chỉ có ông mới có quyền lên tiếng, cũng như status của ông có xúc phạm bà Bộ trưởng hay không thì chỉ có bà ấy mới có quyền lên tiếng, như tôi đã phân tích ở bài trước.

Ông cũng đã có một bức thư gửi cho Bộ trưởng Tiến bày tỏ nỗi ăn năn của mình trước khi có quyết định xử phạt bị huỷ bỏ. Trả lời báo chí, ông cũng chỉ mong mọi việc chấm dứt tại đây để tập trung cho công việc.

Tôi hoàn toàn hiểu ông không muốn tiếp tục gặp rắc rối nữa. Nhưng nếu bác sỹ Truyện tuyên bố ông cảm thấy bị xúc phạm suốt thời gian qua vì quyết định xử phạt này thì giải pháp pháp lý ông có trong tay là gì? Ta hãy coi đây là một ví dụ tình huống để xem nếu rơi vào trường hợp của ông thì chúng ta có thể làm gì.

Tôi gọi điện thoại cho luật sư Trần Vũ Hải khi ông đang ở văn phòng của mình ở Hà Nội. Ông chia sẻ:

“Bác sỹ Truyện có thể yêu cầu Sở TT-TT Thừa Thiên – Huế bồi thường tổn thất về danh dự, uy tín, tổn thất về tinh thần và có thể cả những phí tổn ông ấy phải chịu trong suốt thời gian qua nữa, chi phí đi lại để giải quyết sự vụ chẳng hạn”.

Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009, bác sỹ Truyện cần thực hiện theo trình tự sau: (i) làm hồ sơ yêu cầu Sở TT-TT bồi thường, (ii) nếu Sở TT-TT không trả lời hoặc từ chối bồi thường thì kiện cơ quan này ra Toà án Nhân dân Thành phố Huế.

Điều 13 của luật này nói rõ hành vi vi phạm trong quá trình “ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính” thuộc phạm vi bồi thường của nhà nước. Căn cứ để xác định hành vi này chính là văn bản huỷ bỏ quyết định xử phạt do bà Cao Thị Vân, Chánh Thanh tra Sở TT-TT ký ngày 23/10 vừa qua.

Theo luật, bác sỹ Truyện có hai năm kể từ ngày nhận được văn bản nói trên để làm đơn yêu cầu Sở TT-TT bồi thường.

Sau khi nộp đơn, nếu hết thời hạn giải quyết mà Sở không trả lời, hoặc trả lời mà bác sỹ Truyện không đồng ý thì ông có thể khởi kiện Sở ra toà.

Nếu thắng kiện, bác sỹ Truyện có thể được bồi thường các khoản thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; chi phí đi lại, thuê chỗ ở, in ấn và các chi phí khác phát sinh do bị xử phạt trái pháp luật.

Rất tiếc, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước cả cũ (2009) lẫn mới (2017, có hiệu lực từ 1/7/2018) không đề cập đến việc bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người bị xử phạt hành chính “oan sai”, ngoại trừ trường hợp bị giáo dục tại xã/phường, bị tạm giữ hành chính hay bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện.

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 vẫn để ngỏ cho bác sỹ yêu cầu bồi thường khoản này khi có quy định về bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm tại Điều 592.

Pháp luật về bảo vệ và bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của người dân còn thiếu, chưa rõ ràng và chưa cụ thể, nhất là trong trường hợp chủ thể xâm phạm lại là cơ quan nhà nước. Đơn yêu cầu bồi thường hay đơn khởi kiện của bác sỹ Truyện cũng chưa chắc đã được thụ lý vì lý do nhạy cảm chính trị. Tuy nhiên, những đòi hỏi hợp lý của người dân sẽ là áp lực để nhà nước buộc phải sửa đổi pháp luật và hành vi ứng xử.

Việc những người rơi vào trường hợp như bác sỹ Truyện yêu cầu bồi thường sẽ buộc cán bộ, công chức nhà nước phải suy nghĩ và đắn đo nhiều hơn trước khi xử phạt công dân. Việc này sẽ dần xác lập vị thế ngang bằng giữa công dân và nhà nước trong các mối quan hệ pháp luật, thay vì để cho nhà nước lạm dụng pháp luật và xâm phạm quyền lợi của công dân.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.