5 Nguyên tắc Nền tảng làm nên Hiến pháp Hoa Kỳ (phần 3)

5 Nguyên tắc Nền tảng làm nên Hiến pháp Hoa Kỳ (phần 3)


Trương Tự Minh
Ở hai phần trước, độc giả đã lần lượt tìm hiểu về chủ quyền nhân dân (popular sovereignty), nguyên tắc phân quyền (separation of powers) và thể chế liên bang (federalism), vốn được xem như những hạt nhân cơ bản của Hiến pháp Hoa Kỳ. Phần thứ ba này sẽ tập trung bàn về một vấn đề mang tính cốt lõi khác của bản Hiến pháp đã có 228 năm tuổi này: vấn đề quyền và tự do cá nhân. 

5 nguyên tắc nền tảng làm nên Hiến pháp Hoa Kỳ (phần 1)

5 nguyên tắc nền tảng làm nên Hiến pháp Hoa Kỳ (phần 2)

bill-of-rights-hero-lg

Quyền và tự do cá nhân

Ngày 4/7/1776, 13 thuộc địa Hoa Kỳ tuyên bố tách ra khỏi sự cai trị của Anh Quốc bằng một bản Tuyên ngôn Độc lập (Declaration of Independence) vốn nổi tiếng với câu nói:

We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness.

“Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc.”

Vậy những quyền “tất yếu và bất khả xâm phạm” này của mỗi cá nhân được Hiến pháp Hoa Kỳ, đạo luật cao nhất của quốc gia, đảm bảo cho công dân mình ra sao?

Ở bản Hiến pháp ban đầu, được thông qua tại Hội nghị Lập hiến (Constitutional Convention) vào ngày 17/9/1787 tại bang Philadelphia, sẽ không tìm thấy một điều khoản nào trực tiếp đề cập đến các quyền cá nhân (individual rights). Với mục tiêu xây dựng một nhà nước liên bang (federal government) vững mạnh hơn nhằm thay thế một chính thể đã bị vô hiệu hóa bởi trật tự chính trị lỏng lẻo của Hiến chương Liên hợp bang (Articles of Confederation), 7 Điều (Article) trong Hiến pháp 1787 – hiến pháp thứ hai của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ – chỉ tập trung quy định quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp của liên bang, mối quan hệ giữa chính quyền liên bang và các tiểu bang cũng như thể thức thông qua (ratification) hiến pháp và các sửa đổi, bổ sung (amendment) đi kèm.

Tuy nhiên, với đa số đại biểu tham dự Hội nghị Lập hiến mùa hè năm 1787, mục đích quan trọng nhất của bản hiến pháp mới là đảm bảo các quyền (rights) và tự do (liberties) cho mỗi cá nhân[1]. Vì vậy vấn đề phạm vi quyền lực trao cho nhà nước liên bang đã trở thành một trong những chủ đề “nóng” trong chương trình làm việc tại Hội nghị Lập hiến năm đó. Về cơ bản, tất cả đại biểu đều muốn thiết lập một chính quyền quốc gia đủ quyền lực để vận hành hiệu quả, nhưng đồng thời nó không được xâm phạm hay tước mất các quyền cá nhân và thẩm quyền của tiểu bang.

Để đáp ứng cùng lúc hai yêu cầu trên, những nhà kiến tạo Hiến pháp Hoa Kỳ (Framers of the Constitution) chọn giải pháp ở mô hình nhà nước có quyền hạn chế (limited government). Theo đó, chính thể liên bang chỉ sở hữu quyền lực được người dân trao cho – dựa trên nguyên tắc chủ quyền nhân dân (popular sovereignty) – và chỉ trong phạm vi Hiến pháp quy định. Bản thân quyền lực của nhà nước liên bang cũng được kiểm soát và hạn chế bởi chính các bộ phận chức năng bên trong nó (lập pháp, hành pháp, tư pháp) dựa trên nguyên tắc phân quyền (separation of powers); đồng thời quan hệ thẩm quyền giữa nhà nước trung ương và chính quyền bang được xác định trong cấu trúc thể chế liên bang (federalism).

Lúc này chỉ còn mối quan hệ giữa quyền lực nhà nước và quyền tự do cá nhân là vẫn còn để ngỏ. Chính từ đây đã phát sinh mâu thuẫn giữa các đại biểu ở Philadelphia năm 1787, để rồi hình thành hai luồng quan điểm trái ngược nhau mãi cho đến khi Hiến pháp được chính thức thông qua vào tháng 3/1789.

