Người Pháp quản lý mại dâm ở An Nam như thế nào

Người Pháp quản lý mại dâm ở An Nam như thế nào
Một phụ nữ Việt Nam hành nghề mại dâm ở Sài Gòn năm 1910. Ảnh: AGB Photo Library/age fotostock.

Mua, bán dâm không phải là câu chuyện vài năm trở lại đây, càng không phải là tàn dư của chế độ cũ. Mại dâm là câu hỏi chính sách nhức nhối của mọi thời đại trong xã hội.

Người Pháp biết đến vấn đề mãi dâm (mua dâm) và mại dâm (bán dâm) của Việt Nam khi họ mới bắt đầu làm quen với sự xuống cấp của các ca kỹ thuyền hoa xứ Huế.

Charles Gosselin trong tác phẩm L”Empire d”Annam từng mô tả:

“Trước khi chúng ta đặt chân đến đây, ở nhiều trung tâm kinh tế lớn, mà có lẽ điển hình là Huế, những quý cô xinh xắn ưa nhìn, tinh thông cầm – thi nghệ thường được mời đến để biểu diễn tại các lễ hội dành cho tầng lớp quý tộc, hoặc những thương gia Trung Hoa ghé ngang. Họ chọn sống một cách nghệ sĩ ở sông nước thay vì đất liền, trên những chiếc thuyền hoa tao nhã.”

Tuy nhiên, tập quán – phong tục thượng cấp này được dần dần được bình dân hoá và phổ biến theo dấu chân quân đội thực dân cho đến khi hầu như không thể tìm ra được những ca kỷ biết ca hát hay có tài nghệ thật sự. Họ ngâm những câu thơ họ không hiểu, và thổi những nhạc điệu ngờ nghệch trên ống sáo Trung Hoa để tô vẽ thêm cho nghề nghiệp chính của mình – mại dâm.

Bác sĩ và chuyên gia y tế về bệnh giang mai người Pháp – ông B. Joyeux, người từng khám chữa bệnh tại Hà Nội vào đầu thế kỷ 20, phàn nàn: “Giới ca kỹ xứ An Nam ngày nay đã mất đi hết tính nghệ thuật của mình, và không còn khác gì với hetaera (từ gốc Hy Lạp, ἑταίρα, để chỉ tầng lớp mại dâm thượng lưu, hạng sang…” (Tìm đọc tại Les Maisons de chanteuses à Hanoi – Revue du Paludisme et de Médicine Tropicale)

Vậy nên, tính đúng ra, người Pháp cũng không cởi mở lắm với vấn đề mua, bán dâm.

Trong một nghiên cứu của Jean-Marie Collomb vào năm 1883  để thống kê các vấn đề của xứ An Nam (Essai sur Phygiène & la pathologie de l”Annam & du Tong-kin, Lyon, 1883), nhà thổ địa phương là một nội dung bị phê phán nhiều nhất: “Những nhà thổ địa phương, nơi việc mua, bán dâm thường diễn ra… hình thành nên những ổ truyền nhiễm bệnh kinh hoàng nhất, là địa điểm mà những nỗ lực, cân nhắc chính sách cần được tập trung. Không một nhà thổ nào ở An Nam mà không nguy hiểm và bảo đảm tiêu chuẩn y tế.”

Điều này cũng được xác nhận trong Lục Xì của Vũ Trọng Phụng, thiên phóng sự điều tra danh giá ít ỏi của giới văn nghệ sĩ An Nam về nạn mãi dâm. Tác giả mô tả nên một bức tranh xác thực đau lòng về những hệ quả sức khỏe của mua, bán dâm.

Vào năm 1914, khi mà 74% binh lính Pháp ở Bắc Kỳ mắc phải bệnh hoa liễu, nhiều bác sĩ Pháp bắt đầu để ý đến các nhà thương về mắt ở Hà Nội và khẳng định rằng trong số những người dân Việt Nam bị chột và mù, cũng phải đến bảy mươi phần trăm là do vi trùng bệnh lậu mà ra.

Giám đốc phòng Vệ sinh của thành phố Hà Nội cũng xác nhận cứ bốn nghìn trẻ con mới đẻ mà chết thì trung bình có chừng một nghìn đứa trẻ, theo lối nói kiêng của người mình thì là sài, đẹn, là bỏ, là mất, là khó nuôi, nhưng theo khoa học thì là chết vì bố mẹ có nọc bệnh giang mai hoặc những biến chứng của bệnh.

