‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Lời tòa soạn: Facebook và Twitter đã có một quyết định gây tranh cãi gay gắt khi đình chỉ tài khoản của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Luật Khoa xin giới thiệu quan điểm của luật gia Nguyễn Quốc Tấn Trung trong bài viết dưới đây. Tác giả phản bác hai lập luận phổ biến nhất của cả hai phe ủng hộ và phản đối quyết định của các công ty công nghệ nêu trên.
***
Thứ rõ ràng mà chúng ta đang thấy hiện nay là Donald Trump sẽ còn là ngòi nổ cho nhiều cuộc tranh luận, chia rẽ và bất đồng. Việc Facebook, Twitter và các mạng xã hội dưới quyền của họ (như Instagram do Facebook nắm giữ) ra quyết định khóa tài khoản vĩnh viễn hoặc tạm thời đối với Donald Trump tiếp tục là một đề tài gây tranh cãi gay gắt với hàng chục luận điểm đối ngược lẫn nhau.
Không muốn rơi vào một vực sâu thăm thẳm giữa ai đúng ai sai, người viết xin mạn phép bình luận một cách biện chứng lập luận từ cả hai phe.
Phản hồi: Chủ thể tư đấy, nhưng không gian công.
Về mặt lý thuyết, người viết không thể khẳng định rằng lập luận thứ nhất này là hoàn toàn sai.
Facebook và Twitter, về mặt bản chất, là các công ty thương mại tư nhân, hoạt động vì lợi nhuận. Họ có vai trò riêng và thậm chí là quyền ngôn luận riêng của chính họ (media right).
Ở mặt khác, cũng đúng rằng Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ chỉ điều chỉnh mối quan hệ giữa công dân với các cơ quan nhà nước. Tu chính án này cấm Quốc hội Hoa Kỳ (mà sau này được mở rộng ra đối với mọi cơ quan công quyền dù là liên bang hay tiểu bang) ban hành các đạo luật điều chỉnh hay hạn chế tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do hội họp hay báo chí…
Tuy nhiên, cho rằng Facebook và Twitter muốn cấm ai, muốn cấm thế nào thì cấm, theo người viết, là một lập luận có hại các hoạt động dân sự trong không gian mới và tình hình mới.
Trong một án lệ quan trọng mới đây, Packingham v. North Carolina, ban hành vào năm 2017, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ giải đáp cho câu hỏi rằng chính quyền có quyền cấm những kẻ phạm tội tình dục sử dụng mạng xã hội (như Twitter, Facebook) sau khi mãn hạn tù hay không.
Các thẩm phán đã tìm mọi cách để đưa ra một quyết định mang tính đồng thuận tuyệt đối. Họ cho rằng đây là án lệ đầu tiên mà Tối cao Pháp viện giải quyết một vấn đề trực tiếp liên quan đến mạng xã hội và quyền tiếp cận chúng, và vì vậy, một góc nhìn bao quát, có sự đồng thuận cao là rất cần thiết.
Chánh thẩm Anthony Kennedy, đại diện toàn bộ Pháp viện, ghi nhận:
“Tinh thần chung của Tu chính án thứ Nhất là cho phép mọi công dân được tiếp cận với những kênh thông tin nơi mà họ có quyền được nói, quyền được lắng nghe, quyền được phản hồi, và từ đó nói và lắng nghe thêm lần nữa” – “Các nền tảng mạng xã hội ngày nay chính là nơi mà môi trường trao đổi tự do đó đang diễn ra, dưới sự bảo vệ của Hiến pháp”.
Thẩm phán Elena Kagan bổ sung thêm: “Ai cũng đang sống trên Twitter” (“Everybody is on Twitter”).
Mạng xã hội, do đó, chính là không gian mới mà đời sống dân sự (civic life) đang diễn ra.
Hiển nhiên, người viết nhận thức được rằng án lệ này nhắm đến luật do một tiểu bang ban hành, nhưng thông điệp và tầm nhìn của Tối cao Pháp viện về tính dân sự và công cộng của mạng xã hội là còn đủ sức nặng, hoàn toàn có thể được xem là phần “ratio decidendi” để sử dụng được cho các bản án sau này.
Chúng ta có thể khẳng định Facebook và Twitter là các pháp nhân tư doanh, nhưng chúng ta cũng cần nhận thức được rằng không gian mà họ kiểm soát và nắm giữ đã không thể còn được xem là không gian tư nhân nữa. Trong trường hợp đó, người viết tin tưởng rằng Tu chính án thứ Nhất có thể được áp dụng cho không gian công cộng do các chủ thể tư như Facebook hay Twitter kiểm soát.
Phản hồi: Nguyên tắc Gây hại (Harm Principle)
Sau khi phản bác các quan điểm của phe ủng hộ việc chặn Trump, người viết cũng phải thừa nhận rằng Trump không chỉ đang thực hành quyền tự do ngôn luận của mình.
Ông liên tục phủ nhận tính hợp pháp của kết quả bầu cử? Đó là quyền của ông.
Ông liên tục cáo buộc có gian lận phiếu bầu tại các tiểu bang? Theo tiêu chuẩn Mỹ, đó cũng là quyền của ông.
