Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Trong làn sóng dân chủ thứ ba, Đài Loan và Hàn Quốc là hai trường hợp dân chủ hóa thành công nhất ở Đông Á. Những học giả nổi tiếng về dân chủ như Juan Linz, Andreas Schedler, Samuel Huntington, Larry Diamond và Guillermo O’Donnell đều đồng ý là Đài Loan và Hàn Quốc đều có nền dân chủ phát triển so với các nước dân chủ cùng thời.
Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là những thách thức hữu hình đối với nền dân chủ của Hàn Quốc và Đài Loan là không tồn tại.
Đơn cử như Hàn Quốc vẫn còn nhiều hạn chế về quyền tự do ngôn luận, tham nhũng chính trị, hay chậm tiến trong quan hệ với Bắc Hàn.
Với Đài Loan, bất bình đẳng kinh tế, tham nhũng, bế tắc giữa các đảng phái chính trị và mối nguy cơ địa-chính trị từ Trung Quốc đang là những thách thức đe dọa dân chủ.
Đối với cả hai quốc gia, niềm tin của dân chúng ở Đài Loan và Hàn Quốc đối với các cơ quan đại diện nhà nước ngày càng suy giảm và thành rào cản cho nền dân chủ vẫn còn non trẻ.
Di sản độc tài
Tại Đài Loan, vấn đề tranh cãi hiện nay là di sản của Quốc Dân Đảng (KMT) dưới chế độ độc tài của Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc. Đây là là kết quả hiển nhiên trong quá trình chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ, đã từng xảy ra ở Tây Ban Nha vào đầu những năm 1980 khi chuyển tiếp dân chủ xảy ra bất bạo động thay vì các cuộc đảo chính đẫm máu.
Dafydd Fell, chuyên gia dân chủ Đài Loan tại Đại học London ghi nhận rằng “dân chủ hóa bất bạo động đã góp phần vào sự ổn định chính trị của Đài Loan nhưng một số tàn dư độc tài đang làm hỏng sự công bằng và hợp pháp của hệ thống lập pháp.” Vì thế, quyền lực của KMT vẫn lớn mạnh và tiếp tục sử dụng ảnh hưởng và quyền lực trong hệ thống tư pháp để trừng phạt các đối thủ chính trị.
Một báo cáo của Đài Bắc vào tháng 3 năm 2017 đã mô tả những nỗ lực bất thành của Đảng Dân Tiến (DPP) khi cố thành lập một ủy ban điều tra khối tài sản khổng lồ của KMT nhưng Kiểm Soát Viện – hội đồng giám sát cao nhất của Đài Loan – đã ngăn trở cuộc thẩm vấn. Từ đó đã dẫn đến những cáo buộc của dân chúng về sự thao túng chính trị của KMT với hệ thống lập pháp và tư pháp và sự bất mãn của quần chúng với thể chế dân chủ.
Ngoài ra còn có những thách thức liên quan đến hiến pháp và bầu cử ở Đài Loan. Đảo quốc sẽ không có bầu cử thay thế nếu ứng cử viên tổng thống hàng đầu của hai đảng Quốc Dân và Dân Tiến “không đạt được ít nhất 50% số phiếu.” Điều này chỉ xảy ra một lần duy nhất ở Đài Loan là trong cuộc bầu cử năm 2000 và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính chính danh của Chen Shui-bian.
Dù thế thì Freedom House năm 2016 vẫn xếp hạng Đài Loan khá cao khi đứng thứ 42 trên 211 nước, trong khi Hàn Quốc chỉ đứng ở 62. Một số phân tích từ Stephen Haggard và Jong Sun You cũng đồng ý rằng “tự do ngôn luận ở Hàn Quốc đang dần tụt hậu so với các nước có dân chủ cùng thời.” Rõ ràng chính phủ Nam Hàn đã không tiến hành cải cách nhiều vấn đề cấp thiết, như luật phỉ báng hình sự, luật bầu cử, luật an ninh quốc gia, việc áp đặt các hạn chế đối với tự do Internet, và quyền kiểm soát ảnh hưởng của phương tiện truyền thông.
Như vậy, các lĩnh vực trên đã thể hiện sự yếu kém của nền hành pháp và tư pháp Hàn Quốc. Có lẽ việc đô hộ của Nhật và di sản của chế độ độc tài của Syngman Rhee, Park Chung-hee và Chun Do-hwan vẫn còn nhiều ảnh hưởng với xã hội nước này. Đơn cử là Luật An ninh Quốc gia – được áp dụng từ năm 1948 để giam giữ, tra tấn và thậm chí hành quyết lãnh đạo của phe đối lập – tiếp tục được sử dụng cho tới ngày nay để hạn chế các tranh luận học thuật, và kiểm soát những tranh luận trực tuyến. Không chỉ vậy, tính độc lập của nền tư pháp Hàn Quốc dường như bị tổng thống kiểm soát chặt chẽ.
Hình cổ động của các ứng viên chạy đua vào Quốc hội Hàn Quốc, tháng 3/2016. Ảnh: AP.
Công chúng mất lòng tin vào các đảng chính trị
Trong cuộc khảo sát gần đây về thái độ dân chủ do Asian Barometer Survey, chỉ có 11% người Hàn Quốc và 19% người Đài Loan tin vào Quốc hội.
