‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Chuyện nhiều người đã biết: một nhóm đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam cùng một số công dân đã có thư yêu cầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công khai tài sản cá nhân của ông.
Việc này xảy ra chỉ một ngày trước thềm Hội nghị Trung ương 7, vốn tập trung bàn về phẩm chất, năng lực và uy tín của nhân sự cấp chiến lược.
Không có gì phải nghi ngờ, ông Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn có thể sẽ giữ im lặng trước yêu cầu công khai tài sản cá nhân của một nhóm đảng viên và công dân. Bản thân Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người ký tên vào thư yêu cầu này, cũng rất kém lạc quan: “Tôi nghĩ khả năng cao nhất là ông ấy sẽ chẳng phản hồi gì cả”.
Ông Trọng có lẽ chưa bao giờ bước ra khỏi không gian an toàn của đảng: ông chỉ xuất hiện và đối thoại trong các sự kiện đã được sắp xếp kỹ càng như hội nghị cử tri hoặc các cuộc phỏng vấn của báo chí nhà nước. Chưa bao giờ ông đối mặt với bất kỳ một cuộc họp báo nào có phóng viên nước ngoài chất vấn.
Nhưng với lá thư yêu cầu công khai tài sản này, ông Trọng có ít nhất ba lý do để phản hồi và sau cùng là công khai tài sản của mình.
1. Bản kê khai tài sản của ông đã sẵn sàng
Ông Trọng hiện giờ là Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo Luật Cán bộ – Công chức, ông là cán bộ. Chuyện này nghe có vẻ khôi hài, vì ông ấy là lãnh đạo đảng chứ có phải cán bộ bên chính quyền đâu mà luật lại phải quy định quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ cho ông ấy? Ấy thế nhưng đó lại là thực tế: “Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam…” (trích điều 4, Luật Cán bộ – Công chức).
Bởi vì là cán bộ, ông thuộc diện phải kê khai tài sản hàng năm theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Đạo luật này dành cả Mục 4 với 10 điều khoản để quy định về nghĩa vụ và thủ tục kê khai tài sản của cán bộ, công chức.
Như vậy, chỉ với riêng tư cách là Tổng bí thư đảng thì ông đã phải kê khai tài sản hàng năm gồm: nhà, quyền sử dụng đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ năm mươi triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; và thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật.
Chưa hết, ông không chỉ là Tổng bí thư, mà còn là đại biểu Quốc hội.
Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, ứng viên phải nộp bản kê khai tài sản. Bản kê khai này phải được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác của ông, tức là quận Ba Đình, Hà Nội, theo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2012. Không biết khi ông đi dự hội nghị cử tri trước cuộc bầu cử tháng 5/2016 bản kê khai này có được dán ở đó hay không, nhưng không có bất kỳ thông tin nào trên báo.
Với chừng ấy quy định pháp luật, không có lý do gì để nghi ngờ ông chưa kê khai và nộp bản kê khai đó theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Bầu cử.
Nói cách khác, bản kê khai tài sản cá nhân của ông hiện đã phải nằm ở Văn phòng Trung ương đảng, Ban tổ chức Trung ương đảng, Văn phòng Quốc hội, và Mặt trận Tổ quốc. Hẳn ông cũng có một bản cho riêng mình.
2. Không công khai tài sản, ông sẽ tự mình đứng trên đảng
Hiện nay, không có quy định pháp luật rõ ràng nào buộc ông Trọng hay cơ quan ông công tác (Đảng Cộng sản Việt Nam và Quốc hội) phải công bố bản kê khai của ông cho nhân dân được biết, ngoài việc công khai ở hội nghị cử tri trong dịp hiệp thương tổng tuyển cử 5 năm một lần.
Tuy nhiên, có một quy định có thể có sức nặng hơn với ông, người đã từng tuyên bố rằng Hiến pháp là “văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”. Đó là Quyết định số 99/QĐ-TW của Ban Bí thư Trung ương đảng, được ban hành ngày 03/10/2017, tức là cách đây hơn bảy tháng.
Quyết định này nói rõ rằng bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý của đảng phải được “công khai để nhân dân biết”.
Các bản kê khai này phải được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cổng thông tin điện tử; thông qua họp báo, hội nghị, hội thảo; và nhiều hình thức khác.
Để hiểu giá trị của quyết định này, ta cần biết rằng Ban Bí thư là một trong những cơ quan quyền lực nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Ban chấp hành Trung ương lập ra, gồm một số uỷ viên Bộ Chính trị và một số uỷ viên trung ương. Cơ quan này, theo Điều lệ đảng, “lãnh đạo công việc hàng ngày của đảng”. Ông Trọng hiện cũng là một thành viên của Ban Bí thư.
Nếu ông không chấp hành quyết định của Ban Bí thư thì ông đã vi phạm nguyên tắc tổ chức cốt lõi và quan trọng nhất của đảng: tập trung dân chủ. Theo đó, thiểu số phải phục tùng đa số, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, cá nhân phải phục tùng tổ chức, cá nhân có thể có ý kiến bất đồng với nghị quyết của đảng nhưng vẫn phải “chấp hành nghiêm chỉnh”.
Là người hết lòng với công tác xây dựng đảng, ông không thể không biết và không thực hiện nguyên tắc sống còn này của đảng.
Nếu không, ông sẽ tự đặt mình lên trên đảng.
3. Không ai còn tin ông thực lòng chống tham nhũng nếu ông không công khai tài sản cá nhân
Từ khi ông phát động chiến dịch “đốt lò”, một phiên bản Việt Nam của “đả hổ, diệt ruồi”, ông đã trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận chống tham nhũng.
Ông đưa hàng loạt cán bộ từ cấp cao đến cấp thấp vào tù, truy hồi hàng nghìn tỉ đồng có dấu hiệu tham nhũng, và khẳng định cuộc chiến này “không có vùng cấm”.
Hai câu hỏi mà hiện không ai dám trả lời rõ ràng là: liệu ông Trọng có tham nhũng không? Nếu có, ông ấy có bị xử lý không?
Chúng dẫn đến một câu hỏi lớn hơn: chiến dịch “đốt lò” của ông nhằm mục đích chống tham nhũng hay thanh trừng phe phái?
Ta hãy tạm gác qua một bên hai câu hỏi sau để giải quyết câu hỏi thứ nhất trước: ông Trọng có tham nhũng không?
Câu hỏi này chỉ có thể được giải đáp khi và chỉ khi khối tài sản của ông được công khai. Hiện giờ, văn bản có thể có các thông tin cần thiết này chính là bản kê khai tài sản hiện đang nằm đâu đó trong Văn phòng Trung ương đảng, Ban tổ chức Trung ương đảng, Văn phòng Quốc hội, và Mặt trận Tổ quốc.
Bình luận về việc này, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, “việc ông có gương mẫu công khai hay không quyết định toàn bộ tính chính danh của chiến dịch chống tham nhũng mà ông phát động.”
“Nếu ông công khai thì quá tốt, vì cấp dưới chẳng có lý do gì để trì hoãn. Người dân và báo chí nhờ đó có cơ sở để giám sát.”
“Ngược lại, nếu ông phớt lờ, người dân có quyền nghi ngờ thực tâm chống tham nhũng của ông.”