‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Chính quyền đang âm thầm xây dựng hệ thống kiểm soát toàn dân bằng công nghệ.
Dù cất thẻ căn cước hay mang ra sử dụng, bạn vẫn có thể bị chính quyền kiểm soát một cách toàn diện.
Trong năm 2021, bạn có lẽ là một trong hàng chục triệu người chờ đợi để nhận chiếc thẻ căn cước gắn chip, thứ được quảng cáo là sẽ giúp bạn thuận tiện hơn khi làm các thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, đó chỉ là một nửa sự thật. Một nửa sự thật còn lại là chiếc thẻ căn cước sẽ đưa bạn vào chiếc lưới kiểm soát bao trùm bằng công nghệ của chính quyền.
Vào tháng 3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính, người từng là lãnh đạo tại Tổng Cục Tình báo của Bộ Công an, đã thúc giục tất cả các tỉnh, thành gấp rút thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử”. [1]
Với đề án trên, bạn sẽ bắt đầu có chiếc thẻ căn cước công dân thứ hai. Chính quyền sẽ giám sát bạn chặt chẽ qua chiếc thẻ này.
“Định danh điện tử” là điều mà chính quyền không hề nhắc đến khi kêu gọi người dân làm thẻ căn cước gắn chip từ đầu năm 2021. Đây sẽ là loại căn cước công dân thứ hai của bạn trong năm 2022.
Việc bạn đăng ký thẻ căn cước gắn chip đã giúp chính quyền tạo ra một cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân của toàn dân. Từ cơ sở dữ liệu này, chính quyền sẽ yêu cầu bạn đăng ký tài khoản “định danh điện tử” trên điện thoại để thực hiện các giao dịch.
Không phải lúc nào bạn cũng sử dụng thẻ căn cước. Việc phải đút thẻ vào một đầu đọc vật lý để được xác nhận danh tính thông thường chỉ cần thiết khi làm thủ tục hành chính. Tài khoản định danh điện tử trên điện thoại thì sẽ được sử dụng phổ biến hơn bất kỳ loại giấy tờ nào.
Trong năm 2022, chính quyền sẽ bắt đầu tích hợp các loại giấy tờ vào các tài khoản định danh điện tử. Gần như toàn bộ thông tin cá nhân của bạn, từ giấy phép lái xe đến sổ sức khỏe y tế, từ giấy phép hành nghề, bằng cấp, đến thẻ cán bộ, công chức, v.v. sẽ được tích hợp vào loại tài khoản này. [2]
Việc tích hợp các loại giấy tờ vào tài khoản định danh điện tử chắc chắn sẽ mang lại nhiều tiện dụng cho người dân. Tuy nhiên, tài khoản này càng tiện dụng bao nhiêu, bạn sẽ càng sử dụng nó nhiều bấy nhiêu. Và với các quy định bảo mật mập mờ hiện nay, chính quyền sẽ càng thu thập được nhiều thông tin về bạn hơn.
Ví dụ như thông tin bạn mở một tài khoản ngân hàng, mua một chiếc xe máy, mua một căn nhà, hay thông tin bạn thực hiện một giao dịch nhỏ qua các ứng dụng thanh toán điện tử cũng có thể sẽ được gửi đến cho Bộ Công an hay các trung tâm kiểm soát ở các tỉnh, thành.
Tài khoản định danh điện tử hiện nay đã được bắt đầu áp dụng theo một quyết định vào tháng 11/2021 của chính phủ. [3] Tuy nhiên, dự thảo Nghị định quy định về Định danh và Xác thực điện tử của Bộ Công an sẽ thay thế quyết định này trong năm 2022. [4]
Trong dự thảo nghị định vừa nêu, tài khoản định danh điện tử sẽ có giá trị tương đương với căn cước công dân. Người dân đăng ký tài khoản này trực tiếp với công an hoặc qua ứng dụng VNEID của Bộ Công an.
Dự thảo trên không có quy định nào cho phép người dùng được kiểm soát thông tin cá nhân của mình. Bạn không được biết thông tin cá nhân nào đã được cung cấp cho chính quyền qua tài khoản định danh điện tử. Bạn cũng không có quyền cho phép hay không cho phép chính quyền được tiếp cận với những thông tin cá nhân nào.
