‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
“…Tôi đã sống phần lớn đời mình như một người vô thần [và] đã hòa nhập vào nền văn hóa Anh kể từ khi tôi có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Một trong những khía cạnh làm London thú vị là sự đa dạng vô cùng về văn hóa và chủng tộc – một điều tôi đã luôn đã luôn trải nhiệm và tận hưởng. Đó là lý do tại sao tôi chọn ‘SHATTA STUDIO’ làm tên công ty cho doanh nghiệp kinh doanh tự do của tôi từ năm 2007.
Từ ‘SHATTA’ là một từ tiếng Ả-rập có nghĩa là ‘đa dạng’. Cách làm việc của tôi là pha trộn nghệ thuật phương Tây và phương Đông. Tôi chưa bao giờ thích sách cho đến khi vào đại học, trước khi cải đạo, tôi đã luôn có hứng thú với thiên nhiên, phim ảnh và âm nhạc. Đó là nơi tôi tìm thấy nhiều cảm hứng…”
Mấy dòng tâm sự ấy như thể được trích ra từ một đoạn tự bạch chia cảm hứng sáng tác trên trang web của một nghệ sỹ trẻ.
Thậm chí, như thể từ một đoạn tự giới thiệu mình của một chàng trai hiền lành hòa nhã, trên một trang web hẹn hò trực tuyến nào đó, vốn đang là “mốt” tại phương Tây mấy năm gần đây.
Nhưng thực tế thì không.
Những dòng trên được trích từ bức thư phân trần trước tòa án của một bị cáo đang bị truy tố với một loạt các tội danh liên quan đến khủng bố quốc tế.
Bị cáo ấy có tên là Minh Quang Pham (tức Phạm Quang Minh), tầm 33 tuổi vào ngày viết bức thư.
Khi đó, Minh đang vừa phải đối diện với việc ngồi tù hàng chục năm trời, vừa phải chấp nhận rằng bản thân đã bị biến thành người vô tổ quốc.
Trước đó, vào ngày 25 tháng 3 năm 2015, Tối cao Pháp viện Anh đã đưa ra một phán quyết quan trọng liên quan đến Minh.
Một mặt, phán quyết đó xác lập vị trí chính thức của hệ thống tư pháp Anh trong nhiều vấn đề luật pháp và nhân quyền trọng yếu.
Mặt khác, phán quyết đó tước bỏ quốc tịch Anh của chính Minh, một người sinh ra tại Việt Nam nhưng đã trưởng thành và sống gần như cả đời tại Anh quốc.
Từ người tỵ nạn trở thành tội phạm khủng bố
Câu chuyện đời Minh hiện lên như những thước phim nhanh và chắp vá, thông qua một vài tài liệu: bức thư phân trần trước tòa đã nêu, và các phán quyết liên quan đến Minh của các tòa án Anh.
Theo hồ sơ vụ việc, Minh sinh năm 1983 tại “Mongai” (có lẽ là Móng Cái), Việt Nam. Là con trai cả trong một gia đình có bốn người con.
Một năm nào đó khi Minh còn nhỏ, bố mẹ đưa Minh cùng gia đình tới Hong Kong. Một địa điểm “trung chuyển” khá quen thuộc của nhiều lớp người vượt biên tìm đường ra nước ngoài vào giai đoạn những năm 80 của thế kỷ trước.
Sau vài năm ở Hong Kong, vào năm 1989, cả gia đình Minh xin tỵ nạn (asylum) tại Anh quốc. Họ được phép lưu trú không giới hạn (indefinite leave to remain) tại Anh.
Các tòa án Anh ghi nhận rằng bố mẹ Minh và các con đã chưa bao giờ sở hữu hộ chiếu Việt Nam. Chi tiết này cho thấy rõ hơn phần nào thân phận vượt biên tỵ nạn của gia đình Minh.
Người tỵ nạn Việt Nam trong một trại tạm giữ ở Hong Kong những năm 80 – Ảnh: scmp.com
Năm 1995, khi Minh 12 tuổi, cả gia đình nhập tịch Anh quốc.
Cuộc sống mới của gia đình Minh tại Anh quốc không hẳn là khấm khá hơn.
“Việc trưởng thành rất khó khăn, đặc biệt khi tiếng Anh không phải là ngôn ngữ đầu tiên, [và] bố mẹ tôi thì nghèo và không được học hành, khiến cho việc học hành [và] hòa nhập còn khó khăn hơn nữa”, Minh viết.
Minh cũng kể việc mình đã bị bắt nạt và phân biệt đối xử tại trường trung học. Bố mẹ Minh vốn không thể làm gì khi Minh bị đánh bầm mặt – bởi vì họ không nói được tiếng Anh đủ để phàn nàn với nhà trường.
Thời gian cũng dần giúp Minh cùng các thành viên trẻ trong gia đình anh quen với ngôn ngữ mới và hòa nhập với cuộc sống bên kia “biển ngoài”.
Rào cản ngôn ngữ khiến Minh không học tốt các môn học chính, nhưng Minh học giỏi các môn nghệ thuật và tìm thấy cảm hứng từ đó.
Minh tốt nghiệp trung học rồi học thiết kế nghệ thuật tại một trường cao đẳng (college) ở London.
Thời đại học của Minh là một thời lạc lối khác. Bị trầm cảm và căng thẳng, Minh đốt tiền học vào các chất gây nghiện, rượu chè, và vũ trường.
Mọi thứ thay đổi vào năm 2004.
Thông qua một bạn học người gốc Ma-rốc, Minh biết đến đạo Islam – Hồi giáo.
Vừa tròn 21 tuổi, Minh cải đạo theo Hồi giáo tại một thánh đường ở trung tâm London.
Nhà thờ Hồi giáo tại Regents Park , London, nơi Minh Quang Pham làm lễ gia nhập đạo Hồi – Ảnh: 5pillarsuk.com
Nhờ tôn giáo mới, Minh bỏ cần sa rượu chè, được “tái sinh” và tìm được ý nghĩa cuộc sống
Năm 2006, Minh tham gia một khóa học đạo kéo dài bốn tháng tại Ấn Độ và Bangladesh.
Khóa học đó được tổ chức bởi Tablighi Jamaat, một phong trào Hồi giáo lớn vốn bị nghi ngờ là một kênh mà các tổ chức Hồi giáo khủng bố thường tìm đến để “tuyển quân”.
Cuộc sống của Minh có vẻ bình thường những năm sau đó. Minh mở công ty riêng cung cấp dịch vụ thiết kế đồ họa máy tính. Đầu năm 2010, Minh cưới vợ – một cô gái người Bangladesh theo đạo Hồi,
Đột nhiên, vào tháng 12 năm 2010, Minh quyết định làm một việc sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc đời: sang Yemen, một quốc gia Trung Đông vốn đã luôn là nơi “luyện quân” của nhiều tổ chức khủng bố Hồi giáo.
Theo lời tự thú, Minh làm lời thề gia nhập tổ chức khủng bố Al-Qaeda trên một sa mạc tại Yemen vào tháng 1 năm 2011.
Sau này Minh đổ lỗi cho việc bị các tuyên truyền sai trái của Al-Qaeda lừa phỉnh, dụ dỗ. Minh bảo chỉ ủng hộ Al-Qaeda vì tổ chức này tự xưng là một đạo quân Hồi giáo sẵn sàng giải phóng mọi đất nước Hồi giáo khỏi áp bức và bất công.
Thông tin về những gì Minh làm tại Yemen vào năm 2011 đầy chắp vá và mâu thuẫn qua chính các lời khai của Minh.
Tuy nhiên, kết quả điều tra của các cơ quan tình báo của cả Anh và Mỹ đều đồng quan điểm: Minh đã tham gia một số hoạt động giúp đỡ Al-Qaeda, được tổ chức này đào tạo sử dụng vũ khí và làm bom tự chế.