Các đại biểu như George Mason, Elbridge Gerry và Edmund Randolph – những đại diện nổi bật của bên chống lại thể chế liên bang (anti-federalists) – cho rằng mặc dù bản hiến pháp đề xuất ở Hội nghị đã làm tốt việc ngăn chặn nguy cơ lạm quyền của nhà nước trung ương bằng cơ chế kiểm soát và đối trọng, văn bản này lại chỉ quy định những điều chính quyền được làm mà không nói đến việc nó không được làm gì. Quan trọng hơn, nhằm cân bằng với quyền lực nhà nước, theo các đại biểu trên hiến pháp cần phải có nội dung ghi nhận, đảm bảo các quyền và tự do của mỗi cá nhân tương tự những bản tuyên ngôn về quyền (bill of rights) một số tiểu bang đã có trước đó.

Ở phía ngược lại, phần lớn các đại biểu khác nhận thấy không cần thiết phải đưa vào hiến pháp các quyền cá nhân cụ thể. Thậm chí Alexander Hamilton, người đã cùng “Cha đẻ của Hiến pháp Mỹ” James Madison viết nên Luận cương Thể chế liên bang (The Federalist Papers), còn khẳng định: “Bản Hiến pháp tự thân nó đã là một Tuyên ngôn về Quyền/The Constitution is itself a Bill of Rights.” Dựa trên cách hiểu này, chính quyền chỉ có thể thực thi quyền hạn trong phạm vi hiến định còn các cá nhân được tự do làm bất cứ điều gì không thuộc thẩm quyền nhà nước. Thêm vào đó, một số đại biểu thuộc phía ủng hộ thể chế liên bang (federalists) lập luận rằng việc liệt kê các quyền cá nhân trong hiến pháp tiềm ẩn một nguy cơ: nhà nước có thể xâm phạm tự do cá nhân trong trường hợp một quyền căn bản nào đó bị hiến pháp bỏ sót[2].

Từ những lý do vừa nêu – hoặc có ý kiến cho rằng các đại biểu đã quá mệt mỏi sau 4 tháng trời  tranh cãi – tháng 9/1787, bản dự thảo hiến pháp không có phần ghi nhận các quyền cá nhân được thông qua và gửi đến các bang chờ phê chuẩn. Tuy nhiên, sự thiếu vắng nội dung trên cuối cùng lại hóa thành trở ngại cho việc thông qua hiến pháp. Theo quy định, phải có ít nhất 9/13 bang phê chuẩn dự thảo thì hiến pháp mới được thông qua. Sau khi James Madison và các cộng sự của ông đã thuyết phục được 5 bang phê chuẩn, một số bang khác như Massachusetts, Maryland và Virginia vẫn tiếp tục phản đối bản dự thảo vì vấn đề quyền cá nhân.

Bằng nhiều nỗ lực thương thuyết, cuối cùng bên hậu thuẫn thể chế liên bang đã có được sự gia nhập cần thiết của bốn tiểu bang nữa sau Thỏa hiệp Massachusetts (Massachusetts Compromise) vào tháng 2/1788. Theo đó, các bang này chỉ đồng ý phê chuẩn với điều kiện Hiến pháp sẽ bổ sung việc ghi nhận các quyền và tự do cá nhân. Vốn ban đầu không ủng hộ đề xuất về một bản tuyên ngôn dân quyền trong hiến pháp, về sau Thomas Jefferson – ngòi bút chủ lực đằng sau Tuyên ngôn Độc lập 1776, vị tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ – lại đóng vai trò ảnh hưởng giúp Hiến pháp được thông qua. Trong một bức thư gửi James Madison ngày 20/12/1787, ông viết:

A bill of rights is what the people are entitled to against every government on earth, general or particular, and what no just government should refuse, or rest on inference.

Một bản tuyên ngôn dân quyền là điều mọi người dân phải có trong quan hệ đối lập với mọi loại nhà nước nói chung hay đặc thù, và đó cũng là điều mà không một nhà nước chính danh nào được từ chối hay chỉ ngầm hiểu.”

Được thông qua vào ngày 10/12/1791, Tuyên ngôn Dân quyền (Bill of Rights) gồm 10 tu chính án (amendment) đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ là sự đảm bảo các quyền dân sự và chính trị cơ bản (fundamental civil and political rights) của công dân nước này. Bên cạnh đó, Tu chính án thứ 9 còn ghi nhận việc bảo vệ các quyền cơ bản khác trong trường hợp chúng không được nêu trong Hiến pháp, qua đó giải tỏa mối lo ban đầu của phía Federalists về khả năng tự do cá nhân sẽ không được bảo vệ trọn vẹn nếu một số quyền cơ bản khác không được Hiến pháp quy định.

