Bản tin Tôn giáo tháng 1/2020: Điểm nóng Điện Biên

Một cảnh vận động người dân không theo những tôn giáo mới của Công an huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Dienbientv.vn.
Một cảnh vận động người dân không theo những tôn giáo mới của Công an huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Dienbientv.vn.

Tất cả các tôn giáo mới hiện nay đối với chính quyền đều là tà đạo. Mục [Điểm nóng] sẽ cho bạn thấy cuộc chiến giữa chính quyền tỉnh Điện Biên và các tôn giáo mới như thế nào. Khám phá những điều kỳ lạ của các tôn giáo mới ngày xưa ở mục [Có thể bạn chưa biết]. 15 năm thiền sư Thích Nhất Hạnh được phép về Việt Nam trong mục [Ngày này năm xưa].

Báo cáo Tự do Tôn giáo Việt Nam sẽ được đăng vào đầu tuần thứ hai hàng tháng. Mọi thông tin đóng góp cho báo cáo xin gửi về tongiao@luatkhoa.org.


Điểm nóng

Tỉnh Điện Biên

  • Khu vực: Tây Bắc Việt Nam
  • Diện tích: 9.541,2 km2
  • Số dân tộc thiểu số: 21 nhóm
  • Số dân: khoảng 576.700 người (2017)
  • Các tôn giáo lớn: Tin Lành, Công giáo, và Phật giáo
  • Các tôn giáo mới: Tín ngưỡng Tâm linh Hồ Chí Minh, Pháp môn Diệu Âm, Đoàn Tràng, Gia phong dân tộc Lạc Việt, Pháp Luân Công, Giê Sùa, Bà Cô Dợ, và Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ
  • Số người bị bắt năm 2019 liên quan đến các tôn giáo mới: nhiều hơn 22 người
  • Vấn đề: trấn áp các tôn giáo mới
  • Cách thức trấn áp: ngăn cản truyền đạo, bắt giam người truyền đạo, ép người dân ký cam kết bỏ đạo.

Sự xuất hiện hiện của các tôn giáo mới

Điện Biên là một tỉnh ở Tây Bắc của Việt Nam với địa hình chủ yếu là núi đồi,  phần lớn diện tích giáp với Lào và một phần nhỏ biên giới giáp với Trung Quốc. Theo chính quyền tỉnh Điện Biên, tỉnh này đã xuất hiện nhiều tôn giáo mới trong những năm qua mà họ gọi là “tà đạo”. Những đạo này chủ yếu thực hiện các hoạt động tập trung đông người để truyền đạo mà chính quyền cho là trái phép và lợi dụng người dân.

Theo chính quyền tỉnh Điện Biên, cuối năm 2017, tỉnh này phát hiện ra đạo Giê Sùa đang hoạt động truyền đạo chủ yếu cho người dân tộc Mông. Năm 2019, tỉnh Điện Biên có đã có 1.208 người theo đạo Giê Sùa. Mặc dù không mô tả rõ về đạo này nhưng chính quyền và công an Điện Biên đã dùng báo chí tuyên truyền đây là một đạo lạ, tà đạo, gây tổn hại đến an ninh trật tự và cần phải ngăn chặn.

Theo báo Điện Biên Phủ, một cơ quan tuyên truyền của chính quyền tỉnh này, Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ xuất hiện ở tỉnh này vào năm 2018, được truyền vào xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông và chính quyền đã kịp thời trấn áp.

Pháp môn Diệu Âm được chính quyền tỉnh Điện Biên phát hiện đầu tiên vào năm 2009 với khoảng 10 người là tín đồ của đạo này ở thành phố Điện Biên Phủ. Pháp môn Diệu Âm do một người gốc Việt tên là Trần Tâm còn gọi là Minh Sư Ruma (Master Ruma) sáng lập vào năm 2004, có nhiều văn phòng trên thế giới. Một số người Việt được Trần Tâm truyền đạo này từ những nơi như Lào và Campuchia, rồi sau đó truyền vào Việt Nam. Pháp môn Diệu Âm chủ yếu sử dụng một số cách thức tu hành của Phật giáo và Công giáo.

