Quan chức Nhà Trắng nhiễm COVID-19, nhiều người khác phải cách ly

Ba quan chức Nhà Trắng đang tự cách ly. Ảnh: Fox News.
Ba quan chức Nhà Trắng đang tự cách ly. Ảnh: Fox News.

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật hai lần mỗi ngày, vào lúc 8:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.

Quan chức Nhà Trắng nhiễm COVID-19, nhiều người khác phải cách ly

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

Ba quan chức Nhà Trắng đang tự cách ly. Ảnh: Fox News.
Ba quan chức Nhà Trắng đang tự cách ly. Ảnh: Fox News.

Nhà Trắng đã phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong số nhân viên của mình vào thứ Sáu, với việc bà Katie Miller, thư ký báo chí của Phó Tổng thống Mike Pence, xét nghiệm dương tính với coronavirus. Bà Katie Miller là vợ của ông Stephen Miller, cố vấn về nhập cư của TT Donald Trump, Reuters đưa tin.

Sau đó, vào thứ Bảy, ít nhất ba quan chức y tế hàng đầu của Nhà Trắng đã phải tự cách ly vì tiếp xúc với một người (chưa rõ danh tính) nhiễm COVID-19.

Các quan chức này bao gồm Anthony Fauci (Giám đốc Viện Bệnh Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia – NIAID), Robert Redfield (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh – CDC), và Stephen Hahn (Cục trưởng Cục Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ – FDA).

Cả ba người này đều đang có lịch ra điều trần trước Thượng viện Mỹ vào thứ Ba tuần tới.

Sau khi tấn công đài VOA, TT Trump thúc giục Thượng viện phê chuẩn lãnh đạo mới của cơ quan quản lý VOA

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

Ông Michael Pack. Ảnh: VOA.
Ông Michael Pack. Ảnh: VOA.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump từ giữa năm 2018 đã yêu cầu Thượng viện phê chuẩn ông Michael Pack vào vị trí lãnh đạo của Cục Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ – cơ quan trực tiếp quản lý các đơn vị truyền thông như Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài Á Châu Tự do (RFA), v.v.

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện mới đây đã thông báo sẽ bắt đầu tiến trình xem xét phê chuẩn vị trí này dưới sức ép của TT Trump, New York Times đưa tin. Một phiên bỏ phiếu đã được lên kế hoạch vào tuần tới.

Ông Pack là một nhà làm phim tài liệu có xu hướng bảo thủ và rất được lòng các tổ chức và cá nhân bảo thủ, đa phần thuộc Đảng Cộng hòa. Ông Pack là đối tác gần gũi với Stephen K. Bannon, cựu chiến lược gia của TT Trump và là một người thường xuyên chỉ trích VOA.

VOA vốn là kênh thông tin truyền thông đối ngoại chính thức của Hoa Kỳ. VOA đặt trụ sở ở Washington DC và được điều hành bởi Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ (U.S. Agency for Global Media). Cơ quan này thuộc về nhà nước, nhưng vẫn là một cơ quan phi đảng phái và cam kết đưa ra cái nhìn đa chiều. Về bản chất, một kênh truyền thông độc lập được nhà nước tài trợ (publicly funded independent media) khác hoàn toàn với một kênh truyền thông được tài trợ và bị kiểm soát (state-controlled media).

Không lâu trước đây, Nhà Trắng đã chỉ trích cách VOA đưa tin là “tuyên truyền cho Trung Quốc”. Amanda Bennett, giám đốc của VOA, đáp trả lại rằng “Chúng tôi luôn cố gắng vạch trần các thông tin sai lệch từ Trung Quốc bằng cả tiếng Hoa lẫn tiếng Anh và đưa tin thực tế.” Bà nhắc tới một số bài báo như bài VOA với nội dung như: nghi ngờ con số ca tử vong ở Vũ Hán, nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc qua Twitter, và nghi ngờ tuyên bố của Trung Quốc về gửi hàng cứu trợ ra nước ngoài.

Bà Bennett lên làm giám đốc của VOA dưới nhiệm kỳ của TT Barack Obama, nhưng không có liên kết với đảng nào và cũng không có xu hướng chính trị cụ thể. Trong khoảng thời gian 20 năm, bà thậm chí từng làm việc cho tờ Wall Street Journal, một tờ báo có xu hướng thiên hữu.

Các nghị viên thuộc Đảng Dân chủ lo lắng rằng Michael Pack sẽ làm ảnh hưởng tới bản chất đưa tin trung lập của VOA.

Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến tối nay có gì mới?

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

  • Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 18:00 ngày 10/5/2020, trên thế giới đã có 4.041.520 người nhiễm coronavirus với 279.593 ca tử vong.
  • Tổng số người nhiễm bệnh tại Việt Nam theo Bộ Y tế hiện nay vẫn là 288 người, và không có trường hợp tử vong nào.

Mỹ sẽ giới hạn thị thực đối với phóng viên Trung Quốc

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Tổng thống Donald Trump trong một cuộc họp báo. Ảnh: AP.
Tổng thống Donald Trump trong một cuộc họp báo. Ảnh: AP.