Toàn văn Tuyên ngôn Dân quyền Hoa Kỳ (Bill of Rights). Ảnh: exohuman.com

Toàn văn Tuyên ngôn Dân quyền Hoa Kỳ (Bill of Rights). Ảnh: exohuman.com

Song song chức năng ghi nhận và đảm bảo, 10 tu chính án đầu tiên của Hiến pháp 1787 còn là sự bảo vệ tự do cá nhân khỏi nguy cơ xâm phạm của nhà nước đối với các quyền tự do ngôn luận (freedom of speech), tự do báo chí (freedom of the press), tự do hội họp (freedom of assembly) và tự do tôn giáo (freedom of religion). Mặt khác, gần 2/3 nội dung của Tuyên ngôn Dân quyền hướng đến việc bảo vệ quyền của người bị tình nghi hoặc buộc tội. Nhóm các đảm bảo này tạo thành các quyền bao gồm quyền được hưởng quy trình tố tụng đúng luật (due process of law), xét xử công bằng (fair trials), quyền không tự buộc tội (freedom from self-incrimination), quyền không phải chịu hình phạt tàn nhẫn và bất thường (freedom from cruel and unusual punishments) và quyền không bị truy tố hai lần cho cùng một tội (double jeopardy).

Thừa hưởng những giá trị từ Tuyên ngôn về Quyền của bang Virginia năm 1776, Tuyên ngôn Dân quyền của Anh Quốc năm 1689, các tư tưởng về học thuyết quyền tự nhiên trong thời kỳ triết học Khai Sáng và Hiến chương Magna Carta năm 1215, mười tu chính án đầu tiên của Hiến pháp 1787 (hay còn gọi là Tuyên ngôn Dân quyền Hoa Kỳ) ngày nay vẫn được xem là biểu tượng và nền móng cho những lý tưởng cổ vũ cho tự do cá nhân, một nhà nước hạn chế quyền lực và một nền pháp trị đậm chất Mỹ.

Chú thích:

[1] Sự hoài nghi đối với quyền lực nhà nước của người Mỹ ngay những buổi đầu lập nước đến từ chính những trải nghiệm của họ trong thời kỳ thuộc địa. Sau khi Đạo luật Tem thuế (Stamp Act) được Quốc hội Anh thông qua vào năm 1765, thuế được áp đặt cho mọi loại giấy tờ pháp lý và thương mại trên 13 thuộc địa Hoa Kỳ; thậm chí sách báo, tờ rơi cũng bị đánh thuế. Được Quốc hội trao cho lệnh khám xét bất kỳ (writ of assistance), các viên thanh tra thuế người Anh tùy tiện vào nhà người bản xứ lục soát ngay cả khi không có dấu hiệu trốn thuế. Vốn đã bất bình khi bị quản lý bởi một nhà nước mà họ không bầu lên và không có tiếng nói đại diện, nay với một đạo luật thuế bất công và việc bị khám xét một cách vô lý mà không có lệnh của tòa án, người dân thuộc địa càng trở nên chống đối và phản kháng lại sự cai trị của chính quyền Anh Quốc, đồng thời liên hệ nó với tình trạng quyền lực không được kiểm soát.

Từ đó người Mỹ hình thành quan niệm độc đáo về quan hệ đối lập giữa quyền lực nhà nước và tự do cá nhân như hai kẻ thù cố hữu. Vì vậy trong quá trình kiến thiết quốc gia, những vị Cha đẻ của nước Mỹ (Founding Fathers) đã xem việc bảo vệ tự do cá nhân và kiềm chế quyền lực nhà nước là nhiệm vụ quan trọng nhất của mình.

[2] Những quyền mà các đại biểu có mặt ở Hội nghị Philadelphia 1787 nói đến là “các quyền tất yếu và bất khả xâm phạm” có ở Tuyên ngôn Độc lập 1776. Dựa vào học thuyết quyền tự nhiên (natural rights theory), các nhà lập quốc Hoa Kỳ tin rằng các quyền của con người là do tạo hóa trao cho, do đó không thể bị tước đoạt khi không có sự cho phép. Học thuyết quyền tự nhiên cũng là cơ sở cho việc bảo vệ quyền của nhóm thiểu số khỏi sự chuyên chế của số đông (minority rights versus majority rule) trong nguyên tắc nền cộng hòa (republicanism) của Hiến pháp Mỹ.

Bài viết tổng hợp và lược dịch từ các nguồn:

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.