Có cần nhân quyền trong đại dịch? Hãy hỏi người Trung Quốc.

Người dân Trung Quốc đeo khẩu trang đi qua áp phích có chân dung Chủ tịch Tập Cận Bình, ngày 10/2/2020. Ảnh: Reuters.
Người dân Trung Quốc đeo khẩu trang đi qua áp phích có chân dung Chủ tịch Tập Cận Bình, ngày 10/2/2020. Ảnh: Reuters.

Cho đến thời điểm này, đa số các ý kiến của chuyên gia đồng ý rằng dịch bệnh đã xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc trong khoảng cuối năm 2019 và từ từ lan đến các nước khác.

Người dân ở nhiều nơi và cả tại Việt Nam chắc có lẽ đang có cùng một câu hỏi, đó là các nước dân chủ và tôn trọng nhân quyền liệu có chống dịch tốt hơn một nhà nước độc tài, chuyên chế hay không khi các nước Âu Mỹ có biểu hiện vượt quá Trung Quốc về số lượng người bị nhiễm và tử vong? Câu hỏi này có lẽ sẽ chưa có một câu trả lời thật thỏa đáng ngay lúc này. Tranh luận về các giá trị nhân quyền và yêu cầu nhà nước tôn trọng chúng có lẽ vẫn là một đề tài kéo dài nhiều năm về sau.

Nhưng có người đã hỏi tôi, làm thế nào để thuyết phục người dân Việt Nam rằng nhân quyền vẫn cần thiết khi họ đang sống trong sợ hãi về dịch bệnh như hiện nay? Có thể nào lúc gặp tình trạng khẩn cấp chúng ta có thể tạm quên quyền con người của mình và chấp nhận sống trong môi trường chuyên chế với một chính phủ độc tài để phòng chống bệnh hay không?

Tôi không dám tự nhận mình là người có thể trả lời các câu hỏi nói trên và tôi cũng không có đủ can đảm để bảo đảm với mọi người rằng nhân quyền thì sẽ giải quyết được tất cả mọi việc, đặc biệt là việc chống bệnh COVID-19. Suy cho cùng, bảo vệ các giá trị nhân quyền vẫn là một ý niệm mới trong lịch sử loài người.

Tuy nhiên, nếu không có câu trả lời chính xác, ta vẫn có thể khẳng định rằng nếu Trung Quốc là một nhà nước tôn trọng nhân quyền – đặc biệt là các quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí – thì cơn bệnh COVID-19 có thể sẽ không là một dịch bệnh lớn toàn cầu như hiện nay.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới (Reporters Without Borders) đã đưa ra một báo cáo ngắn ngày 24/3/2020, tập trung về việc nếu Trung Quốc tôn trọng quyền tự do báo chí thì cơn dịch bệnh đã không lan truyền toàn cầu như hiện nay.

Theo báo cáo này, thì trong một bài viết của Hoa Nam Tảo báo (South China Morning Post) vào ngày 13/3/2020, ca bệnh corona đầu tiên ở Trung Quốc được phát hiện ngày 17/11/2019. Một tháng sau, tại thành phố Vũ Hán đã có 60 bệnh nhân với cơn sốt viêm phổi tương tự như triệu chứng của bệnh SARS. Một số người trong nhóm này đã thường lui tới ngôi chợ hải sản khá nổi tiếng Huanan.

Đến cuối tháng 12/2019, chính quyền Trung Quốc đã có đủ dữ liệu để công bố cho báo chí về một loại bệnh dịch khá nguy hiểm bắt đầu lây lan cho người dân. Thế nhưng, họ đã không làm như vậy và người dân vẫn tiếp tục tụ tập tại khu chợ Huanan, là nơi có thể là nguồn gốc của cơn bệnh. Ngôi chợ này đã bị đóng vào ngày 1/1/2020.

