Thư cuối tuần - 14/9/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Khi cơn phẫn nộ của người dân để lại dòng chữ “Ấ Dâm” trên cửa nhà Nguyễn Hữu Linh và quét bay status của Thư Đỗ, một cuộc tranh cãi khác lại nổ ra trên mạng (và chắc hẳn là cả ngoài đời): làm như vậy có đúng không, có văn minh không, tóm lại là có nên làm như vậy hay không?
Cơn phẫn nộ của một bộ phận người dân đi kèm với cả chất thải ném vào nhà Nguyễn Hữu Linh, những lời mạt sát, chửi rủa, đay nghiến nhắm vào Nguyễn Hữu Linh và Thư Đỗ.
Đó đây, người ta thở dài, hoặc phàn nàn, hoặc lên án cái gọi là “công lý đám đông”, “công lý mạng”, “công lý của đám anh hùng bàn phím”. Có người lại tỏ ra sợ hãi cho rằng cái đám đông ấy mà cướp được chính quyền thì xã hội cũng nát chẳng kém, có khi còn hơn bây giờ.
Trong khi người ta có lý do chính đáng để lo ngại về những hành vi bôi sơn, ném chất thải, mạt sát của đám đông giận dữ đó, việc tách những hành vi đó ra khỏi bối cảnh xã hội lại khiến cho lời chỉ trích nhắm vào đám đông trở nên phiến diện và nhiều phần vô cảm.
5 cấp độ phẫn nộ
Công chúng phẫn nộ với những kẻ xâm hại tình dục. Đó là lẽ thường. Ta nên thấy mừng vì chúng ta còn biết phẫn nộ với cái ác. Không biết phẫn nộ với cái ác mới là đáng lo. Đó là cấp độ thấp nhất.
Công chúng sẽ phẫn nộ hơn khi nạn nhân là trẻ em. Đơn giản vì trẻ em không có khả năng nhận thức lẫn tự vệ như người lớn. Chúng là đối tượng yếu thế toàn diện so với những kẻ xâm hại. Đó là cấp độ thứ hai.
Công chúng sẽ phẫn nộ hơn nữa khi thủ phạm là quan chức, cựu quan chức. Với vị thế xã hội đó, họ được kỳ vọng là có tư cách đạo đức tốt và cách hành xử đúng mực, văn minh. Họ cũng lại là nhóm người có quyền lực hơn hẳn phần còn lại của xã hội. Mối tương quan bất đối xứng tưởng như tuyệt đối giữa thủ phạm và nạn nhân là trẻ em, nay còn trở nên bất đối xứng hơn nữa. Đó là cấp độ thứ ba.
Công chúng sẽ phẫn nộ hơn nữa khi thủ phạm dính tới các chính quyền độc tài, khi mà khả năng thủ phạm được ưu ái là rất cao. Quan chức, cựu quan chức ở ta không giống quan chức, cựu quan chức ở Mỹ, Nhật hay Hàn, nơi họ phải đối mặt với hậu quả rất nặng nề nếu xâm hại tình dục trẻ em. Chúng ta đang có một bộ máy quan chức có quyền lực tuyệt đối, đứng trên pháp luật, được đối xử hoàn toàn khác với thường dân, và thường được ưu ái, thậm chí được miễn trách nhiệm trước mọi tội ác họ gây ra. Đó là cấp độ thứ tư.
Và cuối cùng, ở cấp độ cao nhất, công chúng sẽ cực kỳ phẫn nộ khi bị chính quyền độc tài khiêu khích bằng cách lừng khừng, bao biện, bao che cho quan chức phạm tội, trong khi lại ráo riết tìm cách tấn công lại những người dân quá khích. Đấy là cấp độ mà mọi niềm tin đều đổ vỡ và xã hội ngập chìm trong những xung đột không có lối ra, tựa như một nồi áp suất bị bịt kín và có thể nổ tung bất cứ lúc nào.
Công chúng Việt Nam đang ở cấp độ nào trong năm cấp độ trên? Rất rõ ràng, đó là cấp độ cao nhất. Vị cựu viện phó viện kiểm sát Nguyễn Hữu Linh vẫn đang tự do sinh sống như mọi người vô tội khác và chưa có vụ án nào được khởi tố. Bối cảnh sự việc lần này lại còn xảy ra ngay sau khi một thủ phạm xâm hại tình dục khác chỉ bị xử phạt hành chính 200 nghìn đồng. Trong khi đó, công an đang truy lùng người xịt sơn và ném chất thải vào nhà ông Nguyễn Hữu Linh, còn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thì chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi này. Ấy vậy nhưng nếu thường dân bị công an chìm nổi ném chất thải vào nhà thì không bao giờ có quan chức nào chỉ đạo xử lý.
