‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Luật Khoa khắc họa một năm khủng hoảng qua 10 nhân vật có thật lẫn hư cấu.
Danh sách các nhân vật chính trị nổi bật trong năm 2021 là một tập hợp đa dạng.
Trước tiên, trong một năm của dịch bệnh, không thể không nói về những con người ở tuyến đầu vất vả chống dịch, bất chấp hiểm nguy để cứu người, cũng như những người bất chấp khó khăn ngăn trở vẫn tìm mọi cách xoay xở để giúp người khác.
Ngoài những điểm sáng đó, không thể bỏ quên những nạn nhân của các chính sách chống dịch bất hợp lý, những người bị đem ra làm bia đỡ đạn hứng chịu chỉ trích giùm cho chính quyền.
Những gương mặt quyền lực cũng không thiếu vắng trong danh sách: người đứng đầu chính quyền nổi bật vì khả năng đổ trách nhiệm, lực lượng nắm binh quyền gây tai tiếng từ trong ra tới ngoài, và ông trùm tư bản hưởng lợi từ một thể chế có vô số kẽ hở.
Cuối cùng, bên cạnh dịch bệnh, năm 2021 còn có những nhân vật ảo diệu xuất hiện tung hoành để lại nhiều bài học đáng suy ngẫm.
Luật Khoa giới thiệu cùng bạn đọc 10 nhân vật nổi bật của năm 2021 và các câu chuyện của họ.
***
Danh sách nhân vật nổi bật trong một năm dịch bệnh hoành hành không thể thiếu những nhân viên y tế. Những đợt bùng phát với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 2020 đã vắt kiệt sức lực của cả hệ thống y tế của Việt Nam. Tất cả đều ở trong tình trạng quá tải.
Chúng ta đã không đối xử tốt với những người bảo vệ mình. Một cuộc khảo sát gần đây với 2.700 nhân viên y tế tuyến đầu trong tháng Bảy – tháng Chín cho thấy đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. [1] Khoảng 40% cho biết họ khó chịu và suy giảm thể chất, 70% bị lo lắng, trầm cảm. Lương của nhân viên y tế vốn chẳng cao, trong dịch phải làm thêm giờ, và phụ cấp thì ở đâu chẳng thấy. Hơn 62% trong số những nhân viên y tế tham gia khảo sát này cho biết họ đã không nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào về dịch.
Áp lực của nhân viên y tế tại Việt Nam còn trở nên nặng nề hơn vì những chính sách vô lý. Đầu tháng Chín, khi xuất hiện tình trạng các nhân viên y tế nghỉ việc, Bộ Y tế ra công văn yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành tăng cường quản lý, nếu nhân viên y tế tự ý bỏ việc thì có thể bị xem xét tước chứng chỉ hành nghề. [2] Trước đó, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh còn không cho phép các bệnh viện nhận cứu trợ trực tiếp mà phải thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, trong khi các cơ sở y tế lâm vào tình trạng thiếu hụt thiết bị nghiêm trọng, cần viện trợ đến từng chiếc khẩu trang đúng chuẩn. [3]
Có gần 1.000 nhân viên y tế tại TP. Hồ Chí Minh đã nghỉ việc trong năm 2021. [4] Cải thiện chế độ đãi ngộ nhân viên y tế chắc chắn phải là một ưu tiên chính sách trong năm tới, nếu như chúng ta không muốn thấy một thảm họa khác diễn ra.
Trong một năm đại dịch hoành hành, vai trò của các tổ chức xã hội dân sự càng đậm nét hơn bao giờ hết.
Những nhóm cứu trợ thiện nguyện, một hình thức xã hội dân sự, mới có cũ có, đóng một vai trò then chốt trong việc giúp những người yếu thế vượt qua đại dịch.
Các hoạt động của những nhóm thiện nguyện diễn ra sôi nổi nhất tại TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt trong khoảng thời gian cao điểm bị phong tỏa (đầu tháng Bảy đến cuối tháng Chín).