Cũng vào lúc này, các bác sĩ Trung Quốc đã phát hiện một cơn dịch bệnh mới giống như SARS có thể đang xảy ra tại quốc gia của họ, trong đó có bác sĩ Lý Văn Lượng. Tuy nhiên, vì Trung Quốc không có tự do báo chí, nên không có tờ báo nào mang thông tin về dịch bệnh đưa trực tiếp đến người dân khi đó. Và vì vậy, công chúng cũng không thể gây áp lực lên chính quyền để gia tăng phương pháp phòng chống bệnh mặc dù trong thực tế thì con số người nhiễm bệnh ngày càng cao lên.

Ngay cả khi Trung Quốc đã báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 31/12/2019 về một dịch bệnh viêm phổi giống như SARS đang xảy ra tại Vũ Hán, chính quyền Bắc Kinh vẫn bắt giữ những bác sĩ muốn công bố tin tức về bệnh này cho người dân (như Lý Văn Lượng) rồi gán ghép cho họ tội truyền bá thông tin sai lệch.

Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc còn đặt hệ thống kiểm duyệt thông tin về bệnh dịch này trên mạng xã hội WeChat để người dân không đưa được thông tin hay truy cập được nó tại đây. Ngay cả khi một số nhà khoa học tại Thượng Hải đã có được kết quả về việc nghiên cứu hệ thống cấu tạo gen của virus vào ngày 5/1/2020 thì chính quyền cũng không cho phép họ công bố kết quả này cho công chúng. Vào ngày 11/1/2020, khi có người chết đầu tiên vì bệnh Corona tại Trung Quốc thì nhóm khoa học gia này đã tự công bố kết quả của họ. Nhưng để trừng phạt nhóm này, chính quyền đã đóng cửa phòng nghiên cứu ngay ngày hôm sau.

Những thông tin đầy đủ và chính xác về dịch bệnh đã không được đưa kịp thời đến công chúng. Trong khi đó, cuối tháng 1/2020 là đúng vào dịp Tết Nguyên Đán, người dân đã xếp lịch về thăm nhà hoặc đi du lịch khắp nơi. Thành phố Vũ Hán vốn là một trong những giao lộ lớn nhất thế giới, dễ dàng đưa dịch bệnh từ Trung Quốc đến các nước khác.

Ngày 13/1/2020, ca bệnh COVID-19 ngoài Trung Quốc đã xuất hiện lần đầu khi một khách du lịch đến từ thành phố Vũ Hán báo ốm tại Thái Lan.

Từ khi phát hiện người bệnh đầu tiên tại Vũ Hán vào tháng 11/2019 cho đến khi dịch bệnh truyền ra ngoài Trung Quốc, thông tin về căn bệnh này đã không được đưa một cách rõ ràng và minh bạch đến, trước là với công chúng Trung Quốc, và sau đó là cộng đồng quốc tế. Với một hệ thống báo chí không độc lập và không tự do như tại Trung Quốc, việc không đưa thông tin cần thiết này phải quy về trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc.

Các giá trị nhân quyền có giúp một chính quyền đối phó với dịch bệnh COVID-19 tốt hơn không là một câu hỏi chúng ta chưa có câu trả lời. Thế nhưng, một chính quyền tôn trọng nhân quyền, cổ súy cho tự do báo chí và tự do ngôn luận sẽ có thể chặn đứng dịch bệnh trước khi nó lan ra toàn thế giới. Rất đáng tiếc, Trung Quốc không phải là một nhà nước như thế và giá trị của nhân quyền không thể giúp được chúng ta trong vụ việc lần này. Nhưng đó không thể là một lý do để không cổ súy cho các giá trị đó mà ngược lại, chúng ta lại phải đấu tranh cho quyền con người được tôn trọng ở khắp mọi nơi. Nhờ vậy, trong tương lai, chúng ta sẽ không phải đối đầu với một đại dịch khác khi thông tin về nó lại bị các chính quyền che giấu.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.