Tương tự, sự tin tưởng vào các đảng chính trị cũng khá thấp ở hai nước. Những số liệu này cho thấy việc mất niềm tin của quần chúng đang trở thành một vấn đề nhức nhối cho sự trưởng thành của hai nền dân chủ non trẻ.
Tuy nhiên, có khoảng 93% người Hàn Quốc và 85% người dân Đài Loan vẫn tin tưởng vào dân chủ và công kích sự can thiệp của quân đội.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu vấn đề mất lòng tin của công chúng đối với tổ chức đại diện ở Đài Loan và Hàn Quốc có ảnh hưởng đến sự ủng hộ của công chúng với dân chủ?
Có hai yếu tố đáng xem xét.
Thứ nhất, cả hai nền dân chủ vẫn còn non nớt và từng bị thống trị bởi chế độ độc tài. Theo đó, tàn dư của chế độ trước vẫn tồn tại ở Quốc hội và các đảng phái chính trị. Chính điều đó dẫn đến sự bất tín nhiệm của quần chúng trong nhiều cuộc khảo sát.
Thứ hai, kết quả của các cuộc khảo sát nói lên một mong muốn rằng quốc dân hy vọng sẽ đạt được một mức độ dân chủ cao hơn trong ngôn luận và phản đối quân đội quay trở lại cầm quyền.
Rõ ràng là có những thách thức đáng kể trong bộ máy nhà nước ở các nước dân chủ. Tuy nhiên, rất có thể niềm tin của quần chúng sẽ tăng lên khi nền dân chủ đã hoàn toàn trưởng thành và đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Vấn đề nhập cư
Trong giai đoạn 1980-1990, do nhu cầu lao động trong nước gia tăng và thị trường xuất khẩu phát triển nhanh, Hàn Quốc có “hơn 1.813.037 lao động nước ngoài vào năm 2015 so với năm 1990 chỉ khoảng 50.000” (Moon 2015: 3).
Cũng theo Moon, gia tăng dân số đang mang lại những thách thức to lớn, đặc biệt là cho “một xã hội với một niềm tin vững chắc rằng dân tộc Hàn trở nên nổi trội ở Đông Á từ hàng ngàn năm nhờ dòng máu thuần chủng và phong tục nổi bật”.
Điểm khác biệt với Hàn Quốc là Đài Loan có lịch sử di cư lâu dài với quy mô lớn, đơn cử là hơn hai triệu người của KMT đã di dân từ đại lục năm 1949. Thực tế, Đài Loan đã ngừng chấp nhận dân nhập cư từ những năm 1950 nhưng do nhu cầu về lao động và sự gia tăng các cuộc hôn nhân nước ngoài nên số người nhập cư vào Đài Loan vẫn tiếp tục tăng nhanh. Do đó, rất có thể xã hội Đài Loan sẽ trở nên đa chủng tộc trong một tương lai gần.
Thách thức địa chính trị
Ảnh: www.ekkeagle.com.
Việc thắng cử của DPP đã làm tăng cao sự ủng hộ của quần chúng về quyền tự trị hợp pháp của Đài Loan cũng như chủ nghĩa yêu nước đang trỗi dậy nhanh chóng trong thời đại của Xi Jinping ở đại lục. Hơn thế, Trung Quốc đang tiếp tục cô lập Đài Loan khi nối lại quan hệ ngoại giao với các đồng minh cũ của Đài Bắc, giảm số lượng khách du lịch đại lục sang Đài, và ngăn cản không cho Đài Loan tham gia các tổ chức đa phương như Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và gần đây là Interpol.
Đối với Hàn Quốc, thách thức địa-chính trị với Bắc Hàn cũng là một thử thách đáng kể. Kể từ khi chia cắt năm 1945, quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul trở nên rất phức tạp. Mối bang giao giữa hai quốc gia trở nên tồi tệ từ năm 2014 và vào năm 2016, Park Geun-hee đã tuyên bố đóng cửa khu công nghiệp Kaesong, dự án kinh tế chung giữa hai miền.
Năm 2016, Kim Jong-un gia tăng các cuộc thử nghiệm tên lửa hạt nhân. Chính quyền Donald Trump ngày càng quan tâm tới vấn đề này và chắc chắn sẽ tác động tới chính sách ngoại giao của Hàn Quốc.
Không những vậy, hiện nay đang dấy lên những tranh cãi xung quanh việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giữa Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Shin và Moon, “bên cạnh những hiệu quả mà hệ thống mang lại thì Bắc Kinh đã phản đối với những lập luận rằng hệ thống phòng thủ sẽ làm suy yếu hệ thống an ninh quốc gia Trung Quốc.” Tóm lại, những thách thức đối với Tổng Thống đương nhiệm Moon Jae-in là rất lớn, và các giải pháp đưa ra sẽ không dễ dàng để đạt được sự đồng thuận.
Dĩ nhiên, khó mà đưa ra nhận định là dân chủ đang bị đe dọa ở Hàn Quốc và Đài Loan do các thách thức về chính trị, niềm tin quốc dân, kinh tế, xã hội hay địa chính trị. Bởi vì giá trị dân chủ vẫn là niềm tin duy nhất mà cả lãnh đạo và quần chúng đều trông cậy và hi vọng để xây dựng quốc gia.
Song câu hỏi còn bỏ ngỏ ở đây là: nền dân chủ ở cả hai quốc gia cần phát triển thế nào để đối phó với những thách thức trên?
Tài liệu tham khảo: