Quan chức EU: Khoảng một năm nữa mới có vaccine ngừa COVID-19

Ảnh: indiatimes.com.
Ảnh: indiatimes.com.

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật hai lần mỗi ngày, vào lúc 8:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.

Quan chức EU: Khoảng một năm nữa mới có vaccine ngừa COVID-19

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

Ảnh: indiatimes.com.
Ảnh: indiatimes.com.

Hôm nay, quan chức phụ trách cấp phép vaccine của Liên minh Châu Âu (EU), ông Marco Cavaleri, cho biết nếu lạc quan mà đánh giá thì vaccine ngừa COVID-19 có thể được cấp phép trong khoảng một năm nữa, theo Reuters.

Ông Calvaleri là trưởng bộ phận cấp phép vaccine của Cục Dược phẩm Châu Âu, cơ quan chịu trách nhiệm cấp phép thuốc cho EU.

“Với vaccine, việc bào chế phải bắt đầu từ con số không, chúng ta có thể nhìn vào mặt lạc quan mà nói là một năm nữa, nghĩa là đầu năm 2021”, ông nói với báo giới.

Ông nghi ngờ khả năng bất kỳ loại vaccine nào có thể sẵn sàng được đưa vào sử dụng vào tháng Chín năm nay.

Fauci: Dỡ phong tỏa sớm có thể rất nguy hiểm. Trump: Không chấp nhận.

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

Bác sĩ Anthony Fauci trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: Getty Images.
Bác sĩ Anthony Fauci trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: Getty Images.

Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Hoa Kỳ, cảnh báo trong phiên điều trần ở Thượng viện hôm thứ Ba (giờ Mỹ) rằng việc mở cửa nền kinh tế và trường học quá sớm sẽ rất nguy hiểm, theo Reuters.

Ông cho biết vội dỡ bỏ lệnh phong tỏa có thể dẫn tới những đợt bùng dịch mới. Đại dịch COVID-19 hiện nay đã khiến 82.000 người Mỹ thiệt mạng, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, và khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Tuy vậy, Tổng thống Donald Trump lại không đồng ý với vị chuyên gia y tế đầu ngành này của nước Mỹ.

“Với tôi đó là một câu trả lời không thể chấp nhận được, nhất là với [việc mở cửa] trường học”, ông nói với báo giới hôm thứ Tư ở Nhà Trắng. Ông cho rằng điều duy nhất có thể chấp nhận được là một số giáo sư, giáo viên ở một độ tuổi nhất định nào đó được nghỉ dạy.

Ông Trump được cho là ưu tiên các mục tiêu phát triển kinh tế khi mùa bầu cử đang đến gần. Do vậy, ông thúc giục các bang mở cửa nền kinh tế và các trường học trở lại.

Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến tối nay có gì mới?

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

  • Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 17:45 ngày 14/5/2020, trên thế giới đã có 4.364.172 người nhiễm coronavirus với 297.465 ca tử vong.
  • Tổng số người nhiễm bệnh tại Việt Nam theo Bộ Y tế hiện nay vẫn là 288 người, và không có trường hợp tử vong nào vì COVID-19.

Hàn Quốc và Trung Quốc có nguy cơ bùng dịch trở lại sau khi nới lỏng lệnh phong tỏa

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Một người ở Vũ Hán, Trung Quốc đang được xét nghiệm. Ảnh: Getty Images.
Một người ở Vũ Hán, Trung Quốc đang được xét nghiệm. Ảnh: Getty Images.

Từ nhiều tháng nay, Hàn Quốc được ca ngợi vì đã chống dịch bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, khi chính phủ bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại đang được báo động trong những ngày vừa qua, theo NPR.

Có nhiều ca nhiễm mới đã được báo cáo trong hai tuần qua, đa số liên quan đến một thanh niên có mặt tại một số câu lạc bộ và quán bar tại Seoul vào ngày 1 tháng Năm vừa rồi. Các quan chức vẫn không thể lý giải “siêu bệnh nhân” này đã nhiễm bệnh từ đâu.

Chính phủ Hàn Quốc đã trì hoãn kế hoạch mở cửa trường học sau hơn hai tháng phong toả. Cho đến nay, đã có khoảng 22.000 người tiếp xúc với bệnh nhân nói trên. Tuy nhiên, một trong những địa điểm người này ghé đến là quán bar của cộng đồng đồng tính. Rất nhiều người từ chối báo cáo đã có tiếp xúc với bệnh nhân vì họ không muốn bị kỳ thị. Bệnh nhân này đã bị tiết lộ thông tin cá nhân trên mạng xã hội và nhận lấy nhiều lời chỉ trích về giới tính của mình.

Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc, Yooon Tea-ho đã phải lên tiếng: “Chúng tôi công bố số ca nhiễm để khuyến khích những người có thể bị nhiễm tự nguyện báo cáo và được xét nghiệm. Chúng tôi đề nghị mọi người dừng phát tán thông tin cá nhân của bệnh nhân hoặc những tin đồn không có căn cứ. Điều này không chỉ làm tổn thương họ mà còn có thể bị trừng phạt”.

Mới đây, tại Vũ Hán (Trung Quốc), đã xuất hiện một số trường hợp mới nhiễm virus. Các nhà chức trách đã tuyên bố vào thứ Ba rằng họ sẽ xét nghiệm toàn bộ 11 triệu cư dân thành phố sau khi các ca nhiễm mới được phát hiện.

Giới chức Trung Quốc cũng mới phong tỏa thành phố Cát Lâm sau khi phát hiện 21 ca nhiễm mới chỉ trong một tuần.

WHO: Chúng ta có thể sẽ không bao giờ dập tắt được COVID-19

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Mike Ryan. Ảnh: Reuters.
Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Mike Ryan. Ảnh: Reuters.

Thứ Tư tuần này, giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Mike Ryan, phát biểu: “Chúng ta cần phải hiểu đây là một vấn đề quan trọng cần thảo luận cùng nhau, đó là [COVID-19] sẽ rất có thể trở thành một bệnh dịch địa phương. Điều này có nghĩa là nó có thể sẽ không bao giờ biến mất.”

Ông Ryan còn cho biết, “tôi nghĩ điều quan trọng nhất là chúng ta nên nhìn vào thực tế. Vì tôi không nghĩ rằng bất cứ ai có thể dự đoán khi nào thì virus này sẽ biến mất. Sẽ không có lời hứa hẹn gì về nó cả, nên dịch bệnh này có thể sẽ trở thành một vấn đề lâu dài, có thể là không”.

Tuy nhiên, ông Ryan cũng cho rằng thế giới đang kiểm soát COVID-19 ở mức độ nhất định, nhưng việc phòng chống dịch tiếp theo cũng đòi hỏi một nỗ lực rất lớn, ngay cả khi đã tìm thấy vaccine. Hiện tại, đã có hơn 100 loại vaccine tiềm năng đang được nghiên cứu phát triển và thử nghiệm.

Nhà dịch tễ học của WHO, bà Maria van Kerkhove cũng khuyến cáo: “Chúng ta cần phải chuẩn bị tinh thần, rằng sẽ mất một khoảng thời gian nữa để có thể thực sự thoát được bệnh dịch này”.

Những lời cảnh báo và kêu gọi của các chuyên gia của WHO được đưa ra giữa lúc rất nhiều nước đang phân vân giữa việc nới lỏng các lệnh phong tỏa và mở cửa nền kinh tế một cách hợp lý khi vẫn chưa tìm được phương thuốc chữa trị COVID-19.

Ứng cử viên Joe Biden và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders hợp tác để thống nhất Đảng Dân chủ

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Joe Biden và Bernie Sanders trong một cuộc tranh luận trên truyền hình. Ảnh: Getty Images.
Joe Biden và Bernie Sanders trong một cuộc tranh luận trên truyền hình. Ảnh: Getty Images.

Vào thứ Tư vừa rồi, Joe Biden và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cùng công bố danh sách thành viên của những tổ công tác có nhiệm vụ thống nhất Đảng Dân chủ trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2020.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders là người từng cạnh tranh sát nút với ông Joe Biden trong cuộc đua giành vé ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ. Một tháng trước đây, Thượng nghị sĩ Sanders đã rút khỏi cuộc tranh cử và chính thức ủng hộ Joe Biden. Tuy nhiên, cả hai người đều đồng ý là họ có những cách nghĩ khác nhau về những chính sách và bây giờ, họ cần làm việc cùng nhau để đưa ra giải pháp cho những vấn đề mà nước Mỹ phải đối mặt.