Minh thú nhận đã dùng kiến thức đồ họa của mình để giúp Al-Qaeda thiết kế bìa và ảnh trên cuốn tạp chí xuất bản định kỳ INSPIRE của tổ chức này. Minh cũng được Al-Qaeda tạo điều kiện học thêm về biên tập video.
Minh kể lại rằng đã ghét cuộc sống tại Yemen vì nhiều lý do, bao gồm cuộc sống thiếu thốn tiện nghi, việc bất hòa với một thành viên Al-Qaeda, và vì một triệu chứng bộc phát trong thời gian ở đó: bệnh ghẻ.
Theo Minh, bệnh tật khó khăn và nỗi nhớ gia đình cuối cùng đưa đẩy Minh đến một quyết định nghiêm trọng khác: để thoát khỏi Yemen trở về Anh quốc, phải chấp nhận với Al-Qaeda là sẽ tiến hành một cuộc tấn công khủng bố tại Anh.
Khi Minh đã chấp thuận làm việc đó, Al-Qaeda bèn chỉ dẫn Minh cách tự chế bom và lập kế hoạch cho Minh đánh bom khu vực ga đến tại sân bay Heathrow – sân bay lớn và bận rộn nhất thủ đô London.
Ga đến sân bay quốc tế Heathrow, London – Ảnh: your.heathrow.com
Sau này khi bị cơ quan tình báo Mỹ thẩm vấn, Minh một mực khai là không hề có ý định sẽ đánh bom Heathrow.
Việc nhận làm, lên kế hoạch, và nhận cầm một khoản tiền lên đến 8,000 bảng “chi phí công vụ” từ Al-Qaeda cho “chiến dịch” đánh bom chỉ là các hành vi giả vờ, để có thể giúp Minh trốn thoát về lại Anh quốc với gia đình.
Bất kể sự thật là thế nào, Minh bị cơ quan an ninh Anh quốc tạm giữ ngay tại sân bay Heathrow vào tháng 7 năm 2011 khi vừa bay về đến Anh.
Khoản tiền Al-Qaeda đưa cùng một số dụng cụ làm bom bị phát hiện và tịch thu từ hành lý của Minh.
Trong lúc các cơ quan chức năng Anh quốc điều tra, Minh được tạm thả ra để về với gia đình. Cho đến khi bị bắt lại vào tháng 12 năm 2011.
Ngày 22 tháng 12 năm 2011, Bộ Nội vụ Anh tống đạt cho Minh quyết định tước quốc tịch Anh, đồng thời trục xuất Minh theo luật di trú Anh quốc.
Không lâu sau đó, các cơ quan tình báo Mỹ cũng gõ cửa đòi người: họ muốn dẫn độ Minh về Mỹ để xử các tội liên quan đến khủng bố.
Lệnh tước quốc tịch
Chiếu theo Đạo luật Quốc tịch Anh năm 1981, chính phủ Anh có thẩm quyền tước quốc tịch công dân nước họ nếu như, theo suy xét của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, việc tước quốc tịch đó làm lợi cho lợi ích công cộng (“conducive to the public good”).
Việc tước quốc tịch, xóa tư cách công dân, hay trục xuất công dân tại Anh chưa bao giờ được xem là những quyết định mà cơ quan công quyền có thể tự ý đưa ra dễ dàng mà không chịu kiểm soát.
Bản thân hệ thống thông luật (common law) – vốn được đúc kết từ kinh nghiệm thực tế xử án hàng trăm năm của các thế hệ thẩm phán Anh – cũng chưa bao giờ chịu công nhận quyền đơn phương tước quốc tịch của chính phủ mà không bị luật pháp kiểm soát.
Ảnh Minh Quang Pham do nhà chức trách cung cấp cho báo chí – Ảnh: Bộ Tư pháp Mỹ
Kể từ năm 1948, việc tiến hành tước quốc tịch công dân Anh đã luôn được chính quyền Anh thực hiện một cách quy củ theo luật do Quốc hội Anh – cơ quan lập pháp – ban hành.
Đạo luật Quốc tịch Anh năm 1981 trao cho Bộ Nội vụ Anh quyền tước quốc tịch thì cũng trao cho người bị tước quốc tịch quyền kháng cáo (appeal rights) qua hệ thống tư pháp là các tòa án Anh.
Đặc biệt, vào năm 1961, Anh quốc trở thành một trong những nước ký kết Công ước về hạn chế tình trạng vô tổ quốc (Convention on the Reduction of Statelessness of 1961).
Công ước 1961 quy định:
“Các nước ký kết công ước sẽ không tước quốc tịch một người nào nếu như việc tước quốc tịch đó khiến người đó trở thành người vô tổ quốc (stateless person).”
Định nghĩa “người vô tổ quốc” được các tòa án Anh chấp nhận là định nghĩa từ Điều 1 của Công ước về tình trạng người vô tổ quốc năm 1954:
“…Cụm từ “người vô tổ quốc” có nghĩa là người không được công nhận là công dân bởi bất kỳ quốc gia nào, theo hiệu lực/hoạt động của luật pháp quốc gia đó.”
(“…the term “stateless person” means a person who is not considered as a national by any State under the operation of its law.”)
Đạo luật Quốc tịch Anh năm 1981 tích hợp nghĩa vụ ràng buộc từ Công ước 1961: để tước quốc tịch một người, chính quyền Anh phải chứng minh được rằng việc tước quốc tịch đó sẽ không dẫn đến tình trạng người bị tước quốc tịch trở thành người vô tổ quốc – không là công dân được bảo hộ bởi một nước nào cả.
Minh Quang Pham đã tận dụng tối đa nội dung luật đó cùng quyền kháng cáo tại các tòa án Anh để bảo vệ quyền mang quốc tịch Anh của mình.
Luận điểm của Minh: vì đã rời Việt Nam từ khi còn nhỏ và nhập tịch Anh quốc từ năm 12 tuổi, Minh không còn là người có quốc tịch Việt Nam nữa. Việc tước quốc tịch Anh sẽ hoàn toàn biến Minh thành một người stateless – vô tổ quốc.
Số lượng không nhiều các quốc gia ký kết Công ước về hạn chế tình trạng vô tổ quốc năm 1961 (các quốc gia màu xanh) – Ảnh: wikimedia.org
Mấu chốt của vụ việc như vậy không chỉ nằm ở luật Anh mà còn nằm ở luật Việt Nam: Luật Việt Nam quy định thế nào về việc đánh mất hay từ bỏ quốc tịch Việt?
Trong phiên xử đầu tiên vụ việc của Minh tại cấp tòa thấp nhất – Tòa Di trú – năm 2012, có đến hai chuyên gia luật quốc tịch Việt Nam được tòa mời ra làm chuyên gia cung cấp bằng chứng.
Bên Minh mời một nhà ngoại giao kỳ cựu, ông Nguyễn Quý Bình – từng là Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva giai đoạn 1997 – 2003. Khi đó, ông Bình đang là đại sứ Việt Nam tại Anh.
Bên Bộ Nội vụ Anh thì mời Tiến Sĩ Nguyễn Thị Láng, một luật sư khi đó đang làm việc cho văn phòng luật Freshfields Bruckhaus Deringer tại Việt Nam.
Minh thắng kiện tại tòa án luật di trú, nhưng Bộ Nội vụ Anh cũng có quyền kháng cáo và họ cũng tận dụng triệt để quyền đó.
Tòa Phúc thẩm Anh bác quyết định của tòa án luật di trú.
Cuối năm 2014, Minh kháng cáo lên cấp tòa cao hơn và cũng là cấp tòa cuối cùng: Tối cao Pháp viện Anh.
