Nguyễn Hoài An (dịch)
Hiện tại, phiên tòa xét xử tranh chấp lợi ích hàng hải giữa Philippines và Trung Quốc do Tòa Trọng Tài Thường Trực của Liên Hiệp Quốc tổ chức vẫn đang diễn ra tại Hague, Hà Lan. Luật Khoa tạp chí đã tổng hợp thông tin về vụ kiện từ góc nhìn của Trung Quốc, cũng như cách mà pháp luật quốc tế, cụ thể hơn ở đây là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (“UNCLOS”) ghi nhận về phiên tòa này. Trong bài viết dưới đây, Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu 5 luận điểm cơ sở của Philippines trong vụ kiện này.
1. “Chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc
Luận điểm: “Trung Quốc không có quyền tuyên bố và áp đặt cái mà quốc gia này gọi là “chủ quyền lịch sử” đối với các vùng nội thủy, lãnh hải và thềm lục địa vượt khỏi giới hạn chủ quyền của mình theo Công ước”.
Giải thích: Trung Quốc cho rằng Biển Đông (hay còn gọi là Biển Hoa Nam hoặc Biển Tây Philippines) thuộc quyền sở hữu của mình từ hàng trăm năm nay. Đây là lý do tại sao đất nước này tuyên bố mình có chủ quyền lịch sử đối với khu vực tranh chấp.
Tuy nhiên, thẩm phán cấp cao Antonio Carpio của Tòa án Tối cao Philippine cho rằng “ngay cả khi điều này đúng”, những chủ quyền lịch sử này không liên quan đến vùng biển tranh chấp theo UNCLOS. Theo giải thích của thẩm phán Carpio, UNCLOS “đã loại trừ toàn bộ vấn đề chủ quyền lịch sử của các quốc gia”. Thay vào đó, Công ước này cho mỗi quốc gia ven biển một vùng đặc quyền kinh tế được xác lập từ những yếu tố hàng hải phù hợp.
2. Đường 9 đoạn của Trung Quốc
Luận điểm: “Đường chín đoạn của Trung Quốc không dựa trên bất cứ cơ sở nào chiếu theo luật pháp quốc tế vì nó ngầm xác định giới hạn của tuyên bố về “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc.
Giải thích: Đường chín đoạn là đường ranh giới hàng hải mà Trung Quốc dùng để tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Phía Trung Quốc viện lý đường này dựa trên “chủ quyền lịch sử” của mình.
Tuy nhiên, Philippines khẳng định đường 9 đoạn này không có cơ sở pháp lý theo UNCLOS. Công ước của Liên Hợp Quốc công nhận vùng đặc quyền kinh tế, chứ không phải đường 9 đoạn.
3. Bãi đá ngầm hay đảo?
Luận điểm: “Nhiều yếu tố hàng hải mà Trung Quốc lấy đó làm cơ sở để khẳng định các tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông không phải là đảo có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế. Một số đơn thuần chỉ là những “bãi đá ngầm” theo như quy định trong khoản 121, đoạn 3; một số khác lại là đất ngập nước khi thủy triều lên; thậm chí một số khác nữa là phần đất ngập nước vĩnh viễn. Do đó, không có yếu tố nào có khả năng tạo ra quyền lợi hàng hải vượt quá 12 hải lý, và một số càng không tạo ra bất kỳ quyền hàng hải nào theo UNCLOS. Những hoạt động cải tạo trên diện rộng gần đây của Trung Quốc không thể thay đổi một cách hợp pháp đặc trưng tự nhiên và tính chất ban đầu của những yếu tố hàng hải này.”
Giải thích: Theo UNCLOS, các đảo dân sinh có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, còn bãi đá ngầm thì không thể.
Trung Quốc cố gắng mô tả một số yếu tố trên Biển Đông là đảo, và cho rằng những “hòn đảo” này sẽ thiết lập vùng đặc quyền kinh tế. Để chứng minh cho sự phi lý này, có thể lấy ví dụ Panatag, vốn chỉ là một bãi đá ngầm (thuộc bãi Scarborough) dù Trung Quốc cố gắng tuyên bố đây là một hòn đảo.
Bắc Kinh cũng luôn cho rằng những “hòn đảo” này sẽ xác lập vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc, chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Philippines gặp vướng mắc ở chỗ, năm 2006 Trung Quốc tuyên bố, đất nước này “không chấp nhận” thẩm quyền bắt buộc của tòa trọng tài UNCLOS đối với tranh chấp liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn. Bản thân quy định của UNCLOS cũng cho phép những bảo lưu tương tự này.
Đây cũng là một phần lý do Trung Quốc cho rằng, Tòa án Trọng tài Hague không có thẩm quyền tiếp nhận vụ việc tranh chấp của Philippines – bởi nó liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế đang chồng lấp.
“Tranh chấp hàng hải giữa Philippines và Trung Quốc rút gọn lại xoay quanh vấn đề liệu vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông có chồng lấn hay không”, thẩm phán cấp cao Carpio nhận định.
Tuy nhiên, thẩm phán Carpio cũng giải thích rõ rằng “Trung Quốc không có vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough”. Ông cũng tin rằng tòa án quốc tế sẽ đương nhiên “từ chối trao cho Itu Aba” một vùng đặc quyền kinh tế tương ứng, cho dù nó là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa.
Ngoài ra, phía Philippines cũng nhấn mạnh, các hoạt động cải tạo của Trung Quốc không “làm thay đổi một cách hợp pháp” những vùng, bãi đá ngầm này thành đảo.
4. Vi phạm luật biển
Luận điểm: “Trung Quốc đã vi phạm Công ước khi can thiệp vào việc thực thi chủ quyền tài phán của Philippines”.
Giải thích: Trung Quốc đã và đang ngăn cấm ngư dân Philippines đánh bắt cá tại Biển Đông, trong khi theo UNCLOS, Philippines được độc quyền khai thác thủy hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của mình cho dù vùng biển đang có tranh chấp.
5. Tổn thất môi trường
Luận điểm: “Trung Quốc đã phá hoại một cách không thể phục hồi môi trường biển của khu vực, vi phạm nghiêm trọng quy định UNCLOS, mà cụ thể là việc phá hủy hoàn toàn một số rặng san hô tại Biển Đông, bao gồm cả những khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, tiến hành các hình thức khai thác tận diệt thủy hải sản và đánh bắt các loài thủy sản quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng”.
Giải thích: Trung Quốc đang bành trướng việc xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Theo phía Philippines, các hoạt động bồi lấp cải tạo cưỡng bức của Trung Quốc đã vùi lấp hơn 311 hecta rặng san hô, gấp 7 lần diện tích của Tòa Thánh Vatican. Điều này gây tổn thất kinh tế vào khoảng 106 triệu đô-la. Philippines đồng thời cũng cáo buộc Trung Quốc tạo điều kiện cho ngư dân nước này đánh bắt thủy hải sản trái phép.
Có thể thấy, các luận điểm của Philippines chủ yếu xoay quanh chủ quyền đánh bắt cá, cũng như chủ quyền khai thác các nguồn tài nguyên khác trên Biển Đông. Các quyền này dựa trên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Phía Philippines hy vọng, phiên tòa giải quyết tranh chấp tại Hague sẽ đưa đến một giải pháp lâu dài cho cuộc tranh chấp trên Biển Đông.
Về phần mình, Trung Quốc từ chối trả lời các vấn đề mà Philippines nêu ra. Thay vào đó, đất nước này ra Thông cáo lập trường, bác bỏ các tuyên bố của Philippines, phủ nhận thẩm quyền xét xử của tòa án UNCLOS.
Dịch từ EXPLAINER: Philippines’ 5 arguments vs China