Sư Thích Minh Đạo rời Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chính quyền tiếp tục ngăn chặn Pháp Luân Công
Bản tin tôn giáo tháng 8/2024 có một số thông tin đáng chú ý sau.
Bức tranh chính trị đặc biệt bất thường của năm 2020 qua 10 nhân vật do Luật Khoa lựa chọn.
Năm 2020, không có gì phải nghi ngờ, là một năm đặc biệt bất thường. Nó đặc biệt bất thường với người Việt Nam không phải chỉ vì đại dịch COVID-19, mà còn vì hàng loạt những sự kiện chính trị chấn động, thậm chí, ít ai ngờ tới.
Luật Khoa lựa chọn 10 nhân vật tiêu biểu sau đây để khắc họa bức tranh chính trị Việt Nam trong cái năm đặc biệt bất thường này.
Ngày 5/1/2012, cả nước rúng động vì những tiếng súng phát ra từ một người nông dân, tên Đoàn Văn Vươn, nhắm vào lực lượng công an. Tám năm sau, ngày 9/1/2020, cả nước lại sục sôi vì những tiếng súng khác. Hướng bắn lần này ngược lại: từ lực lượng công an nhắm vào một lãnh đạo nông dân, tên Lê Đình Kình.
2020 chỉ cần chín ngày để cướp đi mạng sống của một trong những nhân vật nổi bật nhất của chính trị Việt Nam vài năm trở lại đây. Ông Lê Đình Kình, một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, cựu bí thư đảng ủy xã, đã dành những năm tháng cuối đời mình để lãnh đạo một nhóm nông dân ở xã Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai với chính quyền tại cánh đồng Sênh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Ông Kình chết giữa cuộc đụng độ với những đơn vị cảnh sát tinh nhuệ, và đó chỉ là một phần của cuộc đụng độ khốc liệt nhất của nước Việt Nam hiện đại: cuộc đụng độ giành và giữ đất. Ông chết đi, mang theo luôn khẩu hiệu “Ruộng đất về tay dân cày” mà cái đảng ông trọn đời phụng sự đã không tiếc lời cổ võ trong suốt lịch sử của mình.
Ông Lê Đình Kình là hiện thân cho sự sụp đổ về lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, khi từ một đảng công – nông, xây thành đắp lũy trên xương máu nông dân và hứa hẹn mang ruộng đất lại cho dân cày, đã trở thành một đảng của giới tư bản đỏ, tôn thờ đồng đô-la và ngoảnh lưng lại với những người mà họ từng thề nguyền sẽ phụng sự.
Ông Kình đã vĩnh viễn đi vào lịch sử của không chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn đi vào lịch sử Việt Nam nói chung, vì bi kịch của ông là bi kịch có tính đại diện cho cả một thời đại, một thời đại xoay vần quanh chữ đất.
“Bệnh nhân 17” (BN17) có lẽ sẽ là cái biệt hiệu gắn liền với bệnh nhân COVID-19 này cả đời. Lý do vì cô là ca bệnh khởi đầu cho đợt dịch COVID-19 thứ hai ở Việt Nam, ngày 5/3, sau khi cả nước có 22 ngày không công bố bất cứ ca nhiễm nào mới.
Chủ tịch Hà Nội khi đó là Nguyễn Đức Chung tổ chức họp báo và tường thuật trực tiếp trên truyền hình, gọi đích danh cô và thông tin cá nhân của cô. Danh sách những người tiếp xúc với cô kèm thông tin cá nhân cũng nhanh chóng được chính quyền Hà Nội công bố và lan truyền trên mạng. Một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ nhắm vào cô. Cô đột nhiên nổi tiếng ngoài mong đợi.
Dư luận nhắm vào cô vì cô đi từ nước có dịch về mà không khai báo y tế, sau đó còn lui tới rất nhiều nơi ở Hà Nội. Do danh tính của cô bị chính quyền Hà Nội công khai, đời sống riêng tư của cô trở thành đề tài bàn tán của công chúng.
BN17 là một bài học lớn cho người Việt Nam về trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng trong thời kỳ dịch bệnh, và cũng là một bài học lớn cho cả chính quyền lẫn người dân về quyền riêng tư của bệnh nhân. Sau ca BN17, gần như không còn bệnh nhân COVID-19 nào khác bị nêu tên công khai.