Các thẩm phán Tối cao Pháp viện Anh năm 2009 – Ảnh: Fiona Hanson PA Archive/PA Images
Khi các thẩm phán Anh cãi luật Việt
Xuất phát điểm của tất cả các cấp tòa án Anh trong vụ việc Minh Quang Pham đều là nội dung luật quốc tịch Việt Nam theo trình bày của hai chuyên gia người Việt trình bày ở cấp tòa án luật di trú.
Đầu tiên là Sắc lệnh 53 năm 1945 quy định quốc tịch Việt Nam. Sắc lệnh này là luật có hiệu lực tại thời điểm Minh Quang Pham ra đời tại Việt Nam năm 1983. Theo đó, Minh tự động có quốc tịch Việt Nam ngay thời điểm chào đời.
Sắc lệnh 53 cũng quy định là công dân Việt Nam sẽ mất quốc tịch Việt khi có quốc tịch nước ngoài, tức là cấm tình trạng song tịch.
Năm 1988, Luật Quốc tịch mới được đưa ra thay thế Sắc lệnh 53. Luật này quy định chính quyền Việt Nam chỉ nhìn nhận công dân có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Tuy nhiên, năm 1990 lại có Nghị định 37 có điều khoản dành riêng cho “công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch khác”.
Tòa ghi nhận là Luật Quốc tịch năm 1988 đưa ra một số trường hợp cụ thể khi công dân Việt Nam đánh mất quốc tịch Việt bao gồm (i) được phép từ bỏ quốc tịch, (ii) bị tước quốc tịch, (iii) mất quốc tịch theo điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết và (iv) mất quốc tịch trong các trường hợp khác theo quy định của cùng bộ luật.
Đến năm 1999, lại có Luật Quốc tịch mới thay thế luật năm 1988. Năm 2009 thì Luật Quốc tịch hiện hành thay thế luật năm 1998.
Tối cao Pháp viện ghi nhận là cả ba bộ luật quốc tịch 1988, 1998, và 2008 đều giao quyền định đoạt quốc tịch mỗi trường hợp công dân Việt Nam đơn lẻ cho chính phủ Việt Nam, không có sự can dự của hệ thống tòa án tư pháp. Phiên bản luật hiện hành giao quyền định đoạt đó cụ thể cho Chủ tịch nước.
Các tòa án cấp dưới đều có chung quan điểm về điểm mấu chốt nhìn từ tổng thể nội dung luật: Luật quốc tịch Việt Nam từ 1988 đến nay không quy định cơ chế “tự động mất quốc tịch khi nhập tịch nước khác”.
Quốc tịch Việt Nam không chỉ bao gồm việc có hay không có cuốn hộ chiếu màu xanh này – Ảnh: Saigoneer.com
Chuyện được mất quốc tịch của công dân Việt Nam hoàn toàn là tùy vào chính phủ Việt Nam định đoạt.
Phần trình bày của Đại sứ Nguyễn Quý Bình đặc biệt có ảnh hưởng.
Theo ông Bình, chuyện luật quốc tịch giai đoạn 1988-1990 không rõ ràng về chuyện công nhận song tịch hay không là chủ ý của các nhà làm luật: tạo điều kiện tối đa cho nhà nước Việt Nam làm việc.
Chính quyền Việt Nam phải có phạm vi quyết định chuyện quốc tịch rộng nhất và tùy ý nhất. Họ vừa có thể kêu gọi các cá nhân gốc Việt về quê làm ăn đầu tư, đồng thời vẫn có thể từ chối nhận người gốc Việt quay lại quê hương bất kỳ khi nào.
Trong trường hợp Minh Quang Pham, ngay từ năm 2012, Tòa Di trú Anh đã ghi nhận một thực tế là mặc dù đã được chính quyền Anh liên lạc và cung cấp thông tin về Minh, “chính quyền Việt Nam vẫn chưa hề chấp nhận một cách rõ ràng [Minh Quang Pham] là công dân Việt Nam”.