Chủ trương của chính quyền chống dịch bằng các biện pháp ngăn sông cấm chợ, “ai ở đâu ở yên đó” nhưng lại thiếu chính sách hỗ trợ người dân khiến rất nhiều người lâm vào tình cảnh bi đát. [5] Trong bối cảnh đó, rất nhiều nhóm thiện nguyện đã tự đứng ra gánh vác trách nhiệm cứu trợ. Những bếp ăn từ thiện cung cấp hàng trăm đến hàng ngàn suất ăn mỗi ngày. [6] Nhiều chuyến hàng cứu trợ tìm đến những con hẻm sâu nhất đang bị rào chắn. [7] Không chỉ có thực phẩm, nhiều đội nhóm còn tổ chức việc cung cấp bình oxy miễn phí để giúp người nhiễm bệnh. Điển hình như “Trạm Oxi cộng đồng Sài Gòn”, vào lúc cao điểm huy động được tới 1.000 tình nguyện viên và đã giúp đỡ hàng ngàn trường hợp cần cấp cứu. [8]
Ngoài cứu trợ, nhiều cá nhân và tổ chức dân sự cũng đứng ra thành lập các kênh liên lạc kết nối người dân cần giúp đỡ và các mạnh thường quân. Những nhóm như “Giúp Nhau Mùa Dịch” trên Facebook thu hút một lượng lớn thành viên thường xuyên trao đổi thông tin. [9] Một dự án nổi bật khác là bản đồ SOSmap. [10] Chỉ trong một thời gian ngắn, trang web này đã phát đi hàng chục ngàn lời kêu cứu của người dân trong các khu vực bị phong tỏa.
Các hoạt động của những nhóm dân sự có ý nghĩa to lớn, nhưng lại thường xuyên bị chính quyền gây khó khăn với những chính sách và chủ trương cứng nhắc. [11] Nhiều trường hợp bị buộc ngừng hoạt động vì tập trung đông người mặc dù vẫn đảm bảo quy định giữ khoảng cách. Nhiều đội nhóm phải rất chật vật trong việc xin giấy phép đi đường để có thể đảm bảo hoạt động cứu trợ.
Bất chấp những thách thức đó, các hoạt động cứu trợ dân sự vẫn diễn ra với đủ quy mô lớn nhỏ, thể hiện sức sống mãnh liệt của các tổ chức dân sự. Nó cho thấy ngay cả trong môi trường chính trị của Việt Nam, nơi chính quyền luôn xem hoạt động xã hội dân sự là một hiểm họa cần loại trừ, sự tồn tại và lớn mạnh của các tổ chức dân sự là một thực tế không thể đảo ngược.
Nếu phải chọn một hình ảnh đại diện cho tình cảnh của năm 2021, đó sẽ là những dòng người tháo chạy về quê trong đại dịch. Hàng triệu người lao động nhập cư đã khăn gói bồng bế nhau rời khỏi những thành phố phía Nam với họ từng là những mảnh đất lành. [12] Sau nhiều tháng “ai ở đâu ở yên đó”, mất việc làm, bị nhốt trong những căn phòng trọ chật hẹp, họ khánh kiệt cả về vật chất lẫn niềm tin dành cho chính quyền những thành phố ấy.
Xe khách không hoạt động, họ chạy xe máy về quê. Xe máy bị chặn, họ đi bộ hàng trăm cây số, hoặc tìm cách trốn trong các thùng xe tải để qua được chốt kiểm dịch. Nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra trên đường về nhà. [13][14] Nhiều người đã chết trước khi về đến quê hương. [15] Đường về nhà của những người lao động nhập cư chưa bao giờ xa xôi như trong năm 2021.
Những cuộc tháo chạy khỏi thành phố của những người lao động nhập cư thu nhập thấp cho thấy sự thất bại của hệ thống an sinh xã hội không chỉ trong đại dịch. [16] Rất nhiều người không nhận được trợ cấp hoặc nếu có thì cũng không đủ để cầm cự suốt nhiều tháng mất việc. Những chính sách phong tỏa hà khắc và bất hợp lý khiến cho ngay cả việc mua thực phẩm cũng khó khăn. Khắp nơi, đầy những lời kêu cứu. [17]
Trước làn sóng người dân về quê và chưa hẹn ngày quay lại, mối lo ngại lớn nhất của chính quyền là thiếu hụt lao động trong các khu công nghiệp. Tuy vậy, có một vấn đề căn cốt hơn nhiều. Trong một nền kinh tế chú trọng xuất khẩu với nhân công giá rẻ là lợi thế lâu nay, công nhân nhập cư đã luôn là người lãnh phần cay đắng. [18] Cuộc khủng hoảng COVID-19 chỉ là những cọng rơm cuối làm gãy lưng con lạc đà đã sẵn oằn.
