Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
Sau vụ xét xử vụ án Đồng Tâm, xã hội Việt Nam vốn đã phân cực thì lại càng phân cực hơn
Tôi hay nghĩ rằng, để biết được sự thật khách quan của một sự việc thì cần tìm hiểu quan điểm và góc nhìn của tất cả các bên liên quan đến sự việc đó.
Chẳng hạn để biết được sự thật khách quan của sự việc cái chết của ba chiến sĩ công an thì cần phải tìm hiểu góc nhìn của tất cả các bên đã tham gia sự kiện. Đầu tiên là góc nhìn của những người được cho là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết, những người đã châm lửa và đổ xăng. Sau đó là góc nhìn của những chiến sĩ công an đồng đội đã quan sát sự việc diễn ra. Tiếp đó là góc nhìn của những chuyên gia pháp y, những người đã khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết, thời gian ba chiến sĩ công an bị chết. Tiếp theo đó là tiến hành thực nghiệm hiện trường để mô phỏng lại toàn bộ diễn biến sự việc.
Khi đó, tất cả mọi người sẽ biết được sự thật khách quan về cái chết của ba chiến sĩ công an. Dựa vào sự thật khách quan đó, sự thật mà tất cả các bên đều phải thừa nhận từ gia đình của bị cáo, gia đình của bị hại, luật sư bào chữa cho cả hai bên, những người quan tâm đến vụ án bất kể quan điểm chính trị ra sao, tòa sẽ đưa ra phán quyết và dựa trên luật pháp hiện hành của nhà nước sẽ đưa ra mức phạt phù hợp tương ứng với hành vi của từng bị cáo.
Thời điểm bắt đầu phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm, mong muốn của tôi khi bỏ thời gian để theo dõi tất cả những diễn biến có liên quan đến phiên tòa đó là mong muốn tìm thấy một sự thật khách quan, một sự thật mà tất cả những ai có lý trí, có thời gian theo dõi phiên tòa, nói theo một ngôn ngữ thông dụng là bất kỳ ai “có não”, bất kể quan điểm bất đồng với nhau, đều phải thừa nhận.
Thế nhưng, theo dõi phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm, tôi cảm nhận được tìm kiếm sự thật khách quan là một sự xa xỉ. Mặc dù tốn rất nhiều thời gian để theo dõi phiên tòa nhưng tôi vẫn không thể tìm thấy được câu trả lời: sự thật của sự việc diễn ra ở Đồng Tâm vào sáng ngày 9/1/2020 là gì?
Tôi chỉ quan sát thấy được là sau vụ xét xử, xã hội Việt Nam vốn đã phân cực thì lại càng phân cực hơn, cả hai phe ủng hộ hay phản đối bản án đều có những người dùng những từ ngữ đầy cảm tính để nói về bản án. Phiên tòa thay vì là nơi tìm kiếm sự thật để hai bên khép lại các cuộc tranh cãi về nguyên nhân, diễn biến của sự việc thì lại tạo ra những cuộc tranh cãi mới.
***
Tòa án được xã hội tôn trọng không phải vì họ là nơi kết tội người vi phạm pháp luật. Nếu chỉ để kết tội thì các cơ quan hành pháp như công an có thể làm việc đó tốt hơn tòa án rất nhiều. Tòa án được tôn trọng bởi vì đó là nơi để bảo vệ tính thượng tôn của pháp luật. Mỗi phiên tòa là một cơ hội để giáo dục toàn bộ xã hội về việc tôn trọng pháp luật.
Ví dụ, pháp luật quy định nghiêm cấm các cơ quan điều tra hình sự bức cung, dùng nhục hình, khi phát hiện dấu hiệu bị cáo bị tra tấn trong quá trình điều tra thì tòa án phải yêu cầu điều tra, nếu không thì quy định nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình chẳng có giá trị gì trên thực tế.
Một ví dụ khác, xét xử công khai là nguyên tắc hoạt động của tòa án, nhưng phiên tòa lại ngăn cản sự tham dự của thân nhân của bị cáo khiến cho nguyên tắc xét xử công khai bị phá vỡ.
Pháp luật quy định chủ tọa phiên tòa phải đảm bảo sự khách quan, công bằng khi lắng nghe quan điểm của tất cả các bên tham gia phiên tòa từ bị hại, bị cáo, luật sư của các bên để từ đó xác định sự thật khách quan của sự việc. Chủ tọa phiên tòa cũng phải đảm bảo thời gian để luật sư các bên có đủ thời gian để bào chữa cho bị cáo của họ. Theo dõi diễn biến của phiên tòa, tôi không nhận ra sự vô tư, khách quan của chủ tọa điều hành phiên tòa khi chủ tọa liên tục ngắt lời của bị hại và luật sư của họ, rút ngắn thời gian diễn ra phiên tòa từ 10 ngày xuống còn sáu ngày (kể cả hai ngày thứ bảy, chủ nhật để nghị án).
Hội đồng xét xử cũng từ chối việc tiến hành thực nghiệm hiện trường xảy ra vụ án, một việc cần thiết để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.
Tòa án không phải là nơi để bảo vệ cho cơ quan điều tra hay bảo vệ cho các bị hại, mà là nơi để giúp tất cả các bên xác định sự thật, nếu việc tiến hành thực nghiệm là cách để xác định sự thật khách quan thì tại sao hội đồng xét xử lại từ chối? Sau khi tiến hành thực nghiệm, sự thật được sáng tỏ, các bị cáo, gia đình của họ, luật sư, những người ủng hộ họ buộc phải chấp nhận sự thật bởi đơn giản đó là sự thật.
Ngày nay, không ai tranh cãi với nhau về những sự thật đã được kiểm chứng. Mọi người chỉ tranh cãi với nhau, thậm chí dùng vũ lực với nhau để bảo vệ niềm tin của mình. Tòa án phải là nơi giúp cho tất cả các bên tìm ra được sự thật, từ đó chấm dứt tranh cãi.
Tôi thất vọng về phiên tòa sơ thẩm vụ án Đồng Tâm không phải vì bản án được tuyên mà bởi vì phiên tòa không giúp làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Phiên tòa không những không giúp khép lại những tranh cãi trong xã hội về sự kiện Đồng Tâm mà còn mở ra những cuộc tranh cãi mới. Xã hội Việt Nam vốn đã phân cực lại càng phân cực hơn sau phiên tòa.
Nếu tòa án không trở thành nơi giúp xã hội tìm thấy sự thật của vụ án Đồng Tâm để chấm dứt các tranh cãi trong xã hội Việt Nam, tòa án đã không làm tròn vai trò, chức năng và trách nhiệm bảo vệ công lý trước xã hội. Hệ lụy của các phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm sẽ gây ảnh hưởng đến sự phân cực của xã hội Việt Nam trong nhiều năm tiếp theo khi sự thật không được tìm thấy trong phiên tòa.
Là một người nghiên cứu lịch sử thế giới, tôi cảm thấy cần nhắc các vị thẩm phán một việc đó là khi người dân không tìm thấy sự thật và công lý ở tòa án, họ sẽ đi tìm sự thật và công lý ở nơi khác, ngoài tòa án.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.