Theo Tòa Di trú Anh, sự không rõ ràng trong việc nhận người đó của chính quyền Việt Nam là cố ý: Chính quyền Việt Nam chỉ đang “vận hành luật quốc tịch” theo cách lập lờ, không rõ ràng của riêng họ, theo cách mà luật đã được thiết kế – như ông Nguyễn Quý Bình đã giải thích.
Vì chính quyền Việt Nam đã tỏ ra là không nhận Minh, cho nên bây giờ chắc chắn Minh mất quốc tịch Anh thì sẽ mất tất, trở thành người vô tổ quốc. Cách hiểu đó là lý do tại sao Tòa Di trú tuyên phán một quyết định có lợi cho Minh.
Tòa Phúc thẩm thì không nghĩ thế: Chính quyền Việt Nam im lặng không nhận người, nhưng họ cũng không hề tiến hành các thủ tục theo nội dung luật định để tước quốc tịch của Minh, ít ra là tại thời điểm chính phủ Anh đưa ra quyết định tước quốc tịch Minh năm 2012.
Chừng nào chính quyền Việt Nam còn chưa tước quốc tịch Minh theo đúng luật Việt Nam thì Minh còn quốc tịch Việt.
Thẩm phán Jackson của tòa Phúc thẩm phân tích:
“…Vị thế theo luật quốc tịch Việt Nam đã rõ ràng rồi. Ông Phạm vẫn còn quốc tịch Việt Nam bất kể các sự kiện của các thập niên 80 và 90. Luật quốc tịch năm 2008 không làm thay đổi tình trạng pháp lý của ông Phạm.
Theo quan điểm của tôi, việc chính quyền Việt Nam trong thực tế có thể chà đạp lên chính luật pháp của họ không cấu thành ‘hiệu lực/hoạt động của luật pháp quốc gia đó’ thể theo nội dung 1 Điều 1 của Công ước [về tình trạng người vô tổ quốc] năm 1954.
Tôi chấp nhận là nhánh hành pháp [Việt Nam] điều khiển cả tòa án và tòa án sẽ không bác bỏ các hành vi trái pháp luật của nhánh hành pháp. Nhưng như thế không có nghĩa là các hành vi đó hợp pháp…
… Nếu đã biết các dữ kiện có liên quan và dựa trên các dữ kiện đó cùng các bằng chứng chuyên gia mà ta có thể thấy rõ ràng rằng, theo luật pháp của một nước khác một cá nhân nào đó là công dân của nước đó, thì cá nhân đó không hề vô tổ quốc de jure.
Nếu chính phủ của nước đó chọn việc hành động trái luật pháp của chính nó, việc đó có thể làm cá nhân kia trở nên vô tổ quốc de facto.
Nhưng các tòa án của nước chúng ta thì phải tôn trọng pháp quyền (rule of law) và không thể xác định cá nhân đó là vô tổ quốc de jure.
Nếu như cách giải quyết này bị xem là không thỏa đáng, thì giải pháp là mở rộng định nghĩa về người vô tổ quốc trong công ước 1954 và trong Đạo luật [Quốc tịch Anh] năm 1981, như một số người đã kêu gọi, chứ không phải là phá vỡ pháp quyền.
Pháp quyền là một khái niệm toàn cầu (universal concept). Chức năng tư pháp về bản chất là phải giữ gìn pháp quyền…”
Thẩm phán Jackson đề cập đến hai khái niệm de jure và de facto. Hai cụm từ La-tinh này dùng để chỉ hai trạng thái khác nhau:
Chính quyền Việt Nam đã có lựa chọn “làm thinh” không chấp nhận Minh Quang Pham, mà cũng không tiến hành tước quốc tịch Minh Quang Pham theo đúng thủ tục luật Việt Nam. Việc này khiến Minh rơi vào tình trạng vô tổ quốc trên thực tế (de facto): cả Anh và Việt Nam đều có động thái từ chối công nhận Minh là công dân.
Nhưng de jure, “thể theo luật” mà nói thì bên nào làm đúng thủ tục pháp lý của chính bên đó, thì mới là đang tước bỏ quốc tịch của Minh một cách đúng luật đàng hoàng, có hiệu lực pháp lý, và tôn trọng pháp quyền.
