Nhóm lợi ích trong các chế độ độc tài vận hành ra sao
Ở hai phần trước, tác giả đã giới thiệu về sự hình thành, một số đặc điểm và cách thức
Ngoài việc chung, bạn có thể giúp Đoan Trang một việc riêng: gửi thư vào tù động viên Trang.
Hôm nay, 4/11, Luật Khoa tạp chí, The Vietnamese Magazine cùng với The 88 Project mở chiến dịch kêu gọi bạn bè trong nước và nước ngoài gửi thư cho nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang.
Đoan Trang đang ở trong tù mà? Đúng. Bạn sẽ tìm thấy trong album này những thông tin vắn tắt về cuộc đời của Trang và lý do cô phải vào tù. Và đó là lý do Đoan Trang cần những cánh thư của bạn.
Hãy cho Đoan Trang biết bạn ở bên cạnh cô ấy và cô ấy không đơn độc.
Lý do chúng tôi chọn ngày này vì đây đáng lẽ là ngày xét xử Đoan Trang nhưng đã bị tòa hoãn lại. Chiến dịch này cũng đánh dấu sinh nhật lần thứ bảy của Luật Khoa (5/11).
Lá thư của bạn có thể không đến được tay Đoan Trang ngay vì trại giam không cho nhận, chuyện này là hên xui. Nhưng trước hay sau Đoan Trang cũng sẽ nhận được và biết rằng bạn đã đồng hành cùng cô ấy suốt thời gian qua.
Những lá thư của các bạn cũng là lời xác quyết rằng xã hội luôn đứng về phía lẽ phải và những người đấu tranh cho lẽ phải.
Hãy gửi thư cho Đoan Trang theo địa chỉ:
Phạm Thị Đoan Trang, Trại giam số 1 Hà Nội, Ngõ 702, Phúc Diễn, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội. Số giam: 4661 V1-M2 (M5).
Hoặc bạn có thể tạo bưu thiếp cho Đoan Trang theo công cụ chúng tôi tạo sẵn trên Google Form tại đây: https://bit.ly/dearTrang. Chúng tôi sẽ in thư của bạn ra và gửi vào trại giam cho Trang.
Bây giờ, mời bạn làm quen với Trang.
Nhà báo Phạm Đoan Trang sinh năm 1978 ở Hà Nội, là con út trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo.
“Như nhiều đứa trẻ khác, tôi rất sợ ma. Nỗi sợ tăng thêm khi phải ngủ trong đêm mất điện, xòe tay không thấy rõ ngón. Nhìn ra cửa sổ, cả ngõ dài hun hút tối đen như mực. Có ngôi nhà bị cháy nham nhở, tường xám đen lại. Chủ nhà chết cháy đã lâu, không ai ở đó nữa. Có ngôi nhà hai vợ chồng bị tai nạn chết, con cái đến ở với ông bà, cũng không ai dám tới đó.”
“Năm lớp Bảy bắt đầu một quá trình tôi vật lộn với cái cassette nhà hàng xóm để nghe và chép lại các bài rõ tiếng nhất. Bắt đầu một quá trình mượn sổ bài hát của bạn bè để chép các bài hát Beatles với những hàng chữ tiếng Anh sai chính tả, sai ngữ pháp nhoe nhoét… Và tôi lớn lên cùng nhạc Beatles.”
Từ năm 1996 – 2000, Đoan Trang đi học tại trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, chuyên ngành kinh tế quốc tế. Vào lúc này, Trang và những sinh viên khác lần đầu tiên được truy cập Internet.
“Dạo ấy cái anh Internet mới chập chững vào Việt Nam, sinh viên lên mạng hãy còn bẽn lẽn rón rén… Sách chẳng có, thực tế thì rõ ràng là không giống sách rồi, với lại ai cho sinh viên nhong nhong ra vào các công ty, tổ chức lớn để tìm hiểu thực tế… Vì vậy, các sinh viên chăm học có một nguồn tài liệu đặc biệt hữu ích là các bài báo kinh tế – do các nhà báo viết hoặc dịch mà đâu biết rằng đã có bao thế hệ sinh viên kinh tế trưởng thành từ chính những bài báo ấy.”
Mùa đông năm 2000, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đoan Trang bắt đầu thử việc tại báo điện tử VnExpress khi tờ báo này vừa mới thành lập.
“Tôi rất nhớ mùa đông năm 2000 ấy và những ngày tháng đầu tiên làm quen với nghề báo của mình. Đôi khi nhớ lại, tôi vẫn hình dung mình giống như một đứa trẻ, ngây ngô, ngơ ngác, cái gì cũng sợ, gặp ai cũng sợ. Sợ nhiều thứ, nhưng nỗi sợ lớn nhất là viết sai.”
Sau một thời gian giữ chức thư ký tòa soạn tại VnExpress, Đoan Trang chuyển sang làm truyền hình ở Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, rồi sau đó là VietNamNet và Pháp luật TP. Hồ Chí Minh. Cô cùng với Hoàng Nguyên chắp bút cuốn tự truyện được cho là đầu tiên ở Việt Nam về cuộc đời của một người đồng tính, “Bóng”.
Năm 2008 – 2009 Đoan Trang trở thành hiện tượng với loạt bài phân tích sâu về quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đó là những bài viết gây tiếng vang lớn trên chuyên trang Tuần Việt Nam của báo VietNamNet.
“Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ là một phóng viên hiệu quả trong khi tôi thường cảm thấy bất hạnh đè nặng lên trái tim mình.
