Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
Chiến dịch làm thẻ căn cước rầm rộ, nghị định mới về căn cước công dân thì âm thầm ra đời.
Vào cuối tháng 3/2021, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung một trong những nghị định quan trọng về việc chia sẻ, khai thác dữ liệu cá nhân của công dân.
Nếu bạn vừa làm xong thẻ căn cước công dân gắn chip thì nghị định sửa đổi, bổ sung này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thông tin cá nhân của bạn.
Bạn đã bỏ lỡ những gì?
Nghị định 137/2015/NĐ-CP, [1] do Chính phủ ban hành ngày 31/12/2015 nhằm hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước Công dân (sau đây gọi là “Nghị định 137”) đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào ngày 29/3/2021 bởi Nghị định 37/2021/NĐ-CP (sau đây gọi là “Nghị định 37”). [2]
Luật Căn cước Công dân (được Quốc hội thông qua năm 2014, có hiệu lực từ năm 2016) và nghị định hướng dẫn luật này đều ra đời từ khi người dân chưa có ý niệm gì về thẻ căn cước gắn chip.
Bộ Công an lấy ý kiến về việc sửa đổi Nghị định 137 từ tháng Tám đến tháng 10/2020. [3] Kết quả tìm kiếm bằng Google trong khoảng thời gian này cho thấy chỉ có báo Công an Nhân dân đăng tin về việc này. [4]
Đến cuối tháng 3/2021, nhiều tờ báo mới bắt đầu đưa tin về việc sửa đổi Nghị định 137. Tuy nhiên, các tờ báo này không đi sâu vào những ảnh hưởng của nghị định sau sửa đổi tới dữ liệu cá nhân của bạn.
Nghị định 37 đã có hiệu lực từ ngày 14/5/2021. Dưới đây là những thay đổi bạn cần biết.
Từ nay, công an cấp xã, phường, thị trấn nơi bạn sinh sống đã có thể xem, cập nhật, chỉnh sửa thông tin cá nhân của bạn, theo quy định tại Khoản 5, Điều 5 của Nghị định 137 (được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 3, Điều 1, Nghị định 37).
Việc chỉnh sửa, cập nhật dữ liệu sẽ được thực hiện “từ việc giải quyết thủ tục đăng ký, thay đổi, điều chỉnh thông tin cư trú của công dân; cơ sở dữ liệu hộ tịch hoặc giấy tờ hộ tịch, sổ sách quản lý về cư trú”.
Trước đây, công an xã chỉ có trách nhiệm thu thập dữ liệu về công dân (gồm thông tin cư trú, hộ tịch và thông tin khác do công dân cung cấp) rồi chuyển cho công an cấp huyện. Công an cấp huyện mới có thể cập nhật các dữ liệu này vào Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư.
Sự thay đổi giúp công an xã có thể xem tất cả các thông tin về nhân thân, nơi bạn từng tạm trú, lưu trú trong quá khứ. Thông tin lưu trú bao gồm cả thông tin bạn đăng ký khi nhận phòng ở nhà nghỉ, khách sạn. [5]
Việc cấp quyền này có thể đẩy nhanh tốc độ cập nhật, xử lý dữ liệu, nhưng cũng mang đến rủi ro cao đối với thông tin của bạn.
Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư là một cơ sở dữ liệu dày đặc thông tin. Trong tương lai, cơ sở này sẽ kết nối thêm nhiều dữ liệu chuyên ngành khác như tài chính, đất đai, y tế, bảo hiểm, v.v.
Quy định hiện tại vẫn chưa nêu rõ ràng liệu công an xã có được quyền xem những thông tin khác của người dân hay không và cơ chế đối với việc lạm dụng việc khai thác này sẽ được xử lý thế nào. Việc này tạo ra mối quan ngại rằng công an có thể tự tiện thu thập, khai thác thông tin của bạn vì mục đích cá nhân.
