Nhóm lợi ích trong các chế độ độc tài vận hành ra sao
Ở hai phần trước, tác giả đã giới thiệu về sự hình thành, một số đặc điểm và cách thức
Kể từ khi tiếp quản vị trí quyền lực nhất Trung Hoa vào năm 2012, Chủ tịch Xi Jinping (Tập Cận Bình) luôn thể hiện sự chú tâm bất thường của mình đối với vấn đề an ninh. Chỉ một năm sau, ông thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia do chính mình đứng đầu. Và vào ngày 01 tháng 7 năm nay, Quốc hội Trung Quốc tiếp tục củng cố mục tiêu của Xi Jinping khi thông qua đạo luật mới về an ninh quốc gia. Về mặt tổng thể, văn bản này thể hiện phần lớn quan ngại cá nhân của Xi, vốn nhìn ra những mối đe dọa phát sinh từ hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội bao gồm Internet, văn hóa, giáo dục hay cả các thế lực bên ngoài. Nếu phân tích xu hướng tâm lý thường thấy trong giới lãnh đạo Trung Hoa, dự luật chắc chắn sẽ được chào đón nồng nhiệt – nhưng không hẳn là như vậy đối với những ai bất đồng quan điểm với đảng Cộng sản cầm quyền.
Đạo luật dày đặc 6900 chữ ghi nhận ý chí của giai cấp cầm quyền có rất ít điều khoản đi vào chi tiết (thậm chí không xác định bất kỳ hình phạt nào), nhưng lại đưa ra nhiều nghĩa vụ thiếu rõ ràng như “bảo vệ lợi ích cơ bản của nhân dân” và thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ quốc gia. Thực tế tại nhiều nước, bao gồm Hoa Kỳ và Ấn Độ, đều có luật, đạo luật liên quan đến vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng cách sử dụng ngôn ngữ thiếu minh bạch của đạo luật an ninh quốc gia Trung Quốc mới chính là thứ khiến cộng đồng quốc tế cũng như người dân Trung Quốc lo ngại (ngoại trừ việc luật ghi nhận ngày 15 tháng 4 hằng năm sẽ là ngày Giáo dục An ninh Quốc phòng). Hiển nhiên với xu hướng lập pháp của Trung Quốc, có thể sẽ có một văn bản hướng dẫn chi tiết được ban hành. Nhưng khó có cơ hội để những văn bản dưới luật định nghĩa cụ thể hơn các khái niệm chủ yếu của đạo luật. Đối với Chủ tịch Xi Jinping, sự không minh bạch luôn là một thứ vũ khí hữu dụng.
Điều đầu tiên cũng chính là mục tiêu hướng đến của văn bản này, theo đó nhằm “bảo vệ quyền lực chính trị của nền chuyên chính dân chủ nhân dân và hệ thống chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”. Như thường lệ, sự duy trì quyền lực của đảng Cộng sản và an ninh quốc gia được xem là một. Vai trò của Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia được xác định chủ yếu nhằm vào các mối đe dọa an ninh nội địa bao gồm những vấn đề phổ biến hiện nay, như khủng bố. Nhưng đảng Cộng sản Trung Quốc chắc chắn cũng không bỏ qua những “đe dọa” phát sinh từ quyền tự do ngôn luận hay các tư tưởng cải cách.
