Tổ chức dân sự - lời giải cho bài toán cứu trợ trong thiên tai
Trước cảnh thiên tai lũ lụt đang diễn ra ở miền Bắc, người dân cả nước đang tìm nhiều cách
Một bài báo mới đây của tờ báo Mỹ Washington Post mở đầu bằng một khung cảnh ấn tượng: Chuck Wexler – giám đốc Diễn đàn Nghiên cứu dành cho các Chỉ huy Lực lượng Cảnh sát Mỹ (PERF) – đang phát biểu trước một khán phòng gồm toàn các sếp cảnh sát của nhiều địa phương Mỹ.
Khi Chuck hỏi rằng có ai trong số các sếp nọ muốn con cái mình theo nghiệp cảnh sát giống họ không, cả một khán phòng không có cánh tay nào giơ lên.
Khung cảnh đó đã được chọn làm hình ảnh minh họa một cách sinh động nhất cho hiện tượng mà bài báo muốn đề cập: Người Mỹ đang ít muốn làm công an cảnh sát hơn trước đây nhiều.
Nghề công an cảnh sát Mỹ mất giá?Bài báo trích dẫn các số liệu đáng chú ý cho thấy số lượng hồ sơ xin vào ngành công an cảnh sát tại Mỹ đang giảm đáng kể.
Có địa phương số hồ sơ xin làm cảnh sát giảm còn một nửa so với trước đây, có địa phương năm 2010 từng có 4.700 hồ sơ thì năm ngoái chỉ còn 1.900 hồ sơ.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) – có thể xem là một cơ quan công an cấp quốc gia của Mỹ – cũng đang phải đầu tư làm quảng cáo truyền thông để chiêu mộ hiền tài, sau khi số hồ sơ xin vào cục này giảm từ mức trung bình 21.000/năm xuống còn 13.000 hồ sơ trong năm ngoái.
Số xin vào ngành đã ít, số người chịu ở lại lâu dài trong ngành công an cảnh sát cũng giảm đi. Khảo sát cho thấy trong số cảnh sát Mỹ rời ngành, 29% ra đi chỉ sau chưa đầy một năm, 40% khác thì chọn rời ngành sau khi chưa có đầy năm năm đi làm.
Bài báo cũng cho biết là quy mô lực lượng công an cảnh sát Mỹ đã có khuynh hướng giảm đi từ khoảng 20 năm qua: số liệu cho thấy năm 1997 có tỷ lệ là cứ 1.000 dân Mỹ thì có 2,42 người là công an cảnh sát. Nhưng năm 2016, tỷ lệ này là 2,17.
Công an cảnh sát Mỹ đang mất ‘giá’ trong mắt người dân Mỹ? Ảnh: aljazeera.com.
Nhiều lý do được đưa ra để giải thích lý do tại sao người Mỹ ngán làm công an cảnh sát hơn.
Nhiều sếp cảnh sát cho là do trong các năm gần đây ngành công an cảnh sát không còn đẹp đẽ oai vệ trong con mắt quần chúng nữa.
Các bê bối cảnh sát bắn người bừa bãi hay đối xử tàn nhẫn với người dân trong các năm qua đã được công chúng biết đến và theo dõi nhiều hơn qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Một mặt, người dân Mỹ càng ngày càng có nhiều thiết bị kỹ thuật số để quay phim, chụp ảnh công an cảnh sát, và chia sẻ các video, hình chụp của họ.
Mặt khác, giới báo chí – truyền thông hiện đại của Mỹ (vốn đã sẵn được tự do đưa tin ‘nói xấu’ công quyền), thì ngày nay với sức mạnh được khuếch đại thông qua các mạng xã hội như Facebook, cũng đang góp phần khiến cho giới cảnh sát phải chịu sự kiểm tra soi mói khắt khe hơn từ công chúng.
