Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Dư luận mấy ngày nay đang sôi sục với tin về vụ thảm sát cả gia đình 6 người ở Bình Phước. Hầu như tất cả mọi người đều phẫn nộ, ghê sợ hành vi sát nhân và muốn kẻ thủ ác phải chịu mức án cao nhất: tử hình. Trong những vụ việc như thế này, vai trò của luật sư bào chữa cho bị cáo càng trở nên khó khăn gấp bội. Tờ The Guardian (Anh) từng có một bài viết dài, thuật lại những suy nghĩ, trải nghiệm và phân tích của một số luật sư đảm nhận công việc khó khăn đó.
Bào chữa cho những kẻ bất khả bào chữa?
Luật sư nói về việc đại diện cho nghi phạm của những vụ giết người kinh hoàng
Trâm Huyền (dịch)
John Henry Browne, 67 tuổi, ngụ tại thành phố Seattle bang Washington, đã làm nghề luật 43 năm. Ông từng bào chữa cho nhiều kẻ sát nhân hàng loạt nổi tiếng, trong đó có tên tội phạm giết người hàng loạt Ted Bundy, kẻ gieo rắc sợ hãi trên toàn nước Mỹ hồi những năm 1970, và Robert Bales, một trung sỹ lục quân từng thảm sát 16 người dân thường Afghanistan năm 2011.
Tôi luôn cảm thấy mình ngả theo bên yếu thế hơn. Chính quyền thường mắc sai lầm. Tôi đã từng bào chữa cho một số người vô tội. Điều đó gần như là con đường của cả đời tôi. Là việc tôi phải làm.
Trình diễn là một phần công việc. Nó tới với tôi rất tự nhiên. Tôi từng diễn kịch hồi học trung học. Người ta nói tôi giống như một nhân vật trong kịch của Shakespeare vậy, phù phiếm. Tôi đã ngẫm ra điều đó có nghĩa là gì – nghĩa là một luật sư thật sự có cá tính. Bạn rất dễ trở nên kiêu ngạo trong nghề này. Tôi tranh đấu với bản ngã mình suốt.
Tôi được nuôi dạy theo chiều hướng chống lại án tử hình, nhưng sau khi một người bạn nữ của tôi bị giết một cách dã man năm 1969, tôi đã nghĩ là tôi sẽ phải tìm ra kẻ đã sát hại, và tôi sẽ xử lý hắn. Nghe có vẻ mê tín, nhưng cô bạn bị giết đó đã hiện về gặp tôi trong một giấc mơ. Cô ấy chưa bao giờ ủng hộ án tử hình, vì thế tôi quay lại việc đấu tranh chống lại nó phần nào như một cách để tưởng nhớ cô ấy.
Tôi thường có một vài gắn bó về cảm xúc với các thân chủ, nhưng Ted Bundy là một ví dụ hoàn hảo cho những kẻ sinh ra đã độc ác. Tôi không thương cảm gì hắn. Nhưng tôi đã muốn giúp hắn thoát án tử hình. Hắn ta đẹp trai và nhiều lúc tỏ ra thông minh. Nếu ngồi xuống nói chuyện với hắn, bạn có thể nghĩ hắn là người bình thường. Hắn diễn rất giỏi. Hoàn toàn thao túng người khác.
Ted kể với tôi một lần hồi học sơ trung học, hắn cho mấy con chuột bạch vào bên trong một cái ràn (tức là một không gian nhỏ, chăng rào xung quanh). Hắn ngồi đó và suy tính xem chọn con nào để cứu và con nào để giết. Hắn cư xử y như thế với phụ nữ. Kiểm soát là trò của hắn. Nhưng Ted có nói với tôi một câu cho thấy hắn cũng 2% không tâm thần. Hắn nói, “John, tôi muốn là người tốt, nhưng tôi không phải người tốt”.
Hắn nói rằng lý do tôi làm luật sư cho hắn lâu như thế – hắn rất hay đổi luật sư – vì tôi giống hắn. Hắn thường bắt chước tôi, ăn mặc giống tôi, điều đó khiến tôi kinh hãi. Rồi hắn từ chối việc thương lượng nhận tội (plea bargain) mà tôi đã thu xếp cho hắn để cứu mạng hắn.
