Nhóm lợi ích trong các chế độ độc tài vận hành ra sao
Ở hai phần trước, tác giả đã giới thiệu về sự hình thành, một số đặc điểm và cách thức
Hiện tượng ủng hộ Donald Trump ở người Việt Nam trong và ngoài nước là một hiện tượng đặc biệt thú vị cần được tìm hiểu để lý giải nguyên nhân xuất hiện của hiện tượng này.
Nếu so sánh với các tổng thống Mỹ các nhiệm kỳ trước như Bush (Đảng Cộng hoà), Obama (Đảng Dân chủ) thì mức độ ủng hộ Trump (Đảng Cộng hoà) cao hơn hẳn, tạo nên một hiện tượng có thể được gọi tên là “cuồng Trump”. Hiện tượng này càng đáng quan tâm hơn khi số đông những nhà đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam cũng tự nhận mình là fan hâm mộ của Trump bất chấp việc Trump là vị tổng thống có những phát ngôn và hành động trái ngược lại những nguyên lý của dân chủ, đến mức nhiều nhân vật có ảnh hưởng của Mỹ buộc phải lên tiếng phản đối.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời ông Trump, James Mattis, lên án Tổng thống Trump nói rằng tổng thống đã tìm cách “chia rẽ” người dân Mỹ và đã không thực hành “sự lãnh đạo trưởng thành”.
Colin Powell, thành viên đảng Cộng hòa, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, thì nói rằng Trump đã “rời xa” hiến pháp.
Phản ứng như vậy của những nhân vật có tầm ảnh hưởng của chính trường Hoa Kỳ là không đáng ngạc nhiên trước những hành vi của Trump, một vị tổng thống đặc biệt của Hoa Kỳ.
Mặc dù Trump không nhận được sự ủng hộ của giới truyền thông Hoa Kỳ, giới lãnh đạo tinh hoa của Hoa Kỳ nhưng bằng khả năng truyền thông ngoại hạng, cùng với khả năng thu hút công chúng, Trump vẫn có được một lực lượng ủng hộ viên đông đảo tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, điều rất đáng ngạc nhiên và cần lời giải đáp đó là vì sao lại hiện tượng ủng hộ Donald Trump lại rất phát triển ở người Việt đến mức nhiều nhà quan sát sử dụng thuật ngữ “cuồng Trump” để ám chỉ mức độ cuồng nhiệt của những người ủng hộ Trump tại Việt Nam. Hiện tượng đó không chỉ xuất hiện ở người Việt trong nước mà còn xuất hiện ở người Việt hải ngoại.
Để lý giải hiện tượng trên, tác giả bài viết muốn kể lại một quan sát đối với một xu hướng chính trị quan trọng của người Việt Nam.
Ở Việt Nam rất dễ dàng nhận thấy quan điểm chính trị thường chia thành hai phe ủng hộ và phe không ủng hộ các chính sách của chính quyền, đặc biệt là các chính sách hạn chế quyền tự do, dân chủ của người dân. Đó là hiện tượng bình thường xảy ra ở nhiều xã hội, không chỉ riêng ở Việt Nam. Chính quyền không phải lúc nào cũng đúng để nhận được sự ủng hộ của toàn dân.
Việc bất đồng chính kiến thường xuyên xảy ra, sự đồng thuận tuyệt đối về một vấn đề nào đó hiếm khi xảy ra mà luôn có sự tranh cãi giữa các bên với nhau.
Thế nhưng có một hiện tượng mà người viết quan sát thấy nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối của tất cả các bên ở Việt Nam, cả người Việt trong nước lẫn người Việt ở hải ngoại. Đó là những vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Để kiểm chứng, độc giả Luật Khoa đang đọc bài viết này có thể đọc các khẩu hiệu sau và đánh giá quan điểm của mình là đồng ý hay phản đối.
“Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.”
“Chúng tôi phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 vào thềm lục địa Việt Nam.”
“Không đặc khu, không Trung Quốc.”
Nếu khảo sát, tôi tin rằng tuyệt đại đa số người dân Việt Nam, trong và ngoài nước, ủng hộ hay không ủng hộ chính quyền, đều thể hiện đồng tình với các khẩu hiệu ở trên.
Hiện tượng trên cho thấy một việc đó là tinh thần “thoát Trung” thấm sâu vào huyết quản của người Việt Nam.
Tinh thần đó mạnh mẽ đến mức được các bên ủng hộ khi có bất kỳ nhân vật nào thuộc phía bên kia phát biểu khẳng định tinh thần “thoát Trung”, bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhận được sự ủng hộ của các bên với phát biểu khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.