Miền Trung nước lớn, cô ca sĩ Thủy Tiên đứng ngồi không yên nên xắn tay làm từ thiện, cứu giúp đồng bào trong cơn hoạn nạn. Cô chắc không thể biết và không mong muốn việc làm của mình lại có ý nghĩa chính trị lớn đến như vậy.
Việc một cá nhân cô gây quỹ được đến 150 tỷ đồng trong vài tuần lễ ngắn ngủi là một gáo nước lạnh dội lên đầu hàng trăm tổ chức đoàn thể phủ khắp các tỉnh, thành từ trung ương xuống địa phương, bởi họ không làm được việc đó. Sẽ cần khảo sát cẩn thận, nhưng hiện tượng Thủy Tiên gợi ý một điều rằng người dân tin một cô ca sĩ hơn chính quyền và các tổ chức đoàn thể của chính quyền trong việc sử dụng những đồng tiền cứu trợ. Không thể phủ nhận vai trò của chính quyền, nhưng thành công vang dội của một cá nhân làm lu mờ vai trò của chính quyền đúng vào lúc người dân cần chính quyền nhất.
Thủy Tiên cũng là hình ảnh tiêu biểu cho những nỗ lực dân sự trong suốt năm 2020, khi đại dịch COVID-19 khuynh đảo thế giới và không loại trừ Việt Nam. Hình ảnh những người dân đùm bọc lẫn nhau trong cơn hoạn nạn cho thấy xã hội dân sự luôn biết làm gì để lấp vào khoảng trống mà chính quyền và thị trường để lại. Đó là dấu hiệu không thể khả quan hơn của một xã hội dân sự lành mạnh và cần được tự do vận hành.
Và Thủy Tiên, một cách hết sức tình cờ, đặt ra một nan đề hiến pháp cho chính quyền: họ đang vi phạm quyền tự do… làm từ thiện của người dân bằng Nghị định 64/2008/NĐ-CP, vốn quy định chỉ những đoàn thể được nhà nước cho phép thì mới được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ. Đây là một văn bản pháp luật vi hiến rành rành vì vi phạm quyền xác lập giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của công dân. Không ai trong chính quyền dành đủ sự tôn trọng cho bản Hiến pháp do chính họ đặt ra để tuyên bố đó là một văn bản vi hiến. Một tòa án hiến pháp vẫn là thứ xa xỉ mà người Việt Nam chưa thể có.
Không ai bất ngờ khi nhà hoạt động dân chủ, nhà báo Phạm Đoan Trang bị công an bắt đêm ngày 6/10/2020. Đoan Trang biết, công an biết, bạn bè Đoan Trang biết, công chúng biết, đến các tổ chức và chính phủ nước ngoài cũng biết ngày này sớm muộn gì cũng tới.
Kể từ năm 1975 đến nay, Đoan Trang là một trong những người Việt Nam can đảm nhất, một trong những nhà báo giỏi nhất, và là một trong những nhà hoạt động dân chủ hiệu quả nhất. Thành tựu của cô trải dài từ những phân tích về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trên báo chính thống, đến các báo cáo nhân quyền, đến các tờ báo độc lập, và đến các cuốn sách căn bản về chính trị. Tên tuổi của cô còn gắn với các phong trào xã hội đòi quyền biểu tình, quyền hội họp và quyền được chính quyền lắng nghe.
Nhưng chính quyền không những không lắng nghe mà còn dập tắt tiếng nói của cô và những người như cô. Giờ đây, cô có thể bị tuyên án tù lên tới 20 năm vì “tuyên truyền chống nhà nước”.
Đoan Trang thuộc về thế hệ đầu tiên sinh ra sau chiến tranh, trải qua tuổi thơ trong cái đói nghèo chung của xã hội, chứng kiến xã hội thay đổi chóng mặt kể từ năm 1986 đến nay, và cũng là thế hệ đầu tiên tốt nghiệp đại học đi làm với máy tính nối mạng. Cô bắt đầu sự nghiệp năm 2000 như là một trong những phóng viên đầu tiên của VnExpress, trang báo điện tử đầu tiên của Việt Nam.