Định nghĩa về “người vô tổ quốc” trong Công ước 1954 chỉ bao gồm “người vô tổ quốc” thể theo luật, chứ không bao gồm người có tổ quốc “thể theo luật” nhưng lại vô tổ quốc “trên thực tế”.
Không phải là một người hâm mộ luật pháp Việt Nam: cựu thẩm phán tòa Phúc thẩm Anh Rupert Jackson – Ảnh: litigationfutures.com
Tối cao Pháp viện Anh đồng ý với cách phân tích theo hướng của thẩm phán Jackson của Tòa Phúc thẩm.
Khi Anh tiến hành tước quốc tịch Minh vào tháng 12 năm 2012, vị thế pháp lý là Minh vẫn còn chứ chưa mất quốc tịch Việt Nam. Việc chính quyền Việt Nam từ thời điểm đó im lặng không nhận người, cũng không tiến hành tước quốc tịch Minh không làm ảnh hưởng gì đến thực tế pháp lý đó.
Như vậy, việc tước quốc tịch Minh Quang Pham không làm người này trở thành người vô tổ quốc. Chính phủ Anh đã thực hiện đầy đủ thủ tục tước quốc tịch theo nội dung Đạo luật Quốc tịch 1981 của họ.
Có lẽ đó là một trớ trêu số phận, hay cũng có thể là một ví dụ khẳng định “dân tộc tính”: Minh Quang Pham “nói một đằng, làm một nẻo” với Al-Qaeda để trốn thoát, rồi lại lâm vào cảnh bị luật pháp Việt Nam “nói một đằng, làm một nẻo” trong một chi tiết pháp lý quan trọng vốn đã có thể giúp Minh giữ được quốc tịch Anh của mình.
Thân phận hiện tại của Minh Quang Pham
Minh cũng kháng cáo lệnh dẫn độ của Mỹ tại tòa án Anh nhưng không thành công.
Khi Tối cao Pháp viện Anh đưa ra quyết định bác kháng cáo của Minh vào tháng 3 năm 2015, thực tế là Minh lúc đó đã đang bị giam ở Mỹ, sau khi bị dẫn độ.
Ngày 5 tháng 1 năm 2016, Minh đồng ý ký một thỏa thuận thương lượng nhận tội (plea bargain) với công tố viên nhà nước Mỹ.
Minh nhận tội trước tòa với ba tội danh liên quan đến khủng bố và chấp nhận mức án tù 40 năm tại Mỹ.
Minh hiện đang bị giam giữ ở bang New York (Mỹ).
Một phần thỏa thuận nhận tội chính là khi mãn án tù Minh sẽ bị chính phủ Mỹ trục xuất về Anh quốc, nơi gia đình Minh bao gồm vợ và hai đứa con vẫn cư ngụ.
Lúc đó, chính phủ Anh hoàn toàn có thể đưa ra một lệnh trục xuất mới hơn dành cho Minh, nay đã không còn là công dân Anh quốc. Điểm đến của lệnh trục xuất đó chắc chính là quốc gia Minh đã rời bỏ từ khi còn là một đứa trẻ.
Một tương lai mập mờ vẫn đang chờ đợi người tù khủng bố không tổ quốc.
So sánh với vụ Giáo sư Phạm Minh Hoàng
Tìm hiểu vụ việc Minh Quang Pham và cách các nhà chức trách Anh tìm cách tước quốc tịch một công dân bị xem là “bất hảo” của họ, người viết không thể không liên tục nghĩ tới trường hợp giáo sư Phạm Minh Hoàng.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng từng du học Pháp và đã nhập quốc tịch Pháp. Khi về nước ông làm giảng viên môn Toán ứng dụng tại trường Đại học Bách khoa ở Sài Gòn.