Lựa chọn vào ngành công an cảnh sát tại Mỹ theo đó không còn chỉ là chấp nhận hiểm nguy tính mạng (quyền dùng súng của người dân Mỹ khiến khả năng phải đối mặt với tội phạm có vũ khí là rất cao).
Nay, một người vào ngành này sẽ phải chấp nhận ngành mình không có hình ảnh đẹp đẽ nhất trong mắt quần chúng, trong khi bị giới truyền thông soi mói đến nghẹt thở.
Ngành công an cảnh sát Việt Nam thì sao?Bài báo nói trên của tờ Washington Post tuy nói chuyện xứ Mỹ nhưng lại gợi lên nhiều câu hỏi hữu ích cho người Việt Nam.
Nhiều người Việt Nam chắc quá rành câu chuyện hài này từ thời Liên Xô:
“Hỏi: Có đúng Liên Xô có tự do ngôn luận giống Mỹ không?
Đáp: Đúng thế. Ở Mỹ, quý vị có thể đứng trước cửa Nhà Trắng và hét to, ‘Đả đảo Reagan!’, và quý vị sẽ không bị bắt. Ở Liên Xô, quý vị cũng có thể đứng ở Quảng trường Đỏ ở Moscow và hét to ‘Đả đảo Reagan!’, và quý vị cũng sẽ không bị bắt.”
Các chính quyền cộng sản thường dễ dàng cho phép truyền thông báo đài và người dân nước họ soi mói, châm chích chính quyền nước khác, nhưng không thích để cho người dân soi mói, châm chích chính họ.
Thực tế là việc chửi công an cảnh sát Mỹ ở Việt Nam rất dễ bởi vì truyền thông Việt Nam được thoải mái đưa lại các tin bài về những bê bối như đã kể trên của lực lượng cảnh sát Mỹ.
Vậy nên, nghề công an cảnh sát Mỹ chắc cũng khá mất giá trong mắt người Việt Nam, bất kể cách mà nghề này được tô vẽ hào nhoáng trên các sản phẩm điện ảnh và truyền hình Mỹ vốn khá được ưa chuộng trong nước.
Nhưng thế còn nghề công an cảnh sát Việt Nam trong mắt người Việt Nam thì sao?
Chưa có đánh giá chính xác về cách lực lượng công an cảnh sát Việt Nam được nhìn nhận trong mắt quần chúng? Ảnh: youtube.com.
Phải nhìn nhận thực tế là báo chí – truyền thông trong nước hiện nay đang đưa tin về các sai phạm trong công tác của ngành công an cảnh sát khá chi tiết. Ví dụ như vụ việc 5 công an chịu án tù vì dùng nhục hình gây chết người, hay vụ mấy tướng tá công an bao che dịch vụ cờ bạc mạng nghìn tỷ.
Các ví dụ trên, tuy ít ỏi, vẫn đủ để kết luận là ngành này cũng bị săm soi tại Việt Nam chứ không phải là không.
Tuy nhiên, nếu muốn biết người Việt Nam có vì các sai phạm hiện nay trong ngành công an cảnh sát mà nhìn nhận ngành này theo một cách tiêu cực hơn, và theo đó ít muốn vào ngành này hơn, thì lại phải tìm kiếm thêm một số thông tin… hổng biết kiếm đâu ra.
Ví dụ, ngành công an cảnh sát Việt Nam hiện nay có tổng cộng bao nhiêu nhân sự? Thông tin này không được phổ biến rộng rãi cho truyền thông đại chúng và người dân được biết.
Việc thiếu thông tin dẫn đến tình trạng người dân phải dựa vào các nguồn thông tin mang tính phỏng đoán, dễ dẫn đến các nhìn nhận thiếu cơ sở hay thiếu cập nhật. Ví dụ như nhìn nhận rằng cứ có 15 người Việt Nam thì có 1 công an viên.
Ngay cả khi việc giảm nhân sự, tái cơ cấu ngành công an được bàn thảo công khai trên báo chí truyền thông chính thống như trên VnExpress, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, VOV hay Zing, các số liệu về nhân sự ngành này (số lượng hiện tại, số lượng sẽ bị tinh giản, số lượng dự tính cần thiết cho nhu cầu thực tế) vẫn được giữ kín theo một cách khá kỳ quặc.
Một ví dụ khác: mỗi năm, có bao nhiêu hồ sơ xin vào ngành công an cảnh sát? Số liệu này cũng không được Bộ Công an công bố và cập nhật thường xuyên.
Những ai muốn tìm hiểu thông tin này buộc phải dựa vào số lượng tuyển sinh đại học vào ngành an ninh cảnh sát.
Sinh viên Học viện Cảnh sát Nhân dân diễu hành trong ngày khai giảng. Ảnh: cand.com.vn.
Trang tin Zing cho biết là năm nay, các trường đại học an ninh, cảnh sát chỉ tuyển 1.192 sinh viên nhưng có đến 28.964 thí sinh đăng ký dự tuyển. Tỷ lệ chọi như thế là 1 chọi 25. Một chỗ mà có đến khoảng 25 người giành ngồi.
Bên cạnh các con số thống kê hữu ích hiếm hoi nói trên, chỉ có thể định lượng giá của ngành công an cảnh sát trong mắt người Việt Nam bằng một số nguồn thông tin khác ít tính khái quát hơn: các sự việc riêng rẽ (có thể xem là đơn lẻ) liên quan đến cuộc cạnh tranh vào ngành này; cùng các câu chuyện người dân truyền miệng cho nhau về “giá” của ngành này.
Có các sự việc riêng rẽ (có thể xem là đơn lẻ) nào đáng chú ý về cuộc cạnh tranh vào ngành công an cảnh sát ở Việt Nam?
Một cựu cán bộ ngành công an bị bắt tội lừa đảo, vì đã nhận tổng cộng gần 3,2 tỷ đồng từ 7 người dân ở Nghệ An để cung cấp “khống” dịch vụ “xin tuyển dụng người học ngành ngoài vào ngành công an, xin vào học tại các trường công an hoặc xin chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác trong ngành công an”.
Một cựu đại úy cảnh sát cơ động ở Cần Thơ thì vừa nhận 9 năm tù vì nhận 600 triệu đồng từ 6 người và hứa “lèo” là sẽ “chạy” cho họ vào ngành công an.
Một cựu đại úy công an khác là ở Đắk Lắk thì vướng vòng lao lý vì nhận trên 2,5 tỷ đồng từ nhiều cá nhân với lời hứa không thành hiện thực là sẽ lo cho người thân của họ “được đi nghĩa vụ công an và sau đó sẽ được chuyển qua chuyên nghiệp trong ngành Công an”.
Một thiếu tá công an khác ở Hà Nội đã nhận hơn 3,2 tỷ đồng của 7 gia đình để “chạy” trường, “chạy” vào ngành công an cho 7 người. Vị này cũng đã phải nhận án 14 năm tù tội lừa đảo.
Cũng chẳng cần phải làm công an cảnh sát để lừa tiền “chạy” vào ngành này.
Một 8x là nữ lao động tự do ở Hà Nội bị bắt về tội lừa đảo vì đã nhận tổng cộng 1,7 tỷ đồng từ 3 người để lo cho 6 trường hợp muốn “xin được vào biên chế trong ngành công an”.
Cùng địa phương, một thanh niên 8x khác chỉ cần tự nhận mình là “người nhà lãnh đạo cao cấp”, có khả năng “chạy” vào các trường công an là đã có thể lừa được đến 1 tỷ đồng từ nhiều người.
Một 8x khác ở Đà Nẵng thì bị bắt tội lừa đảo vì đã nhận tổng cộng 4 tỷ đồng từ hơn 10 người vốn đang tìm việc cho người thân của họ. 8x này đã khoe với những người đó là anh ta “có nhiều mối quan hệ, có thể ‘chạy’ việc vào các ngành công an, an ninh sân bay, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường”.
Bảy cá nhân lừa đảo nói trên mới chỉ là một số trong nhiều trường hợp lừa đảo người dân bằng lời hứa giúp họ hay người nhà họ “chạy” vào ngành công an cảnh sát.
Tuy nhiên, chỉ tính riêng 7 vụ việc trên, đã có đến 16,2 tỷ đồng bị tước đoạt từ tay các nạn nhân bị lừa.
Số tiền 16,2 tỷ đó đủ để giúp 110 hộ dân Hà Tĩnh vay mua nhà ở xã hội. Hoặc đủ để tỉnh Quảng Nam nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt cho cả một thị trấn hơn 7.000 dân.
Nếu có thể làm một thống kê tổng thể và cặn kẽ về toàn bộ số tiền đã được đầu tư vào các hoạt động “chạy” vào ngành công an cảnh sát ở Việt Nam (bất kể là “chạy” thành công hay không), thì số tiền đó liệu có thể giúp được bao nhiêu hộ dân Việt Nam vay mua nhà ở xã hội, hay giúp được bao nhiêu thị trấn ở Việt Nam nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt?
Vấn đề của bài này không phải là chuyện người dân Việt Nam nên xài tiền của cá nhân họ thế nào. Vấn đề của bài này chính là “giá” ngành công an cảnh sát Việt Nam trong mắt mỗi người dân Việt Nam.
Những nhà quan sát ít kiên nhẫn hơn có thể từ chối nhìn nhận rằng các vụ lừa đảo liên quan đến cuộc cạnh tranh vào ngành công an cảnh sát nói trên chỉ là những sự kiện đơn lẻ, không đủ tổng quát và chưa xác thực.
Họ hoàn toàn có thể khẳng định rằng một loạt các sự việc như thế cho thấy là ngành công an cảnh sát ở Việt Nam vẫn đang có một cái “giá” rất cao trong mắt người dân, đặc biệt là những người đang tìm việc cho bản thân hay cho người thân của họ.
Người ta sẵn sàng trả tiền tỷ để vào ngành này. Hơn nữa, họ sẵn sàng bẻ cong luật pháp (hay mượn tay người khác bẻ cong luật pháp) để được vào một ngành vốn có nhiệm vụ bảo vệ luật pháp.
Lý do tại sao? Lại một lần nữa phải thở dài…
Chúng ta quá thiếu thốn thông tin. Chúng ta không có những cuộc khảo sát, trưng cầu ý kiến chuyên nghiệp về nhận thức của người dân (và của chính những người trong ngành công an cảnh sát) về cả “giá” và giá trị của ngành này.
Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán từ những câu chuyện, những chia sẻ riêng tư được truyền miệng giữa những người dân với nhau:
“Vào ngành đó cho ổn định…”
“Vào ngành đó cho dễ kiếm tiền…”
“Vào ngành đó cho oai, cả thiên hạ không nể cũng sợ…”
“Vào ngành đó cho dễ sống, khó bị ai bắt nạt…”
Có lẽ, người Mỹ ngán vào ngành công an cảnh sát cũng là vì họ còn có nhiều lựa chọn khác cho cuộc đời họ.
Những người sếp ngành cảnh sát Mỹ được nêu ở đầu bài có lẽ cũng đã quyết định rằng con cái họ có những lựa chọn tốt hơn là nối nghiệp họ.
Nhưng với nhiều người Việt Nam, vào được ngành công an cảnh sát dường như là cả một tấm vé đổi đời cho họ và con cái họ. Một tấm vé mà họ sẵn sàng đánh đổi, không chỉ bằng tiền.
–
Từ khoá:
Sĩ quan cảnh sát: police officer
Giám sát từ truyền thông: media scrutiny
Sai phạm trong công tác của cảnh sát: police misconduct
Hành vi bạo lực hung ác của cảnh sát: police brutality
Tuyển dụng vào ngành cảnh sát: police recruitment