Cùng lúc tôi bào chữa cho Ted, tôi cũng là đại diện cho nhiều phụ nữ bị lạm dụng. Việc này không làm tôi rối trí, nhưng nó có vẻ gây rối trí nhiều người khác.
Bobby Bales sinh ra là người tốt. Hắn là chủ tịch hội sinh viên, đội trưởng đội bóng bầu dục, từng chăm sóc cho trẻ tàn tật nặng. Bobby là nạn nhân của các cuộc chiến của chúng ta. Hắn đi lính bốn đợt, mắc PTSD (Posttraumatic Stress Disorder – rối loạn stress hậu sang chấn) sau đó lại phải làm cùng đám lực lượng đặc biệt “gấu chó” cho hắn thuốc kích thích và rượu. Bobby đã làm một việc ác nhưng hắn không ác, và chúng ta – chính phủ và quân đội chúng ta – lẽ ra phải nhận trách nhiệm giúp đỡ hắn, Nhưng người ta không làm. Nên tôi đã làm.
Rồi tôi sang Afghanistan và gặp lũ trẻ bên ấy – những nạn nhân và nhân chứng của cuộc thảm sát. Tôi đã muốn nhận nuôi chúng. Tôi cho một đứa danh thiếp của tôi. Nó chống nạng, trông rất đáng yêu. Tôi nói: “Nếu con mà muốn qua Mỹ học đại học, nhắn chú, chú sẽ giúp”.
Rất khó để có thể rũ bỏ công việc này, dù nó làm bạn phải nhìn thế giới qua những ô cửa bẩn thỉu. Tôi đã phải kết hôn nhiều lần cũng vì nó. Chung sống với tôi khó lắm. Tôi tập yoga và thiền nhiều. Tôi rất giỏi tự thuyết phục bản thân là mình có thể chia tách mọi thứ rành rẽ.
Điều làm tôi khác biệt với các luật sư khác – nghe có vẻ ngớ ngẩn và hơi hướng Tân Thời chủ nghĩa (new-agey) – là việc tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có mối liên hệ với nhau. Nghĩ như vậy giúp tôi không khinh thường việc tôi làm. Tôi luôn cảm thấy bất an vì tôi thường nghĩ mình chưa làm hết mọi thứ, rằng luôn có ai đó biết nhiều hơn tôi. Thế nên tôi làm quá sức trong mọi việc – và khiến nhân viên và gia đình tôi phát điên.
Tôi bây giờ vẫn không thể nhìn vào hình chụp pháp y mà không phát bệnh. Bạn chỉ có thể nhìn vào cái ác mà không cảm thấy kiệt lực trong một khoảng thời gian ngắn. Bạn hấp thụ nó và điều đó không tốt.
Ba tôi từng nói: “Để giữ cho xã hội chúng ta tự do và dân chủ, ai đó phải làm việc con làm, và làm tốt”. Rồi ông ngập ngừng và nói: “Ba chỉ tiếc là con phải làm việc này”. Và tôi cũng cảm thấy thế.
Irving Kanarek, 94 tuổi, hành nghề luật tại bang California từ năm 1957 đến năm 1989. Ông đại diện cho Charles Mason, người mà vào năm 1971 bị kết án chủ mưu giết nữ diễn viên Sharon Tate và sáu người khác. Kanarek cũng bào chữa cho Jimmy Lee Smith, bị kết án bắt cóc và giết một cảnh sát thành phố Los Angeles năm 1963 trong vụ việc được lưu danh sử sách qua cuốn sách Cánh Đồng Hành (The Onion Field).
Tôi luôn bảo vệ những thân chủ tôi biết là thật sự đã phạm những tội ác khủng khiếp. Họ phải được chứng minh là có tội. Tôi từng làm nhiều vụ có những kẻ tội ác rành rành nhưng không chứng minh được. Và nếu người ta không chứng minh được thì kẻ thủ ác không có tội. Trong trường hợp đó, kẻ ấy được tự do. Đó là công lý kiểu Mỹ.