Vào cuối tháng 5/2021, các thành viên của Hội Thánh Truyền giáo Phục Hưng bất ngờ được nổi tiếng theo cách mà họ không hề mong muốn: bị cáo buộc làm lây lan dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh. [19]
Vào thời điểm đó, những lời tuyên truyền dai dẳng của nhà nước về sự đáng sợ của dịch COVID-19 đã khiến việc đối diện với dư luận còn đáng sợ hơn là việc bị nhiễm bệnh. Một ngày sau khi chuỗi lây nhiễm tại cơ sở này được công bố, các thành viên của hội thánh trở thành điểm hồng tâm đón lấy mũi tên của báo chí và dư luận.
Ba ngày sau đó, khi còn đang nằm trên giường bệnh, họ hay tin cơ quan công an khởi tố điều tra vụ án làm lây lan dịch bệnh tại hội thánh. Dù mới là khởi tố điều tra nhưng động thái này càng làm cho công chúng tin rằng chính các thành viên của hội thánh đã làm thành phố nhiễm bệnh.
Ngay sau khi có quyết định khởi tố vụ án, Bộ Nội vụ đã đe dọa rằng tùy vào kết quả điều tra sẽ rút giấy phép hoạt động, xóa bỏ điểm sinh hoạt tôn giáo của họ. Ban Tôn giáo Chính phủ răn đe rằng người nào đứng đầu tổ chức tôn giáo sẽ phải chịu trách nhiệm nếu làm phát sinh dịch COVID-19 tại cơ sở của mình. Sở Y tế cũng thông báo rằng sẽ tầm soát 145 điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn thành phố. [20]
Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng và các cơ sở tôn giáo nói chung bị cho là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh trong khi trước đó thành phố đã diễn ra vô số các hoạt động tụ tập đông người, trong đó có hàng loạt các hoạt động bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp diễn ra ở từng quận, từng phường.
Một bệnh dịch có khả năng lây nhiễm cao như cách thế giới đang chứng kiến, tuy nhiên, cơ quan nhà nước lại đổ hết trách nhiệm cho công dân của mình, nói cách khác bất cứ ai là nạn nhân cũng dễ trở thành tội nhân.
Những động thái trong vụ việc Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng đã cho thấy cách hành xử của cơ quan chính quyền và báo chí nhà nước khi phải bất ngờ đối diện với một sự cố xã hội. Cách xử lý này của chính quyền dù vô tình hay cố ý cũng đã khiến việc gặp gỡ của người dân – một hoạt động thiết yếu để vận hành và gắn kết xã hội – nhuốm mùi sợ hãi.
Hoàng Phương Lan là tên của người phụ nữ bị lực lượng chống dịch phá khóa cửa nhà, xông vào lôi đi xét nghiệm trong tiếng la phản đối của cô và tiếng con trai cô khóc thét vì sợ hãi. [21] Vụ việc xảy ra vào ngày 28/9/2021, tại chung cư E-home Bắc Sài Gòn, phường Vĩnh Phú, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương. Lý do chính quyền đưa ra là vì cô nhiều lần không tham gia xét nghiệm tập trung, nên phải cưỡng chế. Video quay lại toàn bộ cảnh này là do chính một thành viên của nhóm cưỡng chế thực hiện và đăng tải lên mạng. Họ tin là mình đang làm điều đúng, trước khi bị cộng đồng mạng và báo chí lên án kịch liệt.
Tình thế của Hoàng Phương Lan có đầy đủ các chi tiết điển hình cho một người dân khi đối mặt với những hành xử đầy vấn đề của chính quyền dưới danh nghĩa chống dịch: chính sách xét nghiệm tập trung toàn dân và cách cư xử lạm quyền của lực lượng chống dịch. Nhưng cách ứng xử của cô là bản lĩnh hiếm thấy – và đó là điều tuyệt vời nhất chúng ta có thể kỳ vọng ở một người dân trong những tình huống phải đối mặt với chính quyền như thế này. Cô quay clip cảnh lực lượng chức năng phá khóa cửa nhà mình, đăng lên mạng. Cô giải thích rành mạch lý do vì sao mình không muốn xét nghiệm tập trung. Khi bí thư phường đến xin lỗi vì việc phá cửa nhà cô là sai quy định, cô không chấp nhận lời xin lỗi. Khi bị xử phạt hành chính vì không xét nghiệm theo yêu cầu, cô loan báo rằng mình sẽ khởi kiện quyết định đó. [22]
“Tôi có quyền để không cho bất kỳ người nào đụng vào thân thể của tôi, và cái việc họ làm là hoàn toàn sai, sai cả quy trình trong quy định phòng chống dịch cũng như sai về mặt pháp luật”, Hoàng Phương Lan lý giải về quyết định khởi kiện trong livestream ngày 4/10/2021.
Chúng ta vẫn chưa biết vụ kiện của Hoàng Phương Lan sẽ diễn biến thế nào. Cô rất có thể sẽ thua. Con kiến kiện củ khoai, người ta sẽ nói. Nhưng với một chính quyền lâu nay vẫn hành xử như thể người dân là kiến, những Hoàng Phương Lan của năm 2021 là chỉ dấu cho thấy kiến cắn cũng không phải là chuyện dễ xử.
Hoàng Phương Lan chỉ là một gương mặt trong số những người đã phản kháng với các chính sách chống dịch tồi tệ trong năm qua. Sức mạnh của người dân không bao giờ là thứ có thể coi thường, kể cả đối với một chính quyền chuyên chế như Việt Nam.
Phạm Minh Chính là cán bộ công an đầu tiên nắm giữ vị trí Thủ tướng Chính phủ của Nhà nước Cộng hòa, một thông tin ấn tượng, xét đến vai trò và nguồn lực khổng lồ mà Bộ Công an sở hữu suốt hàng thập niên.
Có thể nói ông Phạm Minh Chính nhậm chức không phải ở một thời điểm hoàn hảo. Ông chính thức nắm quyền Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào ngày 5/4/2021, chỉ vài tháng trước khi đợt dịch thứ tư bùng nổ tại Việt Nam. [23]
Sự lộn xộn trong quá trình di chuyển và lưu thông hàng hóa cấp thiết, những sai lầm về quy định cách ly và vận chuyển hành khách giữa các địa phương, việc chậm trễ trong phản ứng pháp luật trước các vấn đề mới của dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến dân sinh (đã được Luật Khoa tổng hợp tương đối đầy đủ trong hệ thống dữ liệu của mình), [24] đó đều là những vấn đề xuất phát một phần từ sự thụ động của chính phủ Phạm Minh Chính, dù vô tình hay có chủ đích.
Xem xét một vài văn bản quy phạm pháp luật mà ông Chính có thẩm quyền ban hành ngay, hầu hết các quyết định chỉ giải quyết các vấn đề đơn giản nhất như phát gạo, [25] thành lập tổ công tác đặc biệt, [26] hay các chính sách hỗ trợ tài chính. [27]
Những câu hỏi về hậu cần, lưu thông hàng hóa, thống nhất mô hình kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại tất cả các địa phương, quy chuẩn hóa đường dây hỗ trợ bệnh nhân COVID-19, xây dựng hệ thống thông tin mạng và thông tin liên lạc cấp thiết để giải quyết gánh nặng y tế địa phương, v.v. thì không hề có dấu tay của ông.
Nghị quyết dấu ấn của ông Chính – Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (có hiệu lực ngay từ tháng Bảy) – thì có thể nói là một nghị quyết tồi, với kiểu quy định pháp lý không khác gì khẩu hiệu, chung chung, đổ trách nhiệm dịch bùng nổ là do sự thoái thác, thiếu cương quyết của địa phương. [28]
Trong khi đó, cũng vào tháng Bảy, trước khi dịch bùng tới mức không thể kiểm soát tại các tỉnh phía Nam, Quốc hội đã trao thêm những thẩm quyền đặc biệt lớn cho Thủ tướng Chính phủ với kỳ vọng kiểm soát dịch nhanh chóng, hiệu quả. [29]
Sự thiếu vắng của chính sách can thiệp có chiều sâu, có định hướng thống nhất cho toàn quốc, lẫn việc bỏ qua các công cụ lập pháp rất quyền lực mà ông Phạm Minh Chính đang sở hữu, có thể nói là một trong những lý do chủ yếu khiến cho phản ứng chống dịch trên các tỉnh, thành địa phương trở nên lộn xộn, thiếu tập trung và bừa bãi, còn quan chức địa phương thì sợ hãi né trách nhiệm.