Sẽ không có gì là quá đáng khi nhận định rằng Xi đã có những hành động mang tính quyết liệt hơn người tiền nhiệm của mình – ông Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) – trong việc triệt tiêu những mối nguy hại có thể nhận diện bằng cách bỏ tù những nhà bất đồng chính kiến và thắt chặt kiểm soát Internet, hay kể cả việc phát động một cuộc “chiến tranh nhân dân” có danh nghĩa chống khủng bố đối với người Hồi giáo Uighurs (Duy Ngô Nhĩ) ở phía Tây Xinjiang (Tân Cương). Chính vì vậy, một trong những điểm khác biệt quan trọng giữa dự thảo của đạo luật được công bố vào tháng Tư và bản chính thức được thông qua là không gian quyền lực rộng lớn hơn mà các điều luật dành cho sự độc tôn của đảng Cộng sản. Cũng cần ghi nhận rằng, dự luật (nhằm thay thế văn bản có hiệu lực trước đó vào năm 1993) chỉ là một trong năm đạo luật được soạn thảo gần đây nhằm phục vụ việc tăng cường quyền lực cho bộ máy an ninh như mong muốn của ông Xi. Những đạo luật này bao gồm văn bản quy phạm điều chỉnh về vấn đề an ninh tình báo, thông qua vào năm ngoái, và các văn bản đang trong giai đoạn soạn thảo nhắm đến việc chống khủng bố, an ninh điện tử và kiểm soát các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Các văn bản trên nói chung và đạo luật an ninh quốc gia nói riêng tựu chung nhằm giải thích cho mục tiêu mà ông Xi ưa thích sử dụng – tăng cường tính “pháp quyền”. Điều 15 của đạo luật cũng yêu cầu bộ máy chính phủ phải “cải thiện các biện pháp kiểm tra và giám sát quá trình thực thi quyền lực của cơ quan công quyền”. Nhưng có vẻ không đơn giản như vậy. Trong buổi gặp mặt thường niên vào tháng 10 năm trước, Xi Jinping định hướng rõ ràng cho các thuộc quyền rằng, “pháp quyền” cần phải được sử dụng như là một biện pháp tăng cường vị trí thống trị của đảng Cộng sản Trung Quốc, không phải làm nó yếu đi. Cũng vào ngày 01 tháng 7, Quốc hội Trung Quốc quy định kể từ năm sau, các quan chức sẽ phải tuyên thệ trung thành với bản Hiến pháp của Công hòa Nhân dân Trung Hoa khi nhậm chức – một văn bản vốn ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền hội họp và quyền liên kết. Ngay cả khi điều đầu tiên của Hiến pháp ghi rõ Trung Quốc là nhà nước “chuyên chính dân chủ nhân dân” – ông Xi có vẻ chưa bao giờ mong muốn nhắc đến những nội dung tươi sáng đó.
“Nghĩa vụ” đấu tố
Lo âu của Xin Jinping thực ra không phải không có cơ sở. Rõ ràng sự lãnh đạo của đảng Cộng sản tại Trung Quốc đã mất đi tính chính danh về mặt ý thức hệ mà nó có trước đó với “công đầu” hiển nhiên thuộc về sự điên rồ của thời đại chủ nghĩa Mao từ thập niên 50 đến tận thập niên 70. Tính chính danh về mặt kinh tế của sự lãnh đạo này cũng đang bị thách thức do sự phát triển kinh tế Trung Quốc đang chững lại, giá cả tiêu dùng gia tăng cùng với gánh nặng thuế phí – khi mà sự thành tựu kinh tế luôn là công cụ chính để vỗ về tầng lớp nhân dân. Các công dân bình thường ngày nào đang ngày càng gia tăng nhu cầu bày tỏ sự bất bình – trong đó ví dụ cụ thể là những cuộc biểu tình nổ ra ở ngoại ô Shanghai (Thượng Hải) với sự tham gia của hàng ngàn người sau khi có tin chính quyền địa phương chấp thuận dự án xây dựng một nhà máy hóa chất trong khu vực vào hôm 22 tháng 6 mới đây. Bất ổn kéo dài chỉ cho đến khi an ninh Trung Quốc bắt giữ hàng chục người tham gia. Cùng lúc, sự xì hơi của những bong bóng chứng khoán khổng lồ tại thị trường Trung Quốc đang gây hoang mang lớn cho Beijing (Bắc Kinh) bởi hàng triệu nhà đầu tư nước này phần lớn dùng vốn vay để đầu tư vào những cổ phiếu khống.
Theo quy định của Luật An ninh Quốc gia mới, nghĩa vụ cá nhân của mỗi công dân trong việc bảo vệ an ninh quốc gia được nhấn mạnh (nhưng dừng ở mức đọc và thi hành, không phải quấy rối). Khía cạnh này có vẻ được tiếp cận rõ ràng hơn so với bản thảo đầu tiên. Để so sánh, những văn bản tương đương của các quốc gia khác thông thường ghi nhận những gì mà pháp luật cấm, như rò rỉ bí mật quốc gia. Văn bản của Trung Quốc, ngược lại, ghi nhận những gì công dân phải làm, bao gồm cả việc báo cáo bất kỳ mối nguy hại tiềm tàng nào. Điều này càng tăng thêm lo âu cho cộng đồng các nhà hoạt động chính trị tại Trung Quốc vốn đã bị bao vây bởi hệ thống pháp luật mơ hồ từ trước. Tại một thành phố phía nam Guangzhou (Quảng Châu), các công tố viên được cho là đang chuẩn bị cáo trạng dành cho blogger tự do Liang Qinhui với tội danh “kích động lật đổ chính quyền nhân dân”. Hành vi được cho là “phạm tội” bao gồm việc người này đăng tải các dòng tweet “nhạy cảm” (một trong số đó có ý rằng “thà là chó Mỹ còn hơn làm lợn Trung Hoa”).
