Cuộc “tổng bố ráp” luật sư tại Trung Quốc

Nguyễn Quốc Tấn Trung (tổng hợp) – Gần 200 luật sư đã bị bắt giam, triệu tập trên cả 24 tỉnh thành của Trung Quốc trong tháng qua. Chính quyền cáo buộc họ có liên quan đến hoạt động của hãng Fengrui, một công ty luật từng bảo vệ nhiều người đấu tranh nhân quyền ở Trung Quốc.

Luật sư Wang Yu, thành viên của hãng luật Fengrui, một trong những luật sư nổi bật bị bắt trong đợt đàn áp tháng 7 của Chính quyền Trung Quốc.

Trung Quốc hiển nhiên không phải là miền đất hứa của giới luật sư, hay các nhà hoạt động xã hội. Họ được yêu cầu tuân thủ một logic khác biệt so với đa số phần còn lại của thế giới.  Theo đó, nếu một bị cáo được đưa ra xét xử trước tòa, không có sự bảo vệ pháp lý nào là cần thiết, bởi, các cơ quan nhà nước sẽ chỉ đem vụ việc ra xét xử nếu “kẻ bất lương” chắc chắn có tội. Và đi xa hơn, nếu bất kỳ luật sư nào dám đứng ra bảo vệ “kẻ bất lương” vốn không được phép bảo vệ, vị luật sư đó cũng sẽ có tội – với một tội danh được nhà nước Trung Quốc quyết định sau đó tùy từng trường hợp cụ thể.

Vậy câu hỏi đặt ra là, các luật sư Trung Quốc sẽ làm gì tại thế giới đó? Giải pháp vùi đầu mình vào những công việc bàn giấy hằng ngày, dán mắt vào màn hình tivi để được biết về những thành tựu vĩ đại của chính phủ là một giải pháp an nhàn, được ưa thích.

Vậy điều gì xảy ra nếu có một số không muốn bị gò ép trong thứ logic quái dị đó của Beijing? Bố ráp, khủng bố và đe dọa như thường lệ. Nhưng thứ mà Beijing đang cố gắng thực hiện còn vượt xa giới hạn mà họ từng đạt đến.

Bắt giam, triệu tập ở quy mô chưa từng có tiền lệ

Kể từ ngày 10/7, đã có 233 luật sư và các nhà hoạt động bị bắt giam, triệu tập trên cả 24 tỉnh thành của Trung Quốc. Chính quyền cáo buộc họ có liên quan đến hoạt động của hãng luật Fengrui, trụ sở tại Bắc Kinh, mà dường như là trung tâm của cuộc đàn áp. Fengrui vốn là một công ty luật với rất nhiều luật sư đại diện và đấu tranh cho nhiều nhà hoạt động xã hội, kể cả việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của một số thành viên thuộc phái Falun Gong (Pháp Luân Công).

Hơn 200 người được tạm thả sau khi bị đe dọa về các hành vi ủng hộ hoặc liên đới đến Fengrui, nhưng theo Hiệp hội Luật sư Nhân quyền Trung Quốc (Chinese Human Rights Lawyers Concern Group), có trụ sở tại Hong Kong, vẫn còn khoảng 14 luật sư  bị tạm giam và 6 người khác mất tích. Trong số 14 người được xác nhận là bị bắt, có 8 luật sư bị tạm giam hình sự, 3 người bị địa phương quản chế và 3 người còn lại bị tạm giữ theo các hình thức khác. Điều đáng nói là chỉ một trong số 14 người này được quyền tiếp cận với luật sư riêng của mình.

Pháp luật chỉ là thứ yếu

Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự Trung Quốc, trong trường hợp tội danh bị khởi tố có liên quan đến “an ninh quốc gia” hay “khủng bố”, cảnh sát có quyền không thông báo cho gia đình hay cung cấp thông tin cho truyền thông, bởi làm như thế có thể gây nguy hại cho nhân chứng và “cản trở việc điều tra”. (Một trường hợp khác là khi cơ quan tố tụng không thể liên lạc được với gia đình của nghi phạm bằng các biện pháp liên lạc thông thường).