Do viết bài kêu gọi cải cách dân chủ và phản đối Trung Quốc khai thác mỏ Bauxite ở Tây Nguyên, ông Hoàng bị chính quyền Việt Nam bắt và xét xử tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật Hình sự.
Ông Hoàng kháng án và được giảm án tù từ ba năm xuống 17 tháng.
Ông Phạm Minh Hoàng khi ra tòa năm 2010 – Ảnh: RFA.org
Được trả tự do năm 2012, ông Hoàng vẫn lưu trú tại Việt Nam.
Ngày 1 tháng 6 năm ngoái, thông qua Tổng lãnh sự quán Pháp tại Việt Nam, ông Hoàng bất ngờ nhận được thông báo rằng Chủ tịch nước ông Trần Đại Quang đã ký văn bản tước quốc tịch đối với ông.
Ông Hoàng sau cùng bị nhà chức trách Việt Nam trục xuất về Pháp ngày 24 tháng 6 năm ngoái.
Những ai ủng hộ việc làm của chính phủ Việt Nam trong trường hợp này đều có thể chỉ ngay ra rằng việc chính phủ Việt Nam làm không khác việc chính phủ Anh đã làm với tội phạm khủng bố Minh Quang Pham là mấy.
Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành có nội dung cũng gần giống với Đạo luật Quốc tịch Anh 1981:
“Điều 31. Căn cứ tước quốc tịch Việt Nam
Việc ông Hoàng từng ngồi tù tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (bất kể việc kết án này thỏa đáng hay không) đã là đủ để ghép ông Hoàng vào hành vi “gây phương hại nghiệm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”.
Tuy nhiên, với tham khảo kỹ càng từ vụ Minh Quang Pham, có thể chỉ ra vài khác biệt đáng lưu tâm.
Luật pháp Anh đảm bảo rằng quyết định tước quốc tịch Anh được gửi cho Minh Quang Pham có đi kèm tường trình giải thích đầy đủ lý do cũng như giải thích quyền kháng cáo của Minh.
Tờ quyết định tước quốc tịch của ông Phạm Minh Hoàng dài vỏn vẹn một trang:
Ảnh: dautruongdanchu.com
Không như ông Phạm Minh Hoàng, Minh Quang Pham ít ra đã được hưởng quyền kháng cáo quyết định tước quốc tịch, và đã được tận dụng tất cả các cấp tòa án tại Anh để bảo vệ quyền có quốc tịch Anh của mình.
Cho dù cuối cùng vẫn thất bại, quyết định tước quốc tịch Minh Quang Pham đã trải qua những thử thách pháp lý gắt gao, chứ không hề chỉ là một quyết định từ vài người thuộc cơ quan hành pháp.
Cũng có thể nói rằng Minh Quang Pham đơn thuần đã “gặp xui” khi luật quốc tịch nơi nguyên quán quá mập mờ. Trong một vụ việc có tình tiết gần giống nhưng với luật quốc tịch nguyên quán tương đối rõ ràng hơn, một tội phạm khủng bố người Anh khác đã bảo vệ được quyền có quốc tịch Anh của mình.
Sau cùng, quyền tước quốc tịch trong luật pháp Anh không chỉ chịu kiểm soát từ nhánh tư pháp độc lập. Quốc hội Anh vẫn đã và đang giám sát chặt chẽ phạm vi quyền hành pháp có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng này.
Trong lần sửa đổi gần đây nhất vào năm 2014, Đạo luật Quốc tịch Anh 1981 đã được bổ sung điều 40B quy định Bộ Nội vụ Anh phải tổ chức việc thẩm tra định kỳ đối với hoạt động tước quốc tịch công dân. Việc thẩm tra phải được tiến hành độc lập và được báo cáo với Quốc hội Anh.
Một thứ quyền thẩm tra với quyết định tước quốc tịch như thế, có lẽ sẽ mãi là một giấc mơ xa vời tại một số quốc gia khác vốn vẫn kiên định bảo vệ những sự mập mờ pháp lý đầy hữu dụng.
Tài liệu tham khảo: