Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Có lẽ chưa có lá đơn nào làm chia rẽ người Việt như lá đơn thu thập chữ ký liên quan đến vụ án thương tâm bé Nhật Linh bị giết hại ở Nhật Bản.
Vụ việc có những tình tiết dã man, trong đó có cáo buộc (vẫn chưa được bên công tố chứng minh trước tòa) rằng nghi phạm (vẫn chưa bị tòa xét xử và kết án) là một kẻ ấu dâm và đã có các hành vi xâm hại tình dục đối với nạn nhân.
Bên cạnh đó, khác với nhiều gia đình nạn nhân, gia đình của bé Nhật Linh vì thương con nên không cam tâm chịu im lặng. Những lời trần tình trên mạng xã hội của các thành viên gia đình trong hành trình kêu gọi chữ ký của họ nhiều tuần qua đã đánh động được tâm can của dư luận Việt Nam.
Lá đơn được lan truyền rộng rãi và đã thu thập được rất nhiều chữ ký, thể hiện mức độ quan tâm cũng như tinh thần đồng cảm, sẵn sàng chia sẻ thương đau với gia đình nạn nhân của nhiều người Việt Nam trong nước và quốc tế.
Trong bối cảnh đó, bỗng chốc mọi lời từ chối ký lá đơn, hay thể hiện sự nghi ngờ liên quan đến tác dụng và vai trò pháp lý của lá đơn, đều trở thành những hành vi có vẻ ngược ngạo.
Quyền đồng cảm, quyền thù hận, và quyền thù hận thay
Theo dõi các tranh luận trên mạng, người viết cảm thấy thương cảm cho gia đình bé Nhật Linh.
Đúng rằng, theo đại ý đúc kết từ nhiều lời chia sẻ trên mạng xã hội của người mẹ bé Nhật Linh: nếu không thật sự có con bị giết dã man, nếu chưa bao giờ thật sự phải nhìn tận mắt thấy những gì đã xảy đến cho thân thể nhỏ xíu thánh thiện của đứa con mình đứt ruột đẻ ra, thì mọi lời phân tích, tranh cãi, phân bua đều chỉ là vô nghĩa.
Người ngoài có khả năng và có quyền đồng cảm sẻ chia, nhưng người ngoài không có khả năng và cũng chẳng có quyền đau khổ phẫn nộ hay thù hận thay cho một gia đình nạn nhân.
Nỗi đau khổ phẫn nộ mãi mãi là của riêng những con người đã phải chứng kiến một thành viên trong gia đình mình bị tước đi mạng sống một cách tức tưởi.
Nỗi đau khổ phẫn nộ đó trao cho các thành viên gia đình nạn nhân quyền thù hận.
Quyền thù hận là gì? Đó là quyền căm ghét đến mức phải khẩn cầu với toàn thế giới rằng một ai đó mà mình không hề quen biết phải chết để đền hết tội.
Bất kỳ người nào không có thù hận, chẳng có tội nợ gì, nhưng cũng khẩn cầu với thế giới rằng một ai đó mình không hề quen biết phải chết đi, thì thường là người đó đang thực thi một thứ quyền thù hận được “vay mượn”, hay là quyền thù hận thay.
Phần lớn những người đi mượn nỗi đau khổ phẫn nộ của một gia đình nạn nhân làm nỗi đau khổ phẫn nộ của bản thân mình, rồi từ nỗi đau khổ phẫn nộ “vay mượn” đó mà thực thi quyền thù hận thay, thì thường đều đang làm những việc đó nhân danh một tang gia bối rối.
Trong vụ việc bé Nhật Linh, người viết cảm thấy rằng, có một sự phản kháng đến mức quá khích và không cần thiết mà một số người tham gia ký và vận động ký lá đơn giúp gia đình bé Nhật Linh đang thể hiện trước mọi lời từ chối ký đơn hay thể hiện sự ngờ vực với vai trò của lá đơn.
Người viết ngạc nhiên khi phải thấy một số bạn du học sinh – những người từng có thời gian sinh sống và học tập tại những quốc gia đã bãi bỏ án tử hình hay đã có thời gian ngưng áp dụng án tử hình – bỗng nhiên thể hiện lòng ủng hộ nhiệt thành cho việc tử hình một nghi phạm chưa hề được tòa xét xử và kết án.
Người viết ngạc nhiên khi phải thấy một số trí thức – những người mà ngày thường luôn tỏ ra thận trọng từ tốn, luôn đánh giá mọi mặt, mọi luồng ý kiến trong các vấn đề gây tranh cãi lớn của xã hội – sau khi tham khảo báo chí và ý kiến gia đình nạn nhân thì cũng bỗng nhiên đồng ý với việc tuyên án tử hình, trong một vụ án vẫn đang trong quá trình chuẩn bị được đưa ra xét xử.
Người viết đặc biệt ngạc nhiên hơn nữa khi phải nhìn thấy một số cá nhân trong hai nhóm có học thức nói trên lại đi dùng những ngôn từ “chợ búa” hằn học nhất để công kích bất kỳ ai từ chối ký hay thể hiện sự ngờ vực vai trò và hiệu quả của lá đơn.
Cứ như thể những ủng hộ nhiệt tình và hằn học gay gắt đó của những cá nhân đó xuất phát từ một nỗi đau khổ phẫn nộ cùng cực nào đấy mà họ đang mang trong lòng, và bắt nguồn từ một niềm tin mãnh liệt rằng, giống như gia đình nạn nhân, họ cũng có quyền thù hận kẻ thủ ác.
Và rằng, cho dù là với một nghi phạm vốn chưa được chứng minh là kẻ thủ ác theo một cách không thể chối cãi gì nữa trước tòa, thì những cá nhân đó vẫn có quyền đưa ra đòi hỏi nghi phạm đó phải hứng chịu hình phạt cao nhất cho một kẻ thủ ác: cái chết trên giá treo cổ.
Những biểu hiện quá khích nói trên của những cá nhân ngoài gia đình nạn nhân bộc lộ một hiện tượng xã hội nghiêm trọng mà sự tồn tại của hiện tượng đó vượt ra ngoài phạm vi vụ án bé Nhật Linh:
Có vẻ là, trong nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng, luôn có một số cá nhân ngoài xã hội tham gia ủng hộ gia đình nạn nhân bằng một niềm tin không gì xoay chuyển được, rằng họ là phe chính nghĩa duy nhất, rằng họ là những người bảo vệ công lý trung thành nhất, và rằng họ đang là những người giúp đỡ gia đình nạn nhân một cách hăng hái và hữu hiệu nhất.
Và rằng những niềm tin đó, cũng như những cảm xúc mãnh liệt của họ, nghiễm nhiên ban cho họ cái quyền thù hận thay gia đình nạn nhân.
Không chỉ thù hận với kẻ thủ ác, mà thù hận luôn bất cứ kẻ nào dù chỉ là mảy may thể hiện sự dè dặt trong việc xét đoán kẻ thủ ác cùng tội lỗi của y.
Thực thi quyền thù hận thay ra sao cho thỏa đáng?
Không như cách mà một số cá nhân tham gia ủng hộ gia đình nạn nhân đang làm trong vụ án bé Nhật Linh – “tuyên án” tử cho một nghi phạm trong khi nghi phạm đó vẫn chưa được đưa ra xét xử một cách công khai, công bằng, và nghiêm minh trước tòa – người viết sẽ không “tuyên án” gì ở đây đối với những cá nhân nêu trên.
Nhưng người viết muốn đặt ra một số câu hỏi pháp lý để giúp ích cho tiến trình đưa ra quyết định của bất kỳ cá nhân nào đang tham gia, hay xem xét việc tham gia ủng hộ gia đình nạn nhân Nhật Linh trong hành trình đi tìm công lý.
Những câu hỏi đó sẽ được đặt ra trong bài tiếp theo.