‘Vết sẹo và cái đầu hói’ - một quyển tiểu thuyết bàn về trí thức và quyền lực
‘Vết sẹo và cái đầu hói’ - một quyển tiểu thuyết bàn về trí thức và quyền lực0:00/335.
Số phận của những người công nhân như được đặt trong một ván cờ. Ở đó, họ không có tiếng nói và sự lựa chọn.
Trưa mùng Bảy Tết, tôi gặp Hưng khi đang chờ xe đò cùng vợ anh ở một cây xăng ven Quốc lộ 1A, tỉnh Sóc Trăng. Chuyến xe sẽ đưa hai vợ chồng và những người đang đứng gần đó trở lại những nhà máy ở Bình Dương.
Trong nhiều năm qua, người miền Tây đi làm công nhân ở Bình Dương đã trở thành một cuộc di cư không ngừng. Trước đó, người ta không nghĩ phải đi đến một nơi xa như thế để làm việc nhưng giờ đây nó lại trở nên phổ biến hơn bao giờ hết – có những xóm chỉ còn lại người già và trẻ con.
Câu chuyện của Hưng có vẻ tương đồng với những người miền Tây khác mà tôi từng tiếp xúc.
Hơn một năm trước, Hưng phải bỏ nghề đi biển để tìm một khác vì thu nhập không đủ sống dù gia đình anh ở khu vực nông thôn. Không được đào tạo nghề cũng chưa học hết phổ thông nên “đi Bình Dương” là thứ anh nghĩ đến đầu tiên. Phải mất hơn sáu tiếng đi xe đò từ quê anh (Trần Đề, Sóc Trăng) đến Bình Dương, tức là là cả hai vợ chồng không thể thường xuyên về thăm con nhưng họ không có lựa chọn.
Những lần nổ máy ra khơi trước đây nay đã trở thành những ca làm việc trong nhà máy sản xuất đồ gỗ của chủ người Trung Quốc. Hưng làm việc ở xưởng phun sơn. Vợ anh làm ở xưởng chà nhám.
Trung bình hai vợ chồng được trả từ 3-4 triệu đồng/người.
Trong suốt ba tháng trước Tết, cả hai đã tăng ca liên tục từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm thì được thêm khoảng 2,5 – 3 triệu đồng/người. Điều này là trái với quy định của Bộ luật Lao động là số giờ làm thêm không quá 30 giờ trong một tháng.
Làm thêm quá số giờ quy định đã trở thành chuyện bình thường trong các nhà máy.
Phóng sự điều tra của tờ Danwatch (Đan Mạch) đã cho thấy công nhân làm việc đến 17 tiếng đồng hồ/ngày trong các nhà máy chế biển thuỷ sản ở miền Tây, và trung bình khoảng 83 tiếng/tuần. Hậu quả của việc lao động quá giờ là các bệnh mãn tính do làm việc kéo dài trong môi trường sử dụng nhiều hoá chất tẩy rửa.
Công ty mà Hưng làm việc còn ăn gian thời gian nghỉ ngơi của hai vợ chồng sau nhiều tháng tăng ca. Theo Bộ luật Lao động, sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng thì công ty phải bố trí thời gian để người lao động được nghỉ bù, trong khi đó, công ty đã dùng các ngày nghỉ Tết để thay thế cho thời gian nghỉ bù đó.
Hưng không biết rất nhiều thứ hoặc là anh không muốn biết vì cũng chẳng có tiếng nói.
Anh không biết công đoàn là gì, không biết số tiền lương tăng ca được tính như thế nào, không biết mình có bao nhiêu ngày nghỉ, không biết bảo hiểm xã hội là gì và anh cũng không chắc mình có được đóng bảo hiểm y tế hay không.
Chính phủ chưa bao giờ chủ động cải cách luật pháp về lao động theo hướng có lợi cho người lao động, trừ khi có những áp lực từ các hiệp định thương mại.
Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) sẽ không chỉ mang lại lợi ích lớn về kinh tế mà còn là động lực hiếm có để cải thiện quyền của người lao động. Tuy nhiên, quá trình phê chuẩn EVFTA đang cho thấy những nhà lãnh đạo Việt Nam đang mắc vào vũng lầy do chính họ tạo ra.
Trong nhiều năm qua, nhà nước đã hạ thấp các tiêu chuẩn lao động nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. Bộ luật Lao động của Việt Nam vẫn tỏ ra bảo vệ quyền lợi của người lao động nhưng trong thực tế là đứng về phía các nhà đầu tư. Điều này cũng đủ để cám dỗ các nhà đầu tư cần số lượng lớn công nhân trong các ngành như chế biến, may mặc, da giày… trong đó có các công ty bằng mọi giá để tối ưu lợi nhuận đến từ Trung Quốc và Đài Loan.