Tôi lật ngược được án tử hình của Jimmy Lee trong khi hắn bị cáo buộc giết một cảnh sát. Việc này làm tôi trở thành nạn nhân của sự thù ghét cá nhân của giới cảnh sát. Họ hay thổi phạt bắt lỗi giao thông tôi một cách không xác đáng.
Không khó để quyết định nhận vụ Manson. Mục đích của tôi là tranh đấu chống lại những bằng chứng được tòa chấp nhận, mà số lượng bằng chứng này thì rất ít. Tội của Manson được quy dựa trên một số lời nói tin đồn (hearsay), không được chấp nhận làm bằng chứng trước tòa, cáo buộc rằng hắn đã bảo một gã nọ vào làm một vụ trong nhà của Tate. Rõ ràng là hắn vô tội, chiểu theo luật. Và hơn thế nữa hắn thực sự vô tội. Chẳng có bằng chứng gì liên kết hắn với các vụ án mạng đó.
Báo chí, tạp chí, và phim ảnh làm mọi người cuồng hứng – Manson trở thành hiện thân của cái ác trong con người. Charlie không phải là con quái vật. Khi bạn nhìn vào những bằng chứng có thể được tòa án chấp nhận dựa trên luật, bạn sẽ có một kết luận khác. Chỉ cần nhìn hắn và xét đoán một cách khách quan nhất cũng thấy hắn là một con người đàng hoàng.
Tôi đã nghĩ rất nhiều về các tình tiết pháp lý của vụ này. Tôi không chú tâm lắm vào mặt bi kịch con người của nó. Có nhiều giai thoại được đưa ra, ví dụ như đứa bé mà Tate đang mang thai bị lấy ra khỏi người Tate. Không hề như vậy. Những vết thương không hề ở vùng bụng. Chúng nằm chủ yếu ở vùng ngực.
Tôi không dành nhiều thời gian để nghĩ [về Tate và các nạn nhân khác], vì họ là nạn nhân của những tranh chấp mà Charlie không hề dính líu tới. Tôi nghĩ là sự tham gia trực tiếp của hắn đã bị thổi phồng một cách tệ hại.
Khi tôi tới hiện trường, tất cả các xác chết đã được dọn đi. Tôi thấy hiện trường bình thường. Không có gì cho thấy sự dã man. Các vạch phấn khoang vùng chỗ nằm các nạn nhân. Thế nên nó không gây sốc như một số người cảm thấy thế. Tôi không băn khoăn gì về những điều đó. Các công cụ tòa án làm cho những hiện trường như thế ít tính người hơn. Tôi đã không nghĩ về vụ việc theo hướng cảm tính. Các nạn nhân là một phần của vụ này nhưng không phải là một phần hiển hiện. Tôi đã mất ngủ vì một số vụ nhưng không phải vụ này.
Người ta hỏi tôi có bao giờ cảm thấy sự hiện diện của cái ác, tôi không biết phải trả lời thế nào. Tôi không mơ, không nghĩ gì nhiều về Charlie.
Tôi có hối hận về một số vụ có người bị giết hay bị thương. Án mạng chẳng có gì thú vị cả. Nhưng tôi chưa bao giờ bào chữa cho bất kỳ kẻ nào bị cáo buộc đã phạm những tội kinh khủng với trẻ con.
Laurence Lee, 61 tuổi, quản lý văn phòng luật của riêng ông ở thành phố Liverpool nước Anh và chuyên ngành luật hình sự. Năm 1993 ông bào chữa cho kẻ sát nhân 10 tuổi Jon Venebles bị kết án tội bắt cóc bé trai hai tuổi James Bulger từ một trung tâm mua sắm ở Bootle và giết hại bé. Venebles và đồng phạm bằng tuổi hắn Robert Thompson đều bị tuyên có tội và trở thành những kẻ giết người bị kết án trẻ nhất trong lịch sử Anh quốc.
