Luật Khoa: 10 bài học sau 10 năm làm báo
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Luật Khoa: 10 bài học sau 10 năm làm báo0:00/907.
Trong tình trạng hỗn loạn về giá cả các mặt hàng liên quan đến sức khỏe, nhà nước có nên can thiệp vào quyết định giá cả của mỗi cá nhân? Hay nhà nước nên để mặc thị trường tự điều tiết thông qua hệ thống giá cả?
Đó là một câu hỏi lớn, tốn nhiều trí não và giấy mực của nhân loại suốt hàng thập niên qua.
Mọi thứ tùy thuộc vào vị thế xã hội và quan niệm của mỗi người về quyền sống. Liệu quyền sống có bao gồm quyền được chăm sóc sức khỏe với mức giá hợp lý hay không? Trả lời “có” hoặc “không” sẽ dẫn tới quan điểm ủng hộ hoặc phản đối nhà nước can thiệp vào thị trường và mức độ can thiệp vào thị trường của nhà nước.
Hãy để thị trường tự do. Đó là quan điểm không can thiệp(laissez faire) mà những tín đồ ủng hộ nền kinh tế tự do theo quan điểm của Adam Smith, Hayek… theo đuổi. Học thuyết này cho rằng doanh nghiệp tư nhân, thị trường cạnh tranh dành cho các đầu vào sản xuất và sản phẩm, cũng như nền thương mại quốc tế không bị cản trở sẽ đem lại phúc lợi tối đa cho người tiêu dùng và làm tăng mức sống. Những nhà kinh tế theo quan điểm tự do cho rằng thị trường có khả năng tự điều tiết thông qua giá cả.
Khi giá khẩu trang tăng cao đột biến, nhà nước không cần phải can thiệp vào thị trường. Chính các lực lượng thị trường sẽ làm điều đó thông qua tín hiệu giá cả. Giá khẩu trang tăng chóng mặt sẽ dẫn đến lợi nhuận của các thương nhân bán khẩu trang tăng mạnh, vì động cơ lợi nhuận, vì lòng tham lam, các thương nhân sẽ đặt hàng các nhà sản xuất khẩu trang với giá cao hơn. Các nhà sản xuất khẩu trang vì động cơ lợi nhuận sẽ trả lương cho công nhân với giá cao hơn, tăng ca sản xuất, dịch chuyển các dây chuyền đang sản xuất các mặt hàng khác để chuyển sang sản xuất khẩu trang cung cấp khẩu trang đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường. Khi cung tăng lên, giá khẩu trang sẽ giảm xuống.
Việc nhà nước can thiệp vào thị trường sẽ làm cho tín hiệu giá cả bị “nhiễu”, nhà sản xuất sẽ không có động cơ lợi nhuận để tăng công suất, công nhân sẽ không có động cơ tiền lương để tăng ca. Và cuối cùng, cả xã hội về dài hạn sẽ bị thiệt hại vì các nhà sản xuất khẩu trang sẽ không có đủ động lực để tăng công suất sản xuất. Về dài hạn, khi nhà nước áp dụng chính sách kiểm soát giá cả, nguồn cung sẽ khan hiếm.
Quan điểm của các nhà kinh tế theo trường phái ủng hộ thị trường tự do đúng trong dài hạn. Đó là lý do hầu hết tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới đều ủng hộ mạnh mẽ quan điểm kinh tế thị trường tự do.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nếu nhà nước không can thiệp thì giá khẩu trang sẽ bị đẩy lên rất cao với mức “giá cắt cổ” bởi lòng tham lam của nhiều nhà sản xuất và nhà phân phối khẩu trang vô nhân tính, cũng như nỗi sợ hãi vô căn cứ của nhiều người mua. Nếu phân phối theo cơ chế thị trường, chỉ có những người giàu có mới chấp nhận mua khẩu trang với giá cắt cổ.
Mức giá cắt cổ đó bị Thomas Aquinas, vị Thánh được giáo hội công giáo phong làm tiến sĩ hội thánh, phê bình trong bộ Tổng luận Thần học (Summa Theologica) là vô đạo đức nếu người bán nâng giá đơn giản vì người mua có nhu cầu bức thiết cho một sản phẩm. Ông cho rằng giá công bằng (just price) được coi là giá vừa đủ để bù đắp cho các chi phí sản xuất, bao gồm việc trả lương cho người lao động đủ nuôi sống bản thân và gia đình. Quan điểm giá công bằng của ông được rất nhiều người sử dụng để phản đối việc giá khẩu trang bán với giá cắt cổ khi so sánh mức chênh lệch rất lớn giữa giá mua sản phẩm của các nhà thuốc y tế trước khi có dịch và giá bán ra khi dịch bệnh xuất hiện.
Những lời phê bình về tính đạo đức của việc bán giá cắt cổ trong bối cảnh dịch bệnh không chỉ xảy ra với mặt hàng khẩu trang trong thời kỳ dịch virus Corona.