Xét tình hình chung, với hàng loạt vụ việc hành hung, xâm hại trẻ em mà báo chí liên tục đưa tin trong những năm qua, chúng ta thực tế đang có một cuộc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng và toàn diện ở cấp quốc gia mà nạn nhân trực tiếp là trẻ em. Nhưng các vị lãnh đạo cao nhất của nhà nước ở đâu trong cuộc khủng hoảng này? Họ dường như biến mất khỏi thực tế xã hội, và chỉ xuất hiện để nói về “nhà nước kiến tạo”, “cách mạng bốn chấm không” và “an nguy của chế độ”, tựa hồ như chẳng có cuộc khủng hoảng nào đang diễn ra cả.
Công chúng có nhiều lựa chọn để bày tỏ sự phẫn nộ của mình không? Không. Họ không thể biểu tình, không thể chất vấn lãnh đạo, không thể tự do phát ngôn trên báo, chẳng được lập ra các hội nhóm để đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình, và luôn luôn có thể bị chụp cho cái mũ “phản động”.
Có hợp lý không khi đòi hỏi công chúng phải ôn hoà và chừng mực trong bối cảnh xã hội như vậy?
Đau thì phải kêu
Bối cảnh xã hội nêu trên là nhát dao đâm vào ngực nhân dân. Mọi nguyên lý và niềm tin mà nhân dân dựa vào để sống với nhau như một xã hội đều đổ vỡ, trong đó có niềm tin vào nhân tính con người và niềm tin vào các thiết chế công. Nhân dân đớn đau và tuyệt vọng.
Đau thì phải kêu. Đau mà còn biết kêu là còn hy vọng cứu chữa. Đau mà không kêu thì hoặc là đã chết phần xác, không thì đã chết phần hồn.
Tiếng kêu dĩ nhiên không dễ nghe chút nào. Nó là tiếng gào thét của một kẻ bị đâm dao vào ngực, chứ không phải bài diễn văn của một học giả giữa hội trường máy lạnh có camera chĩa thẳng vào mặt và livestream.
Chẳng đẹp đẽ gì cái dòng chữ “Ấ dâm” sơn trên cửa nhà Nguyễn Hữu Linh. Chẳng thơm tho gì đống chất thải bị ném vào nhà kẻ “nựng” bé gái trong thang máy. Cũng chẳng lọt tai gì những lời mạt sát, xỉ vả “đ… mẹ, đ… cha” mà cộng đồng mạng ném vào Linh cũng như những ai tìm cách nói đỡ cho thủ phạm.
Đúng, cơn phẫn nộ không kiểm soát có thể gây hoạ. Có biết bao nhiêu người đã phải vào tù oan và lĩnh án tử hình oan vì cơn phẫn nộ của công chúng? Có biết bao nhiêu người phải mang tiếng xấu suốt đời một cách oan ức vì cơn phẫn nộ của công chúng? Và có biết bao nhiêu gia đình đã tan nát vì cơn phẫn nộ của công chúng? Chắc chắn là nhiều.
Cơn phẫn nộ đó sẽ quét bay tất cả những ai tìm cách nói chuyện lý lẽ nhưng lại lựa chọn một thái độ không đúng mực, thường là kẻ cả, bề trên, vô hình trung xát thêm muối vào lòng họ. Thư Đỗ là một ví dụ như vậy. Những gì Thư Đỗ nói về việc không khởi kiện, không tố cáo để bảo vệ nạn nhân khỏi bị tổn thương thêm thực ra là có lý, dù bạn có đồng ý với nó hay không, nhất là khi thủ phạm lại là quan chức. Hệ thống tư pháp còn nhiều phần man rợ của chúng ta và không gian truyền thông nhuốm màu kền kền của chúng ta có thể nuốt chửng đứa bé và gia đình họ bất cứ lúc nào. Mọi bậc cha mẹ đều có lý do chính đáng để cân nhắc những rủi ro này trước khi lên tiếng.
Vấn đề của Thư Đỗ lại nằm ở thái độ, chứ không phải lý lẽ. Dĩ nhiên, ai cũng có thể lựa chọn một thái độ mình thích khi đăng đàn. Nhưng gạch đá bay đi được thì gạch đá cũng bay lại được. Trong bối cảnh xã hội chúng ta hiện nay, ném đá vào những kẻ yếu thế nhất, kẻ đang bị đâm dao vào ngực, trong khi né tránh những kẻ có quyền lực nhất, phải chịu trách nhiệm cao nhất, hoàn toàn không phải là một lựa chọn tốt. Bạn ném đá vào một đoàn tàu đang chạy thì hậu quả lớn hơn nhiều so với ném đá vào một đoàn tàu đứng im. Kết cục là đoàn tàu đó có thể nghiến nát bạn ngay lập tức.