Tuy nhiên, khác với Vũ Trọng Phụng, vốn còn đoai đoái vấn đề ngàn năm văn hiến và phong tục tập quán của Việt Nam, về một Hà Nội “kinh đô của Đông Dương”, người Pháp chỉ quan tâm đến vấn đề sức khỏe. Họ cũng không quản lý mại dâm – mãi dâm với tiêu chuẩn kép để “đầu độc dân ta” hay làm “suy nhược giống nòi”, vì ngay cả ở Pháp kinh nghiệm quản lý của họ cũng chỉ đến thế.

Có hai trường phái quản lý và kiểm soát mua, bán dâm chính được người Pháp sử dụng. Cả hai đều theo xu hướng tự do hóa, chỉ khác nhau ở mức độ kiểm soát mà thôi.

Dạng thứ nhất là réglementation (hoặc les règlementaristes) – chúng ta tạm gọi trường phái kiểm soát. Trường phái này tin tưởng rằng chỉ có một hệ thống pháp luật và quy chuẩn quản lý tốt mới có thể kiểm soát được tình trạng mua, bán dâm.

Thay vì để những người muốn hành nghề trôi nổi theo những hình thức bán nghệ thuật như thuyền hoa kể trên, họ sẽ phải đăng ký với chính quyền thực dân để được công nhận là prostituées soumises, và sau đó hành nghề tại những maison de tolerance, mà dân Việt Nam ta hay gọi nôm na là những hành viện, nhà thổ, thanh lâu để bán dâm đúng luật.

Danh nghĩa pháp lý prostituées insoumises hay prostituées clandestines thì để xác định hoạt động mại dâm chưa phù hợp trên đường phố hay các khu nhà nghỉ hay các hàng thuốc phiện (opium dens). Đây được xem là cách tốt nhất để vừa cho phép hoạt động mại dâm, vì cấm cũng không được, vừa đảm bảo rằng chính quyền có năng lực thống kê, kiểm soát loại ngành nghề đặc trưng này, kịp thời xử lý các vấn đề sức khỏe ngay sau khi phát hiện.

Những dispensaire được gọi nôm na là phúc đường, hay lục xì, để tạm giữ, hạn chế đi lại và trị bệnh cho người bán dâm khi họ có bệnh. Về cảnh sát, công an thì ở đâu cũng có cả ngạch cảnh sát xướng kỹ, ngạch mà người mình hay gọi vui là Đội con gái để lùng bắt người trốn, người hành nghề lậu, còn ở Pháp thì có tên nghe rất hoa mỹ là Services des Moeus.

Trường phái bãi bỏ (abolitionist – les abolitionnistes) thì tin rằng nghề mại dâm cần được giải phóng khỏi những quy định nghề thanh lâu. Tuy nhiên, cách giải phóng này không phải là thứ giải phóng mà Vũ Trọng Phụng nghĩ đến, rằng làm đĩ là khai phóng, là tự do con người.

Chỉ là những người thuộc trường phái bãi bỏ tin rằng có nhiều cách khác để giúp phụ nữ hạn chế lựa chọn những nghề nghiệp này thông qua giáo dục và các chương trình phúc lợi xã hội. Giáo dục, hướng dẫn nhờ vậy cũng sẽ giúp các bệnh xã hội được kiểm soát bằng chính ý thức của những người tham gia bán dâm và mua dâm.

Nhìn lại ở xứ An Nam và tại mẫu quốc Pháp thời điểm đó, công cụ nhà nước để kiểm soát nghề này cũng chặt và cũng khó không khác gì nhau, dù xu thế của người Pháp là áp dụng trường phái kiểm soát để dần đi đến trường phái bãi bỏ.

Bình đến vậy để cho thấy một trong những quốc gia khai phóng nhất Châu Âu vẫn ngán ngại vấn đề mua, bán dâm đến mức nào. Họ có thể không chửi bới, sỉ nhục người hành nghề mại dâm, nhưng họ vẫn xem đây là nghề không mong muốn, cần phải được kiểm soát chặt chẽ hoặc loại trừ thông qua các biện pháp giáo dục, an sinh xã hội.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.