Thư cuối tuần - 09/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Luật Khoa thường bị báo chí nhà nước lẫn dư luận viên dán nhãn “phản động”, “chống chính quyền”, “cờ vàng ba que”, v.v. Các thuyết âm mưu được dựng lên, chẳng hạn như “nhận tiền Việt Tân” hay “CIA tài trợ”.
Nhưng cũng không ít lần, nhiều người gọi Luật Khoa là “Việt Cộng”, “bưng bô”, “bút nô”, “đĩ bút”, v.v. Cũng không ít thuyết âm mưu xung quanh những lời miệt thị này, như là “bán mình cho cộng sản” hay “chiến dịch tuyên truyền của cộng sản”.
Những phản ứng trái ngược nhau hoàn toàn này với các bài viết khác nhau của Luật Khoa thể hiện rất rõ một thực tế: Luật Khoa đăng tải những bài viết đa chiều, thể hiện những góc phân tích lẫn bình luận khác nhau.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn, chúng tôi có thể lấy vài ví dụ.
Bài viết “30/4 – Xâm lược hay Giải phóng: Từ góc nhìn công pháp quốc tế” của tác giả Nguyễn Quốc Tấn Trung đăng ngày 28/4/2017 lý giải rằng sự kiện được gọi là “giải phóng miền Nam” ngày 30/4/1975 thực tế là một cuộc xâm lược của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc) đối với Việt Nam Cộng hòa (miền Nam) - một thực thể thỏa mãn đầy đủ bốn điều kiện của Điều ước Montevideo của công pháp quốc tế để được coi là một quốc gia hoàn chỉnh. Bài này được những người ủng hộ VNCH hoan nghênh nhiệt liệt, còn những người ủng hộ đảng Cộng sản thì ra sức mạt sát, chửi bới, hoặc ít nhất là chê bai.
Hoàn toàn ngược lại, bài viết “Quân đội Việt Nam Cộng hòa: Những bài học đắt giá của một đoàn quân thua trận” của tác giả Võ Văn Quản, đăng ngày 22/4/2019, lại bị những người ủng hộ VNCH phản đối dữ dội, với nhiều bình luận mang tính mạt sát và quy chụp. Lý do là bài viết này liệt kê ra những mặt hạn chế của quân đội VNCH, bao gồm: tinh thần chiến đấu rệu rã, chính sách quân dịch lạc hậu, tỷ lệ đào ngũ cao, và kén chọn lương thực. Tư liệu của bài viết này đều dựa trên các nguồn khả tín của Bộ Ngoại giao Mỹ và nghiên cứu do các trường đại học lớn xuất bản.
Và mặc dù phê phán chính sách đối xử vô nhân đạo với cựu quân nhân VNCH sau năm 1975 qua bài “Trại cải tạo sau 30-4-1975: Lục lại một báo cáo của Ân xá Quốc tế năm 1981” của tác giả Quỳnh Vi (23/6/2017), Luật Khoa cũng đăng bài “Ân xá Quốc tế: Chính quyền Việt Nam Cộng hòa tra tấn và bỏ tù giới bất đồng chính kiến miền Nam”, cũng của Quỳnh Vi (2/5/2017).
Tác giả Võ Văn Quản, người bị những người ủng hộ VNCH mạt sát thậm tệ sau bài viết về quân đội VNCH, lại cũng là tác giả của bài “Sách ‘Án lệ vựng tập’: Có một nền pháp luật Việt Nam Cộng hòa như thế” (2/1/2019), giới thiệu những thành tựu pháp lý của VNCH tới những độc giả Việt Nam ngày nay vốn đang thiếu thốn nghiêm trọng thông tin về thời kỳ này.
Luật Khoa tiếp cận với vấn đề Việt Nam Cộng hòa, cũng như với mọi vấn đề khác, theo cách như vậy: đa chiều, đa quan điểm, không vì điều gì mà tự kiểm duyệt nội dung. Bởi tự kiểm duyệt là cái chết từ bên trong của một tờ báo, là tế bào ung thư của một tờ báo.
Một lần, cách đây khoảng hai năm, một thành viên của Luật Khoa có hỏi tôi, đại ý là chúng ta viết bài về Việt Nam Cộng hòa có cần phải dè dặt chút không, vì có vẻ như Luật Khoa có nhiều nhà tài trợ là người của phe VNCH. Với tư cách là tổng biên tập, tôi lập tức trả lời, đại ý: Các bạn viết bài không cần quan tâm gì đến chuyện gây quỹ, hãy để khối sản xuất nội dung độc lập hoàn toàn với các chiến dịch gây quỹ.
Đây là nguyên tắc số 1 của mọi tờ báo: độc lập. Độc lập không những chỉ với chính quyền, mà còn độc lập với những người cho mình tiền để hoạt động.
Đúng là có một thực tế rằng Luật Khoa lâu nay thường được lòng những người ủng hộ VNCH và các nhóm đấu tranh dân chủ. Lý do thì rất giản dị: Luật Khoa là tờ báo cổ xúy dân chủ, nhân quyền, pháp quyền, mà những điều này cũng là mục tiêu đấu tranh của các phe nhóm kia. Chúng tôi rất trân trọng sự ủng hộ của các độc giả này, trân trọng cả tấm lòng lẫn tiền bạc mà các bạn dành cho Luật Khoa. Và cách tốt nhất mà chúng tôi trân trọng các bạn là cố gắng hết sức mình để trở thành một tờ báo tử tế.
