Chuyên gia: Phong tỏa xã hội có cái giá nhân mạng của nó

Phố Nguyễn Huệ (TP. Hồ Chí Minh) vắng vẻ trong thời kỳ dịch bệnh. Ảnh: Báo Quốc tế.
Phố Nguyễn Huệ (TP. Hồ Chí Minh) vắng vẻ trong thời kỳ dịch bệnh. Ảnh: Báo Quốc tế.

Cập nhật lúc: 18:00 – Giờ Việt Nam

Cuối ngày, Bộ Y tế chưa công bố thêm ca mới

Ảnh: Chụp màn hình website ncov.moh.gov.vn (Bộ Y tế) lúc 17:48 ngày 4/4/2020, giờ Việt Nam.

Số liệu do Bộ Y tế cung cấp lúc 17:48 không thay đổi nhiều so với số liệu đầu ngày: không có thêm ca nhiễm mới hay ca tử vong, duy số ca bình phục tăng từ 85 lên 90.

Cập nhật lúc: 18:00 – Giờ Việt Nam

Anh có thể phải phong tỏa xã hội ít nhất đến hết tháng Năm

Giáo sư Neil Ferguson (Đại học Hoàng gia London), một cố vấn của chính phủ Anh, cho biết nước này khó có thể dỡ lệnh phong tỏa xã hội từ nay cho đến hết tháng Năm, theo Reuters.

Một cố vấn khác, ông Graham Medley, thì lo ngại rằng Anh đã tự đặt mình vào một thế rất hiểm hóc, không có lối ra rõ ràng.

Cập nhật lúc: 18:00 – Giờ Việt Nam

Kiểm chứng: TT Trump lại khen ngợi thuốc kí ninh

Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ngày 3/4/2020. Ảnh: ABC News.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu, 3/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump lại quảng cáo thuốc kí ninh hydroxychloroquine như một loại thuốc tiềm năng chữa COVID-19.

“Hydroxychloroquine, tôi chả biết” – ông nói. “Trông có vẻ như nó có vài kết quả tốt. Tôi hy vọng thế, nó sẽ là một hiện tượng đấy”.

Đài NPR cho biết, các thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc kí ninh hiện mới chỉ bắt đầu và các nhà khoa học chưa công bố bất kỳ kết quả nào, dù tốt hay xấu. Các nhà khoa học chưa có bằng chứng nào để nói rằng loại thuốc vốn dùng để trị sốt rét này có thể trị được COVID-19.

Hôm 24/3, ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, thành viên cốt cán của nhóm ứng phó với COVID-19 của TT Trump, trả lời báo giới về việc liệu loại thuốc này có được coi là một liệu pháp chữa coronavirus hay không:

“Câu trả lời là không”, ông nói.

Cập nhật lúc: 18:00 – Giờ Việt Nam

Đồng minh của Mỹ đồng loạt “kêu trời” vì chiến thuật gom hàng kiểu “miền Tây hoang dã”

Các nước đồng minh của Mỹ từ châu Âu cho đến Nam Mỹ đang “kêu trời” vì Mỹ vung tiền thu gom hoặc thu giữ các lô hàng vật tư y tế vốn đã chốt hợp đồng xong.

Chiến thuật của Mỹ là trả giá gấp nhiều lần giá thị trường để có được hàng. Một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết họ sẽ thu gom hàng cho đến khi nào có dư rất nhiều thì thôi.

Một chiến thuật khác là ra lệnh cho các công ty Mỹ không được xuất hàng đi các nước khác, kể cả hàng sản xuất ở Trung Quốc. Một lô hàng của công ty 3M đang trên đường từ Trung Quốc đến Đức thì bị Mỹ thu giữ lại Bangkok. Việc này khiến Bộ trưởng Nội vụ Đức phải gọi là “hành vi ăn cướp thời hiện đại”. Chiến thuật này đã khiến cho nhiều đơn hàng cho các nước khác bị hủy bỏ.

Cập nhật lúc: 18:00 – Giờ Việt Nam

Chuyên gia: Phong tỏa xã hội có cái giá nhân mạng của nó

Quảng trường Thời Đại (New York) vắng vẻ bất thường. Ảnh: AP.
Quảng trường Thời Đại (New York) vắng vẻ bất thường. Ảnh: AP.

Reuters cho biết, các nhà khoa học cảnh báo rằng việc phong tỏa xã hội có thể dẫn đến hậu quả chết người hàng loạt hoặc suy giảm tuổi thọ mà không cần phải nhiễm bệnh COVID-19.

Phân tích của Reuters chia hậu quả ra làm ba thời kỳ:

1. Hậu quả ngắn hạn: các nạn nhân bị bạo hành xã hội giờ đây phải sống thường xuyên, liên tục với những kẻ bạo hành; những học sinh khuyết tật vốn cần môi trường giáo dục đặc biệt giờ đây phải ở nhà, và họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả lâu dài của việc này.

2. Hậu quả trung hạn:

– Tỷ lệ tự tử tăng theo tỷ lệ thất nghiệp. Ở châu Âu và Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp cứ tăng 1% thì tỷ lệ tự tử cũng tăng 1%. Một nhà nghiên cứu của Đại học Oxford cho biết, số người tự tử trong 24 tháng tới có thể gấp đôi so với thời kỳ đầu của đợt suy thoái kinh tế 2008, nghĩa là 20 nghìn người ở châu Âu và Mỹ.

– Các cơ sở y tế công lập sẽ ngày càng thiếu kinh phí do kinh tế suy thoái, đồng nghĩa với việc cắt giảm việc làm và thiếu vật tư. Các chương trình chăm sóc sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

3. Hậu quả dài hạn:

– Hậu quả của thất nghiệp là sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của người dân giảm xuống, đồng nghĩa với việc tuổi thọ giảm theo. Nếu tỷ lệ thất nghiệp lên đến 20%, người Mỹ sẽ mất đi tổng cộng 48 triệu năm tuổi thọ.

– Người trẻ mới tham gia thị trường lao động trong điều kiện kinh tế suy thoái sẽ chịu di chứng nặng nề về lâu dài. Hậu quả suy giảm tuổi thọ là rất lớn.

Tuy vậy, các chuyên gia không vì thế mà phản đối các biện pháp phong tỏa xã hội rất khắt khe hiện nay.

Cập nhật lúc: 13:00 – Giờ Việt Nam

TT Trump tuyên bố sẽ sa thải quan chức tình báo có liên quan đến vụ luận tội ông

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo cho Quốc hội rằng ông sẽ sa thải Tổng Thanh tra Tình báo Michael Atkinson, người đã góp phần khiến ông bị luận tội hồi cuối năm ngoái, Reuters cho biết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Thanh tra Tình báo Mỹ Michael Atkinson. Ảnh: Political Dig.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Thanh tra Tình báo Mỹ Michael Atkinson. Ảnh: Political Dig.

Ông Michael Atkinson là người được chính ông Trump bổ nhiệm. Khi vụ bê bối liên quan đến cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine nổ ra năm ngoái, ông Atkinson đã kết luận rằng cáo buộc của “người thổi còi” đối với ông Trump là có cơ sở. Ông đồng thời cho rằng ông Trump đang tạo ra những rủi ro an ninh quốc gia nghiêm trọng khi gây áp lực cho TT Ukraine điều tra ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden và con trai ông Biden.

Kết quả là sau đó, ông Trump bị Hạ viện bỏ phiếu luận tội, nhưng Thượng viện không kết án ông.

Ông Trump cho biết sẽ sa thải ông Atkinson trong 30 ngày tới.

Cập nhật lúc: 13:00 – Giờ Việt Nam

Hai phụ nữ người Úc gốc Á bị tấn công vì kỳ thị chủng tộc liên quan đến coronavirus

Đoạn video trên đây của NowThis cho thấy cảnh hai phụ nữ người Úc (có lẽ là gốc Việt vì có họ “Do”) bị một phụ nữ da trắng tấn công, nhổ nước bọt và chửi bới trên đường phố Sydney.

Người phụ nữ da trắng 17 tuổi nói họ mang coronavirus tới Úc và “ăn dơi”. Người này còn dọa “tao có dao trong túi đây… con chó con Á châu”.

Vụ việc vỡ lở, người phụ nữ da trắng đã bị truy tố về ba tội danh: hành hung, đe dọa, và làm nhục người khác. Cô sẽ phải ra tòa dành cho thiếu niên vào tháng Năm tới đây.

Cập nhật lúc: 13:00 – Giờ Việt Nam

Chuyên gia: Chúng ta có thể phải “sống chung với lũ” hàng tháng, thậm chí hàng năm

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, dịch bệnh COVID-19 có thể còn kéo dài hàng tháng cho đến một năm, thậm chí lâu hơn. Chúng ta nên chuẩn bị “sống chung với lũ” trong một thời gian dài, Vox cho biết.

Phố Nguyễn Huệ vắng vẻ trong đại dịch. Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP. HCM.

“Tôi nghĩ cái ý tưởng cho rằng nếu bạn đóng cửa trường học và nhà hàng trong vài tuần rồi bạn sẽ giải quyết được vấn đề và trở lại cuộc sống bình thường – thì tôi phải nói là không có chuyện đó đâu” – chuyên gia về dịch bệnh Adam Kucharski của London School of Hygiene & Tropical Medicine cho biết.

“Virus này sẽ lan truyền khả năng lên đến một hoặc hai năm.”

“Không có lựa chọn nào tốt ở đây đâu.”

Các chuyên gia cho biết, chỉ có hai cách ngăn ngừa dịch bệnh là phải bào chế được vaccine (vốn phải tốn đến 18 tháng hoặc lâu hơn) và dựa vào miễn dịch cộng đồng (vốn không có gì đảm bảo hiệu quả).

Vì vậy, khi chúng ta còn biết rất ít về loại dịch bệnh này, chúng ta cần triển khai những giải pháp quyết liệt nhất có thể, đặc biệt là chính sách tránh tiếp xúc với người khác (social distancing), trong một thời gian đủ dài. Bất kể sau này chúng ta có nhìn lại và cho rằng những biện pháp này là thái quá hay không, chúng ta vẫn phải làm.

Cập nhật lúc: 13:00 – Giờ Việt Nam

Thăm dò mới: Đa số người Mỹ không tán thành cách TT Trump ứng phó với đại dịch COVID-19

Theo kết quả thăm dò mới nhất của ABC News/Ipos được công bố ngày 3/4 (giờ Mỹ), 52% người Mỹ không tán thành cách Tổng thống Donald Trump ứng phó với đại dịch COVID-19, chỉ có 47% tán thành.

Kết quả này cho thấy tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Trump đã giảm đáng kể so với 55% vào giữa tháng Ba.

Cũng theo kết quả thăm dò này, 89% người Mỹ hơi lo ngại hoặc rất lo ngại về dịch bệnh, tăng so với con số 79% của hai tuần trước. Có 91% người tham gia khảo sát cho biết sinh hoạt thường nhật đã bị thay đổi do dịch bệnh, trong số đó, có 56% không kỳ vọng sẽ trở lại nhịp sống bình thường cho đến hết tháng Bảy.

Cập nhật lúc: 8:00 – Giờ Việt Nam

Bộ Y tế: Việt Nam tăng 6 ca nhiễm COVID-19

Cho đến 6:00 sáng nay, Việt Nam đã có thêm 6 ca nhiễm COVID-19 so với hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 239. Bộ Y tế vẫn chưa công bố bất kỳ ca tử vong nào, trong khi thế giới đã có hơn một triệu ca nhiễm và gần 60.000 người chết.

Ảnh: Chụp màn hình website ncov.moh.gov.vn (Bộ Y tế) lúc 7:54 ngày 4/4/2020, giờ Việt Nam.

Cập nhật lúc: 8:00 – Giờ Việt Nam

Đại dịch: Cơ hội củng cố quyền lực của các nhà độc tài, và cả lãnh đạo dân chủ

Thủ tướng Hungary Viktor Urban trong một cuộc họp ở Quốc hội. Ảnh: Tamas Kovacs/EPA, via Shutterstock.

Tờ The New York Times mới đăng một phân tích đáng chú ý về việc các lãnh đạo chính trị ở nhiều nước, bao gồm cả các lãnh đạo có xu hướng độc tài, đang củng cố quyền lực nhờ đại dịch COVID-19.

