Sức bền của nền dân chủ: Nhìn bầu cử Hoa Kỳ và hy vọng ở Việt Nam
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Sức bền của nền dân chủ: Nhìn bầu cử Hoa Kỳ và
Những điểm yếu trong quản trị công khiến Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn và bế tắc.
Sau khi hai đại án tham nhũng kit test Việt Á và “chuyến bay giải cứu” được đưa ra ánh sáng, hiện nay có tình trạng cán bộ công chức cầu an, làm việc cầm chừng, né tránh trách nhiệm khiến toàn bộ hệ thống bị tê liệt. Vấn nạn tham nhũng đặt ra một thách thức lớn đối với chính quyền. Nếu không tập trung chống tham nhũng, tính chính danh của chính quyền sẽ bị lung lay và lòng tin của nhân dân ngày càng suy giảm. Tuy nhiên, nếu đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, toàn bộ hệ thống có thể bị đình trệ vì cán bộ không dám làm, sợ làm sai, sợ chịu trách nhiệm.
Để giải quyết tình trạng này, hiện Bộ Nội vụ đang hoàn thiện Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm và dự kiến trình Chính phủ ban hành trong tháng 8/2023. [1] Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết, những biện pháp này chỉ mang tính chất tình thế, giải quyết ở phần ngọn, không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Tình trạng tham nhũng tràn lan cũng như sự tê liệt của hệ thống khi đẩy mạnh chống tham nhũng xuất phát từ một thể chế chính trị độc đoán, thiếu các thiết chế giúp kiểm soát và cân bằng quyền lực.
Nếu không có những cải cách chính trị căn bản và thực chất thì 10 năm hoặc 20 năm sau nền quản trị quốc gia vẫn sẽ tiếp tục đối mặt những khó khăn và bế tắc này. Bài viết sử dụng kết quả Chỉ số Quản trị toàn cầu (Worldwide Governance Indicators - WGI) làm cơ sở để nhận diện và phân tích điểm yếu chính trong nền quản trị công của Việt Nam.
Thể chế là “luật chơi” trong xã hội, là những ràng buộc do con người thiết lập nhằm điều chỉnh mối tương tác giữa người với người. [2] Thể chế bao gồm cả những ràng buộc chính thức (bao gồm hiến pháp, luật, quyền sở hữu tài sản, v.v.) và ràng buộc phi chính thức (như phong tục, truyền thống, quy tắc ứng xử, điều cấm kỵ, v.v.). [3]
Vì thể chế là “luật chơi” nên chúng có cơ chế thưởng phạt cụ thể, giúp thúc đẩy hoặc kìm hãm hành vi của “người chơi” theo chiều hướng nhất định. Một thể chế tốt, ví dụ như nền kinh tế thị trường, trong đó quyền tài sản và thực thi hợp đồng được đảm bảo, có thể thúc đẩy sự tham gia tích cực của người dân vào các hoạt động kinh tế, khuyến khích họ sử dụng tài năng và trí tuệ để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển. [4] Ngược lại, thể chế tồi, ví dụ như việc loại bỏ sở hữu tư nhân, tập thể hóa nông nghiệp cưỡng bách, như tình hình của Việt Nam trong thời kỳ bao cấp sẽ làm triệt tiêu động lực phát triển kinh tế của quốc gia, khiến đất nước chìm trong nghèo đói.