Tamiflu là một loại thuốc thuộc nhóm thuốc kháng virus, được chỉ định sử dụng trong điều trị bệnh nhân nhiễm cúm ở người lớn và trẻ nhỏ. Khi dịch cúm xảy ra vào thời điểm cuối năm do khí hậu lạnh lên, nhu cầu sử dụng Tamiflu tăng đột biến và giá Tamiflu được đẩy lên cao. Khi giá Tamiflu tăng lên, dư luận và báo chí thường cho rằng giá thuốc tăng cao là do các thương nhân găm hàng làm giá tăng và đề nghị nhà nước vào cuộc để xử lý nghiêm các trường hợp đẩy giá thuốc tăng cao. Lập luận của họ chính xác là lập luận về giá công bằng của Thomas Aquinas: “Loại thuốc này bị đẩy giá cao (150.000 – 200.000 đồng/viên), so với giá kê khai với cơ quan quản lý là 45.000 đồng/viên”. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng xử nghiêm việc găm hàng tăng giá thuốc điều trị cúm Tamiflu.
Lập luận giá công bằng của Thomas Aquinas có một lỗ hổng nghiêm trọng mà những người theo trường phái kinh tế tự do có thể sử dụng để phản bác. Đó là ông giả định trạng thái của nền kinh tế không thay đổi trong ngắn hạn mà luôn ổn định trong dài hạn.
Khái niệm giá công bằng của ông có nhiều điểm rất giống với khái niệm hiện đại về sự cân bằng trong dài hạn. Giá trong dài hạn sẽ dao động ở trạng thái cân bằng ở mức giá nhà sản xuất có lợi nhuận vừa phải và đủ chi phí để chi trả cho lương công nhân và khấu hao máy móc.
Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là nhu cầu về thuốc không ổn định như Thomas Aquinas và những người ủng hộ giá công bằng nghĩ đến. Dịch bệnh do virus là một yếu tố hoàn toàn bất ngờ, không ai có thể lường trước được mức độ cũng như sự lan rộng của nó để chuẩn bị đối phó. Nếu các nhà sản xuất khẩu trang, những nhà sản xuất thuốc Tamiflu, những nhà nhập khẩu thuốc có thể dự đoán được trước tình hình dịch bệnh thì họ sẽ sản xuất trước khẩu trang và thuốc để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Khi đó, giá cả sẽ bình ổn. Tuy nhiên, không ai có thể dự đoán trước được dịch bệnh.
Những người theo trường phái kinh tế tự do cho rằng chính dịch bệnh bất ngờ xảy ra khiến nhu cầu tăng đột biến là nguyên nhân chính khiến giá tăng. Khi dịch bệnh xảy ra đột ngột, nhu cầu tăng đột biến, người mua sẽ cạnh tranh với nhau bằng cách trả giá cao hơn người khác để mua được khẩu trang và thuốc. Quy luật giá cả của nền thị trường đúng với không chỉ các mặt hàng bình thường như thanh long, lúa gạo mà còn đúng với các mặt hàng liên quan đến sức khỏe và tính mạng của con người.
Những người phản đối chủ nghĩa kinh tế tự do sẽ cho rằng tất cả mọi người đều là con người, thật phi nhân tính khi chỉ có những người giàu mới có được khẩu trang hay thuốc Tamiflu, còn những người nghèo không có được khẩu trang hay thuốc sẽ chết. Không lẽ chỉ có người giàu mới có quyền sống còn người nghèo không có tiền phải chịu chết?
Ngay cả Mỹ, một quốc gia theo chủ nghĩa tư bản tự do, cũng ghi nhận trong Tuyên ngôn Độc lập rằng: “Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hóa ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”
Những người theo chủ nghĩa tự do có thể phản bác rằng: Quyền sống chỉ có nghĩa là quyền không bị người khác xâm phạm thân thể. Nó không có nghĩa là bạn có quyền được lấy thuốc của các nhà thuốc, hay được yêu cầu bác sĩ khám chữa bệnh cho bạn miễn phí. Nếu làm như thế, bạn sẽ tước đi tự do quyết định điều gì nên làm và điều gì không nên làm của người khác. Tự do vốn là quyền được coi trọng nhất của những người theo chủ nghĩa tự do.
Những người theo chủ nghĩa tự do không phản đối việc nhiều nhà hảo tâm giàu có sẽ tổ chức phát thuốc và khám chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo. Tuy nhiên, họ phản đối việc nhà nước can thiệp vào mức giá y tế vì họ cho rằng hành động can thiệp đó là tái phân phối tài sản của xã hội bằng cách lấy tiền thuế của những người giàu có để phân phối cho những người nghèo khó. Người giàu có thể làm từ thiện để giúp đỡ những người nghèo trong dịch bệnh, nhưng việc đó là tự nguyện. Nếu nhà nước ép buộc các nhà thuốc phải bán khẩu trang với giá thấp hơn giá thị trường là điều không thể chấp nhận.