Tôi gọi nó là cuộc gọi điện của số phận. Điện thoại lúc đó đang reng bên ngoài phòng luật sư của tòa vi cảnh thành phố Liverpool. Nó luôn reng mà chả ai nhấc máy. Đúng hôm đó, tôi lại nhắc máy và một giọng nói vang lên: “Anh có thấy ông Laurence Lee ở đó không?”. Tôi suýt nữa đánh rơi cái điện thoại vì sốc. Khả năng họ tìm tới tôi cho vụ này là khá xa vời.
Tôi đã tham gia nhiều vụ án liên quan đến ma túy. Không nhiều vụ án mạng, chỉ vài vụ nổi tiếng và rất căng thẳng. Bạn không thể chuẩn bị cho những thứ như thế này.
Tôi tới đồn cảnh sát Lower Lane và gặp thằng nhóc. Nó trông giống một đứa tám tuổi hơn là một thằng 10 tuổi, và nó trả lời trong cuộc thẩm vấn đầu tiên thuyết phục tới mức là tôi đã tin nó không hề đi đâu gần khu mua sắm Strand. Nó nói nó đã ở đường County gần sân của đội bóng Everton cùng thằng Robert Thompson.
Sau giờ nghỉ, cuộc thẩm vấn thứ hai bắt đầu và các cảnh sát bảo nó: “Các chú đã phỏng vấn Robert, nó nói rằng cháu đã ở khu mua sắm Strand”.
“Chúng cháu không ở Strand, chúng cháu ở đường County, cháu nói rồi mà” – nó nói. Yên lặng. “Vâng, bọn con ở Strand nhưng bọn con không có bắt đứa trẻ nào hết mà mẹ ơi!”.
Đó là lúc tôi nhận ra sự thật. Thằng bé khóc rống lên rồi la hét và chồm khỏi ghế của nó để ôm mẹ nó và viên cảnh sát. Tôi biết chúng tôi đều đã leo lưng cọp. Nó làm tôi đau khổ tới tận bây giờ.
Tối hôm đó tôi về nhà coi chương trình Crimewatch (chương trình truyền hình của Anh chuyên tái hiện lại các vụ án chưa tìm ra thủ phạm – ND) và thấy trên TV một cậu trai có khuôn mặt giống Jon Venebles mang một chiếc nón màu vàng mù tạt. Tôi mất ngủ đêm đó. Buổi sáng trước khi đi làm, tôi nhìn ra khỏi cửa sổ nhà và đã tưởng là mình nhìn thấy bóng dáng một em bé ngồi trên bức tường bên kia đường. Tôi đeo kính vào và nhận ra mình lầm. Tôi nóng lòng muốn trở lại đồn cảnh sát. Tôi xông vào phòng và hỏi Venebles: “Cháu đã mặc áo khoác màu gì?” Nó nói: “Màu vàng mù tạt”.
Từ từ nó dần cho biết nhiều hơn về lúc nó ở Strand. Nó kể rằng bọn nó nghịch phá chỗ này chỗ kia nhưng không hề có dấu hiệu rằng chúng đã phạm bất kỳ tội gì. Tôi đi ăn trưa để thằng bé nghỉ ngơi. Khi tôi quay lại lúc hai giờ chiều, tôi được kể là thằng bé đã nhận tội giết bé James. Nó nói “Chúng cháu đã giết James, làm ơn bảo mẹ nó là cháu xin lỗi”.
Nó đã thú nhận với mẹ nó. Cô ấy đã nói: “Jon, mẹ luôn yêu con nhưng con phải nói sự thật”. Cô ấy có trách nhiệm như thế đấy. Thằng bé luôn khẳng định là Robert Thompson có tội nhiều hơn nó. Chúng tôi đã tranh luận là Robert Thompson là chủ mưu, và tội phải là ngộ sát (manslaughter) chứ không phải giết người (murder). Nhưng bên công tố không chấp nhận tội ngộ sát và thế nên chúng tôi phải thưa với tòa là nó không có tội.
Tâm trạng của thành phố cực kỳ giận dữ, gần tới mức thù oán. Sau lần ra tòa đầu tiên của bọn trẻ, tôi ra cửa sổ tòa nhìn và thấy một đám đông hung hăng quăng gạch đá vào xe cảnh sát đang chở bọn trẻ.
