Thư cuối tuần - 14/9/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Đầu thế kỷ 17, những cơn gió trên biển đã đưa người châu Âu đến với vùng Viễn Đông xa xôi. Người Bồ Đào Nha gần như nắm trọn khu vực giàu có về sản vật này. Ngoài việc mua bán hàng hóa, những thương thuyền của họ còn chở theo những nhà truyền giáo đang khao khát được rao giảng tin mừng.
Linh mục Alexandre de Rhodes cũng đã theo những thương thuyền này đến vùng Viễn Đông xa lạ. Hành trình 27 năm đó đã ghi tên tuổi ông vào sử sách, nhưng cũng để lại nhiều tranh cãi về công lao, những phát ngôn tạo nên sự thù hằn truyền kiếp.
Ngày 15/3/1591, Alexandre de Rhodes được sinh ra trong một gia đình thương nhân có cha là người gốc Do Thái và mẹ là người gốc Ý, sinh sống tại Avignon, khi đó là vùng đất của Giáo hoàng, nay thuộc miền Nam nước Pháp.
Sự giao tế thân thiết giữa gia đình de Rhodes với những giáo sĩ Dòng Tên đã ảnh hưởng nhiều đến nghề nghiệp tương lai của cậu thanh niên ham quan sát. Cả cậu em trai của de Rhodes sau này cũng gia nhập Dòng Tên.
Lớn lên, de Rhodes học trung học ở một trường của các giáo sĩ tại quê nhà. Năm 1612, anh theo đuổi con đường tôn giáo tại học viện San Andreas (Roma), nơi anh có thể dễ dàng xin vua Bồ Đào Nha đi truyền giáo ở phương Đông.
Chuyển đến Roma, trong lòng de Rhodes lúc nào cũng nung nấu hoài bão giong buồm đến vùng Viễn Đông. Tháng 4 năm 1614, trong ngày đầu tiên phát nguyện, anh đã viết thư cho người đứng đầu Dòng Tên đề cập về khát khao truyền giáo nơi viễn xứ.
Sau nhiều lần đề nghị, tháng Tư năm 1618, không lâu sau khi de Rhodes trở thành linh mục, anh được phái đến Trung Quốc và Nhật Bản.
Muốn đến được Nhật Bản, de Rhodes phải đến được Macao, nơi Bồ Đào Nha đã lấy làm thuộc địa và biến nơi đây thành một thương cảng quan trọng. Tại Macao, các giáo sĩ Dòng Tên đã mở trường thần học và từ nơi này họ sẽ gửi các giáo sĩ đi khắp Viễn Đông.
Các giáo sĩ nghĩ rằng nếu Trung Quốc hưởng ứng đạo Cơ Đốc thì công cuộc truyền giáo của họ ở các nước phụ thuộc như Tonkin (Đàng Ngoài), Siam (Xiêm, tức Thái Lan ngày nay) sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng công cuộc truyền đạo ở đất nước rộng lớn này cũng lắm gian truân khi Tam giáo (Phật giáo, Đạo giáo và Khổng giáo) đã ăn vào máu thịt của dân chúng. Phong tục của người Trung Hoa lúc đó khó hòa nhập với các quy tắc cứng nhắc của Cơ Đốc giáo.