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật Tố tụng Hình sự Trung Quốc, cảnh sát chỉ được quyền bắt giữ mà không thông báo trong thời hạn không quá sáu tháng.

Còn đối với đa số các luật sư bị bắt giam với tội danh “gây rối trật tự xã hội” và “vi phạm thủ tục tố tụng”, không có căn cứ pháp lý nào để cảnh sát Trung Quốc được quyền che giấu thông tin về nơi giam giữ cũng như các cáo buộc chống lại họ.

Thêm vào đó, Điều 37 của Bộ luật Tố tụng Hình sự Trung Quốc cũng chỉ rõ, trong các trường hợp tội danh nêu trên, luật sư của các bị can được quyền tiếp cận với thân chủ của họ sau khi hoàn thành đủ các thủ tục quy định với cơ quan điều tra.

Nếu cơ quan chức năng cũng như chính phủ Trung Quốc chỉ cần có một phần rất nhỏ sự nghiêm túc về mặt hành pháp cũng như tính thượng tôn pháp luật, họ sẽ buộc phải trả tự do cho các luật sư bị bắt giữ chỉ vì tham gia vận động và bào chữa cho các nhà hoạt động nhân quyền tại Trung Quốc. Hay thậm chí ở mức thấp nhất, họ cũng đã phải cung cấp những quyền đầy đủ không trói buộc của bị can để tiếp cận với gia đình, luật sư, cơ quan truyền thông, theo đúng quy định của pháp luật Trung Quốc.

Sự trắng trợn của Bắc Kinh càng cho thấy thái độ khinh thường pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của đảng cầm quyền dưới thời Tập Cận Bình.

Nguy cơ lạm dụng tra tấn

“Việc biệt giam bất kỳ cá nhân nào một cách bí mật luôn đẩy các bị can vào nguy cơ cao bị ngược đãi, tra tấn, đặc biệt là khi họ bị giam vì các tội danh chính trị tại Trung Quốc” – Sophie Richardson, Giám đốc của Human Rights Watch tại Trung Quốc, khẳng định.

Cơ quan của Human Rights Watch tại Trung Quốc gần đây mở rộng thu thập và lưu giữ các tài liệu về thói quen tra tấn, nhục hình của cảnh sát Trung Quốc đối với các nghi phạm hình sự nói chung và chính trị nói riêng. Trong các báo cáo này, các hình thức tra tấn bao gồm các biện pháp cả về tinh thần lẫn thể xác, như treo và đánh đập trong nhiều ngày; không cho ngủ, nghỉ ngơi… nhằm đạt được mục tiêu đẩy nghi phạm vào tình trạng bị kiệt sức và buộc phải thú nhận tội danh.

“Tru di… cửu tộc”

Các biện pháp mà nhà cầm quyền Bắc Kinh áp dụng còn bao gồm cả việc sách nhiễu, tạm giữ và gây ảnh hưởng đến tâm lý của các thành viên trong gia đình của những luật sư bị khởi tố. Bao Mengmeng, con trai của hai luật sư then chốt của hãng luật Fengrui là Bao Longjun và Wang Ju, dù chỉ mới 16 tuổi cũng bị bắt vào cùng thời điểm với luật sư Bao Longjun tại sân bay khi ông tiễn con đi du học. Từ ngày 9 cho đến ngày 18/7, cảnh sát Trung Quốc tạm giữ và hỏi cung bắt buộc Bao Mengmeng đến bốn lần. Sau khi thả Bao Mengmeng, ngoài việc đe dọa, cấm anh tìm, liên lạc với bất kỳ luật sư nào hay cho biết thông tin về ba mẹ, cảnh sát Trung Quốc còn tịch thu hộ chiếu của Bao Mengmeng, không cho anh về Bắc Kinh và quản chế anh tại nơi cư trú của người thân ở Tianjin (Thiên Tân) với nhân viên an ninh có vũ trang trực tiếp kiểm soát. Thậm chí, bốn người họ hàng của hai luật sư nói trên cũng bị triệu tập để răn đe và điều tra.