Tôi đã tự hỏi, sao trẻ con có thể tàn nhẫn như thế? Tôi không bao giờ hỏi thằng nhóc sao nó có thể làm như thế. Tôi chưa bao giờ hỏi thân chủ mình câu hỏi đó.
Albert Kirby, điều tra viên của vụ việc, cho rằng bọn trẻ đã có ý định giết đứa bé ngay từ đầu; rằng chúng độc ác từ bản chất. Tôi không đồng ý. Bọn trẻ dắt bé James đi bộ một quãng đường dài, chúng đã có rất nhiều cơ hội để giết bé. Chúng ghé vào một tiệm bán cá nhiệt đới rất lâu, gõ gõ vào bể cá và hỏi nhau liệu lũ cá có thật không. Giả thuyết của tôi là chúng đã tìm cách thả cho bé James đi lạc nhưng rồi không biết phải làm gì với bé.
Tôi lo đến phát bệnh vì vụ này và những hậu quả của việc tiếp nhận nó. Trong thực tế thì văn phòng tôi chỉ nhận được cuộc gọi của một thân chủ có một vụ đòi bồi thường hỏng nhà kính. Bà ấy nói: “Luật sư Lee đang lo vụ nhà kính của tôi. Tôi sẽ không thuê ông ấy nữa nếu ông ấy còn làm vụ này [vụ Bulger]”. Vài ngày sau, ở một trạm xăng tôi gặp một tài xế xe tải cao hơn 2m. Ông này nói “Ồ ông là luật sư trong vụ Bulger phải không?”. Tôi nói phải. Ông ấy bảo: “Ừ tôi thấy ông trên TV tối qua và tôi nghĩ ông rất tuyệt. Cố lên nhé”.
Tôi cảm thấy phấn khởi sau cuộc gặp mặt đó. Tôi đã nghĩ, nếu mình có được niềm tin từ dân chúng Liverpool như thế thì mình không có vấn đề gì.
Tiếp nhận vụ này là vừa là vì nguyên tắc vừa là vì thực dụng. Một luật sư hình sự từ chối một vụ án mạng bất kể khủng khiếp tới đâu thì đừng nên làm luật nữa. Đơn giản vậy thôi. Và nếu bạn thật sự có tham vọng, dĩ nhiên bạn sẽ tiếp nhận vụ việc. Tôi đã có nhiều cơn ác mộng – một giấc mơ lập đi lập lại mà trong đó tôi ngã khỏi một chiếc tàu đi xuyên nhà ma hay có trong các công viên giải trí và bị cán qua người. Vụ việc kết thúc tháng 11 nhưng đến khi tôi đi nghỉ vào tháng 1 năm sau đó tôi vẫn chưa hết ác mộng. Tôi cũng hay có những hồi tưởng tệ hại. Ngày đầu tiên ra tòa, tôi phải xem video cảnh phát hiện xác đứa bé. Tôi bỏ kính ra để không phải thấy. Cùng ngày hôm đó, tôi phải tới đồn cảnh sát để đọc biên bản khám tử thi. Chi tiết làm tôi sốc nhất là một chiếc lá bị dính vào chân đứa bé. Tôi khóc. Thật tệ hại.
Thẩm phán Morland tuyên mức án tám năm tù và phía nhà Bulger đã ồ lên phẫn nộ. Vị bộ trưởng bộ Nội vụ theo đảng Bảo Thủ là Michael Howard đòi tăng án lên 15 năm. Khi bọn trẻ đâm đơn kháng án lên Tòa Nhân quyền Châu Âu (European Court of Human Rights), tôi không đại diện cho Venebles nữa. Trước khi đó thì tôi hay tới thăm Venebles tại nhà tạm giam. Khoảng một năm sau phiên tòa đầu tiên thì luật sư tranh tụng, ông Brian Walsh QC (Queen’s Counsel – danh hiệu ban tặng cho luật sư giàu kinh nghiệm – ND), nói với tôi rằng mỗi khi Venebles nhìn thấy tôi, nó thấy lại quá khứ và nó muốn làm lại cuộc đời nó. Chúng tôi cảm thấy cách tốt nhất là đổi luật sư mới.