Để giá khẩu trang bình ổn, để giá thuốc không tăng đột biến do nhu cầu tăng cao, cần phải có một hệ thống dự trữ các mặt hàng đó. Liệu xã hội có chấp nhận chi phí để xây dựng dư thừa các bệnh viện, đào tạo dư thừa đội ngũ y bác sĩ để chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp?
Khi đứng trước sự sống và cái chết, con người thường mới nhận thức được rằng sức khỏe là quý giá. Nhưng trong điều kiện bình thường, con người vẫn tốn nhiều chi phí để uống rượu bia, hút thuốc lá… Xã hội thông qua nhà nước có nên cấm các chất gây nghiện có hại cho sức khỏe hoặc đánh thuế thật cao các chất gây nghiện đó để có ngân sách xây bệnh viện không? Liệu có nên đóng cửa các quán nhậu tràn lan ở Việt Nam để thay thế bằng các bệnh viện không?
Những người theo chủ nghĩa tự do cho rằng mạng sống là quý giá. Nhưng họ cũng tự hỏi liệu một cuộc sống không dám chấp nhận rủi ro hút thuốc lá có khả năng gây ung thư phổi, uống rượu bia có thể bị ung thư gan có phải là một cuộc sống đáng sống? Mỗi cá nhân nên là những người quyết định việc họ nên làm gì, nên sống một cuộc sống như thế nào chứ không phải sống một cuộc sống theo ý muốn của người khác.
Cuộc tranh luận về quyền được sống có bao gồm quyền được chăm sóc sức khỏe miễn phí là cuộc tranh luận lớn của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ.
Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (ACA), hay Obamacare, là tâm điểm của cuộc tranh luận về bản chất của quyền được sống. Liệu quyền sống có bao gồm quyền được chăm sóc sức khỏe với mức giá mà người nghèo có thể trả được (đồng nghĩa với việc nhà nước dùng ngân sách để trợ giá)? Một phần rất lớn xung đột ý thức hệ giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng Hòa suốt nhiều năm qua đều xoay quanh vấn đề này.
Những người ủng hộ hay phản đối Obamacare đều ủng hộ cho quyền sống được ghi nhận trong Hiến pháp Mỹ nhưng bất đồng trong việc diễn giải quyền này.
Những người ủng hộ Obamacare cho rằng tất cả mọi công dân của Mỹ đều có quyền sống, trong đó có quyền được chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền, được khám chữa bệnh với chi phí thấp, được nhà nước hỗ trợ thông qua việc ban hành “Luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe với giá phải chăng” (Patient Protection and Affordable Care Act).
Đạo luật này tạo điều kiện cho nhiều người hiện không có bảo hiểm sức khỏe có thể mua được một bảo hiểm tối thiểu cho bản thân và gia đình, cũng như tăng mức quyền lợi cho các gói bảo hiểm.
Obamacare cũng giúp mở rộng nhiều chương trình chăm sóc y tế miễn phí dành cho người có thu nhập thấp, có tên gọi là Medicaid.
Những người Cộng hòa phản đối Obamacare cho rằng đây là (1) loại chính sách kinh tế kiểu “lấy của người giàu chia cho người nghèo” và (2) sự can thiệp của chính phủ vào mối quan hệ riêng tư giữa bác sĩ và bệnh nhân. Quyền sống theo diễn giải của Đảng Cộng Hòa là quyền không bị người khác xâm phạm tính mạng, thân thể chứ không bao hàm quyền được nhà nước lấy tiền của người giàu để chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.
Không phải ngẫu nhiên mà bác sĩ là một trong những công việc được tôn trọng bậc nhất ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Sự tôn trọng đó không phải vì bác sĩ là công việc nhàn hạn và mang lại thu nhập cao. Ngược lại, bác sĩ là một trong những công việc nặng nhọc với mức lương thấp nếu so với công việc khó khăn và nặng nhọc mà đội ngũ y bác sĩ phải chịu đựng hàng ngày. Sự tôn trọng của xã hội đến từ việc một người bác sĩ được tôn vinh khi cứu người. Từ “người” ở đây được dùng để chỉ cho tất cả mọi người, không phân biệt giàu hay nghèo, quan chức hay thường dân.
Trước sự sống và cái chết của con người, những người theo chủ nghĩa tự do buộc phải dừng lại để suy ngẫm. Obamacare có thể bị rất nhiều người Cộng Hòa phản đối về tính hiệu quả kinh tế, nhưng mục tiêu nhân đạo của chương trình chăm sóc y tế hợp túi tiền dành cho người có thu nhập thấp rất đáng để suy ngẫm.
Cuộc tranh luận về quyền sống của con người có bao gồm quyền được mua khẩu trang và thuốc với giá bình ổn không trong tương lai vẫn sẽ tiếp tục làm hao tổn trí não của những ai quan tâm đến quyền con người, nhất là trong điều kiện dịch bệnh.