Thư cuối tuần - 09/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Điểm khác biệt nằm ở chỗ: chúng ta có nghĩ cho nhau như người với người?
Việc toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam chống dịch bằng cách cưỡng chế đã không còn là chuyện lạ.
Việc cưỡng chế cách ly tập trung đối với người nhiễm bệnh được làm rất rầm rộ và nhiệt tình khi dịch vừa bùng nổ, nay hóa ra được các “chuyên gia” cho là không phải cách hay (?!). [1]
Việc cưỡng chế người dân ở nhà bằng hằng hà sa số những văn bản trên trời, nay thế này mai thế khác cũng đã được các cây bút Luật Khoa chấm phá nhiều nét. Chính sách ngăn sông cấm chợ này đến nay cũng được “giải thích” lại là thiếu thực tế. [2]
Rồi sau đó là cưỡng chế doanh nghiệp không được mở cửa, shipper không được giao hàng. Và thậm chí là cưỡng chế bác sĩ, nhân viên y tế không được nghỉ việc. [3]
Nay, với hình ảnh đập cửa, phá khóa, xông vào nhà bắt người, bẻ ngoặt tay người mẹ rồi lôi đi xét nghiệm trong tiếng gào khóc của trẻ nhỏ, đó lại là một sản phẩm “quỷ khóc thần sầu” khác của các nhà chấp pháp chuyên nghiệp Việt Nam.
Cái sai về thủ tục, về thẩm quyền, về quy định pháp luật nói chung từ cao xuống thấp, từ trái sang phải thì đã có chuyên gia pháp luật Việt Nam giải thích rõ ràng. [4]
Với tư cách là một người nghiên cứu luật, tôi chỉ muốn đóng góp thêm vài góc nhìn so sánh trước khi những cây bồi bút như Tifosi dùng tin giả để nói hươu nói vượn rằng “nước ngoài cũng thế”.
***
Ngày tôi vừa đến xứ lạ quê người trong đại dịch, tôi cũng khá lo lắng về việc mình sẽ phải tụ tập chỗ đông người, và bị những nhân viên y tế nhễ nhại mồ hôi, vốn đã đụng chạm với hàng trăm người trước đó, hì hục “ngoáy mũi”.
Lo lắng của tôi hóa ra chỉ là lo bò trắng răng.
Ngoại trừ lần xét nghiệm tại sân bay, các nhân viên y tế phát cho tôi hai bộ xét nghiệm tại nhà (bao gồm đầy đủ các vật dụng như lúc test tại chỗ). Họ dặn dò tôi đọc kỹ những thông tin hướng dẫn đi kèm, và nói sẽ gọi điện hướng dẫn thêm khi ngày xét nghiệm gần đến.
Cách hai ngày trước khi đến ngày xét nghiệm, nhân viên gọi điện yêu cầu tôi đặt một cuộc gọi online với cơ quan y tế bang để xác định thời gian trong ngày (tối đa 15 phút) mà tôi có thể làm xét nghiệm.
Đến ngày, tôi ngồi trước màn hình máy tính và được nhân viên hướng dẫn lại một lần nữa. Người này chứng kiến tôi tự lấy mẫu dịch trong mũi của mình và bỏ vào ống bảo quản. Sau đó, tôi đóng gói ống dịch theo kiện hàng được cho sẵn, dán nhãn cũng do họ cho sẵn, và gửi cho FedEx theo cơ chế đặc biệt đến cơ quan xét nghiệm.
Tôi không lo lắng về việc phải tập trung đông người, phải mất thời gian chờ hàng tiếng đồng hồ để có tờ giấy xét nghiệm mà bản thân không biết họ có ghi nhầm tên hay nhầm kết quả của mình hay không.
Cơ quan nước bạn, dù rất nhiều lần gửi mail nhắc nhở rằng việc cố tình trốn tránh xét nghiệm có thể có hệ quả pháp lý hình sự và con số tiền phạt có thể lên đến hàng trăm ngàn đô-la, cũng không hùng hục gửi áo xanh áo vàng đến trước cửa căn hộ AirBnB của tôi mà chặt chém ổ khóa kèm chửi bới vang vọng khắp một góc trời.
Cái lý do quan trọng nhất của sự khác biệt giữa nước ta và nước bạn, mà ở đây chỉ mới nói đến trong trải nghiệm của tôi, là việc nghĩ cho nhau như người với người.
Có hàng tá lý do mà một người không muốn bị người khác lấy mẫu xét nghiệm.
Theo phân tích của hai nhà khoa học Jane Williams và Bridget Haire trên trang The Conversation, [5] những người từ chối xét nghiệm trực tiếp có thể bao gồm người bị chấn thương tâm lý vì là nạn nhân của bạo lực trong quá khứ; người chưa đủ tin tưởng hệ thống y tế nhà nước; người lo ngại việc xét nghiệm và tiếp xúc với quá nhiều nhân viên y tế (như tôi); người lo sợ việc bị phát hiện dương tính đồng nghĩa với việc họ có thể bị ép đi chữa trị tập trung tại những nơi mà họ không biết là đâu.
Dù vì lý do gì đi chăng nữa, và dù quần chúng có thể gọi họ là “ích kỷ”, “thiếu suy nghĩ”, các quốc gia phát triển như Úc từ chối việc sử dụng vũ lực để bắt buộc xét nghiệm COVID.
Hai tác giả nêu trên nhấn mạnh hai lý do cho việc này: trước tiên là quyền tự do thân thể (right to bodily integrity) và quyền riêng tư (right to privacy), sau đó là nghĩa vụ và tôn chỉ của hầu hết các nhân viên y tế rằng họ chỉ có thể thực hiện việc khám chữa bệnh với sự đồng ý tự nguyện của người được khám. Nhờ vậy, các cơ quan y tế ở Úc luôn nhớ rằng họ sẽ chỉ sử dụng vũ lực như là biện pháp cuối cùng. Và biện pháp cuối cùng ấy cũng sẽ phải trải qua hàng loạt các tiêu chuẩn tư pháp khác.
Tại sao chính quyền Việt Nam cho đến nay vẫn không nghĩ ra nổi cách để người dân lấy mẫu tại tư gia, với đầy đủ tiện nghi, an toàn và sự riêng tư?
***
Nói rộng ra hơn nữa, dù hầu hết các quốc gia đều cân nhắc ý tưởng xét nghiệm bắt buộc (mandatory testing), nó rất khác với kiểu xét nghiệm cưỡng bức (coerced testing) mà các nhà chấp pháp “thần thánh” tại Bình Dương đang thực hiện. Xét nghiệm COVID-19 bắt buộc là quy định yêu cầu người dân chứng minh rằng họ không mắc COVID-19 tại thời điểm gần nhất khả dĩ như một điều kiện hình thức, và trong hoàn cảnh họ cần đi ra ngoài. [6]
Ở Canada, ngay cạnh hai cổng ra vào khuôn viên trường tôi, chính quyền địa phương đặt một loạt các phòng lấy mẫu tại chỗ và trả kết quả trong ngày (hiển nhiên là miễn phí). Đây là một giải pháp tình thế để giúp các sinh viên muốn vào khuôn viên, sử dụng thư viện hay các dịch vụ khác của trường mà vẫn chưa (hoặc không thể) tiêm vaccine đầy đủ. Lưu ý là trong trường hợp những sinh viên này muốn vào trường, yêu cầu “bắt buộc” của việc xét nghiệm COVID-19 mới phát sinh. Trong trường hợp họ vẫn học online và tự cách ly ở nhà, quyền xét nghiệm hay không nằm ở họ.
Tương tự, ở Vương quốc Anh, quy định xét nghiệm bắt buộc thường được giao cho các tổ chức tư nhân tự quyết định, và hẳn nhiên chỉ phục vụ cho mục đích của người dân muốn ra ngoài để sử dụng một loại dịch vụ nhất định nào đó.
Những nhân viên không muốn tiêm vaccine có thể bị bên tuyển dụng yêu cầu xét nghiệm theo một tần suất nhất định (thường là mỗi hai tuần một lần). Họ cũng được khuyến khích bảo đảm các điều kiện làm việc giúp cho người lao động bỏ thời gian đi xét nghiệm không cảm thấy lo lắng (ví dụ như đảm bảo trả lương khi vắng mặt). [7]
Các nhà hát nổi tiếng tại Anh hiện nay cũng có thể đề nghị khán thính giả muốn tham gia dự khán trực tiếp, nhưng chưa tiêm vaccine, phải có kết quả âm tính trong thời hạn 48 giờ. [8]
Nhìn chung, không ai lại phá cửa nhà một người không có bất kỳ triệu chứng gì để cưỡng bức xét nghiệm cả.