Một tỉnh phía Bắc khác có tín đồ của Pháp môn Diệu Âm là tỉnh Vĩnh Phúc, một tỉnh giáp với Hà Nội về phía Đông Bắc. Theo chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, Trần Tâm đã nhiều lần vào Việt Nam và đã bị trục xuất. Tỉnh Vĩnh Phúc đã thống nhất không chấp nhận việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho tín đồ của Pháp môn Diệu Âm.

Một cảnh vận động người dân không theo những tôn giáo mới của Công an huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Dienbientv.vn.

Những cách thức chính quyền xóa bỏ những tôn giáo mới

Các bài báo dẫn ý kiến của chính quyền tỉnh Điện Biên liên quan đến những tôn giáo mới điều xoay quanh mục tiêu xóa bỏ những tôn giáo này.

Theo chính quyền tỉnh Điện Biên, để xóa bỏ những tôn giáo mới này, họ đã áp dụng những cách thức như  ngăn chặn những buổi truyền đạo, bắt giữ những người truyền đạo, ép các tín đồ ký cam kết từ bỏ đạo, giới thiệu họ hoặc đưa họ trở lại với những tôn giáo được nhà nước cho phép hoạt động.

“Ðối với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu các tà đạo phải xử lý kiên quyết, […]. Ví dụ điển hình là vừa qua, lực lượng công an tập trung truy bắt, xử lý số đối tượng cầm đầu hoạt động lập “Nhà nước Mông” trong đó có 1 đối tượng liên quan tuyên truyền, lôi kéo người dân theo tà đạo Giê Sùa […]. Ðến ngày 9/4/2019, 14 người đại diện cho 14 hộ, 74 đối tượng theo Giê Sùa ở bản Na Cô Sa 3, xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) đã […] cam kết từ bỏ tà đạo Giê Sùa”, Báo Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

10 tháng đầu năm 2019, chính quyền huyện Mường Nhé đã bắt 22 người liên quan đến các hoạt động tôn giáo được cho là những tà đạo. Đến tháng 5 năm 2019, chính quyền tỉnh Điện Biên cho rằng mình đã vận động 1.006 người từ bỏ tà đạo Giê Sùa và sẽ tiếp tục vận động để xóa bỏ hoàn toàn đạo này khỏi tỉnh.

“Chúng tôi đến từng nhà phân tích cho bà con hiểu, đồng thời yêu cầu bà con ký cam kết từ bỏ tà đạo Giê Sùa, không nghe, không tin luận điệu tuyên truyền thành lập “Vương quốc Mông”. […] Đến nay, Đồn Biên phòng Na Cô Sa đã tuyên truyền được 55 hộ/325 khẩu ký cam kết từ bỏ tà đạo”, Trung tá Vũ Văn Hạnh, Đồn Biên Phòng Na Cô Sa, trả lời báo Điện Biên Phủ vào tháng 2 năm 2020.

Bàn tay của chính quyền

Không có chỗ cho các tôn giáo mới ở Việt Nam

Các tôn giáo mới xuất hiện ở Việt Nam dường như đã bị giết chết từ trong trứng nước bằng các nhãn “tà đạo”, “đạo lạ”.

Hoạt động tuyên truyền mê tín dị đoan gây ảnh hưởng tới đời sống xã hội. Đây là ảnh hưởng rõ và rộng nhất đến đời sống của bộ phận nhân dân nơi có hiện tượng tôn giáo mới (tà đạo, đạo lạ) xuất hiện như: Thanh Hải Vô Thượng sư, Long hoa Di lặc, Bửu tòa Tam giáo, Tin Lành Lời sự sống…” Lê Minh Quang – Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ Lâm Đồng.

Trong một bài viết đăng vào tháng 3 năm 2015, Ban Tôn giáo Chính phủ thông báo rằng có khoảng 60 các hiện tượng tôn giáo mới, “trong đó có một số hiện tượng tín ngưỡng mang tính chất tà đạo ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, đạo đức, lối sống, phong tục, tập quán, văn hóa, sức khỏe của nhân dân”.