Theo ABC News, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã ban hành các quy định mới về việc giới hạn thị thực cho các phóng viên Trung Quốc. Những quy định này sẽ được áp dụng kể từ thứ Hai tuần tới, 11/5/2020. Thị thực của các phóng viên Trung Quốc bây giờ chỉ có hạn sử dụng 90 ngày. Tuy nhiên, cũng có một số thị thực có thể được xin gia hạn thêm.

Trước đây, loại thị thực này không cần phải gia hạn trừ khi phóng viên chuyển sang công ty khác.

Quy định về thị thực mới này của Mỹ sẽ không áp dụng cho những phóng viên đến từ Hong Kong hay Ma Cau vì hai lãnh thổ được coi là khu bán tự trị.

Đây có thể được coi là đòn Mỹ đáp trả lại cách mà phía Trung Quốc đã đối xử với các phóng viên Hoa Kỳ trong những tháng vừa qua. Vào tháng 3/2020, Trung Quốc đã trục xuất tất cả các phóng viên của ba hãng truyền thông lớn của Mỹ sau khi Mỹ lên án Trung Quốc kiểm soát báo chí và truyền thông.

Theo chính phủ Trump thì Trung Quốc không chỉ đàn áp báo chí mà ngày càng thiếu minh bạch. Mỹ chỉ trích Trung Quốc đang giấu diếm thông tin về nguồn gốc thật sự của bệnh COVID-19 và cho rằng coronavirus xuất phát từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc ở Vũ Hán.

Trung Quốc và truyền thông của họ đã đáp trả và cho rằng phía Tổng thống Trump chỉ tìm cách lên án họ một cách vô cớ để che đậy việc chính phủ Mỹ chống dịch quá tệ và đã ảnh hưởng đến khả năng tái cử của ông Trump vào cuối năm nay.

Hoa Kỳ chặn một cuộc bỏ phiếu ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về đình chiến giữa đại dịch

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Một cuộc họp tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 10/3/2020. Ảnh: Reuters.
Một cuộc họp tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 10/3/2020. Ảnh: Reuters.

Hoa Kỳ vào thứ Sáu vừa rồi đã chặn bỏ phiếu một bản dự thảo tại Hội đồng Bảo an. Được biết, nội dung của dự thảo này là về đình chiến 90 ngày ở nhiều vùng xung đột trên thế giới để giúp các quốc gia đối phó với đại dịch, theo AFP.

“Hoa Kỳ không thể ủng hộ bản dự thảo hiện tại”, đại diện của phái đoàn ngoại giao Mỹ tuyên bố với 14 thành viên còn lại của Hội đồng, sau gần hai tháng đàm phán.

Theo Reuters, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tranh cãi và không thể nào đồng ý với nhau về việc có nên đề cập đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay không. Mỹ không muốn đề cập đến WHO, nhưng Trung Quốc thì lại khăng khăng là phải nhắc đến tổ chức này. Trong khi các thành viên khác thì cho rằng dù WHO có được đề cập hay không cũng không quan trọng vì đó không phải là một vấn đề đáng kể. Vào thứ Sáu vừa qua, một bản dự thảo nghị quyết này do Pháp và Tunisia soạn thảo đã dùng “những cơ quan y tế quốc tế đặc biệt” chứ không nhắc cụ thể tới “WHO”.

Một nhà ngoại giao cho biết hành động của Hoa Kỳ là “một tin xấu cho Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an cũng như tính chất đàm thoại đa phương” ở tổ chức này. Khi được hỏi về bước đi tiếp theo của Hoa Kỳ, một viên chức của Bộ Ngoại giao nước này nói với hãng thông tấn AFP rằng Trung Quốc “liên tục làm gián đoạn các cuộc thảo luận khiến cho Hội đồng không có tiến triển”.

Gavin Newsom – Thống đốc bang California – chính thức ủng hộ Joe Biden tranh cử tổng thống

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Thống đốc California Newsom và ứng cử viên Biden. Ảnh: NBC News.
Thống đốc California Newsom và ứng cử viên Biden. Ảnh: NBC News.

Vào thứ Sáu, trong một sự kiện gây quỹ với Uỷ ban Quốc gia Đảng Dân chủ, Thống đốc bang California Gavin Newsom đã công khai ủng hộ ứng viên tổng thống Joe Biden.

Newsom cho biết ông ủng hộ Biden vì “lòng trắc ẩn và sự đồng cảm sâu sắc” của ông  Biden trong thời gian qua. “Tôi không thể tự hào hơn về ông và cả về triển vọng cho chức vụ tổng thống lần này của ông”, Newsom nói với Biden.

Đây là sự kiện gây quỹ đầu tiên Biden bắt tay cùng với Uỷ ban Quốc gia Đảng Dân chủ.

