Tổ chức dân sự - lời giải cho bài toán cứu trợ trong thiên tai
Trước cảnh thiên tai lũ lụt đang diễn ra ở miền Bắc, người dân cả nước đang tìm nhiều cách
Ký ức về hai cuộc thế chiến khiến châu Âu không thể ngồi yên trước viễn cảnh đen tối.
Sáng ngày 24 tháng Hai, nguyên thủ Mỹ và các quốc gia châu Âu đồng loạt lên án mạnh mẽ hành động mà họ coi là xâm lược Ukraine của người đứng đầu nước Nga, ông Vladimir Putin. Những ngôn từ giảm nhẹ thường được dùng trong ngoại giao nay được thay thế bằng những công kích trực tiếp như “dictator” (nhà độc tài), “barbaric” (man rợ), “unprovoked and unjustified attack” (cuộc tấn công vô cớ và không thể biện minh), để nói về ông Putin và bước đi quân sự của ông. [1]
Tôi theo dõi chương trình tin tức BBC từ Scotland vào trưa ngày 24/2. Hình ảnh tòa nhà số 10 phố Downing, văn phòng của thủ tướng Anh tại London, hiện ra lúc tờ mờ sáng, liền ngay với hình ảnh các lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) bước ra bục phát biểu sau các cuộc họp gấp rút diễn ra vào rạng sáng. Tất cả đều biểu thị một cảm giác bất ngờ, kinh ngạc, và thất vọng sâu sắc của châu Âu trước hành động của ông Putin. Trong số những phát biểu, ông Josep Borrell, người đứng đầu Ngoại vụ EU, cho rằng, “Đây là một trong những thời khắc đen tối nhất của châu Âu kể từ Thế Chiến II”. [2]
Cảm giác bàng hoàng ở đây nghe qua thì ít có lý vì Nga đã dàn quân ở biên giới Ukraine từ vài tháng qua, và ở tầm chính phủ, các dự đoán về một cuộc tổng tấn công đã có từ trước. Nhưng là một người “trong cuộc” – đã học tập, sinh sống, và làm việc trong lĩnh vực chính trị và giáo dục ở châu Âu – tôi nhìn thấy trong sự bàng hoàng đó có căn gốc sâu xa từ ký ức tập thể về những biến cố lịch sử đã xới tung và gieo rắc đau thương mất mát lên cả châu Âu (bao gồm Anh và Scotland). Người châu Âu không thể chứng kiến những gì đang xảy ra ở Ukraine hôm nay qua lăng kính của một cuộc chiến nổ ra ở đâu đó, của các sang chấn kinh tế sắp tới, hay những căng thẳng địa chính trị.