Mẹ của bé James – cô Denise – lúc đầu nói rằng cô không bao giờ muốn thấy các hung thủ được thả tự do. Sau đó cô ấy dịu lại và nói rằng chúng nên được thả một ngày nào đó, nhưng tám năm tù là quá ít. Tôi cảm thấy cảm xúc xung đột. Nếu tôi trung lập, tôi nghĩ rằng tôi sẽ nói là án tù không đủ dài. Nhưng án tù lúc nào cũng ít nhất là tám năm hoặc cho tới khi tù nhân thuyết phục được ủy ban phóng thích (parole board) rằng anh ta phù hợp để tái hòa nhập xã hội.
Venebles rõ ràng là đã lừa được ban phóng thích vì hắn tái phạm [năm 2010, hắn lại bị giam vì tội tải về và phát tán hình ảnh đồi trụy của trẻ con]. Tôi đã kinh ngạc. Có lẽ tôi không nên cảm thấy quá ngạc nhiên. Tôi đã luôn nghĩ rằng chúng có thể được thả nhưng chúng sẽ không bao giờ được tự do. Chúng đã phải lo lắng ngó chừng sau lưng suốt từ khi quan tòa cho tiết lộ danh tính của chúng – và tôi đã rất giận dữ vì chuyện đó. Trước đó, chúng chỉ là Bé A và Bé B. Khi đã có danh tính mới, chúng phải tự tạo lại tuổi thơ của chúng. Việc đó thôi cũng đủ làm bạn đâm đầu vào bia rượu và ma túy, và Venebles đã trở thành kẻ nghiện rượu nặng.
Nếu tôi gặp lại hắn bây giờ, tôi sẽ hỏi tại sao hắn lại tái phạm tội. Tôi sẽ nói, tôi không cần biết chuyện năm 1993. Hắn được cho cơ hội làm lại cuộc đời – và rồi chuyện gì đã xảy ra?
Việc làm luật sư trong vụ Bulger không phải là một điều sỉ nhục, nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đến tôi. Trong một khoảng thời gian dài sau vụ việc, tôi không đi làm nữa. Tôi bị một thứ tôi gọi là triệu chứng hậu-Bulger. Quan trọng là tôi có thể nói ra về vụ việc này; thật sự là một sự giải tỏa. Tôi không muốn nói rằng tôi có thể đã phải vào viện tâm thần, nhưng thật tốt khi có thể bộc bạch về nó.
William Kelley, 65 tuổi, về hưu hai năm trước sau khi hành nghề luật tại quận Cam, bang California, suốt 33 năm. Ông bào chữa cho Charles Ng, kẻ bị kết án tội giết 11 người. Ng và đồng phạm Leonard Lake bắt cóc và tra tấn các nạn nhân của chúng tại một căn nhà gỗ trong vùng đồi hẻo lánh Sierra Nevada vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Tôi đã giỏi trong chỉ đúng một việc là tranh tụng trước tòa. Nếu bạn thích đứng trong phòng xử án như tôi, bạn sẽ thấy nó thật sự cảm thấy kích thích, hưng phấn. Đặc biệt khi bạn có một vụ việc thú vị.
Tôi không để cảm xúc lấn át khi làm việc với thân chủ. Tôi phạm sai lầm đó một lần và nó đã giết tôi. Tôi nghĩ là mình khá giống lính đánh thuê. Cứ đưa thân chủ tới đây và tôi sẽ bào chữa cho họ.
Vụ Charles Ng là đỉnh núi đối với tôi. Tôi cảm thấy tự hào là họ đã nhờ đến tôi. Mối quan ngại duy nhất của tôi không phải là việc hắn là một con quái vật mà là khối lượng công việc. Và tôi đã đúng. Sáu năm.