Thế hệ của cô, những con người của thế hệ 7x ấy, nói không ngoa, đã là sức sống của công cuộc Đổi Mới và đóng một trong những vai trò chính trong việc định hình nên cái xã hội chúng ta có ngày nay. Thế hệ đó đang ở độ chín của sự nghiệp, và sẽ là thế hệ nắm giữ các vai trò chủ chốt nhất của xã hội trong ít nhất là 15 năm tới.
Đoan Trang, bằng cách riêng của mình, đang đi đầu trong thế hệ của cô trong việc định hình những yếu tố dân chủ của xã hội Việt Nam.
Trong năm 2020, có lẽ không người Việt Nam nào tuyệt vọng hơn tử tù Hồ Duy Hải. Và có lẽ cũng không có người Việt Nam nào rơi từ đỉnh cao hy vọng xuống vực sâu tuyệt vọng như Hồ Duy Hải.
Phiên tòa giám đốc thẩm vụ án của anh khép lại vào ngày 8/5, cũng đồng thời khép lại cửa sống, cửa minh oan gần như cuối cùng của anh. Hội đồng Thẩm phán của Tòa án Nhân dân Tối cao đã không cho anh cơ hội nào và giữ nguyên bản án tử hình đầy dấu hiệu oan sai.
Hồ Duy Hải là nạn nhân của một cuộc khủng hoảng trầm trọng bậc nhất của xã hội Việt Nam: cuộc khủng hoảng án oan. Anh nằm ở cung bậc cao nhất của cuộc khủng hoảng đó, khi đang chịu một bản án tử hình oan. Nay ở độ tuổi 35, Hải đã dành phần lớn những năm tháng tuổi trẻ của mình trong xà lim tử tù. Mười hai năm đó đã hủy hoại cuộc đời anh thế nào thì chỉ có anh biết, quản giáo biết, chính quyền biết.
Hồ Duy Hải cũng là nạn nhân của một trong những vấn đề thể chế trầm trọng nhất của xã hội Việt Nam: thiếu vắng một hệ thống tư pháp độc lập. Trước mặt anh không phải là những điều tra viên thông thường, mà là điều tra viên kiêm đảng viên; không phải là những quan tòa bình thường, mà là quan tòa kiêm đảng viên; không phải là những quản giáo thông thường, mà là quản giáo kiêm đảng viên. Nếu cơ hội để một cá nhân con người thừa nhận cái sai của mình là 1 phần 100, thì cơ hội để một đảng chuyên chế sửa cái sai của mình là 1 phần 1.000.
Hồ Duy Hải, bất hạnh thay cho anh, lại cũng là nạn nhân của một trong những tâm lý chính trị phổ biến nhất của xã hội Việt Nam: mắt đền mắt, răng đền răng, giết người phải đền mạng.
Tầng tầng lớp lớp bi kịch hệ thống đè lên con người nhỏ bé này. Vì lý do gì đó, Hồ Duy Hải rơi vào đáy bi kịch và phải lấy sinh mạng của mình ra để gánh chịu toàn bộ lỗi lầm của phần còn lại của xã hội.
Hy vọng của Hồ Duy Hải vẫn còn. Cứu lấy Hồ Duy Hải là mệnh lệnh đạo đức cho phần còn lại của cái xã hội này.
Đánh nhau với cối xay gió chính xác là cái việc mà các luật sư của hai phiên tòa Hồ Duy Hải (tháng 5) và Đồng Tâm (tháng 9) làm. Họ là Trần Hồng Phong (vụ Hồ Duy Hải); Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Ngô Văn Tuấn, Nguyễn Hà Luân, Lê Văn Luân, Hà Huy Sơn, Nguyễn Khả Thành, Ngô Ngọc Trai, Trương Chí Công, Dương Lê Ước An, Bùi Hải Quảng, Phạm Lệ Quyên và hai luật sư khác (vụ Đồng Tâm).
Họ không thắng vụ nào. Họ thua rất đau. Thân chủ của họ hoặc là ngồi trong xà lim tử tù, hoặc là lĩnh những bản án nặng nề/ oan khiên. Nhưng họ đã vớt vát lại những hy vọng sau cùng và niềm tin sau cùng của không những thân chủ của họ, mà còn của cả xã hội, về một thứ công lý tối thiểu nào đó.