Dù không có danh sách cụ thể những tà đạo này, nhưng Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung Ương đã chia các “tà đạo” ra làm ba nhóm. Nhóm thứ nhất là các nhóm phát sinh nội địa dựa trên nền tảng của đạo Tin Lành (Tin lành Đề Ga, Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam, Ban Cầu nguyện Phong trào Phục hưng Tin Lành, Giáo hội Liên Hữu Lutheran Việt Nam và Hoa Kỳ…) và đạo Phật (Đạo Tràng Hương Quảng, Pháp môn Di Lặc, Bửu Tòa Tam giáo, Đạo Trời Thái Bình, Tổ Tiên Chính Chính Giáo Đại Đạo…). Nhóm còn lại là các nhóm được truyền từ nước ngoài vào như Thanh Hải Vô Thượng sư, Pháp Luân Công, Canh tân Đặc sủng, Nhất Quán Đạo, Vô Vi,…

Những tôn giáo này đương nhiên không thể đăng ký hoạt động với chính quyền. Hoạt động truyền đạo của họ được coi là trái pháp luật vì không được chính quyền cấp phép. Các tôn giáo này được chính quyền chủ quan mặc định là các “tà đạo” chứ không qua sự xem xét của tòa án.

Đối với các hệ phái đạo Tin Lành chưa được công nhận, chính phủ đã có Chỉ thị số 01/2005/CT/TTg cho phép người dân đăng ký sinh hoạt theo nhóm với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, chỉ thị này không áp dụng với các tôn giáo mới có nền tảng là đạo Tin Lành.

Năm 2015, Trần Xuân Vinh, một tín đồ của Hội thánh Tin Lành Lời sự sống Việt Nam (được xem là một tà đạo với tên cũ là Canh tân Đặc sủng) bị chính quyền tỉnh Lâm Đồng “kiên quyết không cho đăng ký” sinh hoạt tôn giáo theo điểm nhóm. Theo chính quyền tỉnh Lâm Đồng, hiện nay tỉnh này có 37 gia đình vẫn đang tụ tập sinh hoạt theo tôn giáo này.

Chính quyền dán nhãn “tà đạo” cho những tôn giáo này dựa trên những đặc tính mà có thể tìm thấy ở các tôn giáo đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam như người sáng lập tự xưng là giáo chủ, quyên góp tiền để xây dựng đền đài, phát triển tổ chức; truyền đạo bằng cách nói về những vướng mắc tâm lý, những bức xúc của người dân; thu hút những người trong gia đình; không thực hiện những phong tục truyền thống. Ngoài ra, các nhóm tôn giáo mới này bị trừng phạt còn liên quan đến việc họ bất đồng chính quyền đối với chính quyền.

Phúc trình Toàn cầu 2020 của Human Rights Watch: Chính phủ Việt Nam chưa làm gì để cải thiện tự do tôn giáo

“Các nhóm tôn giáo không được công nhận, trong đó có các chi phái của đạo Cao Đài, Hòa Hảo, Công giáo, Tin lành, và Phật giáo phải đối mặt với nguy cơ bị theo dõi liên tục, bị sách nhiễu và đe dọa”, trích Phúc trình 2020 của Human Rights Watch.

Với “thành tích” lâu dài về đàn áp tôn giáo, Việt Nam là một trong những nước được các tổ chức quốc tế theo dõi sát sao. Trong hai mươi năm qua, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) liên tiếp chỉ trích chính phủ Việt Nam đã duy trì một chế độ đàn áp có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo của các dân tộc bản địa và các nhóm tôn giáo không được công nhận.

Trong phúc trình mới nhất này cũng vậy, HRW nói rằng chính phủ Việt Nam vẫn kiểm soát nhất cử nhất động của các nhóm tôn giáo và sẵn sàng trấn áp mạnh mẽ bất cứ lúc nào. Chính phủ vẫn dùng các quy định như rào cản để hạn chế quyền tự do tôn giáo, công an để sắc nhiễu các hoạt động tôn giáo, và tòa án để trừng phạt những nhà hoạt động tôn giáo bất đồng chính kiến bằng án tù.

Rah Lan Hip, 39 tuổi, người Jrai, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế vào tháng Tám năm 2019 vì các hoạt động tôn giáo của anh ở Tây Nguyên.

“Dù nhà cầm quyền cho phép nhiều nhà thờ, chùa chiền trong hệ thống kiểm soát của nhà nước được tổ chức thờ phượng, cúng lễ, nhưng vẫn cấm các hoạt động tôn giáo bị tùy tiện quy kết là đi ngược lại với “lợi ích quốc gia,” “trật tự công cộng” hay “khối đại đoàn kết dân tộc,” trong đó có nhiều hoạt động tôn giáo thông thường.”, HRW kết luận về tự do tôn giáo năm 2019 ở Việt Nam.

