Nhóm lợi ích trong các chế độ độc tài vận hành ra sao
Ở hai phần trước, tác giả đã giới thiệu về sự hình thành, một số đặc điểm và cách thức
Thanh Hải (dịch từ Foreign Policy)
Ngay cả trong những phiên tòa mang tính trình diễn như vụ Chu Vĩnh Khang, Trung Quốc cũng thuê những luật sư tài năng nhất để “bảo vệ” cho những vị quan chức thất sủng này.
Trong đoạn phim phát sóng trên chương trình thời sự hàng đêm ngày 11/6, có sự xuất hiện tại tòa của đôi luật sư biện hộ với vẻ bình thản, trái ngược với thân chủ của họ – một người đàn ông tóc bạc, đứng trước vành móng ngựa, thừa nhận tội và tuyên bố không kháng cáo bản án chung thân dành cho mình. Bị cáo là Chu Vĩnh Khang, nguyên giám đốc bộ máy an ninh nhà nước Trung Quốc và cũng là “con hổ” lớn nhất, bị kết án trong chiến dịch “đả hổ” chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động ngay sau khi nắm quyền vào tháng 10/2012.
Phiên toà khép lại, với tội danh dành cho bị cáo là cố ýtiết lộ bí mật nhà nước, nhận hối lộ và lạm quyền. Nhiều ý kiến cho rằng đoạn phim ba phút phát trước đó vào ngày 22/5 cho thấy việc tuân theo thủ tục tố tụng tại Tòa chỉ là sự ân huệ dành cho ông Chu. Vụ của ông đã được xét xử một cách bí mật đến nỗi lần xuất hiện đầu tiên của hai luật sư bào chữa, Hao Chunli và Gu Yongzhong, được xem như một sự mặc khải. Hồi tháng 4, hãng Bloomberg đã đưa tin luật sư Gu được chỉ định trong vụ án này, nhưng không có xác nhận chính thức từ truyền thông Trung Quốc, mãi cho đến khi đoạn phim thời sự trên hiện ra hình ảnh hai vị luật sư ngồi nghiêm trang trong bộ áo choàng đen. Họ là những luật sư bậc nhất trong giới pháp lý tại Trung Quốc, nhưng đoạn phim lại cho thấy cả hai chẳng có bất kỳ “hành động” bào chữa nào, dù luật cho phép họ làm mọi điều có thể.
Ông Chu Vĩnh Khang là lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc bị kết tội trong nhiều thập kỷ qua. Có nhiều ý kiến cho rằng bản án và hình phạt thật sự dành cho ông không phải được đưa ra tại Tòa, mà là trên bàn thảo luận của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi mà trong quá khứ ông Chu đã từng là một ủy viên thường trực. Giáo sư Đại học Luật George Washington, Donald Clarke, một chuyên gia về pháp luật Trung Quốc, cho rằng: “Do sự nhạy cảm của vụ án, việc chỉ định luật sư bào chữa cho Chu Vĩnh Khang phải được nhiều cấp cao nhất phê duyệt chứ không do Tòa án quyết định”. Tòa án trong trường hợp này giống như một “sân khấu”, làm nhiệm vụ truyền tải đến thị giác công chúng rằng ông Chu Vĩnh Khang đã được xét xử theo đúng trình tự như thế nào. Để thêm phần hấp dẫn, người ta không thể tuyển những diễn viên “vô danh”, mà phải là hai luật sư hàng đầu quốc gia, để giúp “sự thật” có vẻ được đẩy lên cao trào. Vai trò của họ được giáo sư Clarke dùng từ “quan sát viên” để mô tả.
Các chuyên gia cho rằng vai trò của luật sư bào chữa trong các vụ án chính trị nhạy cảm gần như là con số không, nên họ cũng rất bất ngờ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ địnhhai cá nhân có uy tín như vậy. Giáo sư Luật Đại học New York, Jerome Cohen, cho rằng các luật sư cao cấp trong phiên tòa như thế này “không thể làm gì nhiều” và thường được đưa vào ở phút cuối. Họ có rất ít thời gian, không tiếp cận với thân chủ nhiều, và không thể tiến hành điều tra độc lập về những cáo buộc dành cho thân chủ của mình. Họ không thể kiểm tra chéo các nhân chứng và các thẩm phán cũng không để tâm đến họ. Giáo sư Cohen ví von: “Các luật sư là cửa sổ trang trí, mặc dù trong các phiên tòa xử kín gần như là không có cửa sổ”.
Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, cũng có vài nhận xét tốt về hai luật sư của ông Chu. Dưới một bức ảnh chụp hai luật sư trên màn hình bản tin thời sự, một đồng nghiệp của luật sư Hao đã gửi lời chúc mừng: “Mọi suy đoán có tội đều có quyền được bảo vệ”. Ý kiến này đã thu hút hơn 700 lượt bình luận, mà đa phần là châm biếm. “Các ông chỉ là đạo cụ và công cụ, thế thôi”, “Ngài gọi đó là sự bảo vệ thành công? Xin lỗi, họ chỉ là đồ trang trí vô ý thức. Thật thảm hại và đáng buồn”, một số người dùng Weibo bình luận.
Luật sư Hao từng được chỉ định trong nhiều vụ án lớn như vậy. Bà là giám đốc công ty luật Dong Wei, thành lập tại Bắc Kinh năm 2009, với hơn 90 luật sư hành nghề. Bà từng biện hộ cho Ding Shumiao, một nữ doanh nhân bị kết án 20 năm tù và buộc nộp phạt 408 triệu USD tiền hối lộ các quan chức cấp cao ngành đường sắt trong phiên tòa vào tháng 12/2014. Bà Hao cũng từng biện hộ cho Song Wendai, cựu giám đốc điều hành một công ty quốc doanh kinh doanh vàng ở Nội Mông, bị cáo buộc biển thủ 14 triệu USD ngân sách và bị kết án tử hình vào tháng 10/2012 (Tòa đã tuyên rằng Song trộm gần 134 kg vàng từ công ty và giấu trong xe hơi để dưới lòng đất nhà ông tại Bắc Kinh). Trong một bài báo vào tháng 8/2013, bàn về cách luật sư đối phó với sự chú ý của truyền thông, bà Hao cho biết các trường hợp thân chủ có lý lịch cao cấp thường buộc bà phải “né tránh cuộc gọi hoặc tin nhắn” truy vấn của giới truyền thông. Bà nói rằng tránh sự chú ý của báo chí sẽ thuận lợi hơn để có một phiên tòa xét xử công bằng.
Luật sư Gu là Phó Viện trưởng của Viện Nghiên cứu Luật Tố tụng, Đại học Chính trị và Pháp luật Trung Quốc ở Bắc Kinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hình sự của Hiệp hội Luật sư Trung Quốc.
Cả hai vị luật sư này thường công du tại các hội nghị pháp luật quốc tế. Ông Gu từng có bài phát biểu tại Đại học Harvard vào năm 2008. Ông Gu và bà Hao đều có bài phát biểu tại một hội nghị ở Melbourne vào năm 2012.
Đã quá quen với hệ thống pháp luật Trung Quốc, giáo sư Clarke cho rằng luật sư bào chữa trong những trường hợp này mặc dù không bảo vệ được thân chủ theo nghĩa truyền thống, thì họ vẫn đóng một vai trò nhất định. “Nếu luật sư là một người bảo vệ giỏi, có lẽ họ cũng đạt được chút công bằng nào đó cho thân chủ của mình, điều mà thân chủ không thể tự giành lấy cho chính mình”, giáo sư Clarke nói. Về phần giáo sư Cohen, ông nói rằng mình quen và ngưỡng mộ luật sư Gu, rằng việc được lựa chọn để bảo vệ một người như ông Chu Vĩnh Khang không làm giảm uy tín dù cũng có thể ảnh hưởng sự nghiệp. “Người dân hiểu rằng các luật sư chỉ có thể làm được rất ít và nhận nhiệm vụ như một loại trách nhiệm pháp lý cũng như chính trị” – giáo sư Cohen nói.