Thứ mà họ đại diện là khao khát công lý của xã hội, hay nói cho đúng hơn là nỗi gắng gượng để không tuyệt vọng của xã hội. Bởi nếu các luật sư tuyệt vọng và buông xuôi, nếu xã hội tuyệt vọng và buông xuôi, chắc chắn sẽ không có công lý nào cả, dù là tối thiểu. “Mất hy vọng chính là kẻ thù của công lý”, đó là điều mà luật sư nhân quyền người Mỹ Bryan Stevenson từng nói, sau khi đã giúp cho rất nhiều người da màu thấp cổ bé họng thoát khỏi những bản án tử hình oan sai.
Nghe có to tát quá chăng? Các luật sư chỉ làm đúng bổn phận nghề nghiệp của họ và mưu sinh thôi mà? Không. Các luật sư trong hai vụ việc này đã làm quá bổn phận thông thường trong nghề nghiệp của họ, khi tự biến mình thành những người vận động (advocate), khi tự mình đưa thông tin từ bên trong tòa ra ngoài (vốn bị hạn chế), khi tự mình tìm đến và tiếp xúc báo chí trong và ngoài nước, khi tự mình dùng công cụ mạng xã hội để đấu tranh cho thân chủ của mình. Họ đã chấp nhận những rủi ro lớn để làm tất cả những việc đó.
Xã hội Việt Nam cần thêm rất nhiều những luật sư kiêm nhà vận động như vậy.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, một chính trị gia nắm giữ một bộ vốn không có nhiều quyền lực, đã vụt sáng trở thành một trong những gương mặt được chú ý nhất của chính trường Việt Nam. Vị cựu tổng giám đốc Viettel, trong hơn hai năm qua, đóng vai trò chủ chốt trong nhiệm vụ chính trị thuộc loại trọng yếu nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam: kiểm soát Internet.
Ông được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (hay nói chính xác ra là Bộ Chính trị) giao quyền bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông vào tháng 7/2018, hơn một tháng sau khi Quốc hội thông qua một đạo luật gây tranh cãi bậc nhất: Luật An ninh mạng. Chuyên môn và kinh nghiệm quản trị một trong những tập đoàn công nghệ – viễn thông lớn nhất cả nước đã góp phần biến ông trở thành người đặc biệt phù hợp cho sứ mệnh của bộ này.
Dù là một bộ nhỏ và từng không có nhiều quyền lực, vai trò của Bộ TT-TT đã lớn lên liên tục trong những năm qua, phản ánh phần nào qua việc ngân sách nhà nước cấp cho bộ này tăng liên tục: 893,790 tỷ đồng (2018), 993,680 tỷ đồng (2019), 1.332,990 tỷ đồng (2021). Không có thông tin công khai nào để công dân hiểu rõ lý do tại sao ngân sách cấp cho bộ này tăng xấp xỉ 1,5 lần chỉ trong vòng bốn năm, nhưng nhìn ở bề mặt, họ đã trở nên tích cực hơn nhiều trong vai trò kiểm soát Internet.
Dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hai gã khổng lồ công nghệ thế giới là Google và Facebook gần như đã quy phục chính quyền Việt Nam. Các quan chức cấp cao của Google và Facebook mỗi năm đều đến Việt Nam vài lần. Số lượng yêu cầu kiểm duyệt nội dung từ Bộ TT-TT gửi cho họ đều tăng chóng mặt, và tỷ lệ đáp ứng đã đạt tới con số 95% (Facebook) và 90% (Google). Trong báo cáo gửi cho Quốc hội tháng 10 vừa qua, ông Hùng long trọng thông báo rằng tỷ lệ chặn nội dung “chống phá Đảng, Nhà nước” đã lên đến mức cao nhất từ trước tới nay.
Cũng dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một hệ sinh thái dịch vụ mạng xã hội trong nước đã bắt đầu hình thành. Bên cạnh dịch vụ phổ biến Zalo đã có mặt từ lâu, các mạng xã hội Lotus, Gapo cũng mới ra mắt, cùng với hàng loạt các mạng xã hội nhỏ khác. Ông Hùng khẳng định Bộ TT-TT sẽ hỗ trợ truyền thông và tháo gỡ chính sách để mạng xã hội nội địa phát triển, đóng vai trò kiến tạo thị trường mạng xã hội nội địa. Mục tiêu của chính sách này khó có gì khác hơn là dần dần thay thế các mạng xã hội nước ngoài, giúp chính quyền có công cụ để mặc cả với Facebook và Google.
