Thư cuối tuần - 02/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Lý thuyết cho rằng tăng trưởng kinh tế là tiền đề để phát triển của dân chủ đã tồn tại được hơn bảy thập niên, nhất là khi quyển “Political Man” (tạm dịch: Con người chính trị) của Seymour Martin Lipset ra đời vào năm 1959. [1]
Nhiều học giả cho rằng tự do kinh doanh sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế và hình thành các tầng lớp kinh tế mới. Các tầng lớp này thúc đẩy những tiến trình dân vận mới và từ đó hình thành nền dân chủ (mô hình thứ nhất). [2]
Nhưng nhiều ý kiến lại diễn giải ngược lại, rằng một quốc gia dân chủ hóa thành công sẽ giúp tăng trưởng kinh tế tốt hơn (mô hình thứ hai). [3] Lý do chính bảo vệ quan điểm này là một khi quyền tư hữu được công nhận và bảo vệ tốt hơn, môi trường kinh doanh sản xuất minh bạch hơn, thì đà kinh tế tăng trưởng tốt hơn.
Người viết đánh giá mô hình thứ hai hầu như không còn được ủng hộ nhiều, dù có một số đất nước tương đối thành công hậu dân chủ hóa như Cộng hòa Séc hay Ba Lan. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đều không thực hiện được mô hình này. Những nước như Nga hay phần còn lại của Đông Âu, Trung Âu đang vật lộn với các thể chế dân chủ, trong khi các chỉ số phát triển đều không đạt. Để rồi, các nước này tái xuất các nhà lãnh đạo võ biền, kỹ trị.
Trong khi đó, mô hình thứ nhất lại có nhiều hy vọng hơn hẳn. Ví dụ như Đài Loan, phát triển kinh tế thần kỳ giai đoạn 1960 - 1970, sau đó bắt đầu tiến trình dân chủ hóa của mình vào cuối thập niên 1980. Hay Hàn Quốc đã trải nghiệm giai đoạn phát triển kinh tế vũ bão dưới sự bảo trợ của các chính quyền độc tài những năm 1960 - 1970 rồi mới dần chuyển hóa thể chế chính trị thành mô hình dân chủ (dù họ vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cải thiện). Chưa kể một số trường hợp phức tạp khác như Nhật Bản, liệu các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Singapore sẽ đi theo con đường dân chủ mà lý thuyết này vạch ra?
Trong quyển “Con người chính trị”, Seymour Martin Lipset giả định một quốc gia có mức độ tăng trưởng kinh tế càng cao thì sẽ có khả năng phát triển, duy trì và bảo vệ nền dân chủ càng tốt. Qua phân tích các mẫu nghiên cứu ở một nhóm các quốc gia tại châu Âu và châu Mỹ Latin, tác giả kết luận các chỉ số liên quan đến mức độ thịnh vượng, công nghiệp hóa, đô thị hóa và giáo dục đều có tác động tích cực đến khả năng hình thành và duy trì các định chế dân chủ, dù trong giai đoạn bình thường hay có những khủng hoảng chính trị.