Ta hoàn toàn có thể lựa chọn một thái độ khác, có ích hơn nhiều.
Vì một cuộc thảo luận xã hội có tính xây dựng hơn
Mọi chỉ trích nhắm vào đám đông phẫn nộ cần phải đặt trong bối cảnh xã hội cụ thể của cấp độ phẫn nộ cao nhất mà tôi đã trình bày ở phần đầu. Đó là cấp độ mà thủ phạm ấu dâm còn chưa bị trừng phạt, còn cơ quan công quyền – thủ phạm trực tiếp của cuộc khủng hoảng xã hội mà chúng ta đang gánh chịu, vẫn dửng dưng trước tai ương và ráo riết đi trừng phạt dân chúng.
Cơn phẫn nộ của công chúng có thể quá khích, có thể sai, và tiềm tàng khả năng gây hoạ, nhưng mọi lời chỉ trích họ cần phải đặt họ ở vị thế nạn nhân của cuộc khủng hoảng xã hội này.
Cơn phẫn nộ, nếu chỉ dừng lại ở cấp độ thứ ba, tức là phẫn nộ vì một quan chức, cựu quan chức xâm hại tình dục trẻ em thì đã đi một nhẽ. Điều này xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, bất kể văn minh tới đâu. Nhưng để lên đến cấp độ thứ tư và thứ năm thì yếu tố quyết định là một thể chế chính trị độc đoán, đứng trên pháp luật, bóp nghẹt tự do của người dân và không bảo vệ nổi người dân khỏi những mối đe doạ nhỏ nhất.
Người dân có phẫn nộ đến mức quá khích thì kẻ khiêu khích họ không phải ai khác, mà chính là chính quyền.
Nếu chính quyền xử lý vụ việc rốt ráo ngay từ đầu, khởi tố vụ án, bắt giam Nguyễn Hữu Linh hoặc ít nhất là cách ly Linh với trẻ em, triển khai mọi biện pháp nghiệp vụ cần thiết để bảo vệ em bé và gia đình khỏi nguy cơ bị trả thù, cung cấp các dịch vụ trợ giúp tâm lý và pháp lý cho em bé và gia đình, cùng với đó là trấn an dư luận bằng cách cho lãnh đạo từ trung ương đến địa phương đối thoại với công chúng, thì công chúng nào sẽ trở nên quá khích?
Nếu chính quyền không ngăn cản người dân tự do phát biểu trên báo thì người dân nào sẽ trở nên quá khích?
Nếu chính quyền không cấm người dân biểu tình thì người dân nào sẽ trở nên quá khích?
Nếu chính quyền không ngăn cản các tổ chức xã hội được lập ra và hoạt động, để cho người dân có những diễn đàn riêng của mình, để nâng cao nhận thức về xâm hại tình dục, nâng cao kỹ năng phòng vệ, cung cấp các dịch vụ trợ giúp tâm lý và pháp lý cho nạn nhân, thì người dân nào sẽ trở nên quá khích?
Nếu chính quyền rốt ráo tu sửa luật pháp để bảo vệ trẻ em tốt hơn, trừng trị tội phạm ấu dâm tốt hơn thì người dân nào sẽ trở nên quá khích?
Nếu chính quyền để cho người dân được tự do lựa chọn người lãnh đạo để phòng tránh những quan chức như Nguyễn Hữu Linh thì ai sẽ trở nên quá khích?
Cái nồi áp suất vốn đã sôi sùng sục, nay còn đi bịt van lại thì trách ai? Còn nếu những điều kiện trên đã đạt được rồi mà vẫn có người dân quá khích thì chính công chúng sẽ lên án hành vi quá khích và người dân quá khích đó, chứ không đến nỗi phải trông vào những việc quá khích để xả cơn phẫn nộ của mình.
Cho nên vấn đề của những hành vi quá khích của một bộ phận công chúng nằm nhiều phần ở chính quyền hơn là ở bản thân công chúng, nếu không muốn nói chính quyền phải chịu gần như toàn bộ trách nhiệm. Lảng tránh trách nhiệm của chính quyền, không gây áp lực buộc chính quyền thay đổi mà chỉ lên án thường dân là một thái độ vừa không đúng mực, vừa ấu trĩ, và trong nhiều trường hợp, là một thái độ độc ác. Cái ác đó thậm chí còn cao hơn cái ác của sự im lặng.
Muốn con trẻ không còn bị “nựng” nữa thì địa chỉ cần lên án là chính quyền chứ không phải thường dân, và nếu có phê phán thường dân, hãy nhớ rằng họ là nạn nhân chứ không phải thủ phạm.