Ông kêu gọi những người ủng hộ mình biểu tình hay khởi kiện? Đó cũng lại là quyền của ông, hẳn nhiên theo tiêu chuẩn Mỹ.
Tuy nhiên, cho đến nay, có thể thấy những lời kêu gọi của Trump không đơn thuần là ý kiến hay quan điểm.
Ông liên tục tạo áp lực và tấn công người cộng sự, phó tổng thống, đồng minh chính trị trung thành nhất của mình là Mike Pence, yêu cầu ông này không chứng nhận kết quả bỏ phiếu đại cử tri. Trump khẳng định nước Mỹ cần sự thật, và rằng những người công nhận kết quả bầu cử là làm hại đến nền dân chủ Mỹ.
Chính bản thân Trump nhắc đi nhắc lại ngày 06/01/2021, đưa nó trở thành một ngày trọng đại đối với những người ủng hộ ông. Trong một bài cổ vũ người biểu tình, Trump viết một cách mù mờ: “Hãy đến! Và hãy hoang dại!” (Be there! Will be wild). Cùng với những catchphrase mà chính ông sáng tác như “Chặn đứng trò ăn cướp!” (Stop the steal) và“Cứu lấy nước Mỹ!” (Save America!), một thông điệp có phần cứng rắn, dễ bị lan truyền và suy diễn mạnh mẽ bên trong các nhóm ủng hộ viên của ông.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng cho đến tận lúc này, cả hai chàng khổng lồ công nghệ vẫn chưa có bất kỳ động thái nào chặn hay cản trở Trump. Chỉ cho đến khi những lời kêu gọi liên hồi của Trump gây ra hậu quả thực tế là Điện Capitol bị tấn công và hệ quả là đến năm người chết, Twitter và Facebook mới can thiệp.
Về mặt pháp lý, hoàn toàn có thể bảo vệ quyết định này của hai tập đoàn công nghệ.
Như Luật Khoa đã phân tích trong một số bài viết trước đó, ở Hoa Kỳ, tòa án đưa ra hai tiêu chí là “đe dọa thực tế” (true threat) và “hành vi vô pháp tức thời” (imminent lawless action) để xem xét việc một ngôn luận có nên bị ngăn chặn hay không.
Trong đó, “đe dọa thực tế” là tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh mà bất kỳ một cá nhân lý tính nào cũng có thể nhìn thấy và hiểu rằng người nói đang đưa ra một biểu đạt nghiêm túc nhằm gây tổn hại cho người khác.
Còn biểu đạt dẫn đến “hành vi vô pháp tức thời” thì xem xét đến bối cảnh của phát ngôn, xem nó có mục tiêu kêu gọi và kích động một hành vi vi phạm pháp luật ngay lập tức hay không.
Với lịch sử của những lời kêu gọi mà Trump đưa ra suốt một tháng qua, có thể xem Trump đang đưa ra quá nhiều biểu đạt dẫn đến “hành vi vô pháp tức thời”, và thậm chí là nó đã diễn ra.
Đối với trường hợp Facebook, việc cấm tạm thời tài khoản của Trump, ít nhất là cho đến khi ông không còn danh nghĩa tổng thống nữa, ở một mặt nào đó là hợp lý. Điều này nhằm ngăn Trump có các “hành vi vô pháp tức thời” khi vẫn còn nắm giữ quyền lực của một nguyên thủ quốc gia.
Hay trong trường hợp của Twitter, công ty này lý giải rằng họ đã nhiều lần cảnh báo Donald Trump về ngôn từ ca tụng bạo lực của ông (glorification of violence). Công ty này còn chỉ ra ông không chỉ dừng lại ở sự kiện ngày 6/1, mà nhiều video tiếp theo vẫn tiếp tục cho thấy ông còn muốn nhắm đến những ngày lễ quan trọng khác, bao gồm cả buổi tuyên thệ nhậm chức của Joe Biden. Với khả năng leo thang xung đột không có điểm dừng, Twitter khẳng định cho phép Trump vận động trên Twitter là quá nguy hiểm, dù ở tư cách nào đi chăng nữa. Một lập luận mà, theo người viết, đi theo con đường của việc cấm và ngăn chặn những tổ chức vũ trang cực đoan vốn đều được công chúng chấp nhận.
Ngay cả khi bạn không đồng ý với cách tiếp cận trên, nên nhớ rằng với tư cách là một công dân Hoa Kỳ, Trump hoàn toàn có quyền đưa vấn đề này ra các cơ quan tư pháp độc lập của Hoa Kỳ, và thậm chí là biến chuyển câu hỏi về tranh chấp giữa mình và Facebook, Twitter trở thành một câu hỏi bảo hiến, đẩy nó lên tận Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ – một vụ án cực kỳ hứa hẹn với tầm ảnh hưởng chấn động.
***
Sẽ là thật lãng phí nếu chúng ta chỉ dừng thiên truyện “Donald Trump phiêu lưu ký” ở những thông tin loạn xạ và những lời thóa mạ lẫn nhau. Hiểu về cách tự do ngôn luận vận hành quan trọng hơn nhiều.
***
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.