Nếu bạn là một nhà báo Việt Nam, bạn sẽ có thêm nhiều lý do để cảm thấy buồn, các bạn ạ. Nỗi buồn có đáng hay không chỉ phụ thuộc vào bạn. Nhưng nếu bạn thực sự muốn bình yên, có lẽ bạn không nên đi làm báo.” (2007)
Tháng 8/2009, Đoan Trang bị bắt và bị tạm giữ 9 ngày ở Hà Nội trong một cuộc điều tra về việc in ấn áo thun chống dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Cuộc đời cô sang một hướng khác. Đoan Trang bắt đầu hành trình trở thành một nhà hoạt động dân chủ.
Cô rời Việt Nam năm 2013 để tham gia các hoạt động vận động nhân quyền quốc tế tại Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia khác. Năm 2014, cô sang Mỹ theo một học bổng nghiên cứu của trung tâm Villa Aurora và trường Đại học Southern California. Cũng trong thời gian này, cô đồng sáng lập ra Luật Khoa tạp chí cùng Trịnh Hữu Long, Trần Quỳnh Vi và Trương Tự Minh.
Năm 2015, Đoan Trang về nước và tiếp tục các hoạt động dân chủ của mình với phong trào phản đối chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội cùng năm. Cô đồng sáng lập ra nhóm Green Trees, một tổ chức xã hội dân sự hoạt động vì môi trường.
Suốt ngần ấy năm, Đoan Trang luôn là một trong những tiếng nói hàng đầu của giới hoạt động dân chủ Việt Nam và thường xuyên bị bắt cóc, đánh đập. Kết quả là cô bị chấn thương nặng ở chân, phải trải qua các cuộc phẫu thuật và thường xuyên phải dùng nạng để di chuyển.
Kể từ năm 2017, Đoan Trang phải di chuyển liên tục trên khắp cả nước để đảm bảo an toàn.
Đoan Trang không ngừng viết. Cô tìm đủ mọi cách để viết.
Cô là tác giả của những cuốn sách phổ biến kiến thức chính trị căn bản như “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Politics of a police state”, “Học chính sách công qua chuyện đặc khu”.
Cô cũng là tác giả hoặc đồng tác giả của những báo cáo nhân quyền như “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam”, “Báo cáo Đồng Tâm” và nhiều báo cáo khác ghi chép lại những điều gần như không ai ghi chép.
“‘Sống để kể lại’, các bạn nhé.
Những thế hệ người Việt sau này sẽ phải biết rằng con đường đi tới dân chủ ở đất nước của chúng ta đã trải qua những khoảnh khắc, những ngày tháng dữ dội như thế nào. Cũng như thế giới: Dân chúng ở các quốc gia dân chủ cần nhìn vào câu chuyện Việt Nam ngày nay để hiểu dân chủ, tự do là một giá trị mà người dân ở các nước khác, kém may mắn hơn họ, đã phải giành lấy bằng máu, nước mắt, và cả cuộc đời mình.”
Đoan Trang được tổ chức Phóng viên Không biên giới (Reporters Without Borders) trao giải Báo chí Tự do năm 2019. Cô cũng là nhân sự chủ chốt của Nhà xuất bản Tự Do, đơn vị được trao giải Prix Voltaire của Hiệp hội Xuất bản Quốc tế năm 2020. Năm 2018, tổ chức People In Need cũng trao giải nhân quyền Homo Homini cho Đoan Trang.
Ngày 7/10/2020, Đoan Trang bị bắt tại TP. Hồ Chí Minh và bị giam giữ từ đó cho tới nay. Gia đình lẫn luật sư đều không được gặp Đoan Trang. Cho tới giữa tháng 10/2021, luật sư mới gặp được Đoan Trang lần đầu.
Đoan Trang bị truy tố theo Điều 88, Bộ luật Hình sự 1999 về “tội tuyên truyền chống nhà nước”.
Trong một bức thư gửi lại bạn bè trước khi bị bắt, cô nói:
“Không ai mong muốn phải ngồi tù, nhưng nếu nhà tù là chỗ tất yếu ai đấu tranh cho tự do cũng phải đến, và nếu vào tù là để thực hiện một mục đích nào đó ta đã định trước, thì ta nên đi tù.”
“Tôi không cần tự do cho riêng mình; nếu chỉ vậy thì quá dễ. Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam. Đó là một mục tiêu nghe có vẻ vĩ đại và xa vời, nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn.”
Trong thư gửi lại cho bạn bè, Đoan Trang mong muốn chúng ta hãy đọc sách chính trị và vận động cho bầu cử tự do ở Việt Nam. Đó là việc chung.
Còn chúng ta, ngoài việc chung, có thể giúp Đoan Trang một việc riêng: gửi thư vào tù động viên Trang.
Mỗi bức thư bạn gửi có thể đến tay Trang hoặc không, tùy duyên. Nhưng chắc chắn Đoan Trang sẽ cảm nhận được tình cảm của bạn.
Hãy gửi thư cho Đoan Trang theo địa chỉ:
Hoặc bạn có thể tạo bưu thiếp cho Đoan Trang theo công cụ chúng tôi tạo sẵn trên Google Form tại đây: https://bit.ly/dearTrang. Chúng tôi sẽ in thư của bạn ra và gửi vào trại giam cho Trang.
Hoặc bạn cũng có thể tự làm một bưu thiếp của riêng mình với hướng dẫn dưới đây: