‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Trong lịch sử nhân loại, sự đối đầu giữa những cá nhân với tư tưởng bất đồng với chính quyền và bị chính quyền bắt giữ để đè nén tiếng nói phản kháng phi bạo lực luôn diễn ra. Với sức mạnh vũ lực trong tay, chính quyền luôn tỏ ra thắng thế khi bằng sức mạnh vũ lực cộng với hệ thống luật pháp hiện hành buộc tội một cách bất công các nhà bất đồng chính kiến bằng những điều luật trong hệ thống pháp luật hiện hành. Các nhà bất đồng chính kiến luôn phải chấp nhận các án tù sau các phiên xét xử của tòa án dựa trên hệ thống pháp luật do chính quyền chi phối.
Nhà báo, nhà hoạt động vì quyền con người, một nhà bất đồng chính kiến với chính quyền Việt Nam được nhiều người ngưỡng mộ, Phạm Đoan Trang đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ ngày 6/10 với với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 và “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.
Là một người có chính kiến mạnh mẽ và tư duy tự do, Phạm Đoan Trang đã thông qua ngòi bút sắc bén của mình lên tiếng trước những bất công của xã hội, bênh vực những người yếu thế, phản đối những hành vi vi phạm quyền con người của chính quyền Việt Nam.
Những cuốn sách bà Trang đã viết như “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bạo lực”; những bài viết “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” được đăng tải trên blog hay Facebook cá nhân của bà; cùng các hoạt động xã hội đầy tính dấn thân của bà, mà gần đây nhất là “Báo cáo Đồng Tâm”, khiến chính quyền Việt Nam không thể để bà tiếp tục được tự do lên tiếng. Cho dù, chính quyền hoàn toàn biết rằng việc bắt giữ một nhà đấu tranh cho quyền con người được thế giới biết đến sẽ tạo nên một hình ảnh xấu xí về nhân quyền trong con mắt của dư luận phương Tây vốn coi trọng các quyền con người.
Vì muốn bảo vệ hình ảnh của quốc gia, chính quyền luôn tìm cách tuyên truyền cho người dân trong và ngoài nước rằng những nhà bất đồng chính kiến bị buộc tội do vi phạm pháp luật. Công thức chung mà chính quyền tuyên truyền cho người dân Việt Nam đó là Việt Nam không có nhà bất đồng chính kiến, những người bị bắt và bị xử án tù theo đúng quy định của pháp luật. Các bản án được tòa án tuyên bố đều dựa trên các điều luật trong Bộ Luật Hình sự được Quốc hội Việt Nam thông qua.
Nếu xét theo các điều luật bảo vệ an ninh quốc gia được quy định trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam thì hành vi của các nhà bất đồng chính kiến khó có thể bào chữa nếu dựa trên các điều luật đó, bởi chính quyền Việt Nam rất khôn ngoan khi “cài cắm” một số điều luật để đưa các nhà bất đồng chính kiến ra toà bất kỳ lúc nào một cách hợp pháp.
Chúng ta thường mặc nhiên xem các điều luật được Quốc hội thông qua là luật và mọi người dân sống trong quốc gia đó phải tuân thủ luật, nếu vi phạm sẽ bị xem là có tội.
Tuy nhiên, chúng ta thường quên rằng luật là do con người tự đặt ra và năng lực nhận thức của con người ở mỗi thời đại luôn bị hạn chế. Các nhà làm luật của Việt Nam, các đại biểu Quốc hội cũng có nhận thức hạn chế, do đó, các điều luật mà họ thông qua cũng bị hạn chế bởi tầm nhìn của họ. Trong khi đó, trong mỗi xã hội luôn có những cá nhân có năng lực nhận thức vượt qua tầm nhìn của số đông còn lại. Suy nghĩ và hành động của họ vượt lên trên khuôn khổ của những điều luật hiện hành.
Khi Chúa Giê-su đi rao giảng tin mừng, xã hội Do Thái thời bấy giờ sống trong nhận thức của Luật Mô-sê: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Khi rao giảng, Chúa Giê-su lại dạy các môn đệ: “đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ”. (Mt 5,39-42).
Rõ ràng nhận thức về công lý, những điều đúng nên làm của Chúa Giê-su vượt lên trên nhận thức về pháp luật hiện hành. Nếu công thức pháp luật của xã hội Do Thái thời bấy giờ là báo thù, ăn miếng trả miếng, mắt đền mắt, răng đền răng thì công thức của Chúa Giê-su là yêu thương và tha thứ, yêu thương ngay cả kẻ thù của mình.