Các cảnh báo mà đạo luật mới đưa ra thậm chí còn dành cho cả doanh nghiệp nước ngoài. Một số quan ngại đã được nêu lên khi các đạo luật liên quan trước đó, mà cụ thể là bản thảo của Luật chống khủng bố được tiết lộ vào tháng Ba năm nay buộc mọi doanh nghiệp phải cung cấp dữ liệu mã hóa khi có yêu cầu. Đến lần này, đạo luật an ninh khẳng định chủ quyền của nhà nước Trung Hoa đối với mọi “cơ sở hạ tầng hay hệ thống thông tin thiết yếu” và phải “đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền”. Dù rằng mục tiêu hiện tại của chính quyền Trung Quốc chỉ dừng lại ở việc sử dụng các hệ thống máy tính, thông tin quan trọng; giới đầu tư quan ngại rằng thứ ngôn ngữ pháp lý vô tội vạ này cuối cùng cũng sẽ dẫn đến sự hạn chế phân phối và sử dụng các sản phẩm của họ tại thị trường Trung Quốc. Bản thảo của dự luật về tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng không tươi sáng hơn với yêu cầu việc các tổ chức chỉ được xem xét là hoạt động hợp pháp nếu có đăng ký với hệ thống cơ quan cảnh sát nhân dân.
Hiện tại, sự việc không trở nên quá nặng nề tại Hong Kong. Mặc dù văn bản có ghi nhận nghĩa vụ của các cựu thuộc địa trong việc duy trì an ninh quốc gia, nhóm quan chức Trung Quốc nhanh chóng xác nhận rằng đạo luật sẽ không áp đặt lên lãnh thổ Hong Kong – vốn có hệ thống pháp luật riêng biệt vốn chịu ảnh hưởng của Anh quốc. Chắc chắn sự loại trừ này không tồn tại vĩnh viễn. Các quan chức Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh Hong Kong có nghĩa vụ thông qua đạo luật an ninh riêng của mình theo Hiến pháp thời hậu thuộc địa. Dù vậy, xét về thực tế, chính quyền thân Beijing tại Hong Kong đã từng cố gắng thông qua một đạo luật tương tự vào năm 2003 dẫn đến một cuộc biểu tình khổng lồ của hơn nửa triệu người dân Hong Kong, là nguyên dân trực tiếp khiến Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong lúc bấy giờ, ông Tung Chee-hwa (Đổng Kiến Hoa), buộc phải từ chức. Vì vậy, có vẻ như các nhà lãnh đạo Hong Kong hiện nay sẽ không vội vàng thử lại lần nữa (cho dù phong trào dân chủ tại Hong Kong đang bị hạ nhiệt khi phải đối mặt với sự kiên quyết không khoan nhượng của chính quyền đại lục).
Tại những nơi khác của Trung Hoa, sự nghi ngại dành cho những đạo luật mới của chủ tịch Xi Jinping khó tiêu tan trong sớm muộn. Một nhà lập pháp cấp cao thừa nhận, sau khi tất cả những đạo luật liên quan về an ninh quốc gia được thông qua, hệ thống an ninh tại Trung Quốc trở nên “phức tạp hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử”. Nhưng có lẽ đó cũng không còn là vấn đề. Với 155 nhà lập pháp (của Ủy ban Thường vụ Quốc hội – ND) tán thành thông qua đạo luật với chỉ một phiếu trắng, ít nhất Chủ tịch Xi Jinping không cần phải lo lắng về sự trung thành của Quốc hội nước này đối với ông.
Dịch từ Everything Xi wants (Economist)