Một ngày nào đó, khi các mạng nội địa đã phát triển và nếu Facebook hay Google không chịu hợp tác với chính quyền nữa, phương án hạt nhân có thể được kích hoạt: chặn hoàn toàn hai dịch vụ này và cho các mạng nội địa thay thế hoàn toàn. Khi đó, Việt Nam chính thức nối đuôi Trung Quốc và tạo vỏ kén thông tin của riêng mình. Khi đó, ông Hùng sẽ trở thành “anh hùng”.
Rất thầm lặng, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, trực thuộc Bộ Công an, gọi tắt là Cục An ninh mạng) đã và đang làm rất nhiều việc đằng sau màn hình máy vi tính và điện thoại của chúng ta. Khác với sự ồn ào trên truyền thông của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Cục An ninh mạng gần như chỉ xuất hiện trong các giấy mời, giấy triệu tập các “đối tượng”.
Giấy triệu tập nhà hoạt động Nguyễn Quang A của Công an Hà Nội ghi rõ “làm việc liên quan đến kiến nghị của Cục An ninh mạng…”. Thông tin báo chí chính thống đăng về vụ bắt, tạm giam nhà báo Trương Châu Hữu Danh cũng nói rõ vai trò phối hợp của Cục An ninh mạng với Công an Cần Thơ.
Trong một bài viết đăng ngày 28/5 trên An ninh Thế giới về hoạt động của Cục An ninh mạng trong đại dịch COVID-19, tờ báo của Bộ Công an cho biết Cục này đã “trực tiếp đấu tranh với 13 đối tượng trọng điểm và phối hợp với công an các địa phương xác minh, triệu tập đấu tranh hơn 1.300 đối tượng, củng cố hồ sơ xử lý hình sự 4 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính hơn 300 đối tượng”.
Hiện chưa có số liệu năm 2020, nhưng thông tin chính thức về hoạt động của Cục An ninh mạng năm 2019 cho thấy họ đã “tổ chức đấu tranh 27 chuyên án; triển khai 73 kế hoạch nghiệp vụ. Qua đó, phối hợp, chuyển Cơ quan điều tra các cấp khởi tố 15 vụ án hình sự, 121 bị can, xử phạt hành chính 254 đối tượng người nước ngoài, bàn giao Cơ quan điều tra các nước 555 đối tượng”.
A05 mới ra đời tháng 8/2018, hai tháng sau khi Luật An ninh mạng được thông qua, trên cơ sở sáp nhập Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (thành lập năm 2010) và Cục An ninh mạng (thành lập năm 2014). A05 đóng vai trò then chốt, cùng với Bộ TT-TT, trong việc kiểm duyệt Internet Việt Nam, bên cạnh vai trò phòng, chống tội phạm thông thường. Năm 2020, với đại dịch COVID-19, là năm Cục An ninh mạng chứng tỏ vai trò “canh gác” mạng Internet của mình.
Tài xế Grab là hiện tượng kinh tế thuộc loại đáng chú ý nhất của khoảng 5-6 năm trở lại đây, với sự xuất hiện của Grab, Uber, Gojek và nhiều ứng dụng chia sẻ khác. Thuật ngữ “nền kinh tế chia sẻ” (sharing economy) bỗng trở nên thời thượng. Ở khắp nơi trên thế giới, các nhà phát triển ứng dụng này cũng đang va chạm kịch liệt với các nhà làm luật do sự mới mẻ của nó, phá vỡ các khung chính sách thông thường dành cho giới kinh doanh vận tải, tài xế và người sử dụng. Tuy vậy, ở một nước kém phát triển như Việt Nam, vấn đề còn lớn hơn nhiều.
Ta hãy tạm bỏ qua chuyện tài xế Grab nên được coi là “đối tác” hay người lao động, mức chiết khấu hiện nay đã hợp lý hay chưa. Hầu hết các khía cạnh của mối quan hệ giữa tài xế và Grab là chuyện riêng giữa họ với nhau, dựa trên quan hệ tự do thỏa thuận và quy luật điều chỉnh của thị trường, người ngoài khó lòng dự phần được vào.
Thứ người ngoài có thể dự phần được vào là phản ứng với tư cách người tiêu dùng trong mối quan hệ với Grab và tài xế Grab, phản ứng với tư cách công dân trong mối quan hệ với chính quyền nhằm tạo lập chính sách hợp lý để điều chỉnh loại hình kinh doanh mới mẻ mà Grab đang theo đuổi.
Trong mọi trường hợp, ta đều thấy địa vị lép vế của tài xế Grab trong mối quan hệ với tất cả các bên: người tiêu dùng, Grab, và chính quyền.
Người tiêu dùng có thể bỏ tài xế Grab và vẫn tìm được phương tiện khác để di chuyển ngay, dù mức độ tiện lợi có thể không bằng. Grab có thể cắt hợp đồng với những tài xế phản đối họ mà vẫn không lo thiếu nguồn cung “đối tác”, vì có vô số người khác cần tiền đến mức sẵn sàng chạy xe cho Grab với mức chiết khấu thậm chí còn thấp hơn mức hiện nay. Còn chính quyền là cái cành quá cao mà tài xế Grab – những công dân thấp cổ bé họng – không bao giờ có thể với tới. Trong mối quan hệ với chính quyền, Grab chiếm ưu thế tuyệt đối so với tài xế nhờ địa vị doanh nghiệp lớn của mình.
Thứ duy nhất mà tài xế Grab có thể làm cho đến nay là chạy xe diễu hành thì cũng đã bị chính quyền Hà Nội giải tán. Họ không có các công cụ quan trọng nhất để tự bảo vệ được mình: quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, và quyền tự do biểu tình. Trong môi trường chính trị Việt Nam, không ai cho phép một lực lượng đông đảo như tài xế Grab được thực hành những quyền chính trị căn bản này, vì nó sẽ tạo ra mối đe dọa trực tiếp tới uy tín, tính chính danh và thậm chí là sự tồn vong của chính quyền.
Hầu hết tài xế Grab xuất thân từ tầng lớp ít cơ hội nhất, tham gia vào một loại hình kinh doanh mới mẻ nhất, và phải chịu cơ chế quản lý của một trong những loại hình chính quyền yếu kém nhất.
Nhân vật số 10 tuy thầm lặng nhưng là những người đóng vai trò then chốt trong việc đối phó với đại dịch COVID-19.
Thông thường, nhân viên y tế ở Việt Nam là đối tượng bị dư luận chỉ trích nhiều nhất. Nói không ngoa thì ngành giáo dục và y tế là ăn “chửi” nhiều nhất, phần vì sự yếu kém và nhũng nhiễu của hai ngành này không kém bất kỳ ngành nào, phần lại vì họ cung cấp những dịch vụ thiết yếu bậc nhất và tiếp xúc với người dân nhiều nhất. Nhưng trong đại dịch COVID-19, các nhân viên y tế ở khắp nơi đã làm nên câu chuyện thần kỳ của Việt Nam, biến đất nước lạc hậu và chậm tiến của chúng ta trở thành một trong những nước chống dịch thành công nhất thế giới.
Tính đến ngày 23/12, Bộ Y tế báo cáo 1.420 ca nhiễm, 1.281 ca khỏi bệnh, và 35 ca tử vong. Nhìn sang một nước có quy mô dân số và nền kinh tế gần tương đương với Việt Nam là Philippines, ta sẽ thấy Việt Nam chống dịch hiệu quả như thế nào. Nước này đến nay (26/12) đã công bố hơn 467 nghìn ca nhiễm, gần 28 nghìn ca đang điều trị, hơn 430 nghìn ca khỏi bệnh, và hơn 9 nghìn ca tử vong. Dĩ nhiên, bạn có thể nghi ngờ độ tin cậy của số liệu thống kê Việt Nam, nhưng thực tế vẫn là Việt Nam đã khống chế được dịch.
Thành công của Việt Nam được Liên Hợp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế công nhận, và câu chuyện Việt Nam xuất hiện trên những hãng truyền thông lớn nhất thế giới: Washington Post, The Guardian, ABC, Fortune, The Conversation, Axios…
Bất chấp việc Việt Nam được cho là chống dịch thành công nhờ thể chế độc tài có khả năng kiểm soát xã hội ở mức độ cao, các nhân viên y tế, bao gồm các bác sĩ, y tá, nhân viên hỗ trợ, đã gánh rủi ro lây bệnh cao nhất và đứng ở tuyến đầu chống lại dịch bệnh. Họ xứng đáng được tôn vinh vì những nỗ lực phi thường của mình.