Cách chúng tôi tiếp cận với vấn đề VNCH khuyến khích các tác giả và độc giả vượt ra khỏi lối mòn suy nghĩ theo lối nhị nguyên: trắng – đen, vàng – đỏ, đúng - sai, thiện – ác, chính – tà, xấu – đẹp, v.v. Tư duy nhị nguyên nghĩa là không theo tao thì là kẻ thù của tao, tao đúng – nó sai, tao đẹp – nó xấu, tao chính – nó tà, v.v. Cuộc sống đa dạng và nhiều màu sắc hơn thế rất nhiều, và thường là “không theo tao cũng không sao”. Đó là khi ta thấy rằng trong cùng một vấn đề, có thể có nhiều người cùng đúng, cùng sai, vừa đúng vừa sai, hoặc chẳng sai cũng chẳng đúng – họ chỉ khác ta thôi. Xã hội dân chủ là xã hội mà tất cả những người đó có thể sống chung với nhau, yên ổn, hòa bình, có xung đột thì cũng giải quyết được một cách ổn thỏa và hướng tới những cách hành xử văn minh. Dĩ nhiên, có cả những người đối lập hoàn toàn với ta, thậm chí đến mức phải bài trừ: những kẻ khủng bố, kỳ thị, kích động bạo lực và hận thù.
VNCH có rất nhiều điểm ưu việt, hơn hẳn thể chế ở miền Bắc xưa và Việt Nam ngày nay. Nhưng VNCH không phải là thiên đường. Quân đội VNCH có rất nhiều điều đáng kính trọng, nhưng họ không phải là đội quân hoàn hảo. Nếu phê phán VNCH nói chung và quân đội VNCH nói riêng mà bị cho là “xúc phạm”, “rác rưởi” thì không khác gì cách dư luận viên phản ứng với những bài viết phê phán đảng Cộng sản và quân đội Việt Nam ngày nay.
Thói quen tuyệt đối hóa, thần tượng hóa, thần thánh hóa một cái gì đó thường đẩy người ta vào những phản ứng thái quá, thậm chí đến mức cực đoan. Biểu hiện thái quá hay cực đoan là phủ nhận mọi lập luận trái với quan điểm của mình, thậm chí là phủ nhận cả những dữ kiện thực tế (facts) bất lợi cho quan điểm của mình. Phủ nhận theo lối mạt sát, chửi bới, dán nhãn, vu khống người khác thì còn tệ hơn thế rất nhiều. Với nhiều người, khái niệm “khách quan” lại nhập nhằng với khái niệm “hợp ý mình”, nếu không hợp ý mình thì nghĩa là không khách quan. Điều này có thể dễ dàng tìm thấy được ở tất cả các phe, chứ không riêng gì phe dư luận viên, cờ đỏ. Không có cuộc thảo luận bình thường nào diễn ra như thế, và không có hạt mầm dân chủ nào sống được trong môi trường văn hóa độc hại như thế.
Suy cho cùng, một trong những lý do chính khiến Việt Nam ngày nay phải sống trong chế độ độc tài, chậm tiến hàng thế kỷ so với thế giới, chẳng phải là cái môi trường văn hóa độc hại đó hay sao?
Ở Luật Khoa, chúng tôi nói không với thứ văn hóa độc hại đó, vì chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng, muốn Việt Nam thay đổi và tiến lên, chúng ta phải tự giải phẫu chính cơ thể văn hóa của mình, dù cho nó có đau đớn đến đâu. Để làm được điều đó, Luật Khoa phải hứng cả hai làn đạn. Có đau cũng phải chịu. Không có cách nào khác.
Dĩ nhiên, bài viết của Luật Khoa có thể sai, lập luận có thể chưa chặt chẽ, góc nhìn có thể còn hạn chế, tư liệu mà các bài viết trích dẫn có thể không khả tín, cách viết của Luật Khoa có thể không suy xét đúng mức nỗi đau mà một số độc giả và người thân phải gánh chịu trong chiều dài lịch sử nhiều mất mát của dân tộc. Những tai nạn nghề nghiệp đó hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng tôi hoàn toàn cầu thị lắng nghe những ý kiến phê phán. Cái chúng tôi kỳ vọng nhất là những bài viết khác phản bác lại những bài viết đó bằng những lập luận khoa học, dựa trên những dữ liệu tốt hơn và cách viết tốt hơn.
Còn đối với những bài xã luận, mang nặng quan điểm cá nhân của người viết, chúng tôi sẵn sàng đăng tải những quan điểm trái ngược nhau (nhưng phải đạt những tiêu chí chất lượng của chúng tôi), và vì vậy, sẽ khiến độc giả của tất cả các phe phản đối. Mà đó thực ra cũng là chuyện bình thường, ngay cả trong giới nghiên cứu. Cái chúng tôi kỳ vọng là những bài phản đối có chất lượng tương tự hoặc hơn.
Sứ mệnh làm báo của Luật Khoa là thách thức cái thực tế xã hội của Việt Nam, một xã hội còn nặng tư duy nhị nguyên và đầy định kiến, do lỗi của cả chính quyền độc tài lẫn sức ì văn hoá. Trong điều kiện đó, một bài viết ra mà không bị ai phản đối thì nhiều khả năng là một bài viết tồi.
Bạn có thể tẩy chay Luật Khoa, không đóng góp tiền bạc cho Luật Khoa, đó là quyền của bạn. Còn Luật Khoa hôm nay với Luật Khoa khi thành lập không có gì khác nhau: một tờ báo độc lập, phi kiểm duyệt và hết lòng cổ xúy cho những giá trị dân chủ, nhân quyền và pháp quyền. Nếu bạn thấy đây là những điều có giá trị thì hãy chung tay với chúng tôi.