Ngay cả Đài Loan, một trong những quốc gia áp dụng chính sách xét nghiệm chủ động (proactive testing) đầu tiên và mạnh mẽ nhất thế giới, cũng chưa dùng đến bạo lực để bắt buộc những người dân cách ly tại nhà phải xét nghiệm. [9] Trong nỗ lực mới nhất của Đài Loan trong việc chuẩn bị đối phó với biến chủng Delta, chính quyền Đài Bắc cũng từ bỏ các chiến dịch gõ cửa từng nhà hay bắt buộc tập trung xét nghiệm. [10] Thay vào đó, 82 cơ sở y tế lớn khắp đất nước được giao thẩm quyền, tự quyết định xem người nào có nguy cơ mắc COVID-19 và cần thực hiện xét nghiệm tại nhà. Các bộ xét nghiệm cũng được cung cấp miễn phí để người dân tự xét nghiệm một cách thoải mái nhất, tương tự như trường hợp của người viết nói trên. Đây mới thật sự là biện pháp đúng để giải phóng nguồn lực y tế và lấy mẫu xét nghiệm, lại nhanh chóng, an toàn hơn cả.
***
Bệnh “ngáo xét nghiệm” không phải là hiện tượng mới tại Việt Nam. Rất nhiều trường hợp được chia sẻ cho thấy tình trạng chính quyền địa phương bắt ép xét nghiệm ngày đêm, từ tỉnh thành này qua tỉnh thành khác, và có khi chỉ cách nhau có vài tiếng đồng hồ. Người dân lâu nay chỉ bông đùa vài câu cho qua, và chấp nhận thực hiện với kỳ vọng rằng chính sách của chính quyền là đúng, và nó sẽ giúp kiểm soát được bệnh dịch.
Nay, thấy cách lực lượng chấp pháp phá cửa nhà, bắt bớ một người chỉ vì không xuống xét nghiệm tập trung đúng giờ, trong khi người này thực hiện đúng các biện pháp giãn cách và không có triệu chứng gì; có lẽ chúng ta nên đặt dấu hỏi về mục tiêu thật sự của chính sách xét nghiệm diện rộng.
Chú thích
1. Tuổi Trẻ Online. (2021, September 21). Sở Y tế TP.HCM: Bóc tách F0 không phải là đưa cách ly tập trung. https://web.archive.org/web/20210922121205/https://tuoitre.vn/so-y-te-tp-hcm-boc-tach-f0-khong-phai-la-dua-cach-ly-tap-trung-20210921175556805.htm
2. Quỳnh H. (TTXVN) (2021, March 25). Không thể đóng cửa mãi khi đã có phương thức kiểm soát COVID-19. Copyright © 2020 by baotintuc.vn. https://baotintuc.vn/thoi-su/khong-the-dong-cua-mai-khi-da-co-phuong-thuc-kiem-soat-covid19-20210325174536471.htm
3. Quản, V. V. (2021b, September 8). Tước bằng hành nghề của y, bác sĩ nghỉ việc: Hoàn toàn trái luật và sai về tư duy. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/09/tuoc-bang-hanh-nghe-cua-y-bac-si-nghi-viec-hoan-toan-trai-luat-va-sai-ve-tu-duy/
4. Hoàng Điệp (2021, September 29). Phá cửa cưỡng chế dân đi xét nghiệm: Trái pháp luật! TUOI TRE ONLINE. Bài viết này đã bị gỡ, mời xem bản lưu trên bộ nhớ cache tại link
5. Williams, J., & Haire, B. (2020, July 3). Why some people don’t want to take a COVID-19 test. The Conversation. https://theconversation.com/why-some-people-dont-want-to-take-a-covid-19-test-141794
6. Giles, V. (2021, January 18). The Legality Of Mandatory COVID Testing. Coronavirus (COVID-19) - Canada. https://www.mondaq.com/canada/reporting-and-compliance/1026780/the-legality-of-mandatory-covid-testing
7. Workplace testing for coronavirus (COVID-19) - Acas. (2021). ACAS. https://www.acas.org.uk/working-safely-coronavirus/testing-staff-for-coronavirus
8. LW Theatres Audience Guide | Coronavirus Safety Measures. (2021). LW Theatres. https://lwtheatres.co.uk/lw-theatres-audience-guide/
9. Hao-Yuan Cheng, Angela Song-En Huang, Proactive and blended approach for COVID-19 control in Taiwan, Biochemical and Biophysical Research Communications, Volume 538, 2021, Pages 238-243, ISSN 0006-291X, https://doi.org/10.1016/j.bbrc.2020.10.100.
10. Tzu-Ti, H. (2021, August 31). 82 clinics in Taiwan offer free rapid COVID test kits. Taiwan News. https://www.taiwannews.com.tw/en/news/4279282