Công tâm mà nói, ông Chính nhậm chức ở một thời điểm rất khó khăn. Tuy nhiên, thái độ thiếu quyết đoán, các biện pháp can thiệp nửa vời trong khi bản thân có đầy đủ thẩm quyền và luôn sẵn sàng đổ trách nhiệm lên đầu quan chức địa phương là điểm trừ quá lớn trong hơn nửa năm nắm quyền của ông.
Trần Đức Đô (2002 – 2021) [30]
Nguyễn Văn Thiên (1998 – 2021) [31]
Hoàng Bá Mạnh (200x – 2021) [32]
Đó không phải là danh sách liệt sĩ hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, mà là những quân nhân tử vong trong doanh trại với những lý do đáng ngờ: ngạt do treo cổ (Đô), tự té ngã dẫn đến xuất huyết não (Thiên), bị đồng đội đánh (Mạnh). Với hai quân nhân Đô và Thiên, gia đình cho biết có nhiều thương tích nghiêm trọng trên thi hài. Lý do thực sự của những cái chết này có thể sẽ vĩnh viễn không bao giờ được tìm ra.
Trong cùng năm, quân đội lại cố gắng tìm ra một thứ khác: “Tìm đến nhân dân để biết nhân dân cần gì, không để nhân dân phải tìm đến bộ đội”. Đó là lời của đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khi nói về việc quân đội chi viện cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam hơn 120 nghìn quân nhân, dân quân tự vệ, y bác sĩ và học viên quân y trong đợt bùng dịch thứ tư. [33][34]
Có lẽ kể từ 30/4/1975 và thời kỳ quân quản (1975 – 1976) đến nay, người dân TP. Hồ Chí Minh mới lại thấy nhiều bộ đội đến như vậy nhập thành. Lần trước, họ nhập thành để tìm Tổng thống Dương Văn Minh. Lần này, họ tìm… nhân dân. Lần trước, họ nhập thành để phá bỏ hoàn toàn kinh tế thị trường. Lần này, họ… làm shipper thay cho thị trường. Và không những quân nhân làm shipper, doanh nghiệp quân đội cũng độc quyền làm shipper trong khi các doanh nghiệp tư nhân bị cấm. [35] Ngoại trừ các cửa hàng Viettel len lỏi ở khắp các hang cùng ngõ hẻm, hiếm khi người ta thấy sự hiện diện khuynh loát đến như vậy của quân đội trong đời sống dân sự.
Trong khi đó, các cơ chế dân sự hoàn toàn không có tiếng nói trong những vấn đề của quân đội. Trong ba vụ tử vong đầy những dấu hỏi to đùng của ba quân nhân kể trên, vai trò của báo chí, các tổ chức xã hội dân sự, và đặc biệt là các cơ quan đại diện như Quốc hội đều hoàn toàn vắng bóng. Quân đội tiếp tục trấn giữ lãnh địa thiêng liêng bất khả xâm phạm được sơn son thiếp vàng bằng diễn ngôn yêu nước của mình.
Trong khủng hoảng, ta có điều kiện thấy rõ hơn xã hội xoay vần quanh những “tay chơi” nào. Vingroup là một trong những tay chơi đó.
Đầu tiên, cái tên Vingroup gắn với Quỹ Vaccine như là một trong những nhà tài trợ lớn nhất (480 tỷ đồng). [36] Gần như đồng thời, họ lập công ty sản xuất vaccine VinBioCare nhằm trước hết là sản xuất vaccine phòng COVID-19 theo công nghệ Mỹ, [37] và cho tới nay là công ty Việt Nam duy nhất có thể sản xuất vaccine này. Đến cuối năm, cái tên Vingroup lại một lần nữa được xướng lên khi một trong những cổ đông sáng lập, đồng thời là cựu tổng giám đốc của VinBioCare là Phan Quốc Việt (người nắm 30% cổ phần) bị cáo buộc đi đêm với các quan chức y tế để bán bộ xét nghiệm COVID-19. [38]
Nhưng trước khi sản xuất được vaccine, Vingroup lại phải làm một việc đáng ngờ: “mượn” 5.000 liều vaccine Moderna từ TP. Hồ Chí Minh để tiêm cho lực lượng chống dịch của tập đoàn này. [39] Chuyện vô tiền khoáng hậu đó không mấy ai làm nổi và nói lên một phần sức ảnh hưởng của tập đoàn này tới chính quyền. Họ – hay nói chính xác hơn là công ty con Vinfast của họ – cũng tự tin vào sức ảnh hưởng đó đủ để bắc loa thông báo với công chúng rằng họ đã đề nghị công an vào cuộc điều tra một khách hàng phê phán sản phẩm ô-tô của họ. [40]
Và nếu như các sản phẩm chủ lực truyền thống của Vingroup là bất động sản chỉ làm cho các ông bà chủ và nhân viên của họ tự hào, thì một sản phẩm mới toanh của họ lại có tham vọng làm cho cả nước tự hào: ô-tô Vinfast. Chiến lược tấn công các thị trường Bắc Mỹ và châu Âu – không nằm ngoài dự đoán – kéo theo nhiều bình luận mang đậm màu sắc dân tộc chủ nghĩa. [41]
Tuy vậy, kế hoạch gọi vốn của Vinfast ở Mỹ thì lại hoàn toàn thực dụng: họ chuyển vốn sang một công ty ở Singapore để hiện thực hóa việc niêm yết ở thị trường chứng khoán Mỹ. [42] Họ thực dụng ở chỗ đã và đang hưởng lợi tối đa từ một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng khi cần họ có thể bẻ lái để tận dụng tối đa các công cụ của những nền kinh tế thị trường tư bản rặt. Niềm tự hào Việt giờ đây đã đổi sang quốc tịch Singapore. Với những ai còn tha thiết với những diễn ngôn yêu nước và dân tộc chủ nghĩa, Vinfast Singapore có thể kéo họ trở lại với thực tế trần trụi của cuộc sống.
Một trong những cái tên nổi bật nhất năm 2021 là một nhân vật hoàn toàn bước ra từ trí tưởng tượng.
Trong gần 24 tiếng đồng hồ kể từ khi xuất hiện, “bác sĩ Khoa” đã lấy đi nước mắt của hàng triệu người dùng mạng xã hội tại Việt Nam. [43]
Mọi thứ bắt đầu từ các bài đăng trên Facebook của những tài khoản nổi tiếng vào tối ngày 7/8/2021. Được chia sẻ nhiều nhất là bài trên trang cá nhân của nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh. Bài viết thuật lại câu chuyện của một bác sĩ sản khoa đang tham gia chống dịch tại một bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh. Ba mẹ của người này mắc COVID-19 và trở nặng phải nhập viện. Chi tiết kịch tính nhất đến từ việc vị bác sĩ này đã có quyết định đau lòng, rút ống thở của mẹ mình để nhường lại cho một sản phụ. Nhà báo Nguyễn Đức Hiển cùng một loạt các KOL trên mạng khi dẫn lại câu chuyện đã bày tỏ sự thán phục trước “đức hy sinh” của một nhân viên ngành y.
Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, câu chuyện lan truyền khắp mạng xã hội, góp phần thổi bùng cảm xúc tôn vinh những hành động hy sinh cao cả trong đại dịch.
Tuy nhiên, nhiều người nhanh chóng chỉ ra những điểm vô lý trong sự việc, đồng thời các hình ảnh trong tài khoản của “bác sĩ Khoa” cũng được xác nhận là giả mạo.
Các cơ quan chức năng nhận định câu chuyện cảm động về nhân vật này là một màn lừa đảo có hệ thống nhằm trục lợi. [44] Hai tài khoản nổi tiếng chia sẻ các nội dung sớm nhất bị xử phạt hành chính.
Tuy chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhân vật “bác sĩ Khoa” đã tạo hiệu ứng hiếm có. Câu chuyện hư cấu này minh họa sinh động cho việc tin giả, chỉ cần khớp với niềm tin của người xem, có thể dễ dàng được tiếp nhận ra sao. Nó cũng cho thấy tác hại của tin giả với sự tiếp sức, vô tình hay hữu ý, của những người nổi tiếng. Vấn đề gây tranh cãi khác từ câu chuyện là lựa chọn đạo đức: nhiều người mặc nhiên đồng tình với việc dễ dàng hy sinh mạng sống của người khác, trong trường hợp này là người thân, để phục vụ cho một mục đích cao cả.
Theo cập nhật mới nhất vào giữa tháng 11/2021, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết vẫn đang tiến hành điều tra về vụ việc sau khi đã triệu tập một số nhân vật được cho là có liên quan. [45]
Sau COVID-19, chỉ có Nguyễn Phương Hằng mới đủ sức khuấy đảo dư luận. [46] Vị doanh nhân này mang đủ phẩm chất để trở thành một hiện tượng truyền thông đặc biệt: giàu có, ăn nói mạnh bạo, không ngại tấn công trực diện các cá nhân nổi tiếng bậc nhất. Không gì thú vị cho bằng việc chứng kiến cảnh một kẻ mạnh lật đổ một (vài) kẻ mạnh khác. Bằng những phẩm chất đó, bà chia đôi thiên hạ. Người gần đây nhất có khả năng làm chuyện đó trong công chúng Việt Nam là Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bà Hằng dĩ nhiên không thể tránh khỏi những nghi ngờ về việc bà đại diện cho một chiến dịch có tổ chức nhằm đánh nghệ sĩ, tương tự như hiện tượng xảy ra đồng thời ở Trung Quốc. [47] Đòn tấn công làm rung chuyển giới giải trí vốn xưa nay hô mưa gọi gió trên truyền thông làm nức lòng một nửa thiên hạ. Những buổi livestream có hàng vạn người xem của bà Hằng đã buộc các tổ chức, cá nhân làm từ thiện phải minh bạch hơn (ít nhất là công bố sao kê tài khoản ngân hàng) và sau cùng có thể đã góp phần đẩy chính phủ tới chỗ phải sửa quy định về từ thiện, theo hướng cho phép cá nhân làm từ thiện để dễ bề quản lý các hoạt động này. [48]
Cá tính nổi loạn của doanh nhân Phương Hằng tạo ra một phép thử tuyệt vời cho hàng loạt những định chế đã sâu rễ bền gốc trong xã hội Việt Nam. Bà thử thách sức chịu đựng của hệ thống kiểm duyệt Việt Nam. Và trong cuộc nắn gân này, bà thắng toàn diện. Chính quyền vẫn hành xử như thường lệ khi cố gắng bịt miệng bằng cách xử phạt vài triệu đồng với một doanh nhân có tài sản hàng nghìn tỷ đồng. [49] Trong khi đó, việc họ đáng ra nên làm là… ngồi im.
Nhưng phép thử của bà Hằng đi xa hơn thế nhiều: bà thử thách cả nền văn hóa và não trạng kiểm duyệt của người Việt Nam. Kết quả là nhà báo nổi tiếng Nguyễn Đức Hiển của tờ Pháp luật TP. Hồ Chí Minh trở thành gương mặt đại diện cho nền văn hóa và não trạng kiểm duyệt đó, khi đâm đơn tố cáo ra công an và đề nghị khởi tố hình sự bà Hằng. [50] Còn bà Hằng, bất chấp những lời công kích về văn hóa và đạo đức, lại tỏ ra văn minh hơn nhiều về mặt pháp lý khi đâm đơn kiện ông Hiển ra tòa dân sự. [51]
Bà Hằng mặc dù nổi loạn thì cũng nổi loạn trong khuôn khổ và mới chỉ đụng tới tôm tép trong một xã hội đầy cá mập. Với tài lực và địa vị xã hội của mình, bà không có gì phải kiêng nể giới nghệ sĩ hay vài ba nhà báo, thậm chí kể cả quan tỉnh lẻ, nhưng đụng tới quan chức hay chính quyền trung ương là việc bà chưa từng làm.
Bà Hằng có thể sẽ phải chịu trách nhiệm cho những lời nói của mình. Nhưng, cách xã hội buộc bà chịu trách nhiệm sẽ nói lên đó là kiểu xã hội nào.
***
Và đó cũng là cách chúng tôi muốn khép lại bài viết thường niên này. Sau cùng, thường dân Việt Nam luôn là nhân vật số 1 trong mọi danh sách nhân vật. Cách thường dân lựa chọn phản ứng trước các biến động xã hội sẽ nói lên không những bản chất mà còn là tương lai của xã hội đó.