Mặt khác, bạn cũng nên lo lắng về loại tài khoản định danh điện tử này khi nó được cài trên chiếc điện thoại của mình. Việc xác thực danh tính của bạn qua tài khoản định danh điện tử rất có thể sẽ dẫn đến yêu cầu cấp quyền cho ứng dụng được truy cập camera. Ngoài ra, điện thoại của bạn là nơi lưu trữ nhiều thông tin cá nhân, có chức năng định vị, ghi âm, kết nối Internet, v.v. Vì vậy, việc theo dõi, đánh cắp thông tin cá nhân của bạn qua chiếc điện thoại có thể trở nên rất dễ dàng.
Tháng 7/2021, tờ Haaretz ở Israel cho biết Bộ Công an đã hợp tác mua một phần mềm hỗ trợ xâm nhập vào điện thoại của người dân từ công ty công nghệ Cellebrite ở nước này. [5] Khách hàng của Cellebrite chủ yếu là chính phủ các nước có thể chế độc tài như Belarus, Nga, Venezuela, Trung Quốc, Myanmar, v.v. [6]
Chính quyền Việt Nam hiện nay cũng không giới hạn khả năng ứng dụng của tài khoản định danh điện tử. Theo quyết định về định danh điện tử của chính phủ, tài khoản định danh điện tử có thể được dùng cho bất kỳ yêu cầu nào của chính phủ. [7]
Hiện nay, việc định danh điện tử là cần thiết và đã có nhiều nước thực hiện. Tuy nhiên, các nước phát triển đã áp dụng công nghệ định danh phi tập trung nhằm bảo vệ quyền riêng tư của công dân. Công nghệ này cho phép bạn sở hữu toàn bộ dữ liệu cá nhân của mình trên điện thoại, dữ liệu này sẽ được mã hóa khi giao dịch và chỉ có bạn được quyền truy cập và sử dụng mà thôi. [8]
Trong khi đó, Bộ Công an sẽ kiểm soát toàn bộ dữ liệu của bạn một cách tập trung, chỉ cần một cái nhấp chuột cán bộ sẽ biết được toàn bộ thông tin chi tiết về bạn.
Trong tương lai, hệ thống camera nhận diện gương mặt người dân như của Trung Quốc sẽ không còn xa lạ với Việt Nam.
Tháng 9/2021, Trung tâm Giám sát, Điều hành Đô thị Thông minh được thành lập tại tỉnh Hòa Bình. Đây là một hệ thống có khả năng giám sát, bao gồm hệ thống “camera trí tuệ nhân tạo giám sát đô thị trực tiếp”. Đó là một phần của kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử và đô thị thông minh tại Việt Nam. [9]
Trung tâm Giám sát, Điều hành Đô thị Thông minh được gọi tắt là IOC (Intelligent Operation Center) sẽ được thiết lập ở tất cả 63 tỉnh, thành. Các trung tâm này được cho là sẽ giúp chính quyền điều hành đô thị một cách thông minh, ra quyết định dựa trên các số liệu trực quan, người dân cũng có thể gửi thông tin báo cáo về các vụ việc vi phạm cho chính quyền. Tuy nhiên, hai chức năng đáng chú ý của những trung tâm này là giám sát bằng camera AI và kiểm soát thông tin trên mạng xã hội.
IOC tỉnh Thái Nguyên (do Viettel triển khai) còn có phần mềm phân tích, xử lý dữ liệu hình ảnh như “phát hiện đám đông, phát hiện khói, hỏa hoạn, nhận diện đám đông, truy vết đối tượng”. [10]
IOC tỉnh Đắk Lắk sẽ triển khai dịch vụ giám sát thông tin trên mạng xã hội trong năm 2022. [11] Tỉnh Bình Dương thông báo trong năm 2022 sẽ thiết lập Trung tâm Giám sát An toàn Thông tin mạng. [12]
Một tài liệu về việc thiết kế IOC của tỉnh Đồng Tháp cho biết sẽ có ba cán bộ công an được bố trí vào IOC của tỉnh này. Kinh phí đầu tư IOC cho tỉnh là khoảng hơn 24 tỷ đồng. Tài liệu này cũng cho biết trung tâm sẽ sử dụng các công nghệ như học sâu (deep learning), khai phá dữ liệu (data mining), trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu. [13]
Các trung tâm giám sát đô thị là mô hình phổ biến ở một số nước. Tuy nhiên, những trung tâm này dưới các thể chế độc tài có thể sẽ trở thành công cụ để giám sát, điều khiển người dân cho các mục đích chính trị.
Tại Tân Cương, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để nhận diện người dân qua hệ thống quét mống mắt, nhận diện gương mặt và giọng nói qua camera và thu thập mẫu DNA. Những thông tin này được liên kết với hoạt động online của người dân, thông tin ngân hàng, cuộc gọi, tin nhắn trên điện thoại để xác định hành vi bị chính phủ coi là đe dọa an ninh. [14]
Kênh CBC của Canada cho biết công nghệ giám sát toàn dân bằng AI của Trung Quốc đang được xuất khẩu sang 18 nước, trong đó có một số nước đàn áp nhân quyền. [15] Hiện tại, các thông tin về nguồn gốc máy móc, thiết bị sản xuất thẻ căn cước gắn chip của Việt Nam cũng như các công nghệ được sử dụng trong các IOC đều không được công bố.
Với sự tương đồng về hệ thống chính trị, sự coi thường đối với vấn đề nhân quyền, sự thiếu vắng các quy định nghiêm ngặt về quyền riêng tư, và công nghệ kiểm soát ngày càng rẻ và phổ biến, không khó tưởng tượng khả năng Việt Nam đang trở thành một phiên bản của Trung Quốc.
Hơn một năm qua, chính quyền đã rất hối hả thực thi hệ thống kiểm soát người dân bằng công nghệ, khởi đầu với thẻ căn cước công dân gắn chip. Các văn bản liên quan đến dữ liệu cá nhân của người dân cũng được gấp rút ban hành, sửa đổi.
Năm 2021, chính phủ đã âm thầm thông qua Nghị định sửa đổi Nghị định 137/2015/NĐ-CP, nhằm hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước Công dân - một quy định quan trọng liên quan đến sử dụng thông tin cá nhân của bạn. Việc sửa đổi nghị định này đã cho phép công an xã cũng có quyền truy cập dữ liệu cá nhân của người dân. [16]
Vào cuối năm 2022, Nghị định 137 sẽ được sửa đổi thêm một lần nữa để “quy định về quản lý, vận hành, khai thác Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư theo trình tự, thủ tục rút gọn”. Nó có thể khiến dữ liệu của bạn sẽ được các bên khai thác dễ dàng hơn. [17]
Quyết định “quy định về định danh và xác thực điện tử” của Chính phủ cũng bất ngờ được ban hành vào tháng 11/2021. [18] Trước đó, báo chí không thông tin về việc soạn thảo quyết định quan trọng này. Cổng thông tin điện tử của Chính phủ cũng không thông báo về việc góp ý cho dự thảo quyết định. Hai điều này cho thấy quyết định đã được ban hành theo thủ tục rút gọn, không công khai với công chúng, dù nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
Theo kế hoạch của chính phủ, một loạt các thông tư, nghị định liên quan đến dữ liệu cá nhân của người dân như bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh điện tử, khai thác dữ liệu cá nhân cho các bên sẽ được ban hành trong năm 2022. [19]
Việc triển khai các công nghệ giám sát của Việt Nam được viện dẫn bằng lý do rất thuyết phục là đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, dù với bất cứ lý do gì, chính quyền cần phải công bố chi tiết, và tạo điều kiện để người dân thảo luận về các công nghệ giám sát được sử dụng, các quy định về bảo mật dữ liệu cá nhân. Điều này đã không xảy ra trong hơn một năm qua.
Thời gian qua, báo chí Việt Nam hoàn toàn không đề cập đến vấn đề bảo vệ quyền riêng tư khi chính quyền triển khai các công nghệ giám sát toàn dân. Những điều trên đây phần nào đó cho thấy Việt Nam đang trên đà gia nhập câu lạc bộ các thể chế độc tài, tận dụng công nghệ hiện đại để giám sát và kiểm soát người dân.
Từ tháng 5/2022, “Bạn đang bị giám sát" là chuyên mục thường xuyên của Luật Khoa tạp chí về dữ liệu cá nhân. Chuyên mục sẽ phân tích các vấn đề liên quan đến đề án số hóa dữ liệu cá nhân của toàn dân do chính quyền thực hiện.