Tuy việc Gavin Newsom ủng hộ Joe Biden được dự đoán từ trước, nhưng Newsom hiện đang phải lèo lái tiểu bang đông dân nhất Hoa Kỳ trong cơn dịch COVID-19. Ông Newsom cũng không muốn bị đánh giá là một người chỉ biết theo phe phái trong khi đất nước đang đối đầu với bệnh dịch.

Vậy nên, trước đây Newsom đã khen cách Tổng thống Trump hành xử trong đại dịch COVID-19. Ông cũng dùng khẩu hiệu “Hứa là phải làm” của Trump để cảm ơn tổng thống đã gửi bộ thử nghiệm đến California. Nhóm vận động tranh cử của Trump sử dụng đoạn video của Gavin Newsom cùng với những lời nhận xét tích cực về Trump từ các thành viên Đảng Dân chủ khác.

Trong sự kiện gây quỹ nói trên, Newsom không đề cập đến Tổng thống Trump. Đáp lại lời ủng hộ của Newsom, Joe Biden đã cho rằng vị thống đốc đã làm tốt việc đưa California vượt qua cơn khủng hoảng bệnh dịch, cũng như đã bảo vệ được quyền bầu cử cho toàn bang khi tất cả cử tri đều có thể bầu bằng thư trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Ngoài ra, ứng viên tổng thống còn cho biết Newsom có thể nghe được nhiều tin tốt từ Biden nếu ông đắc cử. “Nếu tôi được bầu, tôi sẽ thực sự cần ông, tôi không đùa đâu”, Biden nói.

Obama chỉ trích cách TT Trump ứng phó với đại dịch và kêu gọi ủng hộ Biden

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama nói chuyện tại một sự kiện của Obama Foundation ở Malaysia. Ảnh: Reuters.
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama nói chuyện tại một sự kiện của Obama Foundation ở Malaysia. Ảnh: Reuters.

Cựu tổng thống Barack Obama lâu nay đã gần như tránh xung đột với tổng thống đương nhiệm, ngay cả khi Donald Trump đổ lỗi cho ông về việc nước Mỹ không được chuẩn bị tốt để phòng chống COVID-19.

Nay mọi việc đã thay đổi.

Một nguồn tin của Reuters cho biết vào thứ Bảy vừa qua, cựu tổng thống Obama trong một điện đàm đã cho rằng cách Tổng thống Trump ứng phó với đại dịch thật hỗn loạn.

Xuyên suốt cuộc gọi với hơn 3.000 nhân viên cũ từng phục vụ trong chính quyền của ông, Obama đã kêu gọi sự ủng hộ cho ứng viên Tổng thống Joe Biden, đối thủ của Trump.

“Cuộc bầu cử này rất quan trọng vì chúng ta chiến đấu không chỉ vì một cá nhân riêng biệt nào hay một đảng phái chính trị nào. Những gì chúng ta chiến đấu để chống lại là những lề thói có khả năng kéo dài, đó bao gồm tính ích kỷ, sự chia rẽ và coi người khác như kẻ thù – những điều đó đã ảnh hưởng rất lớn cuộc sống của người Mỹ”, Obama nói.

Ông còn cho biết đó chính là một trong những nguyên nhân tại sao mà nước Mỹ đối phó với khủng hoảng lần này thật là yếu ớt. “Thảm họa này có thể diễn ra một cách thật tồi tệ, ngay cả với một chính phủ tốt nhất. Nhưng thảm họa đó đã xảy ra một cách rất hỗn loạn với suy nghĩ ‘tôi được lợi gì khi làm việc này’ hay ‘mặc kệ người khác đi’ lại được áp dụng trong chính phủ. Đó là lý do tại sao tôi sẽ dành nhiều thời gian cần thiết và vận động hết mình cho Joe Biden”, cựu tổng thống phát biểu.

Văn phòng Obama đã từ chối bình luận về nguồn tin này.

Trong khi đó, phát ngôn Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết cách Trump đối phó với coronavirus là “chưa từng có” và đã cứu sống được nhiều người Mỹ. “Khi mà Đảng Dân chủ đang lao theo những cuộc săn phù thuỷ giả mạo chống lại Tổng thống Trump, Trump đã cấm nhập cảnh từ Trung Quốc. Khi mà Đảng Dân chủ khuyến khích các cuộc tụ họp đông người, Tổng thống Trump đã huy động các thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế, máy thở và xét nghiệm trên khắp đất nước”, bà nói.

Các cuộc thăm dò gần đây đã cho thấy Biden đang dẫn đầu ở một số bang chiến lược nhưng cuộc cạnh tranh vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao với cả hai ứng viên.

Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến sáng nay có gì mới?

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

  • Con số người bệnh trên toàn thế giới đã hơn 4 triệu. Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 8:00 ngày 10/5/2020, trên thế giới đã có 4.023.218 người nhiễm coronavirus với 279.303 ca tử vong.
  • Tổng số người nhiễm bệnh tại Việt Nam theo Bộ Y tế hiện nay vẫn là 288 người, và không có trường hợp tử vong nào.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.