Tôi có cảm thấy kinh sợ thân chủ của mình không ư? Trong bối cảnh một vụ án mạng, bạn không thể có tư duy đó. Bạn phải nghĩ rằng: Tôi đang làm mọi thứ có thể để bào chữa một cách tốt nhất cho người này. Bạn muốn chiến thắng. Bạn muốn tranh đấu với bên kia. Thân chủ bạn thoát hay không thì tùy vào bồi thẩm đoàn.
Cần thiết phải hiểu Charles Ng trước khi bào chữa cho hắn ta. Mối quan hệ giữa tôi với hắn không thật sự chân thành vì hắn chỉ trích tôi thường xuyên. Tôi bảo hắn rằng tôi là một luật sư kinh nghiệm, mọi việc sẽ phải làm theo cách của tôi.
Mấy cuộn băng video rất kinh khủng. Trong một băng, Kathleen Allen bị trói. Chúng nói chuyện với cô ấy, nói với cô ấy rằng cô phải tuân lệnh chúng và rằng chúng sẽ giam cầm cô ấy tiếp. Cô ấy thật sự kinh hoàng. Khó mà xem những thứ như thế. Lần đầu coi, tôi phải kêu trời. Nhưng tôi cũng suy nghĩ bạn ạ, rằng đó là một bằng chứng xấu. Brenda O’Connor có mặt trong một cuộn băng khác. Cô ấy muốn biết đứa trẻ con cô ấy đâu. Cô ấy phản kháng, tranh cãi và rủa xả. Chúng nói: “Chúng tôi cho con cô đi rồi. Thằng bé khỏe”. Điều đó không đúng sự thật. Đứa bé không bao giờ được tìm ra. Chúng đặt một khẩu súng lên bàn. Đơn giản là cách chúng nói, cô bây giờ là của chúng tôi. Bạn phải đớn người im lặng khi thấy cảnh đó. Tôi không nhớ được là mình có ngủ được tối hôm đó không nhưng tôi đoán là không. Tôi coi băng video đó theo hàng chục lần nữa sau đó. Ảnh hưởng yếu dần đi vì bạn phải tìm chi tiết trong băng hình đó.
Phòng xử án chật kín người, chỉ còn chỗ cho người đứng, ngày nào cũng vậy. Một số người nhà của các nạn nhân căm ghét tôi. Bạn không thể tranh tụng thành công trong những vụ án mạng nếu bạn để cảm xúc dành cho các nạn nhân lấn át. Bạn phải rất rất khách quan. Gần như là lạnh lùng. Bạn có thể cảm thông có mức độ, có thể nghĩ đến việc này trong ngày đầu tiên khi bạn thấy họ khóc trong phòng xử án. Nhưng khi búa tòa đã đập và trò chơi bắt đầu, thì chấm dứt, họ không còn liên quan đến việc bạn đang làm nữa.
Bạn phải biết tiên đoán xem khi nào thì bạn cần một phản ứng cảm xúc từ bồi thẩm đoàn, phải biết cách bấm nút điều khiển họ. Tòa án là một sân khấu của nghệ thuật thuyết phục. Bạn làm việc phải làm – trong giới hạn đạo đức.
Khi vụ việc kết thúc, tôi đã kiệt sức. Tôi bay một mình tới Ireland. Trị liệu bằng bia Guinness. Guinness và đánh gôn.
Tôi mừng vì mình đã tham gia vụ Charles Ng nhưng tôi sẽ không làm như thế một lần nào nữa. Nó lấy đi quá nhiều của bạn. Tôi có một mối quan hệ đổ bể, phần nhiều vì vụ này. Nó không bao giờ rời khỏi bạn.
Tôi còn giữ một số hình gấp giấy origami của Charles phía trên lò sưởi nhà mình. Tôi nghĩ thật là lạ. Hắn ta rất nghệ sỹ, một gã cực kỳ sáng tạo. Tôi cũng thích nghệ thuật. Có mấy hình gấp giấy ở đấy để nhắc tôi lại toàn bộ trải nghiệm đó.
Dịch từ “Defending the indefensible? Lawyers on representing clients accused of nightmarish crimes” (The Guardian)