Các tổ công tác này sẽ tập hợp những thành viên của các nhóm khác nhau trong Đảng Dân chủ. Từ nữ dân biểu của bang New York Alexandria Ocasio-Cortez, cho đến cựu ngoại trưởng John Kerry.

Một tháng trước, trong một cuộc đối thoại được phát trực tiếp cùng nhau, Bernie Sanders đã nói: “Việc chúng ta có bất đồng quan điểm về chính sách thì đã quá rõ ràng với mọi người nên chúng ta không cần che giấu nó. Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta sẽ lập nên những tổ công tác với người trong cả hai ủy ban vận động của chúng ta. Những người này sẽ là những bộ óc ưu tú nhất, cùng làm việc với nhau để đưa ra cách giải quyết cho những khó khăn quan trọng mà Mỹ đang gặp phải”.

Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez, một đồng minh của ông Sanders, sẽ đồng chủ trì nhóm vận động về biến đổi khí hậu cùng với John Kerry – là một người ủng hộ Joe Biden trong nhiều năm qua. Ngoài ra, còn có năm nhóm khác để giải quyết các vấn đề cải cách tư pháp hình sự, kinh tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhập cư.

Dân biểu Ocasio-Cortez từng tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho Joe Biden. Vào tuần trước, cô cũng giải thích trên chương trình NPR’s Morning Edition vì sao bản thân chưa chính thức ủng hộ Joe Biden. “Tôi nghĩ rằng việc chính thức ủng hộ có nghĩa là cả hai chúng tôi đều có một tầm nhìn chung và nó không chỉ là việc giành chiến thắng vào tháng 11/2020. Tôi nghĩ tầm nhìn đó phải dành cho việc chúng tôi sẽ cùng đưa đất nước chúng ta lên một vị thế tốt đẹp hơn”.

Trong một tuyên bố, ông Joe Biden nhấn mạnh sự cần thiết của việc thống nhất Đảng Dân chủ. “Từ chăm sóc sức khoẻ đến cải cách hệ thống tư pháp, rồi việc xây dựng lại một nền kinh tế toàn diện và công bằng hơn. Công việc của các nhóm công tác này sẽ rất cần thiết để phát triển đất nước một cách tiến bộ hơn. Điều này không chỉ đơn giản là quay ngược đất nước trở lại trước thời Donald Trump lên nắm quyền, mà là phải thực sự thay đổi đất nước chúng ta”.

Ông Sanders cũng cho biết: “Tôi ngợi khen Joe Biden đã hợp tác với nhóm vận động của tôi để tập hợp một nhóm các nhà tư tưởng và nhà hoạt động hàng đầu. Những người này có khả năng và sẽ thống nhất đảng của chúng tôi theo hướng thay đổi và tiến bộ”.

Thủ tướng Đức nói bị tin tặc Nga tấn công

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Getty Images.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Getty Images.

Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây đã xác nhận đang bị tin tặc được cho là của tình báo quân sự Nga tấn công. Đề cập đến vấn đề này, bà Merklas cho biết “nó thực sự đau đớn”, theo BBC.

Năm 2015, tạp chí Spiegel đã đưa tin vụ đánh cắp dữ liệu máy tính của Quốc hội Đức. Năm 2018, mạng máy tính của chính phủ Đức cũng bị tấn công trong bối cảnh các tin tặc được cho là từ Nga.

Tuy nhiên, chính phủ Nga phủ nhận việc đã đột nhập vào dữ liệu của Quốc hội Đức.

Tình hình giữa Nga và cường quốc kinh tế của khối EU khá phức tạp. Dù vậy, bà Merkel vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục phấn đấu cho một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga.

Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến sáng nay có gì mới?

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

  • Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 7:10 ngày 14/5/2020, trên thế giới đã có 4.342.565 người nhiễm coronavirus với 296.690 ca tử vong.
  • Tổng số người nhiễm bệnh tại Việt Nam theo Bộ Y tế hiện nay vẫn là 288 người, và không có trường hợp tử vong nào vì COVID-19.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.