Khi nhà báo méc công an

Ba điểm trớ trêu khi nhà báo Nguyễn Đức Hiển “méc” công an đòi xử tội bà Nguyễn Phương Hằng.

Khi nhà báo méc công an
Ảnh minh họa: Luật Khoa. Ảnh gốc: 123rf, Dân Việt.

Cách đây vài tháng, Luật Khoa có đăng bài “Vinfast ‘méc công an’ và 3 nguyên nhân của một thứ văn hóa pháp lý rùng rợn” của tác giả Võ Văn Quản. [1] Ấy là vì công ty ô-tô Vinfast muốn bịt miệng một khách hàng nên tố cáo người này ra công an, nhờ công an dọa khách hàng giúp.

Nhưng đấy là một công ty ô-tô. Chuyện sẽ trớ trêu hơn nhiều khi người muốn bịt miệng người khác lại là một nhà báo, càng trớ trêu hơn khi đó lại là phó tổng biên tập của một tờ báo lớn.

Đó là nhà báo Nguyễn Đức Hiển của tờ Pháp luật TP. Hồ Chí Minh.

Theo báo này, ông Hiển đã nộp đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng tới Công an Bình Dương ngày 26/10, đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhằm điều tra hành vi phạm tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của cá nhân ông. [2]

Ông Hiển cho rằng bà Hằng đã livestream nhục mạ, bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ông khi gọi ông là “nhà báo hai mặt”, “nhà báo nói láo”, “núp lùm biến chất biến thái”, “nó đồi bại nó đê hèn”, “nó ngồi xổm trên pháp luật”.

Nếu bà Hằng bị kết án theo đơn tố giác tội phạm của ông Hiển thì bà có thể phải chịu án tù tới bảy năm theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Ở đây có mấy điều trớ trêu thế này:

Một, chính ông Hiển cũng có dấu hiệu gây tổn hại tới uy tín, danh dự của bà Hằng bằng… ngôn từ của mình, rồi sau đó mới bị bà Hằng tấn công lại.

Hồi tháng Sáu, ông Hiển trả lời phỏng vấn đài VOV1, gọi bà Hằng là “ngây thơ”, “cố tình ngây thơ”, “quá lố”, “thiếu tôn trọng”, “lách qua lời hứa của chính mình”, “miệt thị”, “nhục mạ”, vu khống”, “không kiểm soát được ngôn từ”, “cao hứng”, “tự nghĩ rằng mình là một người của công chúng”. [3]

Đó là lý do bà Hằng tấn công lại ông Hiển, sau đó ông Hiển “méc” công an Bình Dương.

Rồi trong chính bài báo trên Pháp luật TP. Hồ Chí Minh sau khi gửi đơn tố giác, ông Hiển cũng mô tả bà Hằng là “chỉ dựa vào cảm xúc quá khích cá nhân”, “thiếu chuẩn mực”, “gây chiến tranh tâm lý chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân”, “kích động người khác”.

Câu hỏi đặt ra với nhà báo Hiển là: lý do gì ông được lên báo nói những lời tiêu cực về bà Hằng mà bà Hằng không được lên Youtube nói những lời tiêu cực về ông? Lý do gì ông được tự do ở bên ngoài tấn công bà Hằng mà bà Hằng lại phải vào tù vì tấn công lại ông?

Hai, chuyện của các cá nhân nhưng lại viện đến công an để giải quyết.

Chuyện các cá nhân cãi nhau là chuyện của họ với nhau. Lý ra họ không nên làm tốn tiền thuế của người dân bằng cách đi nhờ công an xử lý giùm.

Công an không thiếu tội phạm thực sự để phải quan tâm, lý do gì họ phải bỏ thời gian, công sức, và ngân sách nhà nước ra để đi xử lý chuyện hai người cãi nhau?

Ông Hiển có thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm thì có thể khởi kiện bà Hằng ra tòa dân sự, nhờ tòa giải quyết và trả án phí cho tòa làm việc. Đó là lẽ thường tình của một xã hội bình thường.

Còn nếu chiếu theo Điều 331 Bộ luật Hình sự thì bà Hằng cũng có thể tố giác ông Hiển ra công an, đề nghị khởi tố ông Hiển về đúng cái tội mà ông Hiển đang tố giác bà Hằng, “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

Ba, ông Hiển đang tự bắn vào chính nghề báo của mình.

Nghề báo là nghề nói. Cái nghề đó gắn chặt với quyền tự do nói. Và mặc dù quyền tự do nói cũng có giới hạn của nó, nhưng trong tuyệt đại đa số các trường hợp, không ai nên bị kết án hình sự vì chỉ trích, công kích, vu khống, xâm hại uy tín người khác. Trường hợp của bà Hằng thì chắc chắn không nên là một vụ hình sự.

Đó là một tranh chấp dân sự.

Nó cần phải được giải quyết theo con đường dân sự: tòa dân sự, trọng tài, trung gian hòa giải. Xong việc ai về nhà nấy, chứ không ai nên bị tống vào tù.

Nếu tống được bà Hằng vào tù thì nhẽ ra ông Hiển cũng nên bị tống vào tù vì đã xúc phạm bà Hằng. Có thể án của ông Hiển nhẹ hơn bà Hằng chút, nhưng cơ bản thì ông Hiển cũng phải bị vào tù.

Và nếu như vậy thì hàng trăm, hàng nghìn nhà báo trên đất nước Việt Nam này cũng nên bị tống vào tù, vì chắc chắn họ đã từng có những bài viết, phát ngôn có thể bị cho là xúc phạm đến người khác.

Và rồi tiếp theo nữa, hàng chục triệu người Việt Nam, bất kể dân hay quan, cũng nên bị tống vào tù, vì chắc chắn là không lâu sau khi biết nói, họ đã ít nhất một lần xúc phạm người khác.

Đó là một cuộc đua xuống đáy, không ai thắng, chỉ toàn thua. Người duy nhất hưởng lợi là chính quyền.

Chính quyền đã tạo ra một điều luật hình sự mơ hồ tới mức tối đa và hoàn toàn thất bại về kỹ thuật lập pháp để nhét giẻ vào miệng người dân. Đó chính là Điều 331 mà ông Hiển đang dùng để tố cáo bà Hằng.

Nó mơ hồ vì không định nghĩa rõ hành vi, khi “lợi dụng” là một từ gần như hoàn toàn vô nghĩa trong luật pháp.

Nó thất bại về kỹ thuật lập pháp vì luật vốn được đặt ra để làm rõ lằn ranh giữa cái bị cấm và cái được làm. Một khi không bị cấm thì người ta được làm thoải mái và không ai có thể nói là họ đang lợi dụng cái quyền của họ. Điều luật này hoàn toàn không giải quyết được chức năng tối thiểu đó của một điều luật.

Và vì tính mơ hồ của Điều 331 mà chính quyền đã dùng nó một cách có chọn lọc để bỏ tù những người họ không thích, như blogger Anh Ba Sàm hay nhóm Báo Sạch. Còn nếu áp dụng nó một cách triệt để thì như tôi đã phân tích ở trên, ông Hiển đã vào tù, và hàng chục triệu người khác, bao gồm cả rất nhiều công an và quan chức cấp cao nhất, cũng phải vào tù.

Với việc tố giác bà Hằng ra công an, ông Hiển đã bắn một phát trúng… mồm của tất cả mọi người khác trong xã hội, trong đó có cả các đồng nghiệp của ông trong ngành báo chí.


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.


Chú thích:

1.  Quản, V. V. (2021, May 5). Vinfast “méc công an” và 3 nguyên nhân của một thứ văn hóa pháp lý rùng rợn. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2021, from https://www.luatkhoa.org/2021/05/vinfast-mec-cong-an-va-3-nguyen-nhan-cua-mot-thu-van-hoa-phap-ly-rung-ron/

2.  Tân, N. (2021, October 26). Nhà báo Nguyễn Đức Hiển tố giác bà Nguyễn Phương Hằng. PLO. Retrieved 2021, from https://plo.vn/thoi-su/nha-bao-nguyen-duc-hien-to-giac-ba-nguyen-phuong-hang-1024116.html

3.  Không thể cho mình quyền xúc phạm bất kỳ ai trên mạng. (2021). VOV.VN. Retrieved 2021, from https://vov.vn/phap-luat/khong-the-cho-minh-quyen-xuc-pham-bat-ky-ai-tren-mang-865534.vov

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.