Theo đó, Thủ tướng Hungary, Viktor Urban, người vốn đã gây lo ngại đặc biệt về xu hướng độc tài, đã được Quốc hội nước này trao thêm quyền đặt ra các quy định mới thông qua các nghị định và đình chỉ luật hiện hành mà không cần Quốc hội thông qua. Với quy định này, ông có toàn quyền quyết định khi nào thì bãi bỏ tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng hiện nay. Quốc hội Hungary hiện có 2/3 số ghế do đảng của ông kiểm soát.

Ở Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã ra lệnh cho công an theo dõi công dân thông qua thu thập dữ liệu điện thoại di động, một biện pháp vốn được dùng để chống khủng bố. Đồng thời, ông ra lệnh đóng cửa các tòa án, một việc giúp trì hoãn các thủ tục tố tụng trong một vụ án tham nhũng mà chính ông là nghi can.

Ở Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte cũng được Quốc hội trao quyền lực rộng lớn trong việc quyết định tình trạng khẩn cấp, khiến nhiều người dân nước này nhớ lại thời kỳ thiết quân luật của nhà độc tài Ferdinand Marcos (1972 – 1986).

Trong khi đó, ở Thái Lan, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cũng thắt chặt kiểm soát giới báo chí và liên tục kiện các nhà báo ra tòa vì chỉ trích cách chính phủ đối phó với dịch bệnh.

Ngay cả ở các nền dân chủ lâu đời như Anh và Mỹ, các chính phủ cũng đang tìm cách thuyết phục Quốc hội trao thêm quyền giam giữ công dân.

___
Học tiếng Anh:
gia tăng quyền lực: to seize/to grab more power

Cập nhật lúc: 8:00 – Giờ Việt Nam

Hải quân Mỹ điều tra cựu thuyền trưởng hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt

Thuyền truyển Brett Crozier của hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt. Ảnh: Getty Images.
Thuyền truyển Brett Crozier của hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt. Ảnh: Getty Images.

Cựu thuyền trưởng Brett Crozier của hàng không mẫu hạm Mỹ Theodore Roosevelt, người bị tước quyền chỉ huy ngày hôm qua, đang bị điều tra về việc để lộ bức thư cảnh báo về dịch bện COVID-19 trên tàu, Reuters cho biết. Bức thư yêu cầu Hải quân sơ tán hơn 4.000 thủy thủ trên tàu và cách ly để bảo vệ sức khỏe cũng như tính mạng của họ.

Ông hiện đang được điều chuyển sang một vị trí khác.

Tư lệnh Hải quân Mỹ Thomas Modly cho biết, các điều tra viên của Hải quân đang xem xét khả năng kỷ luật ông Crozier.

Trong khi đó, thủy thủ tàu Theodore Roosevelt ca ngợi ông như một anh hùng và tỏ ra thất vọng với cách ông bị cấp trên đối xử.

Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đồng ý với cách Hải quân xử lý vụ việc, trong khi một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã chính thức đề nghị Tổng thanh tra của Bộ Quốc phòng điều tra vụ sa thải này.

Ông Crozier là người chỉ huy tàu USS Theodore Roosevelt thăm Việt Nam từ ngày 5 – 9/3 vừa qua, trước khi phát hiện dịch bệnh bùng phát trên tàu vào cuối tháng 3. Hiện chưa rõ nguồn lây bệnh cho thủy thủ đoàn là từ đâu.

___
Học tiếng Anh:
điều tra: to investigate

Cập nhật lúc: 8:00 – Giờ Việt Nam

Lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện Mỹ: Quốc hội sẽ xem xét một dự luật mới đối phó với COVID-19

Hôm thứ Sáu (3/4), giờ Mỹ, lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mỹ, Mitch McConnel, cho biết Quốc hội Mỹ sẽ xem xét một dự luật mới nhằm đối phó với đại dịch coronavirus, Reuters cho biết. Một trong những ưu tiên của ông sẽ là vấn đề y tế.

Cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng đánh tín hiệu rằng bà sẽ xúc tiến cập nhật các đạo luật đã thông qua để tập trung nhiều hơn vào việc giải cứu nền kinh tế.

Nếu được thông qua, đây sẽ là đạo luật thứ tư mà Quốc hội Mỹ đưa ra kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

___
Học tiếng Anh:
Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện: Senate Majority Leader

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.