Đó là lý do những người nắm giữ quyền lực của Do Thái thời bấy giờ tìm cách lên án Chúa Giê-su, buộc tội Chúa bằng các điều luật hiện hành và cuối cùng kết án tử hình chúa Giê-su bằng cách treo Chúa lên thập giá như những tên trộm cướp. Lý do rất đơn giản là nhận thức của họ không thể chấp nhận được những lời dạy vượt không gian và thời gian của Chúa Giê-su.
Hy Lạp cổ đại cũng có một nhà bất đồng chính kiến bị chính quyền dựa vào các điều luật hiện hành kết án tử hình bằng cách cho uống thuốc độc. Đó là triết gia Socrates, người thầy của các triết gia cổ đại Hy Lạp đã bị chính quyền khép vào tội làm hư hỏng đầu óc của thanh niên Athen. Nói theo ngôn ngữ của pháp luật Việt Nam ngày nay thì ông bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước giống như chính quyền Việt Nam buộc tội Phạm Đoan Trang. Trong khi thời Hy Lạp cổ đại, chính quyền Hy Lạp tin vào các vị thần linh, Socrates lại đi tuyên truyền thanh niên Hy Lạp hãy nhận thức chính mình, do đó ông bị chính quyền đưa ra tòa xét xử. Bằng những luật lệ Hy Lạp thời bấy giờ, tòa án Athens đã buộc tội ông gieo rắc sự nghi ngờ các thần linh đang được người Hy Lạp tôn thờ và làm hư hỏng đầu óc thanh niên. Phiên tòa được xét xử theo đúng quy định của pháp luật Hy Lạp, kết án tử hình người đặt nền móng cho triết học phương Tây bằng cách phải tự uống thuốc độc chết.
Sau khi bị kết án tử hình, Socrates có thể vượt ngục nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và các quý nhân nhưng ông đã từ chối chạy trốn vì muốn giữ gìn tinh thần cao quý và sự trong sạch. Phạm Đoan Trang cũng từng có cơ hội định cư ở nước ngoài nhưng bà đã chọn trở về nước, sống và làm việc trong tình cảnh luôn phải trốn chạy sự truy đuổi của công an bởi tình yêu quê hương và con người Việt Nam.
Năm 1988, chính quyền Việt Nam đã kết án tử hình hai vị thiền sư “lỗi lạc nhất, thông minh nhất, uyên bác nhất, trong sạch nhất” của Phật giáo Việt Nam là Thích Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát với tội danh “phản cách mạng và bạo động vũ khí lật đổ chế độ”. Sau đó, trước áp lực của dư luận trong và ngoài nước, chính quyền Việt Nam đã buộc phải trả tự do cho hai vị Thích Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát. Trước khi trả tự do, chính quyền Việt Nam đã yêu cầu thầy Tuệ Sỹ ký vào lá đơn xin khoan hồng gởi lên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Thầy Tuệ Sỹ đã khẳng khái trả lời: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi”. Công an nói nếu không viết đơn thì không thả. Thầy đã không viết đơn và tuyệt thực. Mười ngày sau khi thầy tuyệt thực, công an đã buộc phải thả thầy ra.
Khi nhận thức của một cá nhân vượt lên trên nhận thức của chính quyền đương thời, cá nhân đó luôn phải đối mặt với nguy cơ bị chính quyền đương thời kết án bằng các quy định của pháp luật để buộc cá nhân đó phải im lặng. Chính quyền đương thời luôn lo ngại tiếng nói bất đồng chính kiến của cá nhân đó gây ra sự bất ổn trong xã hội, làm mất đi quyền lực mà chính quyền đang nắm giữ. Do đó, cách tốt nhất là kết án tử hình, tống họ vào tù, trục xuất ra nước ngoài để họ im lặng.
Những nhà bất đồng chính kiến với chính quyền đương thời như Giê-su, Socrates, Thích Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát hay Phạm Đoan Trang đều là những người có nhận thức vượt lên trên pháp luật hiện hành. Nếu dựa vào pháp luật hiện hành thì họ là những người phạm tội nhưng nếu dựa vào những gì họ đã nói và đã làm thì họ là những con người vĩ đại, những người mang trong mình sứ mệnh mở lối cho nhân loại và dân tộc.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.