Kết quả quan sát của HRW cho thấy Việt Nam không cam kết đúng như những gì họ đã trả lời với quốc tế trong kỳ Kiểm định Nhân quyền Phổ quát vào tháng Sáu năm 2019. Theo đó, Việt Nam đã cam kết (chấp thuận khuyến nghị) với Italy và Angola về giảm các thủ tục hành chính về hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng chấp thuận một phần với Ba Lan về việc sẽ đảm bảo việc thực thi Luật tín ngưỡng và tôn giáo 2016 phù hợp với các tiêu chuẩn của quốc tế. Trong cam kết với Mỹ, Việt Nam chấp thuận cho phép các tín đồ Tin Lành và các nhóm khác ở Tây Bắc đăng ký với chính quyền nhưng lại từ chối việc đăng ký hoạt động tôn giáo với các tín đồ tin lành và các nhóm khác ở Tây Nguyên.

Xem thêm:
Khi Tây Nguyên không còn là nhà (người Thượng đã vượt biên khỏi Tây Nguyên như thế nào?).

Ngày này năm xưa

15 năm Thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhà nước cho phép về nước

“Suốt thời gian bốn mươi năm, chúng tôi đã cố gắng dàn xếp để trở về Việt Nam. Cuối cùng, tháng Giêng 2005, tôi được phép trở về quê hương”, trích từ sách Quyền lực đích thực, Thích Nhất Hạnh.

Vào tháng 1 năm 2005, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã cùng khoảng 200 người trở về Việt Nam. Nhà nước Việt Nam cho phép ông và tăng đoàn của mình về nước trong mười tuần.

Cuộc trở về lần đầu tiên sau 40 năm của ông đã gây được ấn tượng tốt đối với chính quyền, mặc dù công an kiểm soát tăng đoàn của ông rất nghiêm ngặt. Tăng đoàn của ông đã thuyết phục được chính quyền cho thuyết pháp công khai ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế và Hà Nội.

Trong chuyến trở về này, ông không được phép gặp các chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (tổ chức Phật giáo được tái lập vào năm 1991 và bị nhà nước liên tục đàn áp) ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Đó là lần trở về đầu tiên ông được chính quyền cho phép về nước kể từ khi đến Hoa Kỳ vận động chấm dứt chiến tranh Việt Nam vào năm 1966. Suốt thời gian ở nước ngoài, ông đã không ngừng vận động chấm dứt cuộc chiến tàn khốc ở Việt Nam. Cho đến năm 1975, ông vẫn cùng những người trong nước điều hành các chương trình xã hội, nổi bật trong đó là trường Thanh niên Phụng sự Xã hội và Uỷ ban Tái Thiết và Phát triển Việt Nam. Sau năm 1975, Thích Nhất Hạnh mở chương trình cứu vớt những thuyền nhân vượt biên ra khỏi Việt Nam cùng nhiều hoạt động nhân đạo khác.

Khi chiến tranh kết thúc, ông dừng lại ở Paris (Pháp) và thiết lập một trung tâm tu học. Từ đó, hàng nghìn người đến từ khắp các châu lục trở thành đệ tử của ông và tu tập theo Pháp môn Làng Mai. Thích Nhất Hạnh trở thành một trong những người Việt có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế giới.

Trước khi ông về nước năm 2005, các sách do ông viết đều chưa được phép xuất bản rộng rãi ở Việt Nam. Đến nay, một số sách của ông vẫn chưa được  xuất bản ở Việt Nam, ví dụ như cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa.

Thích Nhất Hạnh cùng tu sinh đi trên một con đường ở Huế trong lần đầu tiên trở về nước vào năm 2005. Ảnh: PVCEB.

Có thể bạn chưa biết

Sự kỳ lạ của những tôn giáo mới ở miền Nam ngày xưa

Miền Nam thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hoà đã chứng kiến nhiều tôn giáo mới ra đời, một số tôn giáo mới này vẫn còn phát triển mạnh mẽ cho đến ngày hôm nay.

Những đặc tính của các tôn giáo này ngay từ lúc mới ra đời cũng đã bộc lộ những yếu tố mà chính quyền Việt Nam hiện nay dùng để khẳng định các tôn giáo mới là tà đạo, như dựa trên nền tảng của các tôn giáo lớn như Phật giáo, Đạo giáo, người sáng lập tự xưng là giáo chủ hay thu hút tín đồ bằng những cách thức chữa bệnh kỳ lạ.

Hãy điểm qua một số điều kỳ lạ của những tôn giáo mới của ngày xưa để khoan dung hơn về những tôn giáo mới ngày hôm nay. Những tôn giáo dưới đây đều đã được chính quyền Việt Nam công nhận.

Phật giáo Hòa Hảo

Vào năm 1939, tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc mà hiện nay là tỉnh An Giang, một người thanh niên chưa đầy 20 tuổi đã tuyên bố anh là người  đã trải qua nhiều kiếp nạn và được Phật cử xuống để “cứu độ chúng sinh”. Từ đó, Phật giáo Hòa Hảo ra đời và người thanh niên đó trở thành giáo chủ của tôn giáo này.

Người thanh niên đó tên Huỳnh Phú Sổ, tương truyền rằng con người này sinh ra đã ốm yếu hay bệnh tật nhưng kể từ lúc trở về từ vùng Bảy Núi thì trở nên khác hẳn, ăn nói lưu loát, am hiểu đạo Phật.

Quan ngại trước việc đông đảo dân chúng tin vào Phật giáo Hòa Hảo, chính quyền thuộc địa Pháp lúc đó cho rằng Huỳnh Phú Sổ là kẻ tâm thần nên cho đi điều trị thần kinh ở Sài Gòn rồi về giam lỏng tại Bạc Liêu.

Xem thêm: Lịch sử thăng trầm và đầy bi kịch của Phật giáo Hòa Hảo

Cao Đài Đại Đạo

Nếu đạo Cao Đài khai sinh trong thời buổi này thì rất có thể sẽ bị chính quyền tìm mọi cách để xóa sổ vì tính chất thần bí của đạo này.

Đạo Cao Đài ra đời ở miền Nam trong thời kỳ người Pháp cai trị Việt Nam. Đây là tôn giáo có nguồn gốc từ hoạt động mà vẫn dễ bị cho là mê tín dị đoan cho đến ngày hôm nay là cầu cơ. Theo lịch sử của đạo này, các môn đồ Cao Đài đầu tiên đã thông qua việc giao tiếp với các linh hồn  (cầu cơ) để nhận được một yêu cầu sáng lập đạo này từ Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Sứ mệnh của đạo Cao Đài là hợp nhất Tam giáo (Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo). Ngoài hợp nhất Tam giáo, đạo Cao Đài còn hiệp nhất năm đạo lớn (Ngũ Chi) thành một, bao gồm Phật Đạo, Tiên Đạo, Thánh Đạo (Đạo Thiên Chúa), và Nhơn Đạo. Vì vậy, đạo Cao Đài tôn thờ 8 người đại diện cho Tam giáo và Ngũ Chi.

Xem thêm: Nguồn gốc đạo Cao Đài giữa đất Nam Kỳ

Bửu Sơn Kỳ Hương

Bửu Sơn Kỳ Hương là một tôn giáo xuất hiện vào giữa thế kỷ 19. Tôn giáo này do một người đàn ông chưa rõ lai lịch tên là Đoàn Minh Huyên, sinh năm 1807, sáng lập ở Tây Nam Bộ.

Theo Trần Văn Đông, truyền thuyết trong dân gian đã kể rằng Đoàn Minh Huyên đã thu hút được nhiều tín đồ nhờ tài chữa bệnh bằng nước lã, cho người bệnh uống nước tro và hoa tươi để cúng Phật.

Đoàn Minh Huyên cũng loan báo về một Hội Long Hoa, thời kỳ Phật Di Lặc xuất hiện để thu nhận những ai biết tu tập.

Bửu Sơn Kỳ Hương là một tôn giáo dựa trên nền tảng của đạo Phật nhằm  khuyến khích người người tu tập đạo phật mà không cần phải xuất gia, ăn chay, cúng kiếng đền đài tốn kém mà chỉ thờ một tấm vải màu đỏ.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.