Thay vì cho phép các công đoàn độc lập phát triển để tạo sự tham vấn và hợp tác tốt hơn với giới chủ nhằm giảm số lượng các cuộc đình công thì nhà nước lại cấm tuyệt đối sự manh nha của những công đoàn này.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông lo ngại việc cho phép các công đoàn độc lập hoạt động sẽ hình thành nên các “công đoàn vàng” (những công đoàn được thành lập và đứng sau là giới chủ), hoặc sẽ trở thành các công đoàn hoạt động với mục tiêu chính trị nhưng với vỏ bọc là bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Trong thực tế, trước sự cám dỗ của tiền đầu tư và quyền lực, các công đoàn của nhà nước đã chuyển từ đấu tranh cho giai cấp công nhân sang bảo vệ lợi ích của giới chủ và đảng Cộng sản.
Đối với đảng Cộng sản, các công đoàn là cánh tay nối dài của đảng để kiểm soát giới công nhân và hơn hết là không để một tập hợp tự phát nào của người lao động được hình thành.
Còn đối với giới chủ, các công đoàn đảm bảo sẽ giải quyết ổn thoả những cuộc đình công tự phát, đảm bảo lực lượng lao động cho các nhà máy.
Sự cám dỗ từ đầu tư đang khiến chính quyền rơi vào thế kẹt.
Chính phủ buộc phải cải thiện các chính sách về quyền của người lao động để phía châu Âu có thể phê chuẩn EVFTA nhưng đồng thời vẫn giữ chân được các nhà đầu tư đã đến Việt Nam vì những tiêu chuẩn lao động hiện tại.
Các nhà đầu tư sẽ không còn đủ động lực để ở lại Việt Nam nếu việc nâng cao các tiêu chuẩn làm họ tốn kém hơn. Nếu họ chịu ở lại thì chính quyền phải cho họ những đặc quyền khác để bù đắp.
Một trong những lý do khiến EVFTA chưa được phê chuẩn như dự kiến là Việt Nam chưa thông qua ba công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (Công ước số 98 về quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể; Công ước số 87 về quyền Tự do Hiệp hội và Bảo vệ quyền được tổ chức; Công ước số 105 về xoá bỏ lao động cưỡng bức).
Đảng Cộng sản, với tuyên ngôn là chính đảng của giai cấp công nhân từ khi thành lập, nhưng đến nay vẫn chưa phê chuẩn ba công ước này để bảo vệ quyền lợi của giai cấp mà đảng đã tranh đấu.
Sự gián đoạn trong tiến trình phê chuẩn EVFTA còn cho các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu rằng: quyền con người là không thể phân chia và phụ thuộc lẫn nhau, mọi sự giới hạn của quyền này đều có thể ảnh hưởng đến những quyền khác.
Trong lá thư của 32 vị nghị sĩ của Nghị viện châu Âu gửi đến gửi tới bà Cecilia Malmström, Ủy viên Thương mại, và bà Frederick Mogherini, đại diện cấp cao của EU, họ không chỉ cảnh báo Việt Nam phải nâng cao những tiêu chuẩn về lao động để EVFTA được phê chuẩn mà còn cải thiện hàng loạt các vấn đề khác về tình hình nhân quyền như quyền tự do ngôn luận, quyền biểu tình, quyền tự do hiệp hội, quyền tự do báo chí, quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng và trả tự do cho những tù nhân lương tâm.
Sự quan tâm về tình hình nhân quyền hay những cuộc biểu tình của công nhân như phong trào phản đối Quốc hội thông qua dự luật an ninh mạng vào giữa năm ngoái là hoàn toàn có lý. Những vi phạm nặng nề về quyền con người của chính quyền Việt Nam trong những năm qua đã khiến việc phê chuẩn EVFTA bị gián đoạn nên cơ hội cải thiện quyền lợi của hàng triệu công nhân cũng bị đình trệ.
Việc quan tâm về một người bất đồng chính kiến bị bắt hay hay thông qua một dự luật vi phạm nhân quyền luôn luôn là cần thiết, bởi bằng cách nào đó quyền lợi của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng như những người công nhân bị ảnh hưởng từ vũng lầy của chính quyền.
Lúc tôi rời đi, chuyến xe của Hưng và những người khác vẫn chưa đến. Cho dù lên được xe thì hành trình của họ vẫn còn rất dài.
—
Từ khóa:
công nhân: worker (n)
quyền lao động: labor rights (np)
Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam: EU – Vietnam Free Trade Agreement (np)
tiêu chuẩn lao động: labor standard (np)
công đoàn: labor union, trade union (np)
công đoàn độc lập: independent labor/trade union (np)
công đoàn vàng: yellow union, company union (np)
nhân quyền: human rights (np)