Điều này càng khiến dư luận trong nước và quốc tế ngày càng lo ngại về cách hành xử phong kiến của chính quyền Trung Quốc. Tổ chức Human Rights Watch ghi nhận sự gia tăng chóng mặt các vụ giam giữ và sách nhiễu người thân, người liên quan của các tù nhân chính trị tại Trung Quốc. Tiêu biểu như vào tháng 5/2014, sau khi bắt giữ và tạm giam luật sư Qu Zhenhong, cảnh sát Trung Quốc cũng ngay lập tức tạm giữ người cháu gái của luật sự này với tội danh “kích động thù hận dân tộc” và “gây rối trật tự công cộng”. Đầu tháng 7/2015, nhà chức trách Trung Quốc cũng tạm giữ cha của nhà hoạt động Wu Gan với tội danh “gây rối và cản trở quá trình điều tra”.

Mục tiêu khủng bố

Với tình hình thị trường chứng khoán không mấy sáng sủa và các khoản đầu tư nước ngoài đang dần rút khỏi Trung Quốc nói chung, chính quyền của Tập Cận Bình, theo phong thái quen thuộc, trước hết thấy cần nhắc nhở bất kỳ tiếng nói nào dám đặt ra câu hỏi với sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc. Và lần này đến phiên các luật sư.

Một thời gian ngắn sau khi làn sóng đàn áp bắt đầu, các cơ quan truyền thống nhà nước bắt đầu công bố những cáo buộc vô căn cứ về các luật sư thuộc hãng luật Fengrui, đồng thời với việc đăng tải “lời nhận tội” của họ như một nỗ lực rõ ràng nhằm triệt hạ uy tín cá nhân, hoạt động và vị trí của họ trong lĩnh vực kinh doanh thương mại (một số luật sư trong hãng luật Fengrui bị bắt chỉ đơn thuần là luật sư doanh nghiệp, đầu tư). Ngày 12/7, Tân Hoa Xã thậm chí công bố bài viết trong đó gọi hãng luật Fengrui là “băng đảng tội phạm nguy hiểm” với mục tiêu hoạt động nhằm “cản trở và gây rối loạn trật tự xã hội” dưới danh nghĩa “bảo vệ quyền con người”. Đến ngày 18/7, Tân Hoa Xã dẫn lời “nhận tội” của luật sư Zhou Shifeng, luật sư điều hành của Fengrui, thú nhận rằng công ty của ông đã vi phạm pháp luật và là mối nguy hại của sự ổn định xã hội.

Bà Eu, nguyên chủ tịch của Hiệp hội Luật sư Trung Quốc, cho biết, khó mà tin rằng gần 200 luật sư trên toàn quốc bị bắt giữ hay triệu tập chỉ vì duy nhất một tội danh của một hãng luật. Rõ ràng vụ bố ráp quy mô lớn này không chỉ nhằm vào hãng luật Fengrui mà còn phát đi lời cảnh báo cho toàn bộ giới chuyên gia luật pháp tại Trung Quốc và nhắc nhở họ về thế đứng trên pháp luật của đảng Cộng sản Trung Quốc. Cuộc đàn áp đến nay được nhìn nhận là sẽ còn tiếp tục để giới luật sư không còn đủ tự tin tham gia tự nguyện vào các vụ án liên quan đến các nhà hoạt động nhân quyền.

Tài liệu tham khảo:

China: Secretly Detained Lawyers at Risk of Torture
Hong Kong Barristers Campaign Over China’s ‘Arbitrary’ Detention of Rights Lawyers
Biographies of Lawyers, Staffers and Activists Detained or Disappeared in the July 10 Nationwide Raid Against Rights Lawyers

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.