Nếu bạn là một nhà bất đồng chính kiến của Việt Nam, bạn có ủng hộ tuyên bố trên của nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không? Câu trả lời có lẽ là dù bạn không thích ông Dũng nhưng bạn sẽ ủng hộ tuyên bố trên.
Điều đó cũng đúng cho phong trào “cuồng Trump” của người Việt. Người Việt ủng hộ Trump bởi vì các chính sách của Trump thể hiện rõ ràng Trump đang muốn kiềm hãm sự phát triển của Trung Quốc. Yêu nước là chống Trung Quốc, Trump chống Trung Quốc, yêu nước cần ủng hộ Trump. Đó là tam đoạn luận của những người chống Trung Quốc và ủng hộ Trump.
Nhà bất đồng chính kiến Huỳnh Thục Vy viết trên facebook cá nhân giải thích lý do ủng hộ Trump bởi vì Trump trấn áp được Trung Quốc: “Trên bình diện cá nhân, tôi không thích Trump, một tay chơi khét tiếng. Nhưng Trump đâu phải là một người đàn ông bình thường, ông ta là Tổng Thống Mỹ mà… Nhưng trên hết, là một người đấu tranh cho dân chủ của một quốc gia nhược tiểu, ai trấn áp được kẻ thù truyền kiếp của đất nước tôi, thì tôi đều thích”.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh, cựu thư ký tòa soạn báo Thanh Niên tại Việt Nam, người được trao Giải Công dân Mạng 2013 của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF và Google, cũng khẳng định việc ủng hộ Trump bởi vì tinh thần chống Trung Quốc rất quyết liệt của Trump. Ông Chênh còn khẳng định: “Người Việt Nam chỉ đấu tranh dân chủ thành công và gìn giữ độc lập vững bền chỉ khi nào Tàu cộng suy yếu hoặc sụp đổ”.
Sự ủng hộ Trump ở cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng được lý giải bởi việc cử tri gốc Việt tin rằng Trump chống Trung Quốc. Cũng theo bản tin của VOA, một cuộc khảo sát về cử tri gốc Á cho biết người Mỹ gốc Việt là cộng đồng gốc Á duy nhất có đa số ủng hộ Tổng thống Donald Trump với tỷ lệ lên đến 64%, trong khi chỉ có 24% cử tri gốc Hoa ủng hộ.
Những phân tích trên cho thấy việc người Việt ủng hộ Trump là vì tinh thần dân tộc, ở đây là tinh thần chống lại chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc. Mọi người ủng hộ Trump không phải vì Trump là một tổng thống có chính sách tốt cho người Mỹ mà bởi vì các chính sách của Trump chống lại Trung Quốc. Kẻ thù của kẻ thù ta là bạn.
Điều những người ủng hộ Trump cần lưu ý đó là theo Hiến pháp Mỹ, Trum chỉ có thể kéo dài tối đa hai nhiệm kỳ tổng thống. Khả năng Trump thắng cử thêm một nhiệm kỳ nữa cũng không phải là chắc chắn. Một rủi ro khác cho những người “cuồng Trump” đó là chính sách của Trump không nhất quán, nhiệm kỳ đầu có thể Trump có những chính sách chống Trung Quốc, nhưng là một nhà kinh tế thực dụng, nhiệm kỳ sau Trump thay đổi chính sách thay vì chống Trung Quốc chuyển sang “bắt tay với Trung Quốc” thì những người ủng hộ Trump vì lý do chống Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng khó xử. Bài học lịch sử tổng thống Mỹ Richard Nixon bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông năm 1972 để rồi sau đó Mỹ quyết định rút quân khỏi miền Nam Việt Nam vẫn còn đó.
Thay vì ủng hộ Trump bằng bất cứ giá nào, những người “cuồng Trump” có thể lựa chọn ủng hộ những giá trị mà Trump mang lại phù hợp với các giá trị của chính mình, ví dụ như chỉ ủng hộ những chính sách chống Trung Quốc của Trump và phản đối những phát ngôn gây tranh cãi, xa rời những giá trị dân chủ và nhân quyền của Trump.
Việc rời bỏ các giá trị, nguyên tắc dân chủ, nhân quyền vốn rất bền vững theo thời gian để chạy theo một vị tổng thống chống Trung Quốc có nhiệm kỳ giới hạn là một quyết định có tầm nhìn ngắn hạn. Trong công cuộc “thoát Trung”, để đến đích thành công cần có một tầm nhìn dài hạn như những nhà lãnh đạo Đài Loan đang làm đó là “muốn thoát Trung thì phải khác Trung”: Trung Quốc độc tài thì ta chọn dân chủ, Trung Quốc kiểm soát thì ta chọn tự do. Đó mới là sự lựa chọn bền vững và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế năm châu vốn thấm nhuần có giá trị tự do và dân chủ.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.