Chú thích
1. Báo Điện tử Chính phủ. (2022, March 11). Khẩn trương triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử. https://baochinhphu.vn/khan-truong-trien-khai-de-an-phat-trien-ung-dung-du-lieu-ve-dan-cu-dinh-danh-va-xac-thuc-dien-tu-102220311175910877.htm
2. Chính phủ. (2022, January 6). Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022–2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Quyet-dinh-06-QD-TTg-2022-De-an-phat-trien-ung-dung-du-lieu-ve-dan-cu-2022-2025-499726.aspx
3. Thủ tướng Chính phủ. (2021, November 8). Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Quyet-dinh-34-2021-QD-TTg-dinh-danh-tren-nen-tang-Co-so-du-lieu-quoc-gia-ve-dan-cu-493645.aspx
4. Bộ Công an. (2022, April). Dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Document Cloud - Luat Khoa. https://www.documentcloud.org/documents/21649436-du-thao-nghi-dinh-dinh-danh-va-xac-thuc-dien-tu
5. Haaretz. (2021, July 15). What Vietnam Is Doing With Israeli Phone-hacking Tech. https://www.haaretz.com/israel-news/tech-news/.premium-what-vietnam-is-doing-with-israel-s-phone-hacking-tech-1.10003831
6. Signal. (2021, April 21). Exploiting vulnerabilities in Cellebrite UFED and Physical Analyzer from an app’s perspective. https://signal.org/blog/cellebrite-vulnerabilities/
7. Xem [3].
8. Luật Khoa. (2021, October 20). 3 vấn đề lớn về thẻ căn cước gắn chip và dữ liệu cá nhân mà Bộ Công an còn nợ câu trả lời. https://www.luatkhoa.org/2021/10/3-van-de-lon-ve-the-can-cuoc-gan-chip-va-du-lieu-ca-nhan-ma-bo-cong-an-con-no-cau-tra-loi/
9. Cổng thông tin điện tử chính phủ. (2021, September 28). Khai trương Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hòa Bình. https://web.archive.org/web/20220415073303/http://egov.chinhphu.vn/khai-truong-trung-tam-giam-sat-dieu-hanh-do-thi-thong-minh-tinh-hoa-binh-a-NewsDetails-37886-14-186.html
10. UBND tỉnh Thái Nguyên. (2021, December 10). Hoàn thành các hạng mục IOC đảm bảo tiến độ đề ra. Web Archive. https://web.archive.org/web/20220419093327/https://sonnvptnt.thainguyen.gov.vn/web/guest/cong-nghe/-/asset_publisher/L0n17VJXU23O/content/hoan-thanh-cac-hang-muc-ioc-am-bao-tien-o-e-ra/pop_up%3F_101_INSTANCE_L0n17VJXU23O_viewMode%3Dprint&_101_INSTANCE_L0n17VJXU23O_languageId%3Dvi_VN
11. Trung tâm IOC : “Bộ não số” cho đô thị thông minh. (2021, August 26). Web Archive. https://web.archive.org/web/20220418135159/https://daklak.gov.vn/-/trung-tam-ioc-bo-nao-so-cho-o-thi-thong-minh
12. UBND tỉnh Bình Dương. (2022, March 16). Triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại các thành phố và thị xã trên địa bàn tỉnh trong năm 2022. Web Archive. https://web.archive.org/web/20220418141518/https://www.binhduong.gov.vn/thong-tin-tuyen-truyen/2022/03/162-trien-khai-trung-tam-dieu-hanh-thong-minh-ioc-tai-cac-thanh-pho-va-thi-xa-tren-dia-ban-tinh-trong-nam-202
13. UBND tỉnh Đồng Tháp. (2021, December). Đề án thành lập Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Đồng Tháp. https://www.documentcloud.org/documents/21634465-ioc-dong-thap
14. CBC. (2021). In Xinjiang, China, surveillance technology is used to help the state control its citizens. https://www.cbc.ca/passionateeye/features/in-xinjiang-china-surveillance-technology-is-used-to-help-the-state-control
15. Xem [14]
16. Luật Khoa. (2021a, June 5). Chính phủ âm thầm sửa nghị định về dữ liệu công dân: Đây là những gì bạn cần biết. https://www.luatkhoa.org/2021/06/chinh-phu-am-tham-sua-nghi-dinh-ve-du-lieu-cong-dan-day-la-nhung-gi-ban-can-biet/
17. Xem [2].
18. Xem [3].
19. Xem [2].