Luật Khoa: 10 bài học sau 10 năm làm báo
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Luật Khoa: 10 bài học sau 10 năm làm báo0:00/907.
Tối cao Pháp viện rơi vào tình huống trớ trêu và căng thẳng dấy lên...
Cuộc cách mạng hiến pháp ở Israel vào cuối thế kỷ trước tưởng như sẽ mở ra một thời kỳ dân chủ cực thịnh cho nhà nước đặc biệt này. Nhưng trái lại, nhiều nhà phân tích trong và ngoài Israel hiện nay lại đánh giá rằng nhà nước Israel đang dần rơi vào tình trạng “suy vong dân chủ” và không xứng đáng được gọi là quốc gia dân chủ nữa. [1] [2]
Suy vong dân chủ (democratic backsliding) là một khái niệm mới xuất hiện phổ biến gần đây trong lĩnh vực khoa học chính trị. Tuy nhiên, như Giáo sư Nancy Bermeo nhận định trong nghiên cứu “On Democratic Backsliding” (Bàn về suy vong dân chủ), không có quá nhiều người thật sự phân tích cặn kẽ các góc cạnh của khái niệm này. [3] Một báo cáo của USAID do Giáo sư Ellen Lust soạn thảo mang tên “Unwelcome Change: Understanding, Evaluating, and Extending Theories of Democratic Backsliding” (Sự thay đổi không mong muốn: Cách hiểu, đánh giá, và mở rộng các lý thuyết về suy vong dân chủ) cho rằng suy vong dân chủ là “sự xói mòn các tính chất (qualities) vốn gắn liền với một chính thể dân chủ”. [4] Theo Lust, điều đó có nghĩa rằng một chính thể được xem là dân chủ không chỉ bởi nó được người dân chọn ra qua một cuộc bầu cử phổ thông như cách hiểu thông thường, mà chính thể đó còn phải mang theo bên mình những giá trị, tính chất dân chủ nhất định.
Lust chỉ ra ba tính chất gắn liền với chính thể dân chủ là (1) một chế độ bầu cử có sự tham gia trọn vẹn, bao trùm của người dân, (2) một hệ thống quyền dân sự, chính trị đầy đủ và được bảo đảm, và (3) một cơ chế chịu trách nhiệm trọn vẹn của lãnh đạo chính phủ, bao gồm cả việc giải trình và chịu hình phạt đối với các quyết sách chính trị của mình. Nếu một thể chế dân chủ mất dần đi các tính chất kể trên thì tình trạng suy vong dân chủ xuất hiện ở thể chế đó.
Tất nhiên, chúng ta có thể tranh luận về việc danh sách các tính chất dân chủ mà Lust đưa ra đã đủ chưa, hoặc chúng có xung đột với nhau không, nhưng nhìn chung đây là một bước khởi đầu cho các nghiên cứu về khái niệm suy vong dân chủ.
Khác với quan điểm của Lust, Bermeo phát triển khái niệm này bằng cách chỉ ra những hình thức của suy vong dân chủ. Theo Bermeo, mục tiêu của suy vong dân chủ cuối cùng là thay đổi chế độ chính trị từ dân chủ sang độc tài hơn, vì vậy các biến thể của suy vong dân chủ cũng phải mang màu sắc thay đổi chế độ như vậy. Nói cách khác, bất kỳ một hành động thay thế chính quyền nào khiến cho các giá trị dân chủ bị xói mòn thì hành động đó là hành động làm suy vong dân chủ.