Ngoài ra, theo nghị định sửa đổi, công an cấp xã còn được cấp quyền phê duyệt khi cá nhân khác thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn yêu cầu “khai thác” dữ liệu của bạn theo Khoản 4, Điều 9 của Nghị định 137 (được bổ sung theo Khoản 7, Điều 1 của Nghị Định 37) nhưng lại không quy định rõ những yêu cầu cần thiết. Bên cạnh đó, luật cũng thiếu cơ chế quy định cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải hỏi ý kiến của bạn trước khi cung cấp thông tin, hoặc thông báo cho bạn biết họ đã cung cấp thông tin cho ai, để phục vụ mục đích gì và trong thời hạn bao lâu.
Khoản 3, Điều 9 của Nghị định 137 (sửa đổi, bổ sung tại Khoản 7, Điều 1 của Nghị định 37) cho phép các tổ chức chính trị – xã hội (gồm Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh) từ cấp trung ương, cấp tỉnh đến cấp xã được khai thác dữ liệu cá nhân của bạn. Trưởng công an huyện có quyền cấp phép cho những tổ chức này.
Bạn có thể cảm thấy yên tâm một chút khi đọc Điều 8, với quy định rằng các tổ chức chính trị – xã hội chỉ được khai thác dữ liệu cá nhân của bạn “theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao”.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là “chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn” của những tổ chức này không cụ thể, và rất có thể được diễn giải tùy tiện.
Ví dụ, một trong những chức năng của Hội Liên hiệp Phụ nữ là “đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước”. [6] Hay một trong những nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên là “đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam, là lực lượng xung kích cách mạng, là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên”. [7]
Những câu chữ mơ hồ như thế không giúp chúng ta xác định được giới hạn trong việc khai thác dữ liệu cá nhân của những tổ chức này.
Ngoài việc khai thác, quy định mới còn nêu rõ các tổ chức này có trách nhiệm chia sẻ thông tin về công dân vào cơ sở dữ liệu chung (xem Khoản 1, Khoản 2 Điều 7; Khoản 1, Điều 8, Nghị định 137 được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 6, Điều 1, Nghị định 37). Quy định này có khả năng giúp chính quyền củng cố việc kiểm soát các cá nhân trong tương lai.
Giả sử, một thành viên Hội Liên hiệp Phụ nữ bị đánh giá là không đạt yêu cầu về hoạt động hội, tư tưởng chính trị. Liệu các đánh giá này có được ghi chép vào dữ liệu cá nhân và gây ảnh hưởng đến các thủ tục hành chính khác của người này hay không?
Một vấn đề khác là trong tương lai, Việt Nam sẽ cho phép các công đoàn độc lập hoạt động. [8] Liệu những công đoàn độc lập có được quyền khai thác dữ liệu cá nhân như Công đoàn của nhà nước?
Nghị định mới cũng thay đổi yêu cầu cập nhật thông tin vào Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư. Theo đó, Điểm c, Khoản 2, Điều 4 của Nghị định 137 (bổ sung theo Khoản 2, Điều 1, Nghị định 37) quy định về việc phải lưu trữ lại “lịch sử các lần cập nhật, thay đổi, điều chỉnh” dữ liệu cá nhân của bạn.
Tuy vậy, nghị định này lại không nhắc đến một việc quan trọng không kém: lịch sử các lần dữ liệu của bạn được chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư mở cho các tổ chức, cá nhân có thể yêu cầu khai thác dữ liệu. Dữ liệu cá nhân của bạn đương nhiên nằm trong dữ liệu mà các tổ chức, cá nhân có thể yêu cầu truy cập.
Điều 5, Dự thảo Nghị định Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân của Bộ Công an quy định chủ thể dữ liệu sẽ được thông báo các thông tin khi dữ liệu cá nhân của mình được xử lý, và có thể yêu cầu chấm dứt việc xử lý dữ liệu, hoặc dữ liệu có thể bị xử lý mà không cần sự đồng ý. [9]
Theo dự thảo này, xử lý dữ liệu bao gồm “thu thập, ghi, phân tích, lưu trữ, thay đổi, tiết lộ, cấp quyền truy cập, truy xuất, thu hồi, mã hóa, giải mã, sao chép, chuyển giao, xóa, hủy dữ liệu cá nhân hoặc các hành động khác có liên quan”.
Tuy nhiên, dự thảo không nói về việc bạn sẽ được thông báo như thế nào nếu dữ liệu cá nhân của bạn được xử lý. Hơn nữa, đây mới chỉ là một dự thảo, còn việc khai thác dữ liệu của bạn thì đã được thực hiện bấy lâu nay bằng Nghị định 137.
Thật khó để giải thích vì sao chính quyền có thể thêm quy định lưu lại lịch sử cập nhật, chỉnh sửa dữ liệu cá nhân vào lần sửa đổi này, nhưng lại không thêm được quy định lưu lại và cho phép xem lịch sử các lần dữ liệu của bạn được chia sẻ hay xử lý.
Theo nghị định sửa đổi, người dân có thể khai thác dữ liệu của mình trong Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư bằng cách nhắn tin hoặc thông qua Cổng Dịch vụ Công Quốc gia, Cổng Dịch vụ Công của Bộ Công an. Các thủ tục này sẽ được cơ quan công an hướng dẫn.
Vấn đề đặt ra là mức độ tự khai thác thông tin của bạn không được nêu cụ thể.
Bản dự thảo lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 137 (công bố vào tháng 8/2020) có quy định về những thông tin nào bạn được cung cấp qua tin nhắn và cổng thông tin điện tử. [10]
Theo đó, dù bạn khai thác thông tin của mình qua tin nhắn hay cổng thông tin điện tử thì sẽ nhận về các thông tin sau: “Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quê quán; nơi thường trú; nơi tạm trú; nơi ở hiện tại; quan hệ với chủ hộ; họ, chữ đệm, tên của chủ hộ và các thành viên trong hộ gia đình.”
Có thể thấy, ngoài những thông tin từ nơi tạm trú trở đi, các thông tin còn lại đều đã được in trên thẻ căn cước của bạn.
Quy định này cuối cùng đã bị lược bỏ trong nghị định chính thức. Vậy, cơ quan công an sẽ dựa trên căn cứ pháp lý nào để quyết định bạn sẽ được cung cấp nội dung nào trong số những thông tin của chính mình?
Việc được khai thác thông tin của mình một cách đầy đủ là vấn đề rất quan trọng. Nó giúp bạn kiểm soát dữ liệu cá nhân và giám sát chính quyền trong việc thu thập thông tin về mình.
1. Nghị định 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-137-2015-ND-CP-huong-dan-Luat-Can-cuoc-cong-dan-282742.aspx
2. Nghị định 37/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Nghi-dinh-37-2021-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-137-2015-ND-CP-huong-dan-Luat-Can-cuoc-cong-dan-449402.aspx
3. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân. http://bocongan.gov.vn/vanban/Pages/van-ban-moi.aspx?ItemID=480
4. Nguyễn Hưng (2020, August 7). Lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân. Công an Nhân Dân. http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Bo-Cong-an-lay-y-kien-du-thao-Nghi-dinh-sua-doi-bo-sung-Luat-Can-cuoc-cong-dan-606295/
5. Cách phân biệt cư trú, thường trú, lưu trú, tạm trú đơn giản nhất. https://luatvietnam.vn/hanh-chinh/cu-tru-thuong-tru-tam-tru-luu-tru-570-22799-article.html
6. Chức năng, nhiệm vụ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. http://hoilhpn.org.vn/chuc-nang-nhiem-vu1
7. Giới thiệu về Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. http://doanthanhnien.vn/gioi-thieu
8. Lê, H. (2020, July 16). Bộ Chính trị sẽ phê duyệt đề án đổi mới tổ chức công đoàn Việt Nam. Thanh Niên Online. https://thanhnien.vn/thoi-su/bo-chinh-tri-se-phe-duyet-de-an-doi-moi-to-chuc-cong-doan-viet-nam-1252255.html
9. Dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân (2021, February) https://drive.google.com/file/d/1CLax6zzs2lqwmsbXAEUa8Vw9L7ZJimnd/view
10. Xem 4.